Saturday, 26 May 2012

Lm Frank Doyle sj: “Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi”


Suy niệm Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống năm B

“Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi”
sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
dâng cao lên, cao tột tới trên trời.”
(thơ Hàn Mặc Tử)
Ga 20: 19-23
            Sóng lòng nhà thơ, dâng cao lên, cao tột tới trên trời. Tâm can nhà Đạo, dồn dập như mây trời đầy Thần Khí, cứ tuôn ra. Thần Khí Chúa, luôn tuôn trào đổ xuống nơi tâm tư nhà Đạo, như trình thuật hôm nay, quyết mô tả.

            Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an lại diễn tả mầu nhiệm rất thánh, Chúa cứu độ. Nơi nhiệm mầu cứu độ, Chúa báo trước việc Ngài gửi Thần Khí đến với dân con nhà Đạo, rất thân thương. Thần Khí đến, là thực tại sóng lòng dồn dập, suốt tâm can. Nơi mây trời, người nhà Đạo.

            Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, cũng được trích dẫn vào ngày Chúa Sống Lại. Vào khi ấy, Chúa báo hiệu Ngài gửi Thần Khí đến với môn đệ, và uỷ thác cho các thánh, sứ vụ giảng rao Tin Mừng, niềm vui đến. Hai trình thuật, diễn tả hai tình huống khác nhau. Nhưng, cùng một thực tại sống động. Với thực tại này, thời gian và không gian không là chuyện quan trọng.  

            Quan trọng là: hôm ấy, môn đệ Chúa rất hãi sợ chuyện liên lụy. Sợ, bị nhốt giam hoặc hành hình, như Thầy mình. Nên, đã “cửa đóng then cài”, rất cẩn trọng. Bất chợt, Thầy hiện đến ở với các ngài. Thầy chào đồ đệ bằng câu lời chào thông thường, rất “Shalom”. Ở đây nữa, lời chào thông thường ấy, đã mang ý nghĩa của một lời chúc hoà bình: “bình an thật ở cùng anh em”.     

            Chào bình an, lời chúc gửi đến với đồ đệ/người thân, luôn mang theo một sứ điệp quan trọng. Thật rõ ràng. Rõ ràng, ở điểm: nơi đâu có Chúa hiện diện, nơi đó luôn có bình an đích thực. Sinh động. Rất vui sống.

            Và khi có được bình an vui sống Chúa trao ban, thì kế tiếp Chúa đính kèm một sứ vụ: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai  anh em.” “Thầy sai đi”, là lời nhắn nhủ: anh em cứ đi đi mà truyền cho nhau cây “gậy” tiếp sức. Nghĩa là, ta hãy trao cho nhau công tác Chúa uỷ nhiệm, để rồi “Nước Chúa ở gian trần”, sẽ mau chóng được thiết lập, thôi. 

            “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông”, tiếng Hy Lạp cụm từ “thổi hơi” “Thần khí” mang cùng ý nghĩa tương tự. Thổi hơi, để nhớ lại động tác Thiên Chúa từng làm, khi Người “thổi” Thần khí sống động vào bụi đất và đưa người đầu tiên trong trần gian đi vào hiện hữu. Đích thực. Ở đây nữa, động tác này mang tính cách một loại hình đầy sáng tạo. Tựa như, ta cùng với Chúa đồng công-sáng tạo “con người mới”, tức ý nghĩa mà thánh Phao-lô đề cập đến trong thư gửi các cộng đoàn: “Người tràn đầy Thần Khí Chúa, và được sai phái tiếp tục công việc Ngài vẫn làm.”

            Làm theo phương cách nào? Và đây, là giải đáp Chúa đưa ra:“Anh em tha lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha. Anh em cầm buộc ai, người ấy sẽ bị cầm buộc.”(Ga 20: 23). Nói thế, có nghĩa là: công việc của chúng ta nay là tác động của việc hoà giải. Hoà giải, giữa Thiên Chúa với con người. Hoà giải, giữa mọi người với nhau. Hoà giải, để: những anh em lâu nay lầm lỡ, sẽ trở thành con cùng một Cha. Hoà giải, để ta có thể chữa lành mọi đớn đau/tật bệnh. Và, để xoá bỏ mọi hờn căm/chia rẽ, ngõ hầu, dựng xây Nước trời Ngài gọi mời.

            Hội thánh lâu nay dùng đoạn Tin Mừng hôm nay, làm nền tảng cho Bí tích Hoà Giải. Nhưng, ý nghĩa của lời Thầy uỷ thác, còn đi xa hơn. Lời Thầy không chỉ giới hạn trong khuôn khổ một Bí tích, thôi. Nhưng, mang tầm vóc rộng rãi hơn.

            Bài đọc 1, cũng đề cập rõ hơn ý nghĩa này. Cũng là ý nghĩa, đã được thánh Luca diễn giải trong sách Công Vụ Tông Đồ, mà nhiều nhà chú giải đã kết nối với cuộc “Xuất hành lớn”, ở Cựu Ước. Tức, gợi nhớ dân con Đạo mình, về với biến cố Chúa giải thoát dân Người, khỏi cảnh làm thân nô lệ, đất Ai Cập.          

            Ở đây nữa, biến cố nói ở trên còn bao gồm nhiều yếu tố rất súc tích, như:

1.      “Cơn gió mạnh” hàm ngụ Thần Khí đến, Tin Mừng thánh Gioan gọi là “Ngài thổi hơi
2.      “Thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lửa, tản ra đậu trên từng người một”, Lời Ngài đây qui chiếu về trình thuật “Xuất Hành”, có ý nói đến quyền uy và sức mạnh của Thiên Chúa đang hiện diện. Đọc kỹ tin Mừng, hẳn ta sẽ nhớ đến hình ảnh “Lùm cây bốc lửa”, khi Thiên Chúa chuyện vãn với ông Môsê, và sau đó, trao cho ông sứ vụ về với dân mình. Ở đây cũng nhắc ta gợi nhớ đến “cột lửa về đêm”, luôn tháp tùng/dẫn đưa dân Do Thái qua hành trình trên sa mạc. Nói đến lửa, mọi người thời ấy đều hiểu rằng: không ai bị bỏ rơi, đơn độc.

Kỳ diệu ở đây, là: sự việc diễn tiến nơi trình thuật dẫn đến hiệu quả tuyệt vời, nơi các ngài.
Các thánh hôm đó, tuy vẫn “kín cổng cao tường”, sợ bị bắt. Các ngài cứ tưởng như mình bị “cơn gió mạnh” cuốn hút khỏi phòng họp, biến đi mất. Nhưng ngược lại, các ngài lại được chính “ngọn gió lành” ấy, thôi thúc việc sẻ san kinh nghiệm mình từng trải. Và như thế, là các thánh đã hội ngộ cùng Thần Khí Chúa, qua Thầy mình. Cũng từ đó, mọi đe doạ về những hành hình và bách hại, đã không còn cơ sở để khiến các ngài hãi sợ, nữa.

            Bằng vào kinh nghiệm mình đang có, các thánh nay được trao ban quyền lực có đối thoại, và chuyển tải. Kể từ lúc đó, sứ vụ của các ngài được mọi người đều biết đến. Các thánh không còn gặp trở ngại về ngôn ngữ, kiểu Babylon tháp ngà khi xưa. Kinh nghiệm đây, không phải là kinh nghiệm “nói tiếng lạ”, với mọi người. Nhưng, là kinh nghiệm cho thấy: sứ vụ Chúa uỷ thác cho mọi người, là thông điệp rất dễ hiểu. Hiểu rất dễ, vì thông điệp ấy chính là Lời Vàng Ngọc của Đức Kitô, nay đạt phần sâu thẳm nơi tâm can, của mỗi người.        

            Từ nay, không ai là “dân riêng Chúa chọn”. Nhưng, mọi người đã là con dân Đức Chúa. Bằng nhau. Như nhau. Tất cả đều đã được Chúa kêu mời. Còn lại là chuyện có đáp trả hay không, là tuỳ mỗi người. Và, mọi người. Đáp trả, là đối đáp và ứng phó với lời mời gọi, từ Chúa. Đáp trả, là hành động tự do, không thúc ép. Đáp trả, là để ta ra đi mà dựng xây Nước Trời. Ở trần gian.  

            Thần Khí Chúa đến với anh em, việc này đem lại kết quả ra sao?
            Bài đọc 2, thánh Phaolô đã minh chứng: “Không ai nói được Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí”. Gọi Đức Giêsu là “Chúa”, không có nghĩa: chỉ thốt lên lời ca tụng, rất sốt sắng. Nói được lời như thế, phải có lòng tin đích thực. Tin vào Đấng được gọi là Giêsu Kitô. Tin, còn là chứng tỏ việc ấy có thể xác minh bằng đường lối ta vẫn sống.

            Thêm nữa, Thần Khí là cội nguồn của mọi quà tặng rất đặc biệt, tức “đặc sủng”, mà mọi thành viên cộng đoàn dân Chúa, lâu nay vẫn nhận lãnh. Cội nguồn đặc sủng, chỉ là một. Một Thần Khí. Một Đức Chúa. Đấng Hiệp Nhất, con dân Ngài về một mối, tức cộng đoàn. 

            Nhưng, quà tặng cũng có nhiều loại. Nhiều cách. Cách gì đi nữa, cứ nhớ rằng: quà tặng ban, sẽ không là ân huệ tư riêng, của một ai. Ân huệ tư riêng là khả năng đặc biệt, mà mọi người được phép sử dụng ngõ hầu phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Chính vì thế, mọi người chúng ta phải hợp tác. Phải cùng hành động. Cùng sử dụng chung quà tặng Ngài ban, ngõ hầu dựng xây cộng đoàn, cho tốt đẹp.

            Nếu đếm, ta vẫn thuộc về số đông. Nhưng, bằng vào hoạt động của Thần Khí, ta đã thực sự trở nên một. Một Thân Mình. Một Đức Kitô. Tuy bao gồm nhiều cơ phận. Nhưng, mọi cơ phận đều hoạt động theo cung cách duy nhất. Và, nhờ Thân Mình Chúa làm Một với ta, mọi người sẽ góp phần tư riêng của mình, cho cuộc sống. Cho hoạt động của cộng đoàn. Đó, là điều mà thánh Phaolô muốn nói: “Là Do Thái, nô lệ hay tự do, ta đều đã chịu phép rửa. Trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta được tràn đầy một Thần Khí duy nhất.” (1Cr 12: 13)

            Thần Khí đây, là đường dẫn đến tự do đích thực. Có giải thoát. Thần Khí đây, không là đường lối của nô lệ. Nhiều cưỡng bức. Rất tham lam. Nghiện ngập hoặc hãi sợ. Qua Thần Khí, ta có được tương quan mật thiết với Chúa. Tương quan đặc biệt cho phép ta được gọi Ngài: “Cha ơi!”. Đầy tràn một Thần Khí, ta trở nên con cái Chúa, theo ý nghĩa trọn vẹn nhất. Ta lại được trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, nữa.

            Thần Khí biến cải ta thành người đồng thừa tự với Đức Kitô trong việc “cùng khổ đau với Ngài, để rồi sẽ cùng Ngài và trong Ngài, rất quang vinh”. Khổ đau đây, không giới hạn tự do ta đã có, bởi lẽ với quyết tâm trọn vẹn xả thân cho sự thật. Cho tình thương. Cho tư do đích thực. Cho phẩm giá con người, để ta được chuẩn bị mà trả giá cho bất cứ sự đầu hàng nào, nếu thấy cần. Không cậy nhờ Thần Khí, ta chẳng bao giờ thấy được hạnh phúc. Trong cuộc đời.

No comments: