LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
Bài Tin Mừng hôm nay ( Mc 16, 15 – 20
) được trích từ phần cuối cùng của một đơn vị văn chương thường được gọi là
“phần kết quy điển của sách Tin Mừng thứ hai” ( Mc 16, 9 – 20 ). Phần kết này
không có trong các thủ bản cổ xưa nhất. Đây là một tài liệu của thế kỷ thứ hai
được thêm vào, có thể là do các tín hữu cảm thấy khó chấp nhận sự kiện sách Tin
Mừng kết thúc với chuyện các người phụ nữ sợ hãi. Mặc dù không do tác giả Marcô
biên soạn, nhưng phần kết này bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa và vẫn thuộc
về quy điển Thánh Kinh.
Câu chuyện được kể trong bài Tin
Mừng hôm nay thuộc về phần kể lại cuộc hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu và biến
cố Người được đưa lên trời.
Hôm ấy, Nhóm Mười Một đang dùng bữa
thì Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các ông. “Người
nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin,
thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân
danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được
rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên
những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ" ( cc. 15 – 18
).
“Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” ( c. 19 ).
Điểm đặc biệt
đáng chú ý là tác giả đã không sử dụng bất cứ một chi tiết ly kỳ nào để miêu tả
chính biến cố Thăng Thiên, cũng không nói gì về tâm tình hay cảm xúc của những
người chứng kiến. Điều này làm cho trình thuật Tin Mừng khác hẳn tất cả những
câu chuyện truyền kỳ và hoang đường đương thời.
Tác giả không mô tả chính việc Đức
Giêsu lên Trời. Điều ông quan tâm là giúp các tín hữu thời đại ông sống sứ mạng
của họ theo thánh ý Thiên Chúa. Ông không bận tâm đến thái độ và phản ứng của
các đồ đệ chứng kiến cuộc Thăng Thiên, mà chú ý đến việc Hội Thánh phải lấy lập
trường Đức Tin như thế nào đối với mầu nhiệm Thăng Thiên và mầu nhiệm Cánh
Chung.
Điều chính yếu là lập trường căn bản
mà Hội Thánh phải có đối với mầu nhiệm Cánh Chung. Vì thế, ông nhấn mạnh rằng
Hội Thánh phải tin rằng chính Đức Chúa, trong hiện tại của Hội Thánh, đang điều
khiển lịch sử và công trình loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
“Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ
sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có
uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người
bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” ( cc. 17 – 18 ).
Phần Hội Thánh, sau
khi Chúa Giêsu đã “lên Trời” rồi, thì “Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các
ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” ( c. 20
).
Liên quan đến mầu nhiệm Thăng Thiên
mà chúng ta cử hành hôm nay, cứ theo những gì Kinh Thánh trình bày, chúng ta có
thể nói: đây là một thực tại có hai khía cạnh. Một bên là mầu nhiệm Đức Giêsu
Phục Sinh vào trong cõi của Thiên Chúa một cách vô hình ( “ngự bên hữu Thiên Chúa” ), còn bên kia là biến cố Người từ giã thế
gian này một cách hữu hình ( “được đưa
lên trời” ).
Khía cạnh thứ nhất trình bày cuộc
tôn vinh Chúa Phục Sinh trên cõi Trời, mang đậm chiều kích thần học, vượt quá
giác quan, chỉ có thể chấp nhận nhờ lòng tin và ơn Chúa Thánh Thần. Khía cạnh
thứ hai là một sự kiện xảy ra trong lịch sử, thuộc phạm vi của những thực tại
có thể kinh nghiệm được.
Khía cạnh thứ nhất, khía cạnh mầu
nhiệm, là điều chính yếu và thuộc về nội dung căn bản của lòng tin. Còn việc
Đức Giêsu chia tay các Đồ Đệ sau 40 ngày là một biến cố xảy đến như một ân huệ
Thiên Chúa thương ban cho chúng ta vì bản tính yếu đuối của con người có giác
quan. Vậy sự kiện xảy ra vào lúc kết thúc “40 ngày” không thể diễn tả trọn vẹn,
đầy đủ và tương xứng chính mầu nhiệm Đức Tin thâm sâu vượt quá giác quan con
người.
Chính vì thế, khi mô tả biến cố
Thăng Thiên, Tin Mừng luôn cố ý giữ gìn một tâm tình kính cẩn trước mầu nhiệm.
Tác giả tránh mọi chi tiết mang tính huyền thoại, chỉ giữ lại ở mức tối thiểu
những hình ảnh văn chương không thể không dùng để diễn tả mầu nhiệm.
Để trình bày ý tưởng Đức Chúa Phục
Sinh đã siêu vượt thế giới hư nát này và đi vào vinh quang Thiên Chúa, Kinh
Thánh buộc phải dùng lối nói “lên Trời”. Đó là hình ảnh có giá trị tượng trưng
mà chúng ta buộc phải chấp nhận để diễn tả mầu nhiệm.
Vậy khi chúng ta nói Đức Giêsu lên Trời,
điểm cốt yếu phải tin là Chúa Kitô đã sống lại và siêu vượt khỏi cái thế giới
tù túng, tội lụy, thay đổi và đau thương này. Với thân xác phục sinh, Người đã
đi vào một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa: “Người ngự bên hữu Thiên Chúa” ( c. 19 ).
Thế giới đó là
thế giới xác thực, thiêng liêng, mới mẻ và siêu việt. Chỉ trong thế giới đó mới
có sự sống đích thực. Thế giới đó siêu việt chứ không xa cách với thế giới
chúng ta đang sống. Đó là một thế giới khác biệt hẳn về phương diện thực hữu, chứ
không phải về phương diện không gian xa gần hay rộng hẹp.
Chúng ta có thể “sờ đụng” vào thế
giới đó trong Lòng Tin và nơi các Bí Tích Cứu Độ. Đó là một sự “tiếp cận” mầu
nhiệm nhưng đồng thời vẫn rất thật, rất gần, thật và gần hơn cả cái thế giới
phàm tục mà ta đang sống đây...
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
20.5.2012
No comments:
Post a Comment