Monday, 30 April 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: Bóng Nhỏ Giáo Đường


BÓNG NHỎ GIÁO ĐƯỜNG

Có ai về miền quê lửa khói cho tôi nhắn vài câu
Cách xa lâu rồi không biết em còn giận hờn anh nữa thôi
Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng
Dưới lầu chuông anh khắc tên nhau chung
trong lời khấn xin chan chứa niềm tin.
Có ai ngờ tình yêu ngày đó gieo ngang trái sầu lo
Lửa binh lan tràn hai đứa đôi đàng mộng đẹp kia vỡ tan
Từng hồi chuông tha thiết bi ai vang trong mùa quan tái
Tiếng cầu kinh khe khẽ thôi vang khi quân giặc giẫm tan ngôi Thánh lầu chuông.
Nhớ mãi ngày ấy quân cướp xô bừa hạ gác chuông
Nước mắt em tuôn xót xa quỳ trên đống tro tàn
Nhớ mãi ngày ấy anh góp che dựng lại gác chuông
Với trí ngây thơ vững tin tầm vông giữ Nhà Thờ.
Kỷ niệm của chúng ta !
Mấy năm rồi buồn vui ngày đó theo anh giữa trời sông
Dẫu xa phương trời nhưng sống muôn đời chuyện lầu chuông thuở xưa
Và từng đêm anh chắp hai tay xin cho tình yêu đó
Thấm nhuần trong tay Chúa ban ơn, anh xây lại gác chuông trên kỷ niệm xưa…
( Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông )
Với những người chung quanh thập niên 50 và 60, cho đến nay có lẽ khó tìm được những bài hát nào lời Việt về chủ đề Giáng Sinh qua mặt những tác phẩm được sáng tác trước năm 75, cụ thể như bài “Bóng nhỏ giáo đường” ở trên, cho dù là dòng nhạc Bolero bị gán cho cái tên là “Nhạc Sến” nghe không mấy thiện cảm.
Câu chuyện tình yêu bao nhiêu kỷ niệm gắn bó với ngôi Nhà Thờ nhỏ của một miền quê thuở ấy, những dấu vết, những ước mơ, những đau khổ, những cố gắng, những công việc, rất dễ thương, rất gần gũi, rất mộc mạc của con người, của tình yêu, của Nhà Thờ.
Hôm qua tôi có dịp trở lại ngôi Nhà Thờ nơi gia đình tôi đang ở để dâng Thánh Lễ, Nhà Thờ xây khang trang hơn ngôi Nhà Thờ trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất nhiều, mái ngói, tường xây, cột đá, các công trình điêu khắc giá trị, ghế bàn gỗ Lim… Khi dâng Lễ, tâm hồn tôi xúc động lạ thường, tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn chung quanh như chưa bao giờ được ngắm nhìn, từng chi tiết sống động trước mắt tôi, từng kỷ niệm, từng con người lần lượt hiện ra trong mắt tôi. Vâng ! Chỉ vì tôi, chính tôi đã cùng với vị Mục Tử và cả Đoàn Chiên nơi đây xây dựng ngôi Nhà Thờ này.
Những ngày phác họa hơn chục mẫu khác nhau, những đắn đo bàn bạc để quyết định, những tính toán thể hiện trên bản vẽ, những băn khoăn về tài chính. Những tranh luận kịch liệt về kỹ thuật, những quyết định nặng nề có phần phũ phàng khi phải đập bỏ những chi tiết sai, những đêm thức trắng đổ bêtông, những bữa ăn vội vàng giữa hai công đoạn… Những ngày hội đón tượng về, những thay đổi khi lòng dân muốn thay hướng chính của Tượng Thánh…
Tôi nhớ bác D. già, người họa viên kiến trúc ( theo tôi được biết, khó có kiến trúc sư nào bây giờ khi ra trường có khả năng qua mặt được ông ) tài hoa, triển khai chi tiết các bộ kèo, khi đổ bêtông xong, tháo ván khuôn giống nhau như những cặp song sinh, không sai chạy một ly ! Bây giờ ông đã về với Chúa, một đời tận tụy với Nhà Thờ, một con chiên ngoan ngùy đáng kính.
Tôi nhớ ông Chánh già, không làm được gì nhưng cả ngày đội mũ ra công trường thăm hỏi con cháu. Tôi nhớ anh “bảo vệ” nhiệt thành, cả đêm lùng sục quanh công trường với cái đèn pin trên tay, nhớ anh “Tư xả láng”, nhớ ông Trùm T. la hét suốt ngày, chạy quanh để kiểm tra và thúc giục, nhớ ông Trùm M. ngày được đãi ăn sau khi đổ bêtông, uống say khướt quên cả quần dài treo trên cây, còn dép thì vất đâu mất… Và nhớ bao nhiêu người khác nữa…
Ngôi Nhà Thờ do tự tập thể tín hữu làm ra có giá trị của nó, từng chi tiết có công sức và trí tuệ của từng người, khi xây Nhà Thờ người ta xây cả Đền Thờ nữa, đó chính là cộng đoàn Dân Thiên Chúa, ở đó họ học biết chia sẻ với nhau, nâng đỡ nhau, cộng tác với nhau, hy sinh cho nhau, chấp nhận lẫn nhau, yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, nhẫn nại với nhau… Vâng, một công trình vật chất nhưng lại hết sức thiêng liêng, một sự nghiệp chung của vị Mục Tử và cả Đoàn Chiên gần gũi thân thương của mình.
Xã hội sẽ phải càng ngày càng tiến bộ, sẽ không thể chấp nhận một tập thể không có chuyên môn lại xúm nhau làm chung một việc cần chuyên môn cao. Sẽ phải có thiết kế hoàn chỉnh đến từng chi tiết, sẽ phải có đấu thầu và đơn vị có tư cách, có năng lực mới được thi công, người không có chuyên môn sẽ không được phép vào công trường, sẽ có cuộc bàn giao “chìa khóa trao tay” giữa bên làm và bên nhận…
Chắc chắn sẽ đi đến chỗ ấy nếu chúng ta tôn trọng sự tiến bộ, nhưng khi ấy, những cảm xúc của một ngôi Nhà Thờ “của chúng mình” có còn không nhỉ ? Khi ấy cái hồn của Nhà Thờ sẽ là cái gì ? Không gian thờ phượng đó có hơi ấm của tình yêu không ? Ngôi Nhà Thờ đó có ôm ấp kỷ niệm của cộng đoàn Dân Chúa không ? Tôi không biết ! Tôi thẫn thờ và tự hỏi…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.4.2012

No comments: