Wednesday 31 July 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, CSsR: CÁCH THỨC LÀM GIẦU TỐT NHẤT.


Nghe xong dụ ngôn hôm nay, các thương gia và những người có đầu óc thương mại sẽ có câu hỏi rằng: “Ông phú hộ trong dụ ngôn đã làm gì sai để bị chê là đồ ngốc.” Bán cái ngốc của ông ta cũng đủ cho nhiều người khỏi cảnh chết đói và sống phủ phê cho đến hết đời.

Ông là một nhà doanh nghiệp khôn ngoan, biết tính toán để làm giầu và lo cho tương lai của cuộc sống. Sau những ngày tháng long đong vất vả, chạy ngược chạy xuôi trên thương trường, chưa kể đến những đêm mất ngủ để theo dõi giá cả thị trường, rồi cũng có một ngày, khi mọi sự đã ổn định, đến lúc đó ông ngồi xuống mà tính toán sao cho cuộc sống được thư dãn và thanh thản để chuẩn bị về hưu. Ông có thể là một gương mẫu cho chúng ta noi theo. Và như thế ông đâu có làm gì sai!

Tuy nhiên, hôm nay sau khi đọc lại bản văn thêm vài lần, tôi mới nhận ra có một chi tiết thật quan trọng mà ông phú hộ lập đi lập lại, đó là ông quên sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng làm chủ mạng sống và trao ban cho ông những gì ông đang có. Ông nhắc đi và nói lại chủ từ tôi. Ông tự nói với chính tôi. Tôi nên làm gì khi tôi không có chỗ để chứa gia sản của tôi nữa? Tôi sẽ làm điều này. Tôi sẽ xây thêm chỗ để lưu trữ và tôi sẽ nói với linh hồn của tôi… Tôi và tôi, rồi chỉ có tôi mà lại quên Chúa và anh em.

Người phú hộ trong bài Tin Mừng có mọi sự; nhưng quên một điều là không bầy tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa và những ai đã giúp ông có được sản nghiệp như thế. Ông ta có dư thừa lương thực nhưng thiếu lòng quảng đại chia sẻ cho người khác để còn có chỗ mà chất thêm hoa lợi. Ông ta ngủ quên trên các thành tựu, mà quên rằng ngay cả sự sống, sức khỏe, năng lực, trí thông minh, óc khôn ngoan…; nói chung tất cả đều là quà tặng của Thiên Chúa chứ đâu phải của riêng ông. Vì thế, Chúa đã ban thì Chúa có thể lấy đi được!

Ai trong chúng ta đã không biết rằng của cải đâu mua được hạnh phúc. Tiền của có thể mua được bảo hiểm sức khỏe; nhưng không tạo cho chúng ta nguồn sức mạnh. Chẳng có nguồn của cải nào có thể bảo đảm chúng ta không bị đau ốm hay thoát khỏi bi thương và mất mát. Tiền bạc là một trong các yếu tố quan trọng để giữ cho gia đình được hạnh phúc, nhưng không ai mua được hạnh phúc bằng tiền. Trên thực tế, tiền của có thể là nguyên nhân tạo ra sự tranh chấp trong gia đình như đã được nhắc đến trong phần đầu của dụ ngôn hôm nay.

Như vậy, dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay không nhắm đến việc chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc sống của mình trong tương lai như thế nào. Chúa không cấm chúng ta có một cuộc sống an nhàn sau những ngày tháng long đong và vất vả. Điều mà Chúa muốn nhắn là cách chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống: Thiên Chúa và Tiền bạc, ai là chủ. Chúng ta cần học để biết mà sử dụng các ân huệ của Chúa sao cho được sung túc và sinh nhiều hoa lợi, không cho bản thân, mà là cho Chúa và tha nhân.

Trong tinh thần đó, và nhất là trong những ngày đang chuẩn bị mừng lễ Thánh tổ phụ An Phong, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế mà tôi vô cùng vinh dự được gọi ngài là cha. Cha ở đây không phải là danh xưng để ám chỉ Thiên Chúa, cho bằng nói lên mối dây tương quan trong gia đình linh tông, những con người cùng đón nhận một đặc sủng và cùng san sẻ một chí hướng, đó là phục vụ người nghèo và được tin mừng hóa bởi họ.

Khi nhìn lại lịch sử của Cha Thánh An Phong, ai trong chúng ta cũng đều nhận định rằng vụ thua kiện đã làm thay đổi lối suy nghĩ và chọn lựa lối sống của Thánh An Phong. Thật ra, không chỉ là như thế. Một vụ kiện đã đuơc xếp đặt và có kết quả truớc khi bắt đầu phiên tòa thì ai là trạng sư biện hộ cũng thế. Hơn nữa, giả như vì thế mà Thánh An Phong thay đổi lối sống thì cũng là chọn lựa để làm linh mục. Vào lúc xẩy ra vụ thua kiện, không có sử liệu nào giúp chúng ta xác định Ngài đã có ý định lập Dòng Chúa Cứu Thế?

Trước tiên ngài là linh mục triều. Trong khi chia sẻ tác vụ mục tử, ngài đã đến với các nhóm bị bỏ rơi. Họ tụ họp thành từng nhóm, không ở nhà thờ, thậm chí cũng không có người hướng dẫn. Ngoài việc đó ra, ngài còn phục vụ những con người bị tổn thương bởi các căn bịnh nan y, chưa có cách chữa trị, trong các bịnh viện. Một cách nào đó, ngài đã cảm nhận tình trạng khốn cùng của người nghèo, những tâm hồn tất bạt, những con người bị tổn thương. Sau nhiều ngày tháng miệt mài nhiệt tâm phục vụ tại các họ đạo khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ buộc ngài và các bạn đồng hành phải đi dưỡng sức tại Scala thuộc xứ Naples. Vị trí và phong cảnh của Scala thật trữ tình, nó nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển, không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, phong cảnh trữ tình và không khí trong lành như thế cũng không quyến rũ được ngài. Trái lại, chính những ngọn gió đó đã làm thay đổi đời ngài. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala bị bỏ rơi. Cho dù số giáo sĩ tại vương quốc Naples không thiếu. Dựa trên một bản thống kê tương đối chính xác thì tại Naples có 130 giám mục, 56000 linh mục triều, 31000 nam tu sĩ (bao gồm các cha và các thầy), và 26000 nữ tu; nhưng không một ai được sai đến để lo cho họ.

Với bối cảnh như thế, thay vì nghỉ ngơi, cha An phong và các bạn đồng hành lập tức dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy. Qua kinh nghiệm này, ngài nhận rõ con đường phải đi nên đã sáng lập một nhà dòng, gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng lo cho những người bị bỏ rơi, những người nghèo khó.

Khi ghi lại những suy tư này để nhận ra rằng cha Thánh An Phong đã được thấm nhuần tinh thần bài Tin Mừng hôm nay. Cuộc đời và thân thế của Ngài giống như ông phú hộ trong bài Tin Mừng. Tuy nhiên, Ngài đã không sử dụng tài năng, trí tuệ, ơn khôn ngoan để phục vụ ý riêng và làm giầu cho bản thân, cho bằng cho Chúa và tha nhân, nhất là những con người bị hai guồng máy chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ bỏ rơi họ.

Để nhận ra tâm hồn của Ngài dành cho họ, chúng ta hãnh diện là những người con có đặc sủng như Ngài thì cũng phải khám phá ra rằng nếu không có sự phù trợ của Ngài thì chúng ta sẽ không cảm nhận được sự đổi thay mà người nghèo đem đến cho chúng ta. Họ là quà tặng mà Thiên Chúa đã dùng để cảm hóa chúng ta.

Tuy môi trường xã hội và lịch sử thời của Ngài khác với chúng ta; nhưng phương thức phục vụ và tiếp nhận người nghèo của Ngài rất phù hợp với hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta. Tất cả đều được xuất phát từ Thần Khí của Thiên Chúa, không phải là sáng kiến của bản thân mình. Ngài đã được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn và thúc đẩy để ra khỏi mình mà đến với người nghèo. Lời Chúa phán “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” đã được ứng nghiệm nơi Cha Thánh.

 Ngài là người cha không dùng luật lệ để cư sử với con cái. Ngài đến với họ bằng cõi lòng của Thiên Chúa, một trái tim yêu thương và được yêu thương. Ngài không coi thường thân phận của họ; trái lại Ngài đã len lỏi vào hoàn cảnh cuộc sống thực tế của họ rồi đỡ họ chỗi dậy, và bằng các bài giáo lý, Ngài giúp họ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và binh vực những người nghèo.

Tóm lại, không giống ông phú hộ trong dụ ngôn, đã tham lam chỉ biết nghĩ đến mình, nên có thể sẽ mất tất cả. Cha Thánh An Phong đã nhận ra những gì Ngài có là bởi Thiên Chúa, nên thay vì bủn xỉn, keo kiệt và tham lam, Ngài đã cho đi tất cả và chỉ lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta thật hãnh diện có một người cha đã dốc hết sức lực cho công việc phục vụ, nhất là những người nghèo. 

Hãy trao cho Ngài con tim của chúng ta, tức khắc Ngài sẽ biến nó thành trái tim nhậy cảm trước các nhu cầu của tha nhân, nhất là nhậy cảm trước hoàn cảnh của những con người, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đang dẫy dụa và sống trong hoàn cảnh bị tổn thương. Xin cho con cõi lòng và Thần Khí tác động của Chúa như Cha Thánh đã có và chia sẻ cho chúng con.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, CSsR
31/7/2019

Tuesday 30 July 2019

Tu viện bỏ hoang ở Đà Lạt với kiến trúc nguyên sơ bị tàn phá.



Tu viện bỏ hoang ở Đà Lạt đầy bí ẩn nằm trên đường Trần Quang Diệu đang là điểm đến của nhiều người, không phải bởi sắc màu của những vườn hoa, cũng không phải bởi con đường quanh co bên rừng thông dẫn tới những ngôi biệt thự lưng chừng dốc… mà bởi nét kiến trúc nguyên sơ bị tàn phá, phủ màu rêu mốc và những câu chuyện ma mị thêu dệt theo thời gian.

Lịch sử Tu viện
Tu viện vốn là Tập viện của dòng nữ tu Franciscan Missionaries of Mary - FMM (Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ), được thành lập năm 1877, có mặt ở Việt Nam từ năm 1932. Đây là một Dòng quốc tế thuộc quyền Tòa Thánh, hiến thân cho việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới bằng đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Hiện nay, Hội Dòng FMM có khoảng 7.000 nữ tu gồm 80 quốc tịch, hiện diện tại 76 quốc gia.
5 nữ tu dòng FMM đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1932, để chăm sóc bệnh nhân phong tại Trại Phong Qui Hòa thuộc Giáo phận Qui Nhơn. Sau đó, các nữ tu đã mở Tập viện tại Vinh vào năm 1936, Đà Lạt vào năm 1958. Đến nay, dòng FMM tại Việt Nam có hơn 200 nữ tu sống trong 15 cộng đoàn và 2 thí điểm, thuộc 8 Giáo phận (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Qui Nhơn, Vinh và Hà Nội).

Cơ sở tu viện FMM tại Đà Lạt là tu viện của các cha Salésiens (Đan viện cũ của dòng Benédictins - số 5 Gia Long) được các soeur mua lại, gồm nội cấm là các phòng ngủ và nhà thờ. Tu viện chính thức trở thành tập viện của dòng FMM vào tháng 5/1958 tại Đà Lạt (gọi là “Cộng đoàn Đức mẹ vô nhiễm nguyên tội”), là nơi các tập sinh học tập một năm (bao gồm cả học văn hóa và học may) theo Giáo Luật để trở thành Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chính thức. Các nữ tu sống trong Tu viện đa số là người nước ngoài (Singapore, Madagascar, Macao, Pháp…).

Vì vừa phải đáp ứng nhu cầu truyền giáo vừa phải tìm việc làm để sinh sống, nên các soeur tham gia khám bệnh, chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng và hướng dẫn cho các bà mẹ. Sau đó, các soeur nhận quản lý và dạy học miễn phí tại trường tiểu học ở Trại Hầm.

Nhân sự của Cộng đoàn mỗi ngày một tăng, công tác từ thiện không thể nuôi sống các nữ tu, nên cộng đoàn quyết định mở Trường Tiểu học Vigro Maria có thu phí cho trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 5, có nhà nội trú. Ban đầu Trường mượn cơ sở nhà kho ở gần ga xe lửa (từ năm 1959-1965), trong lúc chờ cơ sở mới được xây trong khuôn viên Tập viện. Từ năm 1966, trường dần chuyên môn hóa việc giáo dục, chuyên đào tạo kế toán, thư ký và chính thức trở thành Trường Thương mại Việt Nữ từ năm 1969…

Nhà nguyện có phải bỏ hoang…
Năm 1979, Tập viện đóng cửa do các nữ tu ngoại quốc về nước, những nữ tu người Việt chuyển đến Cộng đoàn Hiển Linh và Thánh Tâm. Toàn bộ diện tích 7ha được bàn giao cho nhà nước. Gần đây nổi lên câu chuyện về “Nhà nguyện bỏ hoang”, khi Tu viện trở thành điểm đến nổi rần rần bởi không gian, kiến trúc và những câu chuyện huyền bí liên quan. Và ngoài những tình tiết được đồn đoán, tuyệt nhiên không có một tư liệu nào về tu viện hay tập viện dòng FMM tại Đà Lạt. Những tư liệu trên được trích lược từ nội dung cuốn kỷ yếu “Mừng 80 năm Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện tại Việt Nam” mà chúng tôi may mắn được cầm đọc sau một thời gian dài tìm kiếm.

Trải qua thời gian gần 40 năm, 2 khối nhà học và khu nội trú của Trường Thương mại Việt Nữ được chuyển đổi nhiều công năng. Ban đầu, dùng làm cơ sở cho Trường Bổ túc Văn hóa, sau đó là Khách sạn Lâm Viên, rồi đến Trường THPT Trần Phú. Còn nhà thờ và khu nội viện dùng làm nhà kho, phòng học thể dục và chỗ ở. Trước khi trở thành cơ sở của Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, nhà nguyện có hơn 20 hộ gia đình sinh sống, nay đã giải tỏa phần lớn, chỉ còn 3 hộ gia đình. Trong đó, vẫn còn gia đình đã ở trên 20 năm mà chưa gặp ma mị gì cả.

Thành ra, bí ẩn của câu chuyện “Nhà nguyện bỏ hoang” thực ra không có gì là bí ẩn. Không có sự hiện diện nào về câu chuyện bi thảm của một cô gái trẻ trong trang phục cô dâu đã kết thúc cuộc đời mình tại đây. Chỉ vì không được chăm chút thường xuyên, nên không gian u tối, cỏ phủ, rác tụ, tường mốc, cửa kính vỡ… Dù đã bị thời gian tàn phá, công trình trường học thay đổi nhiều, nhưng công trình Tu viện dòng FMM vẫn còn giữ nguyên nét kiến trúc Gothic theo kiểu vòm nhọn với nhiều cửa sổ, được ứng dụng phổ biến trong kiến trúc nhà thờ hay thánh đường rộ lên từ thế kỷ 18.

Cũng như các công trình kiến trúc khác tại Đà Lạt, Tu viện dòng FMM là công trình có đường nét thiết kế hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Và bất chấp thời gian cùng những câu chuyện hoang đường, du khách vẫn tìm đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong ngày để chiêm bái vẻ đẹp tuyệt mỹ của khối kiến trúc hoang tàn này.

Theo Tiểu Vân/Báo Lâm Đồng

Wednesday 24 July 2019

Nguyễn Văn Tạ : Tản mạn về phiếm của Trần Ngọc Mười Hai


Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì phiếm là “bông lông” như bàn phiếm, chơi phiếm, chuyện phiếm. Bàn về nhiều vấn đề một cách thoải mái có  đôi nét hài hước trong đó, ấy là phiếm.
Theo tôi, viết chuyện phiếm không dễ chút nào, lại càng khó hơn khi viết về những điều “nghiêm túc” về cả đạo lẫn đời, nhất là những chuyện của nhà đạo, vì dễ bị nghi ngờ này nọ. Ấy thế mà tác giả Trần Ngọc Mười Hai viết một cách dễ dàng, cái tài tình là ông không mất lòng ai cả, kể cả những vị lão thành đáng kính trong Đạo hay ngoài đời.

Cái lạ của Trần Ngọc Mười Hai, dễ thấy nhất là ông luôn luôn dùng một bản nhạc như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện mình viết ra. Người đọc nào mê nhạc sẽ có luôn một tập nhạc qua các bài chuyện phiếm do ông viết.

Khi viết chuyện phiếm, tác giả chắc hẳn phải có một kho kiến thức dồi dào để cung ứng cho người đọc. Rồi còn phải viết sao cho hấp dẫn, gây tò mò, đánh động người đọc, khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Về điều này, Trần Ngọc Mười hai là bậc thượng thừa. Chuyện phiếm của ông không thiếu những chi tiết hấp dẫn và cảm động qua những mẫu chuyện mà ông đã dày công thu thập để cung ứng cho người đọc. Có thể bản tính của ông là người vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Nhìn đâu cũng thấy nụ cười, nhìn đâu cũng thấy hạnh phúc, dù trong những cảnh đời đau thương nhất, tuyệt vọng nhất.

Đọc phiếm có một cái thú, theo thiển ý của tôi, là muốn đọc chỗ nào thì đọc, không cần theo thứ tự nào cả. Mệt thì nghỉ, bận đi đâu thì cứ đi, rồi về lại đọc ngấu nghiến như nhai một ổ bánh mì hay khoai tây chiên ròn thơm phức. Không phải văn chương là món ăn tinh thần hay sao?

Đọc các tập chuyện phiếm mới ra đời của ông, ta thấy tác giả còn nhiều e dè với các vấn đề được nói đến. Nhưng càng viết, tác giả càng tỏ ra thông thạo hơn, ý nhị, khôi hài hơn, tự do và bông đùa nhiều hơn.

Bạn đọc để ý, sẽ thấy kể từ tập ‘Chuyện phiếm đạo đời số 7” về sau này, tác giả đã đổi hẳn văn phong của mình, không còn bị hạn chế trong bất kỳ ước lệ nào, phạm trù nào. Lối viết của ông thông thoáng hơn, bát ngát hơn và nhiều “hoa thơm cỏ lạ” hơn. Cái ngẫu hứng của ông khi viết dường như lan truyền sang cả người đọc bài viết của ông.

Một người bạn viết cho một người bạn, thật thân tình và cởi mở. Chúng ta có thể không đồng ý với tác giả về một vấn đề nào đó, điều này cũng  không sao, vì tác giả chỉ gợi ý để đánh động suy nghĩ của  ta mà thôi. Chính người đọc qua câu chuyện, phải tìm cho riêng mình một kết luận, chứ không phải là người viết. Về điểm này thì Trần Ngọc Mười Hai khá thành công. Bởi vì  người đọc, sau khi đọc xong những mẩu chuyện phiếm đạo đời của ông, không thể không suy nghĩ, ray rứt và tìm cho mình thái độ sống thích hợp.

Nếu ta đọc chuyện phiếm với tâm tình của một người cầu tiến thích học, hẳn là chúng ta sẽ gặt hái được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống hàng ngày, xứng đáng là người hơn, biết sống yêu thương, tôn trọng người khác hơn. Tôi nghĩ, đó cũng là ước muốn của tác giả Trần Ngọc Mười Hai khi cho ra đời những tập “Chuyện phiếm đạo đời” này.

Nguyễn – Văn –Tạ - ký

Sydney 21-7-2019
Kỷ niệm 50 năm con người đặt chân lên mặt trăng.


Tuesday 23 July 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, Dcct : HÃY MẶC LẤY TÂM TƯ CỦA CHÚA.


Đề tài của bài Tin Mừng tuần này nói về cầu nguyện và được chia ra ba phần: Phần thứ nhất nói về thể thức cầu nguyện của Đức Giêsu mà chúng ta hay gọi là ‘Kinh Lậy Cha’, sau đó là dụ ngôn khuyên chúng ta kiên tâm trong kinh nguyện và sau cùng là hiệu lực của lời cầu nguyện theo đúng ý Chúa.

Trong phần mở đầu của trình thuật, Thánh Luca đã xếp các lời kinh này sau đoạn nói về việc Đức Giêsu cầu nguyện. Chi tiết này có thể giúp chúng ta suy đoán rằng Người đã không có ý muốn dậy chúng ta một công thức để cầu nguyện cho bằng chia sẻ cho các môn đệ biết tâm tư của Người vừa nói với Cha Người. Hẳn nhiên, khi cầu nguyện Đức Giêsu đã làm gương cho các môn đệ, cho nên khi nhìn thấy Người cầu nguyện quá sốt sắng, quá thân mật nên các ông  mới xin Thầy dậy cho họ cách cầu nguyện.

Bản Kinh lậy Cha mà chúng ta vừa nghe hôm nay được ghi lại bởi Thánh Luca. Các nhà chuyên môn về Thánh kinh thường cho rằng các lời cầu nguyện trong bản văn này đã xuất hiện sớm hơn bản văn trong Tin Mừng của Mátthêu. Các cụm từ ngắn và đơn giản trong bản văn này giúp cho chúng ta nhận ra ý của Thánh sử là muốn trình bầy mối quan hệ  giữa Đức Giêsu và Cha Người.  Và khi cầu nguyện, chúng ta cũng được mời gọi có tâm tình như Đức Giêsu đã có. Tuy nhiên, thật là đáng tiếc khi chúng ta có xu hướng dùng thể thức kinh nguyện này hơi nhiều và quá vội vàng vì thế đã làm giảm mất phần lớn ý nghĩa của các lời kinh.

Đây chính là bản toát yếu của toàn bộ Tin Mừng, là bản tóm tắt toàn bộ chương trình của Đức Giêsu. Giống như vậy,  Kinh lậy Cha không chỉ là thể thức mà Đức Giêsu đã dậy chúng ta cách cầu nguyện. Thật ra, các lời kinh này chứa đựng toàn bộ kế hoạch cho đời sống của tín hữu. Vì thế, nếu chúng ta sống theo những gì mà chúng ta cầu thì chúng ta cũng nên một với cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su, bởi vì đó chính là cách mà Đức Giêsu đã cầu nguyện và đã sống.

Trong bản kinh này, Đức Giêsu đã xưng với Thiên Chúa là ‘Abba’, có nghĩa là ‘Cha, Bố, Ba ơi’. Thời Chúa Giêsu, không mấy người xưng với Thiên Chúa là Abba. Đó là cách gọi của các trẻ em. Như vậy khi dùng danh xưng này để thân thưa với Thiên Chúa, Đức Giêsu cố ý nhấn mạnh đến mối tương quan thân mật, gắn bó, nhất là sự lệ thuộc của Người với Chúa Cha. Khi cầu nguyện bằng Kinh lậy Cha, chúng ta cũng được mời gọi nên một với Đức Giê-su, để như Người lệ thuộc và phó thác vào Chúa Cha thế nào thì chúng ta cũng có tâm tư như thế. 

Với tâm tư như thế, như Đức Giêsu chúng ta cũng không chỉ ước nguyên cho Vương quyền của Thiên Chúa ngự đến, mà cần thể hiện bằng lối sống để làm nhân chứng cho sự hiện diện của Vương quốc nơi bản thân của người môn đệ.

Sau đó là những lời cầu xin xem ra liên quan đến nhu cầu và ước muốn của người môn đệ. Nhưng thật ra những ước nguyện này không quy hướng về bản thân cho bằng nói lên ý muốn xin cho được những điều như thế để những ai là môn đệ sẽ được tự do, không còn bận tâm lo chuyên cơm ăn áo mặc, không bị cám dỗ bởi quyền lực của Satan; rồi thanh thản giống như Đức Giê-su dành trọn thời gian và năng lực cho công cuộc rao giảng Nước Chúa.

Sau đó đến lời nguyện ước mà theo tôi cảm thấy là rất khó thực hiện. Chúng ta xin Chúa tha thứ cho các lỗi phạm của chúng ta không biết bao nhiêu lần; thế mà đã bao giờ chúng ta đã tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình chưa? Làm sao chúng ta dám xin Chúa ban cho chúng ta điều mà mình không thể làm được! 

Như chúng ta hằng tin tưởng, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của lòng thương xót; Thiên Chúa của sự thứ tha. Như vậy, chúng ta có thể xác tín rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta trước khi chúng ta khẩn khoản nài xin Ngài. 

Việc chúng ta xin ơn tha thứ để thứ tha cho kẻ khác là mục tiêu của cuộc sống. Việc xin Chúa tha thứ để thứ tha cho người khác thì giống như việc ăn năn tội mà chúng ta thường làm khi đón nhận bí tích giao hòa. Trong giây phút ‘ăn năn’ đó, chúng ta hết sức thành khẩn để bộc lộ tâm tình thống hối cho các sai phạm của mình, thế mà sau đó chúng ta vẫn tái phạm. Nhưng Thiên Chúa biết và thấu hiểu cõi lòng mình; Chúa cũng biết rõ thân phận yếu đuối của mình. Mỗi lần cầu xin như thế, cho dù sau này sẽ tái phạm, nhưng cũng đủ nói lên sự quyết tâm cải thiện của mình. Chúa muốn chúng ta làm hết sức mình. Sau đó Người cũng sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta thất bại.

Sau đó là dụ ngôn ‘người bạn quấy rầy’ mà trong phần cuối, Đức Giê-su đã nói người bị quấy rầy đã không dậy vì tình bạn; nhưng vì sự lỳ lợm và không biết xấu hổ của anh bạn. Thật ra, nếu anh ta không thức dậy thì danh dự của anh ta sẽ bị đánh giá thấp. Vì thế, để bảo toàn cho ‘danh thơm’ này anh phải thức dậy mà thể hiện tấm lòng đại lượng của mình.  

Như vậy, trong thân phận con người, với tất cả giới hạn và yếu đuối mà chúng ta còn biết cư xử với nhau như thế phương chi Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài sẽ bảo vệ ‘DanhThánh’ bằng cách cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất, cả sự sống của Người.

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay quá khó. Bởi vì căn cứ vào kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng không phải mọi lời chúng ta xin đều được, mọi lần chúng ta gõ cửa thì Ngài sẽ mở cho và khi chúng ta tìm kiếm thì Ngài sẽ xuất hiện. 

Thí dụ, chúng ta đã làm gì sai khi cầu nguyện cho người thân được khỏa mạnh và bình an; chúng ta không cầu xin cho bản thân; nhưng cầu xin cho người thân mà. Thế mà họ lại cứ lần lượt ra đi. Già mà ra đi thì còn có thể hiểu được; nhưng nhiều gia đình đã mất những người thân yêu khi còn quá trẻ. Rổi còn bao nhiêu lời cầu xin cho nền hòa bình trên thế giới, thế mà chúng ta vẫn nghe thấy những thảm kịch của chiến tranh, khủng bố, bạo lực, đói khát, bệnh tật và thiên tai.

Nếu Thiên Chúa đã được ví như một bậc cha mẹ luôn yêu thương, mong muốn cho đi những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình thì tại sao những lời cầu nguyện chính đáng như thế lại dường như không được trả lời?

Không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này.
Có những lúc, có lẽ, lời cầu xin của chúng ta chưa phải là lời yêu cầu chính đáng; và Thiên Chúa, vì yêu thương nên đã phải từ chối yêu cầu của chúng ta. Tuy nhiên, lời giải thích này không thể giải thích cho nhiều trường hợp trong đó các yêu cầu của chúng ta chắc chắn phù hợp với ý muốn của Chúa. 

Một lời giải thích khác thường được đưa ra là Chúa có chương trình của Ngài, và việc mà chúng ta xin không được xẩy ra vì kết quả của sự việc sẽ không đem lại lợi ích lâu dài cho người xin. Tuy nhiên, lối giải thích này cũng tạo nhiều rắc rối. Bởi vì, như vậy chúng ta giả thiết mọi sự xẩy ra đều là ý Chúa. Như vậy, con người sẽ phủi tay, và đổ thừa cho Chúa về mọi sự - như bạo lực, tra tấn, chết đói hay chết yểu - là ý muốn của Thiên Chúa hay sao. Trong khi đó, chúng ta cần có can đảm để thừa nhận những việc đó xẩy ra một phần là do tội lỗi của mình.

Thế thì chúng ta có thể nói gì về lời cầu nguyện chưa được trả lời? Chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa toàn năng, nhưng Thiên Chúa không phải là quyền lực duy nhất trên thế giới. Có những sức mạnh khác, sức mạnh của Satan và những quyền lực thuộc về nó, sức mạnh của ác quỷ và cái chết, thường được con người chấp nhận và làm cho nó phát triển.
Mặc dù, chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã chiến thắng trước những quyền lực này qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu; nhưng trận chiến vẫn còn tiếp diễn, chờ ngày chung cục, ngày Đức Kitô ngự đến lần thứ hai trong quang lâm. Vì thế, trong giai đoạn hiện tại, ý định của Thiên Chúa vẫn bị cản trở bởi sự cộng tác của chúng ta với quyền lực của Satan. Chúng ta xử dụng tự do để ngăn trở ý định và chương trình của Thiên Chúa; rồi quì xuống cầu xin cho Nước Cha trị đến thì sao có thể xẩy ra được!

Tại sao phải cầu nguyện? Bởi vì Chúa không bảo chúng ta cầu xin cho bằng được mời vào mối quan hệ với một Thiên Chúa yêu thương. Người muốn chúng ta cộng tác vào chương trình của Người là cứu chuộc chúng ta và đưa mọi tạo vật đến cùng đích trong Người.

Đừng xấu hổ khi chạy đến với Chúa, cũng đừng ngại ngùng khi xin Người. Cứ tiếp tục nói cho Người biết nhu cầu và hy vọng của mình. Nhưng đừng đóng vai ông chủ ra lịnh cho Người làm theo ý TA. Hãy tin vào tình thương của Thiên Chúa. Hãy can đảm phó thác cái ‘TÔI’ của mình cho  Ngài, vì Ngài yêu thương và ý của Ngài thì bao giờ cũng tốt cho chúng ta. Không phải điều gì xẩy ra trong đời cũng đều là ý Chúa cả đâu! Có nhiều điều là ý của mình rồi gán cho ý Chúa, oan cho Ngài quá. Chỉ có một điều mà chúng ta nên biết, đó là Thiên Chúa làm cho mọi sự trở thành ích lợi cho những ai yêu mến Người, tức là chúng ta.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
23/7/2019