Wednesday 7 September 2005

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC - Lm. Roco Nguyễn Tự Do, DCCT, 8.9.1956 – 2006

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 1

“Evangelizo vobis gaudium magnum... ” ( Lc 2, 10 )

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC

Kính gửi cha mẹ, các bề trên, giáo sư, ân nhân và bạn hữu

để tỏ lòng biết ơn vì bao khích lệ, giúp đỡ, hợp tác và bao dung

trong suốt cuộc đời Linh Mục của tôi.

Lm. Roco Nguyễn Tự Do, DCCT, 8.9.1956 – 2006

NHỮNG CỘT MỐC

1. VIẾT HỒI KÝ

Hôm nay, 6.9.2005, tôi kỷ niệm lần thứ 77 ngày lãnh nhận Thánh Tẩy tại Nhà Thờ nhỏ của Giáo Xứ Nhân Lộ, Giáo Phận Thanh Hóa, bởi tay vị Linh Mục khả kính: cha già Phong. Tôi không quên khung cảnh của ngôi Nhà Thờ đó, với hai cái ao, với tháp chuông, với đường kiệu quanh Nhà Thờ được lát gạch nung, đây đó có cây hoa đại, và cảnh Nhà Xứ thầm lặng mà mỗi lần bước vào, tôi cũng như mọi Giáo Dân khác, luôn luôn khép nép kính cẩn. Ở ngoài cổng vào Nhà Xứ là phòng khách, nơi Cha Xứ tiếp khách. Không mấy ai được ngài tiếp trong Nhà Xứ. Tôi vẫn nhớ là chả mấy khi được ngồi lúc gặp Cha Xứ, nhất là bọn nhi đồng chúng tôi.

Ngôi Nhà Thờ không lấy gì to tát vĩ đại, nhưng đối với tôi lúc ấy nó thật mênh mông. Đi từ cuối Nhà Thờ đến nơi dành cho thiếu nhi gần Cung Thánh là một hành trình dài dẵng, qua bao cặp mắt của người lớn, của các ông bà Quản. Nhưng người theo dõi tôi kỹ càng nhất chính là mẹ tôi. Bà cần biết tôi đã về nơi để dự lễ, và từ chỗ của bà, bà theo dõi từng động tác của tôi. Có gì đáng trách, bà sẽ hỏi ngay khi xong lễ. Bà đứng chờ tôi tại cửa Nhà Thờ. Bà rót nhẹ vào tai: “Con đã làm gì lúc nẫy... ?”

Đã từ lâu tôi thường mừng kỷ niệm ngày Rửa Tội của tôi, coi ngày đó đáng nhớ hơn cả sinh nhật ( 28.8.1928 ) Tôi muốn nhớ mãi ngày được làm con Chúa, sau khi đã được làm con của cha mẹ tôi, của người trần.

Trong vài ngày nữa, tôi cũng sẽ mừng kỷ niệm đời Linh Mục của tôi bước vào năm thứ 50, và tôi muốn đánh dấu ngày này, suốt cả năm này bằng những trang hồi ký này.

Hồi Ký tức là viết về mình. Người ta thường nói: “Cái tôi khả ố”, dễ ghét, đáng ghét. Viết về mình không phải để “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng tôi ước mong đời mình gióng lên một lời tạ tội và biết ơn. Cuộc đời của con người càng kém cỏi bao nhiêu thì càng chúng tỏ lòng nhân hậu của Chúa bấy nhiêu. Tôi thầm nghĩ có lẽ Thiên Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta ca tụng Chúa bằng cả cuộc đời của mình, bằng chính những yếu đuối tội lổi của mình. Chính những tội lỗi ấy là dịp thuận tiện làm chứng cho lòng yêu thương lân tuất của Chúa hơn là những việc tốt ta làm được, vì bản chất của Thiên Chúa là chính lòng thương nhưng-không: “Ngài đã đoái đến phận hèn tôi tớ...”

Tôi không viết hồi ký để làm bảng kê khai những tội lỗi của tôi. Chả thấy Chúa Giê-su kê khai tội lỗi của ai hay bắt người ta phải rành rọt kể lại những tội lỗi của mình, Ngài chỉ đòi một thái độ sám hối, lòng Tin và nhất là Mến. Tôi chỉ muốn được nghe Chúa nói như Ngài đã nói về Mai-đệ-liên: “Được tha nhiều vì đã mến nhiều”.

Tê-rê-sa Hài Đồng có nói rằng: “Nếu tôi phạm hết mọi tội lỗi có thể trên trần gian này, thì tôi vẫn tin ở tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa”. Tê-rê-sa chỉ nói thế thôi chứ chị đã sống một cuộc đời tươi sáng tinh anh trong chốn Tu Viện. Đời của tôi đã dài gần gấp 3 đời của Tê-rê-sa và tôi đã có đủ thời giờ để phạm tất cả mọi tội lỗi trên trần gian này, và tôi muốn thực hành điều Tê-rê-sa đã nói trong phần 2 của tư tưởng của chịø: Tin vào Tình Thương của Chúa.

Kể lại đời mình là để chứng tỏ niềm tin ở Tình Thương của Chúa đối với mình, đồng thời làm chứng cho Tình Thương bao la ấy đối với một con người cụ thể. Chúa yêu thương một người cũng trọn vẹn như đối với tất cả nhân loại. Mỗi người cảm nhận tình thương của Chúa trọn vẹn như chính Chúa là Tình Thương duy nhất. Hạnh phúc của một con người là điều Chúa muốn, như hạnh phúc của tất cả mọi người trong nhân loại là điều Thiên Chúa thiết tha.

Tôi đã nhận lãnh Tình Thương của Chúa cách trọn vẹn đồng thời với tất cả mọi hồng ân, sự cứu giúp, đùm bọc che chở, như Chúa chỉ có một mình tôi để thi thố tình thương của Người. Chỉ có một điều quan trọng là tôi đã có lúc từ chối Tình Thương ấy, đồng thời từ chối những phương thế mà Chúa ban để được hưởng trọïn vẹn đến mức tối đa những hiệu quả của Tình Thương ấy: Tình Thương không biên giới !

Một lỗ còng trên bờ biển hút nước no say, nhưng đại dương vẫn không hề suy giảm, và từng triệu triệu, từng tỉ tỉ lỗ còng trên khắp mọi bờ biển vẫn không ảnh hưởng gì đến mực nước biển mát xanh dưới mọi bầu trời.

Tôi đã từng tham dự các buổi lễ tạ ơn Tân Linh Mục, Ngân Khánh, Kim Khánh và cả Ngọc Khánh Linh Mục. Anh hùng của buổi lễ luôn nhắc nhở đến Tình Thương của Thiên Chúa đối vối các ngài, mặc dầu các ngài xưng mình chỉ “là đầy tớ vô duyên, vô duyên bất tài”, là “đầy tớ vô dụng”... Tôi nghe như thế mãi, và khi tuổi đời Linh Mục của tôi càng lớn, đạt Ngân Khánh và bất ngờ thay, sắp đạt Kim Khánh, tôi thử nghĩ xem mình sẽ mừng kỷ niệm ấy ra sao. Mừng mà không nói lại những gì mình đã nghe quá nhiều, mừng với những tư tưởng “khác đời, khác người”. Ấy thế mà càng nghĩ, tôi càng thấy không có gì hơn là nói lại chính lời tạ ơn đó, nói lại sự bất xứng bất tài của mình là một sự thật hiển nhiên và chân thành nhất, đúng nhất. Thế nhưng.....

2. TRAO SỨ VỤ VAø PHONG CHỨC

Tôi nghĩ vẩn vơ: cá nhân tôi chưa bao giờ có dịp chứng kiến một nghi lễ tấn phong gì bên tôn giáo bạn Phật Giáo. Tôi chưa nghe nói đến lễ Kim Khánh, Ngân Khánh mừng quy y, lãnh chức Tăng Ni, Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng của một vị lãnh đạo Phật Giáo. Có thể có nhưng tôi không được biết.

Tôi có quen thân với Hòa thượng Thích Trí Dũng, trước ở Phổ Quang Tự và sau về Thủ Đức với cơ sở riêng nơi có chùa Một Cột. Vì không có biểu tượng hay dấu chỉ bên ngoài mà chỉ với chiếc áo nâu tầm thường, tôi cứ xưng ngài là Thượng Tọa, đang khi ngài đã là Hòa Thượng từ thuở nào rồi. Tôi đã phải xin lỗi ngài và ngài vẫn tỏ ra không mấy khó chịu về cách xưng hô sai lầm của tôi. ( Ảnh: Thượng Tọa, sau là Hòa Thượng Thích Trí Dũng cùng hợp tác trong chương trình Phát Thanh Tôn Giáo và Đời sống. )

Báo chí cũng không đem lại cho tôi tin tức về những lễ mừng các Mục Sư hay Giám Mục bên Tin Lành... Tôi nghĩ có lẽ tại mình không biết thôi. Chấp nhận như thế. Nhưng thành thật mà nói: Công Giáo ta thì đầy dẫy !

Trên bình diện một Giáo Xứ, một Địa Phận và đến cả Giáo Hội toàn cầu, Lễ Kim Khánh Linh Mục của Đức Gio-an Phao-lô 2 mang tính cách toàn cầu khi ngài mời đến Rô-ma mấy ngàn Linh Mục đã thụ phong một năm với ngài và cũng mừng Kim Khánh Linh Mục trong năm.

Trở lui lại ngày “thụ phong”. Đó là ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, 8.9.1956. Anh em cùng lớp Linh Mục năm đó có 8 người: Đinh Khắc Tiệu, Đinh Ngọc Quế, Trần Đình Phúc, Nguyễn Tự Do, Nguyễn Hữu Phú, hai cha Vũ Văn Phát và Nguyễn Thiết Đỉnh đã chịu chức trước đó mấy ngày. Cùng ngày có cha Thống từ Đại Chủng Viện Quy NHơn vào Dòng khi đã có chức bốn. Ba trong số các anh em đó đã qua đời: Cha Đỉnh ngày 6.10.1966: Cha Phát ngày 26.8.1995 và cha Thống ngày 26.9.2005.

Cha Bề Trên Phụ Tỉnh lúc đó là cha Alphonse Tremblay. Trước đó ngài cũng là vị Giám Học của chúng tôi sau nhiệm kỳ của cha Thomas Côté. Hai vị Giám Học tuyệt vời này đã để lại dấu ấn sâu đậm nơi chúng tôi. Cha Giám Học lúc chúng tôi nhận tác vụ Linh Mục là cha Tê-pha-nô Chân Tín, người Việt Nam đầu tiên mang trọng trách này sau khi đã du học Rô-ma. Ngài cũng là giáo sư Thần Học Tín Lý và đã đưa chúng tôi vào một nền thần học “Quy Ki-tô” và “Quy Giáo Hội”. Tôi luôn quí mến biết ơn ngài. Hiện nay, mặc dầu đã 86 tuổi, ngài vẫn nhiệt tình dạy Giáo Lý cho các Dự Tòng và hăng say việc truyền giáo tại Giáo Điểm Cần Giờ, nơi ngài đã phải “lưu trú” trong 3 năm. Đó là những người thầy mà Chúa Quan Phòng đã ban cho chúng tôi, cùng với những giáo sư không quên được như cha Charles Eugène Raymond, giáo sư Thần Học Luân Lý, cha Giu-se Nguyễn Thế Thuấn, giáo sư Kinh Thánh rất lỗi lạc và đạo đức.

Hiện diện trong Thánh Lễ phong chức, còn có cha Antonio Boucher, cha Giám Tập của tôi, các cha các thầy trong Dòng. Người thân của tôi có chị tôi, Nữ Tu Marie Louise Minh Sâm, em tôi, Giu-se Nguyễn Tiến Hanh và anh Phan-xi-cô Khổng Minh Thư, người đã đem tôi vào DCCT. Vị Giám Mục phong chức cho chúng tôi lại là Đức Cha Louis De Cooman Hành, Giám Mục Thanh Hóa, người đã ban phép Thêm Sức cho tôi hơn 20 năm trước vào ngày 25.3.1935. ( Ảnh: Bức ảnh Kỷ niệm ngày lãnh tác vụ Linh Mục do cha Bề Trên Phụ Tỉnh Alphonse Tremblay tặng với lời chính tay ngài ghi ).

Tôi sẽ nói thêm về ngày tôi lãnh tác vụ Linh Mục trong mấy đoạn sau. Đây là cảm nghĩ của tôi về “Lễ Phong Chức”. Trong quá khứ, các lễ “Phong chức” Linh Mục được cử hành đơn giản hơn ngày nay. Là một biến cố lớn trong Dòng cũng như trong các Giáo Phận, nhưng khía cạnh thiêng liêng nổi bật. Trước ngày trọng đại ấy là những ngày “cấm phòng” nhặt. Các “tiến chức” không quan tâm đến khách mời, đến phẩm phục, tiệc tùng, đưa rước... Các vị chỉ có một việc là cầu nguyện, là suy niệm trong thinh lặng và xa vời với mọi thứ lễ lạt hào nhoáng bên ngoài.

Tôi nhớ lúc chịu chức, năm 1956, chúng tôi không biết trước ai sẽ có mặt dự lễ, kể cả người trong gia đình. Ngay sau khi chịu chức mới là những gặp gỡ người thân thuộc, gia đình, với những phép lành đầu tiên, với tất cả “tấm lòng và hai bàn tay còn thơm dầu Thánh”. Thế rồi các Tân Linh Mục được mừng trong bữa cơm trưa hôm ấy. Ngày hôm sau, thời ấy chưa có lễ đồng tế, một anh em dâng lễ cho cộng đoàn, các người khác dâng lễ nơi bàn thờ nhỏ, sau đó cuộc sống mới tiếp tục như “cũ”.

Ngày nay, tôi có cảm tưởng như “được Phong chức Linh Mục” là một ân huệ “giữa đời”. “Thành đạt”, “khai mạc một nếp sống mới”, “Thăng quan tiến chức” với nhiều điều sáng sủa vinh quang hơn. Do đó, đời Linh Mục khai mạc trong tiệc tùng, đón rước, quà cáp, vinh dự và... tiền bạc của cải ! Tôi không thích lắm các cuộc “Lễ tạ ơn” kéo dài cả tháng và có khi cả mấy tháng trời. Tôi có cảm tình với Đức Cha Phao-lô Ma-ri-a Nguyễn Minh Nhật khi ngài quy định việc hạn chế các cuộc yến tiệc mừng các tân Linh Mục trong Giáo Phận của ngài.

Nghe nói có một vài Giám Mục khác cũng theo đường hướng đó. Dĩ nhiên không phải ai cũng hưởng ứng. Ở đâu đó người ta vẫn mừng “trọng thể”, để “tạ ơn”. Và để không trái với lệnh phải hạn chế số người dự tiệc, người ta đã làm nhiều nữa tiệc mà số khách vẫn “đúng tiêu chuẩn”. Cũng có những bữa tiệc được tổ chức ngoài vùng đất trách nhiệm của vị Giám Mục. Tôi không hứng thú mấy với những sự ấy. Không hiểu mình có “cổ lỗ xĩ” không, hay là tôi đã “ghen” với các thế hệ ngày nay “may mắn” hơn mình ngày xưa chăng !

3. CON BÁC THỢ MỘC...

Do bởi quan niệm Linh Mục là một chức “cao quyền trọng”, được “thăng chức Linh Mục”, và sau đó là “vinh quy” đã làm cho nhiều người hiểu và hành động sai lệch, đồng thời đưa đến những tiếng đồn hư hư thực thực là có những người đã đóng “cây” để được phong chức hay cũng đã “buộc lòng” chấp nhận một số “dạy dỗ”, “điều kiện” làm mất sự thư thái độc lập trong việc thi hành nhiệm vụ. Lắm tiếng đồn !

Nghiễm nhiên một người trẻ tuổi chưa quá 30 mà được chính thức gọi là “cha”, và cha mẹ của vị tân Linh Mục nghiễm nhiên được thăng chức “ông cố, bà cố”. Rõ ràng là một biến cố, một cuộc “đổi đời”. Những gì “của cha”, hay liên hệ đến cha như cũng đuợc thăng chức.

Cha Bernard Haring, trong cuốn: “Giáo Hội cần loại Linh Mục nào ?“ tập hợp những kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời, đã kể lại câu chuyện về con chó của cha sở như sau: “Lúc đi một mình, tôi tự võ trang bằng vài cục đá để tự vệ, phòng chống khả năng con chó có thể tấn công bất cứ lúc nào. Vào một ngày như thế, con chó của cha sở chứng tỏ thế “thượng phong” của nó và tấn công tôi. Nó cắn đúng vào chỗ kín của tôi. Hoảng sợ, tôi chạy về nhà với mẹ, khóc bù lu bù loa suốt con đường. Sau khi chăm sóc vết thương cho tôi, mẹ tôi dẫn tôi đến Nhà Xứ và xin gặp cha sở để ngài tận mắt chứng kiến những gì con chó hung dữ của ngài đã gây cho tôi. Người giúp việc của ngài lạnh lùng trả lời: “Con Ki không vô cớ tấn công ai bao giờ”.

Chưa hết. Nhiều năm sau, ngài đã là Linh Mục và được mời về giảng tại xứ nhà. Tối kia, sau khi xong nhiệm vụ, ngài trở về Nhà Xứ. Con chó lại sủa inh ỏi. Cha kể: “Vì chẳng ai chú ý, tôi đánh liều mở cửa và lập tức bị con chó độp một phát vào cổ. Hoảng hồn, tôi kêu thét lên. Nhưng một lần nữa, tôi hết sức ngạc nhiên và không thể tin vào tai mình khi nghe có tiếng nói vọng ra: “Con Ki không bao giờ vô cớ bắt nạt ai”. Thế đấy, đến con chó của cha sở cũng “vô ngộ” như cha sởù !

Rồi từ ngày làm “cha”, cuộc sống “lột xác”, đổi thay, lên cấp. Chắc chắn là thêm việc, và do đó thì không còn thời giờ cho nhiều việc khác. Có nhiều Giáo Dân đã phát biểu về những Tân Linh Mục sau vài tháng nhận tác vụ: “Lúc làm thầy thì dễ thương, nhã nhặn, khiêm tốn mà làm “cha” rồi thì kênh kiệu, cao vời và không coi ai ra gì nữa. ”Tôi biết có một Tân Linh Mục được bổ về làm phó một Giáo Xứ hơi xa thành phố. Trước khi về nhận nhiệm sở, vị Linh Mục đó làm một cuộc thăm dò về xứ mới. Nơi đây không có nước máy. Nhà Xứ, như mọi nhà Giáo Dân, dùng nước ở một cái mương suối chảy qua, có hơi nhuốm mặn. Linh Mục phó xứ đưa ra mấy điều kiện với Cha Xứ già: phải có nước mưa cho ngài tắm mỗi ngày vì... , phải sắm cho ngài một chiếc xe gắn máy đề ngài còn lui tới thành phố học hành thêm...

Xem lý lịch của nhiều Linh Mục, dễ dàng nhận thấy rất nhiều người xuất thân từ những gia đình nghèo, nơi vùng quê, nơi mà cái nhà tắm và toilette là vườn ngô. Có những người đã từng làm ruộng, chăn bò, bắt ốc nơi ao đìa, thế mà khi làm Linh Mục rồi thì đã vội quên nguồn gốc của mình để có những đòi hỏi yêu sách của nhà giàu và bậc quý phái. Quên đi “Con bác thợ mộc... ”

Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi là một vị Giám Mục mà tôi từng tiếp xúc và biết những công việc ngài làm trong phạm vi xây cất, xã hội và bác ái. Trong nhiều năm, ngài vẫn dùng một chiếc xe hơi cũ. Trong các cuộc thăm viếng mục vụ, không ít lần chúng tôi đã chứng kiến cảnh vị Giám Mục xắn tay áo sửa xe khi có sự cố. Vị Giám Mục đã từng cho xe dừng lại để phủi bụi bám vào áo Dòng trước khi đến địa điểm hành lễ. Chúng tôi đã gặp các em của ngài. Họ vẫn tiếp tục sống đơn giản trong những căn nhà tầm thường, bán nước giải khát bên vệ đường vùng Hàng Sanh.

Đức Giám Mục Phao-lô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh để chúng tôi ngồi lại phòng khách để đi vào bên trong đem ra mấy chai nước tiếp khách bởi ngài có thói quen “tự lo như thế” từ trước. Đức Cha Giu-se Nguyễn Quang Tuyến, Giám Mục Bắc Ninh thương đi thăm mục vụ những Giáo Họ xa xôi hẻo lánh, tìm bụi bờ để giải quyết các đòi hỏi tự nhiên. Chấp nhận những điều kiện sinh sống và hoạt động, thi hành nhiệm vụ trong những điều kiện bình dân nhất. Đức cha Bartholomeo Nguyễn Sơn Lâm bao giờ cũng có mặt đón khách và đưa khách rất thân tình. Đức cha G. Nguyễn Chí Linh cùng dọn bàn sau khi ăn và đưa chén bát vào nhà bếp. Đức cha Gia-cô-bê Nguyễn Văn Mầu chỉ hút thuốc Bastos rẻ tiền, dành loại ba số cho khách...

Tôi nhớ vào đầu thời gian hoạt động Linh Mục, tôi được Bề Trên sai đi vùng Hoài Nhơn, thuộc Giáo Phận Quy Nhơn để giúp Tân Tòng. Cha Xứ, cũng tên Nhơn, gây cho tôi ấn tượng đầu đời Linh Mục. Đó là một Linh Mục bình dân, khắc khổ nhưng tràn ngập nhiệt thành tông đồ. Ngài xin tôi mở các cuộc nói chuyện với đồng bào bên lương. Với vốn liếng hiểu biết vế các tôn giáo mà tôi có được qua các bài thuyết dạy của cha Gérard Gagnon Nhân, nhờ những kinh nghiệm sống tôi đã có được qua những cuộc học hỏi ở các Chùa tại Đà Lạt, nhất là Chùa Linh Sơn, tôi thấy vững tâm khi đương đầu với từng mấy ngàn người kéo về nghe và không ngại chất vấn tới nơi tới chốn.

Các buổi thuyết giảng kéo dài từ 7 giờ tối đến khoảng 10 giờ và có khi 11 giờ đêm. Dân chúng ngồi dưới đất, giữa ruộng, giữa sân, nơi bờ biển. Chúa cho tôi có giọng nói mạnh, rõ ràng và chinh phục được người nghe. Tìm đâu ra những hệ thống âm thanh nơi đô thị ở chốn nhà quê này. Mấy năm sau, trở lại thăm Cha Xứ, được ngài cho biết: “Cha phải đi thăm lại tất cả các nơi cha đã giảng ngày trườc. Nay ở đâu cũng có Nhà Thờ Nhà Nguyện và cả trăm người Tân Tòng”. Tôi không nghĩ rằng đó là kết quả của các bài diễn giảng của tôi mà là do lòng nhiệt thành, chí tông đồ của ngài và sự hợp tác của các Giáo Lý Viên, những Tông Đồ Giáo Dân được Cha Xứ hướng dẫn và sự thúc đẩy của vị Giám Mục tôi rất quý mến, Đức Cha Phê-rô Ma-ri-a Phạm Ngọc Chi.

Nhưng điều tôi muốn nêu lên ở đây là cuộc sống của Thừa Sai. Nhiều nơi ngưới ta “quên” cho tôi ăn. Đạp xe 10 cây số để cấp tốc phải lên diễn đài, vì “người ta chờ đợi lâu lắm rồi”. Một ly nước chè nóng giải quyết mọi mệt nhọc trên những con đường làng, ven bờ ruộng hay những đường lối quanh co của núi đồi. Xong việc, người ta chỉ cho tôi một căn nhà hay một cái phản ở cổng đình hay nhà nào đó, rồi ai nấy rút lui. Nằm lại một mình, không có gì ăn, không nơi vệ sinh. Mệt quá, cứ lăn ra ngủ. Về sau, rút kinh nghiệm, chúng tôi đem theo vài hộp sữa, và khi không còn ai thì nút sữa cho đỡ đói. Cứ đi mấy ngày như thế xong, Cha Xứ lại cho chúng tôi về lại Nhà Xứ để lo tắm rửa, vệ sinh, nghỉ ngơi một hai ngày rồi lại lên đường đến địa điểm mới. Cha Xứ cũng không làm gì khác, và luôn nụ cười trên khuôn mặt phúc hậu...

Có điều chúng tôi không làm được tức là ban ngày giảng dạy và tối đến thì cầu nguyện một mình trên núi, như Chúa Giê-su đã từng làm. Nhưng rõ ràng người Thừa Sai cũng không hơn gì nhưng còn có một nơi gối đầu. Thỉnh thoảng Chúa ghé mấy nhà quen và ân cần như gia đình của mấy chị em La-da-rô. Ngài cũng có một thân xác yếu hèn, lắm nhu cầu như ta. Điều muốn nói ở đây là đã phục vụ người nghèo thì đừng đòi hỏi những gì người nghèo không thể đòi hỏi được, có sao thì chấp nhận như vậy, chấp nhận kham khổ, thiếu thốn và cố gắng “trở nên một người giữa mọi người”, như cách nói của cha B. Haring. Người Linh Mục không quên nguồn gốc của mình, nguồn gốc nghèo, bình dân, như các Tông Đồ là những người lao động, đánh cá tầm thường.

Chúa Giê-su có khả năng để chọn những kẻ khôn ngoan, những người giàu sang và quyền thế để làm Tông Đồ. Nhưng Ngài lại chỉ chọn những kẻ bình dân, những ngư phủ, người lao động và hèn kém trong xã hội, để thế giới không thể gán cho sự tinh khôn, tiền bạc và thế lực là sức đẩy để “Tin Mừng lan tràn khắp thế”, một giấc mơ bá chủ vĩ đại của con người lầm than suốt đời được biết đến như là “Con bác thợ mộc Giu-se”.

Tôi đã từng được nghe giảng dạy và tuyên bố Giáo Hội cho người nghèo, noi gương Chúa Ki-tô được sai đến để “loan Tin Mừng cho người nghèo khó”. Phục vụ người nghèo như một đối tượng ưu tiên, thế nhưng cuộc sống của nhiều vị lãnh đạo vẫn có mùi giàu sang và tỏ ra thích hào nhoáng. Có một số tác giả – thần học gia, sử gia – đã thích trở về nguồn và “moi ra” những dấu vết của sự rềnh ràng sa hoa hào nhoáng trong Giáo Hội, kể từ thời mà có các “Linh Mục của triều đình”, “Giám Mục của hoàng đế” với những đặc ân, đặc quyền, đặc lợi. Những cách kêu gọi, xưng hô trước nay không lâu: Son Eminence, Son Excellence Monseigneur, Révérendissime, Révérend... đều mang mùi mẫm triều đình...

Và Giáo Hội, qua các vị Giáo Hoàng Gio-an 23, Phao-lô 6, Gio-an Phao-lô 2 đã dần dần có những đổi thay. Người ta còn nhớ khi Đức Phao-lô 6 cắt bớt cái “đuôi” dài đến 3 thước trong phẩm phục của các Hồng Y, thì đã có những sự phản đối khá kịch liệt tại Giáo Triều Rô-ma. Đời tôi đã chứng kiến những sự đổi thay: đôi giầy của vị Giám Mục được bưng trang trọng trong các lễ nghi đại trào, triều thiên ba tầng, chiếc kiệu tám người khiêng đã được thay thế bởi một chiếc xe đơn giản. Tuy vậy, tôi không bao giờ muốn làm cách mạng, nên trong những trường hợp công khai, tôi vẫn dùng cách xưng hô “cao cả” nêu trên.

Trong cuốn phim về DCCT Việt Nam, tôi vẫn trịnh trọng dùng “Révérendissime Père Général, Très Révérend père... để chỉ về các Bề Trên cao cấp trong Dòng. Cuốn phim đã được chiếu tại Rô-ma, và có người hiện diện đã cho tôi biết là các vị tại trung ương đã có những nụ cười hóm hỉnh khi nghe đến những cách xưng hô đầy kính cẩn đó. Biết như thế, trong dịp được gặp cha Bề Trên Cả và các cố vấn trung ương tại Rô-ma hồi đầu năm 2002, tôi đã đề phòng, và như mọi người, chỉ gọi cha Bề Trên Cả là “Père Général”. Đang khi đó thì tại Việt Nam, do lòng kính trọng truyền thống sẵn có, những kiểu xưng hô trang trọng vẫn được đòi hỏi và được sử dụng cặn kẽ.

Người đời nay đã đơn giản hơn nếu không muốn nói là đã dân chủ hơn, hay như dưới khía cạnh đạo đức: đã mất Lòng Tin và chẳng còn nhìn nơi các đấng các bậc như là những đại diện của Chúa Ki-tô. Người ta không còn dùng “Vous”, mà là “Tu” khi nói với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su, như muốn trở nên thật gần gũi với Đấng Tối Cao nhưng đã trở nên “một người giữa chúng ta”. Sau 30.4.1975, đi trên đường, tôi được người ta vui vẻ chào: “Chào đồng chí cha !” Từ đó, người ta gọi tôi bằng nhiều danh xưng khác, nhưng điều đó chẳng có gì là quan trọng khi nhớ đến Thầy Chí Thánh đã bị gọi là “tên phản động”, “kẻ làm loạn”, thằng khùng, bị quỉ ám, tên phạm luật”.

Khó mà tưởng tượng ra hết mọi sự chửi bới mạt sát đay nghiến mà các người lính Đức Quốc Xã đã dùng đối với các Linh Mục, Tu Sĩ trong thời bị tập trung. Tôi được biết có lần cán bộ gọi Đức Cha Nguyễn Văn Bình là “thằng“. Như thế thì ta cũng chẳng quan tâm lắm nếu có những người gọi chúng ta bằng những danh từ không mấy lịch sự; và đối xử với ta như là những tên gian ác, những “công dân ghẻ lở”, những phần tử cần phải đề phòng và loại trừ...

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC - Kỳ 2

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 2

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC

NHỮNG CỘT MỐC ( tiếp theo )

4. NGHỀ LINH MỤC

Trong một buổi “làm việc” với Công An, tôi được hỏi: “Nghề gì ?” – “Tôi là Linh Mục”. Người Công An im lặng một hồi khá lâu, xong anh nói: “Linh Mục là phản động”.

Đối với anh Công An, đó là chân lý. Anh đã được dạy như thế từ lâu rồi, anh đã thuộc các bài học ấy. Tôi nhớ lại thời gian đi tù, một trung úy Công An, sau thời gian tiếp xúc với tôi, đã thành thật nói với tôi: “Linh Mục không phải như người ta đã nói với chúng tôi”. Nhưng anh Công An của sở Công An TPHCM vẫn rất “chính thống” khi phán: “Linh Mục là phản động”.

Không im lặng trước lời vu khống đó, tôi trả lới anh: “Anh nói sai chính sách của nhà nước về sự tự do tôn giáo”. Anh Công An liếc tôi một cái, rồi cúi xuống xem xét hồ sơ của tôi. Sau một hồi, anh nhìn lên và lại phán: “Các ông chỉ lợi dụng tôn giáo để làm chính trị”.

Đó cũng là một “chân lý” anh đã được học. Người ta dạy cho anh mấy điều sai lạc đó. Tôi thưa lại: “Thưa cán bộ, cán bộ nói sai chính sách. Chúng tôi có nhiều việc phải làm, không có thời giờ để làm chính trị”.

Đối với họ “nghề Linh Mục” là “nghề chính trị”. Con người không phải chỉ có việc sống, làm ăn, được cai trị theo một thể chế nào đó. Họ quên hẳn rằng con người còn có tâm linh, còn có lương tâm, còn có linh hồn và còn có sự sống sau cái chết.

Linh Mục không làm chính trị và cũng không lợi dụng chính trị, quyền lực và cả tiền bạc để phục vụ Tin Mừng và làm tròn nhiệm vụ của mình. Tin vào các giá trị tự nhiên đó một cách quá đáng là đi ngược lại với “Hiến chương Nước Trời”. Thế thì nhiệm vụ, vai trò, chỗ đứng của Linh Mục trong xã hội là gì ? Chúa Giê-su đã không dùng người giàu có và của cải trần gian để chinh phục con người.

Giáo Hội thời bị bách hại tại Giê-ru-sa-lem rồi tại Rô-ma và ngay cả tại Việt Nam vẫn chinh phục tâm hồn con người. Tài sản của Tòa Thánh bị tước đoạt hết đưa đến quyềt định vị Giáo Hoàng tự giam mình tại Vatican để phản đối. Phải chờ cho đến Gio-an 23 mới có cuộc “Phi hành ra khỏi Vatican”, mở đường cho các cuộc công du vũ bão của Phao-lô 6 và nhất là của Gio-an Phao-lô 2.

Cách Mạng Pháp đã tàn phá của cải, cơ sở của Giáo Hội, đặt các Giáo Sĩ, Tu Sĩ ra ngoài vòng pháp luật. Chỉ trong 10 tháng, 546 Linh Mục trong số 828 người bị chất lên tàu đầy sang đảo Madame năm 1794 đã chết vì đói, vì bị bạc đãi, vì bệnh. Cách Mạng Pháp mãi là vết nhơ của một dân tộc văn minh đã có thành tích văn hóa và truyền giáo đáng nể trọng.

Thế nhưng Giáo Hội Pháp vẫn tồn tại và cả thời bụổi này vẫn liên tục gửi các Thừa Sai đi khắp vùng truyền giáo xa xôi. Trước 75 tại Miền Bắc và sau biến cố 30.4.1975 tại Miền Nam Việt Nam Giáo Hội đã bị tước đoạt nhiều cơ sở, ruộng đất và phương tiện kinh doanh để tự túc và phát triển. Các Giáo Phận và các Hội Dòng chịu nhiều mất mát nhưng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam vẫn đứng vững, kiên cường, các ơn gọi Linh Mục Tu Sĩ nam nữ đông chưa từng có. Mọi sự đều có mặt trái, nhưng Thiên Chúa như có lúc để xẩy đến những sự “bất công đó” để chúng ta không quên bài học của việc Chúa đã làm là chọn 12 cột trụ của Hội Thánh giữa những thành phần gọi được là tầm thường, là “thấp hèn” trong xã hội.

Nếu các Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ không quên cội gốc của Giáo Hội Chúa Giê-su đã lập và cội nguồn của chính mình thì họ sẽ luôn luôn khiêm tốn, hiền hòa nhân hậu và thật sự là như Đấng Messiah, “người tôi tớ đau khổ”, “phi bạo lực” không hề có khí giới nào khác là Tình Yêu, một Tình Yêu đi đến cùng. Một cách nào đó, họ sẽ thi hành điều tác giả thư Do Thái đã viết: “Họ sẽ có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những người lầm lạc, bởi vì chính họ cũng yếu đuối mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào thì cũng phải dâng lễ cho chính mình như vậy” ( Rm 5, 2 – 3 ).

Không ai chối từ văn minh, tiến triển. Mọi sáng chế của con người phải được sử dụng cho vinh quang của Thiên Chúa và lợi ích của con người, nhưng những xa xỉ rõ ràng là không phù hợp với nếp sống của người tu hành, của Linh Mục.

Đừng quăng đá cho ai, đừng tận lực lấy cái rác trong con mắt kẻ khác đang khi tải cả một súc gỗ trong mắt mình. Nhưng thật tình, tôi không thích mấy Nữ Tu phát biểu rằng phải mặc đồ ngoại, vải ngoại, vì... lâu rách hơn hàng nội. Tôi quý trọng những Linh Mục không ngại tốn kém để có những chén thánh, những đồ lễ sang và đẹp xứng đáng với Thiên Chúa toàn năng. Có những cái không được tiếc, nhưng những gì liên hệ đến cá nhân của mình thì có lẽ không bao giờ bỏ qua nếp sống đơn sơ, bình thường, nhỏ bé, nghèo mọn.

Một tờ giấy thật nhỏ mọn, nhưng tôi không bao giờ quên những Thừa Sai Canada từng làm giám đốc Đệ Tử Huế. Tôi nhớ đậm nét các ngài cắt từng lề trang báo còn trắng để dùng lại. Một mảnh giấy cỡ bàn tay được người tù trân trọng cất giữ cẩn thận để vấn thuốc, gói cái gì đó, làm đóm hút thuốc... Có lẽ vì đã nằm lòng mà tôi không bỏ xọt rác những mẩu giấy, những chiếc phong bì... Tất cả đã là giấy thảo cho tôi viết bài, viết sách. Tôi chỉ cố gắng tận dụng của Chúa ban trong tinh thần “người nghèo của Gia-vê”.

Công An nói với tôi: chúng tôi biết rõ ở thành phố này có một Linh Mục có một bộ âm thanh nhất Sài-gòn. Cách nay cả chục năm, khi có ý định làm những cuốn phim về Nhà Dòng và Giáo Hội, nghĩ đến những cuộc hành trình qua những con đường vô cùng gian nan bùn lầy, lắm khi phải leo non lội suối, tôi đã mua lại một chiếc xe jeep cũ với giá 15 triệu. Công An biết ngay và hỏi tôi: “Ông mua xe làm gì ?“ Chắc hẳn không phài vì lý do hào nhoáng hay thoải mái, nhưng đối với họ thì chính là mục đích: để làm gì ? Đã có thay đổi. Bây giờ ai để ý đến Linh Mục mua xe ! Điều hệ trọng là đối với vị Linh Mục ấy. Mua xe để làm gì ?

Cuộc sống của một Linh Mục không phải để hào nhoáng, để đua đòi với đời, nhưng luôn nhắm đến việc sử dụng của cải trần gian để làm được công việc mình phải làm. Nhớ lại năm trước 75, tôi đã trang bị phòng thâu thanh tại Trung Tâm ATAS. Nhờ ơn Chúa và sự giúp đỡ của nhiều người, tôi đã sắm được, trang bị được phòng thâu với máy móc đắt tiền vào thời đó: máy thu Sony tốc độ 15 với băng lớn. Giá mỗi chiếc tương đương với một chiếc xe Wolswagen 12 chỗ.

Sau 75, các máy móc để thu, để sang, để quay phim 16 ly, máy chụp, máy chiếu và rất nhiều thứ khác một phần do Nhà Nước lấy, một phần để tại phòng tôi tại Kỳ Đồng... ( Xin lược bớt một đoạn ngắn )

Có một vật dụng tôi rất quý mến vì nó đã giúp tôi trong rất nhiều việc: cái bút máy Parker rất hợp tay. Tôi đã từng với nó viết nhiều bài báo, nhiều cuốn sách, ký hằng vạn bức thư trong và ngoài nước. Vừa về lại nhà sau gần 6 năm tù, tôi hỏi người nhà câu đầu tiên và mong muốn được nắm lại trong tay “người bạn đường” quý báu đó. Người nhà cho biết: một anh Công An xét nhà cầm cây bút ấy, lắc lắc mấy lần rồi phán: “Ăng-ten”, rồi dắt vào túi áo. Chiếc đồng hồ của tôi được nghe phán: “Điện đài !” cũng sẽ đi theo con đường ấy nếu không có sự can thiệp của một người lính: “Đồng hồ của người ta chứ đài gì mà đài”. Anh lính dằng lấy và trao lại cho người nhà tôi: “Chị giữ lại cho ông ấy”.

Trong tù, người ta gọi tôi ra chụp ảnh. Họ chụp tôi với chính máy của tôi: “Máy của ông đó. Đồ của ông thiếu gì ở trong này”. Tôi không biết tôi đã bị mất những gì. Tiếc nhất vẫn là những bản thảo sách của tôi đã viết xong, đánh máy: gần 400 trang đánh máy cuốn sách tôi đã viết trong cả chục năm: “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” trong đường hướng Công Đồng Vatican 2, cuốn “Thư gửi con trước cuộc đời hôn nhân” cũng cỡ đó...

Nghĩ cho cùng thì tôi mất hết mọi sự qua cuộc biến cố xẩy đến năm 75, chung số phận với nhiều Giáo Phận, Dòng Tu, và một số lớn dân miền Nam. Giáo Hội vẫn sống, vẫn hoạt động và tôi cũng thế, tôi không tiếc xót, bởi vì đó là những phương thế Chúa ban một thời gian hoạt động.

Tôi chỉ tiếc là vì đã không còn cơ hội để đeo đuổi chí hướng. Tôi cứ tự an ủi mình rằng: ý Chúa chưa muốn. Chúa dẫn dắt lịch sử và đúng thời đúng lúc Chúa sẽ cho dấy lên “nhửng con cháu Áp-ra-ham từ những sỏi đá”. Có tiếc xót cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Thôi thì ta cứ chấp nhận thời gian mới và làm những gì mới, khác với những gì ta từng quen làm với một hy vọng là “mọi sự sẽ tốt hơn” và ta lại có thể đóng góp sức lực và khả năng của mình cho cái gì khác, trong hoàn cảnh khác và với phương tiện mới khác, như câu chuyện xẩy đến cho tôi vào những ngày đầu của cuộc “đổi đời”.

Vào tháng 6 năm 75, vì không nhận được lệnh phải đi trình diện, tôi đến Tòa Tổng Giám Mục. Đức Tổng Bình có vẻ ngạc nhiên vì tôi không đi trình diện. Ngài lạc quan nói với tôi: “Cha đi trình diện đi, học tập 10 ngày rồi sau đó sẽ có thể lo việc phát thanh khi được phép”. Có lẽ ngài quá “ngây thơ” vì quên đi rằng: người ta sẽ không bao giờ chia sẻ quyền truyền thông với ai khác ngoài các cơ quan của chính quyền, hay thân với chính quyền.

Đến đây, tôi liên tưởng đến cái lý tưởng truyền Tin Mừng qua làn sóng điện, một lý tưởng tôi đã từng ôm ấp trong suốt cuộc đời Linh Mục...

5. GIẤC MƠ TRUYỀN THÔNG

Tôi không biết cái lý tưởng và quyết tâm phục vụ Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông đã đến với tôi từ lúc nào. Tôi chỉ nhớ lúc ở đệ tử, tôi đã tham gia vào những sinh hoạt “nội san”, và thời gian ở Học Viện tôi đã cùng anh Nguyễn Ngọc Lan hỳ hục với nhau dùng thời gian giải trí để thực hiện nội san của Học Viện với những tờ pelure tẩm dầu, đánh máy với cả sức lực để chọc thủng giấy và dán đủ cách để những tờ ấy có thể nhân bản Ronéo. Lúc viết bằng tiếng Việt, khi bằng tiếng Pháp và phát hành trong các tu viện của Dòng tại Việt Nam, có lúc còn vượt biển sang Canada, Pháp...

Làm Linh Mục, tôi được chỉ định về Sài-gòn và tức khắc được mời thuyết giảng trong các chương trình “Tiếng Vọng Tình Thương” do cha Phan Văn Thăm lúc ấy là phó xứ Nhà Thờ Chánh Tòa thành lập trên Đài Phát Thanh Quốc Gia. Các bài của tôi lại được in rộng rãi trên tờ tuần báo Thẳng Tiến cũng do cha Thăm phụ trách.

Trong một bữa ăn tại Nhà Dòng, tôi được nghe cha Phan Phát Huồn, tuyên úy quân đội cho biết là đã được mời thực hiện chương trình Truyền Hình nhân dịp lễ Noel năm đó, năm đầu tiên có truyền hình tại Sài-gòn. Ngài cho biết là đã phải từ chối vì “không có người làm được”. Tôi xung phong nhận làm chương trình. Đó là chương trình truyền hình Công Giáo đầu tiên trên đất nước Việt Nam.

Kinh nghiệm chưa có bao nhiêu, nhưng đó là bước đầu. Chương trình được thu trong một stuđio nhỏ bé, và ca đoàn tôi đưa lên đã bắt buộc camera phải dời khỏi phòng ra tận hành lang, để có thể thu hình được đầy đủ. Máy lạnh lúc ấy chưa đạt và sức nóng đem thêm máu nóng cho buổi thu hình. Trong thời gian vừa qua, tôi đã gặp lại được cô bé tên Nguyệt lúc ấy mới 5,6 tuổi với bó hoa tươi để chúc Lễ Giáng Sinh cho các vị khán giả. Ánh đèn đã làm cho cô bé rơm rớm nước mắt, và chúng tôi đã phải cố gắng dỗ dành để cô bé nói được mấy lời vắn tắt. Thời xa xưa ấy vẫn không làm cho tôi quên được, nhất là khi thấy các “bé” thật dạn dĩ nói, hát trên đài truyền hình mầu ngày nay. Tôi cứ mơ đến những chương trình Truyền Hình Công Giáo trong hệ thống truyền hình nay phủ sóng trên toàn cõi Việt Nam. Tiếc xót ! Và vẫn chờ đợi !

Từ ngày đó, nha Tuyên Úy Công Giáo yêu cầu tôi nhập vào, đề chỉ... lo các chương trình Phát Thanh, phát hình của Nha Tuyên Úy Công Giáo. Cơn cám dỗ không thắng nổi, và tôi vào quân đội. Người ta giữ lời hứa và trao cho tôi công việc ấy bằng một cú điện thoại, không có một giấy tờ tài liệu gì.

Trong gần 7 năm, tôi đã thực hiện các chương trình phát thanh và chiến dịch: “Đức tin trong quân ngũ”, “Sách Kinh cho quân nhân” và lớn nhất là “Mỗi quân nhân một Tân Ước”. Có một thính giả, một thiếu nữ viết thư cho tôi, trong đó có lời đề nghị “tặng Tân Ước cho quân nhân Công Giáo Việt Nam”. Và đó là khởi điểm của chiến dịch: “mỗi quân nhân một Tân Ước”. Tôi hăng say hoạt động, phát huy nhiều sáng kiến. Tôi sung sướng thấy “giấc mơ Truyền thông” đang trên đà thành sự thật.

Đúng ra là tôi vào ngành Tuyên Úy Gông Giáo không phải vì để được “làm quan” mà chỉ để làm Truyền Thông. Anh em quân nhân biết đến tôi chỉ vì nhờ báo chí, phát thanh. Tôi thương mến anh em và tận lực làm những gì đem lại niềm Tin Yêu cho những con người ngày đêm phải đối diện với gian nan và cái chết. Tôi đi thăm các đơn vị. Với chiếc áo Dòng, tôi đi khắp nơi: An Lộc, Chương Thiện, Bến Hải... Ở đâu chiếc áo Dòng vẫn được tiếp đón trân trọng. Có lần vừa xuống khỏi trực thăng, các sĩ quan mời tôi theo họ. Sau một hồi, một vị hỏi tôi: Thưa cha ông Đại tá theo cha là ai vậy. “Tôi nhìn lại thì thấy Đại tá đó là “cha Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo”.

Tại một nơi khác, đang buổi tiếp đón trọng thể, tôi len lỏi vào giữa anh em để lấy hình, lấy tin chứ không ngồi trên khán đài. Một đại diện nói vài lời chào đón phái đoàn và kết luận: “Anh em chúng con chỉ xin cha Giám đốc và phái đoàn cho chúng con được một ơn huệ là được cha Tự Do đến thăm đơn vị chúng con”. Mọi người ngạc nhiên khi biết tôi đang ở đây. Sau buổi nghi thức, anh em quây quần tôi với những cử chỉ và lời nói thân thương. Tôi vẫn thích như thế và các cuộc cung nghinh trọng thể không làm cho tôi “dễ chịu” mấy. Tôi làm lớn không được !

Người Tông Đồ Truyền Thông hoạt động trong một lãnh vực “hư hư thực thực”, đối tượng ở đâu đâu, không có những tiếp xúc nóng ấm trực tiếp với những con người bằng xương bằng thịt, thiếu hẳn những ánh mắt, những nụ cười sống động cùng với những buổi tâm sự thân mật và kết quả trông thấy... Người Tông đồ Truyền Thông lúc nào cũng đối mặt với những máy móc: thu âm, thu hình, nói với ai đó “không chân dung” chẳng biết được họ vui thích thông cảm hay bỉu môi ngoảnh mặt và có lúc còn bực bội vặn nút tắt máy. Ngành Truyền Thông được chê nhiều, khen ít. Khán thính giả luôn là những người xa lạ, mặc dầu trong thời gian phụ trách phát thanh, ngày nào tôi cũng nhận được vài chục bức thư.

Được coi như là phương tiện giải trí, các phương tiện truyên thông Công Giáo thường không được quan tâm lắm và việc đầu tư vào ngành này lại rơi vào hạng thứ yếu. Tôi được nghe nói rằng: các phương tiện máy móc của các Đài Công Giáo được quan tâm nhất như Vatican, Veritas... hầu hết là “đồ cũ”, đã sử dụng từ mấy mươi năm rồi. Tôi có nghe được cảm nghĩ của một vị lãnh đạo tinh thần cao cấp nói: “Tôi không bao giờ nghe Phát thanh Công Giáo vì... không có thì giờ”.

Một kinh nghiệm: thời gian thực hiện chương trình trên Truyền hình, tôi hát bài “Vào Đời” của Thành Tâm. Sau buổi phát hình, chị tôi, Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt đến gặp tôi. Bà nghiêm nghị nói với tôi: có mấy cha xem truyền hình thấy em hát có đến nói với chị: “Ông cha Do làm Linh Mục chưa đủ sao mà còn muốn làm ca sĩ ”. Sau ít phút trao đổi, tôi chỉ nói với chị: “Xin chị cám ơn các cha đã cho lời khuyên dạy, và xin chị thưa với các ngài rằng: “xin mời cha xem cha Do hát trên truyền hình lần sau”.

Những kinh nghiệm “không vui” trong nghành Tông Đồ Truyền Thông không thiếu, và người Tông Đồ Truyền Thông gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là vào thời mà các phương tiện máy móc còn chưa tân tiến và tiện lợi như ngày nay.

Giáo Hội chưa tận dụng phương tiện truyền thông đại chúng để phục vụ Tin Mừng. Chắc phải đợi hoàn cảnh bị cấm đoán mới hiểu được lý do và sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá Chân Lý và Tình Thương Cứu Độ.

6. MỖI QUÂN NHÂN MỘT TÂN ƯỚC

Đây có thể là dịp để tôi nhận thấy sức mạnh của các phương tiện Truyền Thông đại chúng, chương trình được phổ biến trên đài phát thanh, với tiêu chuẩn là 300. 000 cuốn Tân Ước, phỏng theo số người Công Giáo trong quân lực VNCH và mỗi cuốn là 100 đồng Việt Nam. Từng vạn người nhiệt tình hưởng ứng. Có những người góp 300 cuốn và nhiều em bé nhịn quà góp nửa cuốn. Chỉ không đầy 2 năm, số tiền in Tân Ước đã lên gần 8 triệu bạc. Công việc chuẩn bị bản văn được tiến hành.

Thời đó, cuốn Tân Ước của cha Giu-se Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, là bản dịch được phổ biến và được yêu thích. Chúng tôi đã xin ngài cho được sửa chữa một số câu văn có vẻ khó hiểu để bản dịch mang tính cách “bình dân” hơn. Ngài đã đồng ý và cùng với cha Giu-se Trần Hữu Thanh, chúng tôi đã có một bản văn mới hy vọng dễ đọc và được sự đồng ý của dịch giả. Công việc sắp chữ được tiến hành tại nhà in Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng. Hằng ngày, tôi phải đọc mấy chục trang bản thảo. Tôi phải thường xuyên thức đêm để sửa bản in sao cho kịp sáng hôm sau trao cho nhà in.

Tôi đã đọc cuốn Tân Ước khoảng 7 lần. Cám ơn Chúa, vì nếu không bị thúc bách bởi công việc đó thì có lẽ cả đời tôi mới chỉ đọc trọn bộ Tân Ước đều đặn chỉ có một lần từ đầu đến cuối lúc ở Nhà Tập. Đồng thời tôi và một số các Linh Mục như cha Phan Phát Huồn, Trần Hữu Thanh, G.B. Nguyễn Văn Vàng..., chúng tôi đã hằng tuần sọan và đọc trên Đài Phát Thanh những bài học hỏi về Kinh Thánh.

Hằng tuần, phòng thu thanh của Nha Tuyên Úy Công Giáo đón tiếp các quân nhân thuộc các đơn vị đến trao đổi về Kinh Thánh, thu thanh buổi gặp gỡ, lựa chọn các đoạn súc tích để làm thành một chương trình sẽ được phát trên Đài. Tại Đài truyền hình quốc gia, Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám Mục đặc trách Tuyên Úy Công Giáo ngỏ lời với quân nhân và những cuộc “đấu tử chiến” về Tân Ước được tổ chúc, trong đó các sĩ quan cấp tá sát kề với các anh em hạ sĩ quan, binh sĩ, trong cuộc so tài “tìm hiểu Tân Ước”.

Không phải hết mọi người đều hưởng ứng và hợp tác. Chiến dịch phải đương đầu với bao khó khăn, nhiều “cám dỗ”. Nhiều lời nói xuyên tạc, nhiều lập trường khác luôn tạo nhũng khó khăn lắm khi khó vượt khỏi: “Người Công Giáo Việt Nam không thể đọc Kinh Thánh được, họ chưa đủ trình độ...; mấy ông DCCT chỉ bày trò” “làm tiền”, ”Họ sẽ in sách nhưng vài ngàn cuốn thôi còn tiền thì...”

Tôi không hiểu được tại sao người ta lại có thể “sáng chế” ra những điều kỳ lạ như thế đến mức mà chỉ nghĩ tới cũng đã phải xấu hổ. Có một số các vị muốn lấy hết số tiền chiến dịch để “mua lại” một số sách Kinh Thánh bằng hình vẽ của một tác giả nào đó. Có những vị không hề phát động chiến dịch trong đơn vị mình. Có mấy Nhà Thờ không cho chúng tôi đến giảng, nói rằng họ tự làm lấy, nhưng không bao giờ chúng tôi nhận được món tiền nào từ đó cả.

Trong những lời phê phán, suy đoán có tính cách “bất đồng nhuốm mầu phá hoại đó”, có những điều xúc phạm đến cá nhân tôi, đến các cha hợp tác và đến cả DCCT, cả tập thể Linh Mục. Đáng lẽ mọi sự đã “xuôi chèo” khi nhiều lần Nha Tuyên Úy Công Giáo “đòi” bộ Tổng Tham Mưu giải ngũ tôi hay ít là đưa tôi đi một đơn vị tác chiến xa Sài-gòn. Đức Cha Giu-se Lê Văn Ấn đã tự tay viết thư cho trung tướng tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Trần Văn Trung với chỉ thị: “Không được giải ngũ Linh Mục Nguyễn Tụ Do nếu không có sự đồng ý của Giám Mục đặc trách”.

Dò hỏi tại Việt Nam về việc ấn hành, đóng bìa cứng, tôi được một nơi nhận đóng bìa với giá khoảng 100 đồng một cuốn. Tiền in chưa kể, thế thì làm sao hạn chế một cuốn trong 100 đồng. Chúa lại đến trong cha Mario Del Acquista Pace, Dòng Don Bosco. Trong nhiều năm, ngài thường mời tôi giảng cấm phòng cho các học sinh, và tôi đã có liên hệ thường xuyên mật thiết với các Tu Sĩ Salésien, cách riêng với cha Mario. Ngài cũng được biết chiến dịch qua phát thanh và đã sẵn sàng giúp đỡ, không phải bằng tiền bạc, nhưng: “Tại sao cha không in tại Hong Kong, vừa đẹp vừa rẻ. Tôi sắp đi Hong Kong, nếu cha cùng đi, chúng tôi sẽ giúp cha nơi ăn chốn ở và sẽ giới thiệu với cha mấy nhà in”.

Chỉ trong nửa giờ, passeport, visa đuợc hoàn thành, nhờ hộ chiếu ngoại giao do ngoại trưởng Trần Văn Lắm cho làm trong thời gian uống một ly nước cam. Vé máy bay đã được mua trước khi có passeport, và tôi đã lên đường sang Hong Kong với cha Mario. Ngài đưa tôi về trường “Tăng king Po school” tại Kowloon, phòng có máy lạnh, tìm cho tôi một thầy Việt Nam, thầy Hùng, để suốt thời gian hướng dẫn tôi trong thành phố lớn và sinh động này, lúc đó còn thuộc nước Anh. Ngài đưa tôi đến gặp Giám Mục, gặp cha Gabriel de Allegra Linh Mục Dòng Phan Sinh, người đã dịch bộ Kinh Thánh ra tiếng Hoa, tiếp xúc với mấy chủ nhà in, và cuối cùng thì chọn nhà in của ông Fu Yam. Ông này không nói tiếng Anh.

Thầy Hùng vừa phiên dịch vừa cố vấn. Ông đối xử rất thân tình, tạo cho tôi mọi sự dễ dàng trong công viêc, và cuốn Tân Ước được nhận in với giá khoảng 50 đồng một cuốn, bìa PVC có bao bên ngoài sách. Hợp đồng được ký cho đợt đầu 100.000 cuốn. Thật là tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên Tân Ước được in đến con số lớn như thế cho Giáo Dân Việt Nam. ( Ảnh chụp: Tại Hong Kong In Tân Ước. Từ trái sang: Thầy Hùng, Lm. Nguyễn Tự Do, áo trắng bỏ ra ngoài là ông YAM, chủ nhà in Manhing Offset Printing Press ).

Cha Phe-ârô Phan Phát Huồn lúc ấy làm phó Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo đã tổ chức lễ Xuất Phát với phòng triển lãm Thánh Kinh, với bức tượng “Quân nhân và Tân Ước”, và với cuộc lễ trọng thể Xuất Phát. Khoảng 3.000 quân nhân Công Giáo thuộc các đơn vị Bộ Binh, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động, Không Quân, Hải Quân... đã đến chật trong ngoài Nhà Thờ Đồng Tiến.

Chiến dịch đã thành công lớn, nhưng không trọn vẹn, do một số người có những tư tưởng và suy luận thiếu trung thực và tình thương, đã không biết gạt đi những ác cảm do phân biệt Triều-Dòng, hay chỉ trong phạm vi cá nhân. Tôi nghĩ rằng có lẽ con người của tôi không “ngoại giao đủ”, nguyên tắc quá và không chinh phục được cảm tình và sự hợp tác của người khác. Tôi không thi hành được chính sách: Nhu nhược thắng cang cường, lui một bước để tiến hai bước. Khi cả trăm thùng hàng được xe “lowboy” kéo về trụ sở Dồng Tiến chiếm hẳn cả một căn phòng lớn thì người ta không còn rỉ tai được là “chỉ làm bộ” in vài ngàn cuốn như họ đã từng nói trước đó.

Một thời gian sau, ban Giám đốc lại “tự nhiên” ra chỉ thị phát động lại chiến dịch. Tôi vẫn hợp tác, nhưng công việc đã mất trớn rồi và phát động lại đã chẳng đi đến kết quả cho đến khi tàn lụi. Tôi đã không còn phục vụ tại Nha Tuyên Úy Công Giáo nữa và nhận trách nhiệm Nhà Dòng trao thực hiện việc Tông Đồ Truyền Thông dưới quyền lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Sài-gòn, Phao-lô Nguyễn Văn Bình.

Trước đó, tôi đã nhận phân phối Tân Ước cho các cha tuyên úy, theo tỷ lệ số quân nhân mà các ngài đã báo cáo. Những người không báo cáo được lãnh 100 cuốn. Tôi đã hành động như thế dựa trên tài liệu báo cáo. Không ai trách móc được.

Nhưng ở đây một lần nữa, tôi lại chạm trán với một số khó khăn do những suy nghĩ hay cách làm của những người phải “phát tặng Tân Ước cho quân nhân”, khi tổ chức các cuộc xuất phát tại địa phương. Một số phiếu “Nhận Tân Ước” được gửi về văn phòng, nói lên niềm vui hiên ngang của họ được có cuốn Tân Ước “của quân nhân”. Tiếc thay, cũng có một số phiếu ghi rõ: đã mua với giá 500 đồng.

Tài liệu triển lãm, trong đó có một bức họa dài khoảng 50m ghi lại lịch trình cứu độ qua Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước được các cha tuyên úy “mượn” về tổ chức tại địa phương. Thế rồi một ngày kia, nó biến mất.

Bức tượng Quân Nhân Tân Ước, sau 30.4.1975 được sửa lại là Giáo Dân Tân Ước, để cuối cùng khoảng sân trước Nhà Thờ Đồng Tiến bị “xung công” làm nhà máy sấy chuối và bức tượng cũng không còn. Thế nhưng, về sau này, tôi cũng được niềm vui nhận được chứng tá của những người lính đã “dấu” cuốn Tân Ước gọn gàng ấy trong thời gian ở tù tại các trại cải tạo và Lời Chúa đã đem lại niềm vui, tin tưởng cho những anh em trong thử thách. Ý định của Thiên Chúa đã biết từ lâu rằng: Lời Chúa sẽ là sức mạnh cho con cái khi mọi nguồn hy vọng tự nhiên trên cõi đời này đã không có lối thoát qua những năm dài tù đầy chỉ vì hoàn cảnh và không hề có tội, có nợ gì khi đã làm tròn bổn phận của mình.

Sau thời gian tôi bị tai nạn lật xe và bị thương, tôi đã giải ngũ và trao lại phòng thu thanh với máy thu, nhạc cụ và hồ sơ sách hát cho người khác. Chỉ một tuần sau, đến thăm lại phòng thâu thanh, tôi đã chứng kiến nó trở thành phòng của... giám đốc. Thắc mắc của tôi nhận được câu trả lời: “Cha X đã đem hết về nhà ngài”.

Kinh nghiệm này đã cho tôi một nỗi buồn vì không thấy tinh thần nối tiếp trong các công trình xây dựng và tôi đã cố gắng nghĩ phải làm một cái gì bền vững hơn để ngành Truyền Thông Công Giáo có sức mạnh trong việc tiếp tục loan báo Tin Mừng cho đại chúng.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC - Kỳ 3

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 3

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC

7. NGÀNH TRUYỀN THÔNG

Như đã nói, ngay từ lúc ở Đệ Tử cho đến nay, khi gần kề cái chết, tôi vẫn xác tín rằng các phương tiện truyền thông xã hội là lợi khí rất quan trọng, rất mạnh thế để loan báo Tin Mừng, để truyền bá những cái tốt, chống lại những cái xấu, nhất là trong thế giới ngày nay. Tôi đã được huấn luyện từ bé để biết thế nào là quảng bá Tin Mừng bằng hùng biện.

Cha Eugène Larouche đã có những sáng kiến độc đáo: trao trách nhiệm chỉ huy cho những chú bé ngay trong thời gian còn ở Đệ Tử, trao cho các chú lớn dọn bài giảng về Đức Mẹ trong tháng 5 vào giờ thiêng liêng buổi tối, tập nói trong các cuộc “Missionnette”. Lên đến Học Viện, các thầy thay phiên nhau nói lời thiêng liêng mỗi cuối giờ giải trí buổi tối và tập giảng trước Học Viện có giáo sư hùng biện chứng giám. Tôi nhớ có lần tôi “tập Giảng” như thế. Tôi rất ngạc nhiên, vì ngay sau khi tôi chấm dứt, đáng lẽ cha giáo chỉ một thầy phê bình, nhưng lúc này, chính ngài – cha Gérard Gagnon Nhân – đứng phắt dậy và nói: “Từ ngày tôi nhận dạy khoa hùng biện tại Học Viện cho đến nay thì đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy phấn khởi. Tôi nghĩ rằng không có gì phải phê bình trong bài giảng của thầy Do”. Tôi thì chỉ khoái vì không phải đứng trên bục để nghe mổ xẻ về mình chứ không nghĩ mình đã có khả năng thế nào để nhận được lời khen của giáo sư.

Tôi được các cha giáo thường chọn đóng vai lớn trong các bản tuồng tại Đệ Tử và trong Học Viện, và ngay cả khi đã là Linh Mục. Vai cuối cùng tôi đóng là Giu-se, trong Opera Joseph nhân dịp mừng kỷ niệm gì đó của Nhà Dòng. Như đã nói ở trên, tôi thường xung phong thực hiện các nội san của Đệ Tử, của Học Viện, và ngay khi được chỉ định về Sài - gòn, tôi đã viết rất nhiều cho tờ Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Tỉnh Dòng. Có những số toàn bài của tôi, kể cả bài Edito mang tên cha Giám Đốc. Tôi không hề có chức vụ và nhiệm vụ gì tại tòa báo, nhưng nhiều công việc sửa bài, xếp trang, chọn hình, chụp ảnh đều do tôi làm việc với Thư Ký Tòa Soạn, ông Hà Châu.

Tôi vẫn đuợc Bề Trên ghi vào danh sách Thừa Sai Đại Phúc và thường xuyên vắng nhà có khi cả mấy tháng trời. Cha Hồng Phúc chủ nhiệm Nguyệt San vẫn yêu cầu tôi viết bài cho đủ, lắm khi phải gửi bài về cho tòa soạn. Tôi rất thích viết báo, nhưng không được giao trách nhiệm, mặc dầu được anh em trong Dòng tỏ ý muốn tôi làm Giám Đốc... ( Xin lược bớt 2 đoạn )

Tiếp nối những trang “hồi ký” không mấy sáng sủa của “đường công danh” của tôi, tôi kể lại một kinh nghiệm khác liên hệ đến việc phụ trách ngành truyền thông Công Giáo Việt Nam.

Tình cờ gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình tại một buổi tiếp tân, ngài tỏ vẻ vui gặp tôi và nói ngay: “Khi nào cha nhận chức vụ, cha đến gặp tôi nhé”. Tôi ngạc nhiên thưa: “Thưa Đức Tổng, con nhận nhiệm vụ gì thế ạ ?” Ngài cũng ngạc nhiên: “Thế cha Giám Tỉnh không nói gì với cha à ?” – Thưa Đức Tổng, con không được nghe nói gì. “Đức Tổng cho tôi biết đã có quyết định đặt tôi làm Giám Đốc Truyền Thông Xã Hội của Giáo Phận và đã có sự đồng ý của Nhà Dòng”. Tôi không có ơn gọi làm giám đốc cái gì cả. Về sau tôi được biết cha Bề Trên Tỉnh lúc ấy là cha FX. Trần Tử Nhãn đã từ chối lời yêu cầu của Giáo Phận, với lý do: cha Tự Do có việc phải làm tại Nhà Dòng.

Toàn là những chuyện khó hiểu đối với tôi, nhưng tôi không hề thấy buồn phiền. Ở đâu tôi cũng cố gắng chèo chống và tận tình.

Một câu chuyện khác. Một ngày kia, tôi được gọi ra nhà khách và giáp mặt với một gia đình mà tôi không hề quen biết. Họ khẳng đinh là muốn gặp cha Tự Do. Chỉ kịp ngồi, ông chủ gia đình nói với tôi: “Thưa cha, ngày nào cha đi Manila, xin cha cho con gái của con theo cha”. Tôi lại ngạc nhiên vô cùng trước tin sốt dẻo đó. “Tôi làm gì ở Manila mà ông bà lại nói thế ?” Họ cho rằng tôi muốn dấu sự thật. Họ bộc bạch cho tôi biết tin là tôi đã được chỉ định đi Manila để làm Giám Đốc Chương trình Việt ngữ đài “Chân Lý Á Châu”.

Một lần nữa, tôi lại không “leo lên” được ghế giám đốc và cũng không hề tìm hiểu nguyên do của nguồn tin mà người ngoài biết trước cả đương sự. Thật tình ra thì trong các liên hệ trong ngành truyền Thông, cách riêng qua UNDA, cha Desautels, Dòng Tên đã có lần đề nghị tôi làm Truyền Hình Đắc Lộ. Tôi có thắc mắc: “Con không phải là Dòng Tên làm sao làm Giám Đốc Truyền Hình Đắc Lộ !” Ngài chỉ cười, giơ hai tay lên: “Cha cũng lại nghĩ sai rằng Truyền Hình Đắc Lộ là của Dòng Tên ư ?” Chính ngài cũng có lần nói là tôi nên đi Manila lo chương trình Việt ngữ dài Veritas. Thật tình thì tôi lại không muốn đi, và chỉ nói: “Tại Việt Nam con nhiều việc phải làm lắm, và tốt hơn là con thực hiện chương trình ở Việt Nam rồi gửi sang Manila để phát”.

Tôi thường nghĩ và vui thích thấy mình “ngồi trong phòng kín và sau chiếc máy thu âm”, “có tiếng nhưng không có miếng” để Tin Mừng được “phóng đi trên các nóc nhà”. Tôi đã từng chọn “không có đệ tử, không có “con cái”, khách của tôi không nhiều, mặc dầu nhiều người biết đến tên tôi. Tôi thích làm một người “không có mặt mũi” đang khi các anh em khác được người ta chào đón thân tình.

Tôi không thích dạy Giáo Lý, lo Hôn Phối... do đó tình cảm giữa tôi và Giáo Dân thường không mấy đậm đà. Không mấy gia đình quen biết phải dạy con cái gọi tôi bằng “ông nội, ông ngoại”, không mấy khi bị kêu là “bố”. Nhưng tôi thấy thoải mái, khi bài viết được đăng trên các báo, khi chương trình phát thanh phát hình được thực hiện và được phát đi. Không cần “cái mặt mẹt” của tôi mà chỉ cần “tiếng kêu trong rừng” được vang dội khắp nơi. Và tôi luôn thích cái khẩu hiệu “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện”.

8. TRUNG TÂM ÂM THANH VÀ ÁNH SÁNG

Tôi lao đầu vào thực hiện Trung Tâm Âm Thanh Và Ánh Sáng, gọi tắt là ATAS mà các bạn Mỹ thích gọn ghẽ đặt tên là SLC ( Sound and Light Center ).

Đặt ở đâu cái Trung Tâm ATAS đó ? Là DCCT, tôi nghĩ rằng công việc này phài nằm trong sinh hoạt của Dòng Chúa Cứu Thế. Đó là điều dễ hiểu, là tất nhiên.

Tôi đã trình bày với các Bề Trên trong Dòng với đề nghị dùng một mảnh đất nhỏ tại khu vườn của nhà Kỳ Đồng, lúc ấy có một mảng nhỏ làm nghĩa địa và số còn lại là cây cối, lơ thơ vài bụi chuối. Tôi chỉ xin 120m2. Sau mấy buổi họp, có kẽ hở cho tôi biết: Hội Đồng Tỉnh không chấp nhận vì... , vì... Có một vị trong ban cố vấn phát biểu rằng: cha Tự Do không dễ nhận sự từ chối này đâu, vả lại những gì ngài trình bầy dựa trên văn kiện Tòa Thánh và Luật Dòng rất xác đáng, “khó mà ngăn cản”. Cuối cùng: Hội Đồng quyết định rằng: cha Tự Do đuợc phép thực hiện công việc “ngoài Nhà Dòng”, về Tu Sĩ ngài vẫn thuộc Tu Viện Kỳ Đồng, nhưng mọi công tác trực thuộc quyền và sự chỉ huy của Tòa Tổng Giám Mục. Có vị trong ban cố vấn khẳng định rằng: “Công việc quá lớn, khó mà thành công. Cứ để cho ông ấy làm, vì ngăn cản không được đâu. Thất bại ông ấy sẽ về Nhà Dòng thôi”.

Tôi không ý thức được những khó khăn mà các Bề Trên đã thấy đâu. Tìm đâu ra đất để xây dựng ? Tiền bạc ở đâu ra ?

Đúng lúc đó thì một tai nạn giao thông xẩy đến cho tôi. Trong cuộc hành trình đi Xuân Lộc trở về, giữa cơn mưa tầm tã, đường trơn trượt lại sử dụng một chiếc xe bánh mòn đến tận vải, tôi đã bị lật xe tại Hố Nai, chân trái bị kẹt vào thành xe. Khi người ta nâng chiếc xe lên và đưa tôi ra thì chân tôi bị thương, vỡ đầu gối.

Tôi bị bó bột từ cổ đến chân, chỉ để vài lỗ hở cho các nhu cầu tự nhiên. Nhà Dòng nói là có Nha Tuyên Úy Công Giáo lo cho tôi. Nha Tuyên Úy nói là có Nhà Dòng lo cho tôi. Thế là tôi phải về gia đình ông em Giu-se Nguyễn Tiến Hanh. Tôi được cha Bề Trên đến thăm, ngài hỏi: “Cha cần gì không ?” – “Cám ơn cha đã hỏi thăm, cần thì nhiều lắm !” Ngài cười rồi ra về.

Giám đốc nha Tuyên Úy Công Giáo đến thăm cũng chỉ một lần: “Làm việc lại được chưa để tiếp tục chiến dịch “Mỗi Quân Nhân Một Tân Ước”. Về sau, tôi được gặp mấy cha Tuyên Úy quân đội Hoa Kỳ. Các ngài cho biết: “Đã đến hỏi tại Nha tuyên Úy Công Giáo địa chỉ của cha, nhưng người ta đáp là không biết”. Lúc đó, Đại úy Nguyễn Tiến Hanh, em tôi đang giữ nhiệm vụ trưởng ban báo chí nha Tuyên Úy Công Giáo.

Khi đã có thể đi lại được, tôi có đến dự tĩnh tâm với các Tuyên Úy Hoa Kỳ và không quên tình cảm của nhiều vị lúc nào cũng tỏ ra quí mến và giúp đỡ tôi. Có cả vị tuyên úy Do Thái và Tin Lành. Bà ân nhân của tôi ở Canada Gauthier gửi cho tôi một số tiền 800 USD. Nói là để tôi chữa bệnh. Chưa bao giờ tôi có nhiều tiền như vậy. Đổi ra tiền Việt Nam khoảng 300.000đ. Tôi nghĩ ngay đến việc dùng số tiền đó để xây dựng Trung Tâm ATAS, tại miếng đất 400m2 mà em tôi đã mua được tại Tân Phú. Trung tâm được xây dựng giữa một vùng đồng ruộng, đường đất lầy lội, lúc nào cũng vang dội tiếng ễnh ương chão chuộc. Nơi này chỉ có vài căn nhà nhỏ và ao hồ, trại chăn nuôi heo.

Không có tiền nào khác để trao cho ông thầu Lê Tiến, nên công vịệc xây dựng thường bị khựng lại. Tôi chỉ hứa với ông là có tiền sẽ trả cho ông ngay. Qua nhiều trao đổi, ngôi nhà tôi nghĩ là rất đơn giản đã biến thành nhà xây một lầu, với phòng thâu thanh, phòng ờ, phòng khách và cả nơi cho gia đình em tôi là Nguyễn Tiến Hanh. Ông Lê Tiến nói “Cha ở một mình sao được. Lại bị thương gẫy chân nữa. Con giúp cha làm thêm chỗ cho gia đình em cha”. Kinh phí đã lên đến khoảng 4 triệu bạc. Tôi vẫn không đưa thêm cho nhà thầu một món nào khác. Nhiều lần công việc phải ngưng lại, với mấy tấm ván đóng vào các lối đi và cửa sổ.

Cuối cùng thì ngôi nhà cũng xong với món tiền sơ khởi là 300.000 đồng và lễ khánh thành được tổ chức ngày 2.12.1972, lễ Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Lễ nghi làm phép nhà, phòng máy, phòng thâu thanh do chính Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình chủ sự, có sự tham dự của nhiều Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân. Ca đoàn Tinh Thần trình diễn Thánh Ca, khói mầu được phun trên sân thượng, máy quay phim của Đài Truyền hình Vĩệt Nam làm tăng thêm vẻ long trọng.

Hính ảnh chụp lễ khánh thành được rửa tại Trung tâm và chỉ khoảng nửa tiếng sau được trưng bày trong phòng triển lãm. Thời gian chỉ là lúc các quan khách cắt bánh và tiếp tân. Băng thu buổi lễ được phát lại cho mọi người nghe. Nhờ sự hợp tác rất nhiệt tình của những cộng tác viên: Nguyễn Tiến Hanh, Nguyễn Văn Hồng, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Văn Xưởng, Lê Đức Nghiệp... và của nhiều bạn hữu, giới trẻ.

Trong ngày, các vị Giám Mục Lê Văn Ấn, Trần Thanh Khâm, và nhiều Linh Mục đến. Ban đại diện các Giáo Xứ cũng đến dự các sinh hoạt, chung vui trong ngày đáng nghi nhớ này. Có cha nói: “Mình làm Nhà Thờ mời mãi mới được một Giám Mục đến làm phép, còn ngôi nhà nhỏ này lại có đến ba Giám Mục...“

Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đứng trước công việc được thực hiện đã không giữ nổi tình cảm khích lệ của ngài. Vì đây chỉ là một nỗ lực cá nhân, không mang tính “Địa Phận”, ngài nói sẵn lòng đến “để khích lệ cha”, nhưng sẽ không nói gì để... Tôi trình với ngài là sự chúc lành của ngài cho Trung Tâm là quý hóa lắm rồi. Đức Tồng Giám Mục không nói cũng được. Khi thấy tận mắt công việc được thực hiện, ngài nói ngay: “Tôi không ngờ cha làm lớn như thế này”. Và ngài đã nói một bài dài cả mười phút với niềm vui và khích lệ.

Sinh hoạt tại Trung Tâm ATAS sôi động hẳn lên với công việc ngày càng thêm nhiều, thêm bề bộn. Có những việc làm tại nhà, có những toán công tác lên đường đi về tấp nập, sáng rất sớm, và kéo dài tận khuya. Nhà bếp lúc nào cũng sáng đèn, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và cả ăn đêm... Hết nhân viên thường trực đến các ca sĩ, nhạc sĩ và không thiếu gì bạn hữu bốn phương về tham quan, nhờ thực hiện chương trình, mua băng nhạc, in ấn sách...

9. SINH HOẠT TẠI TRUNG TÂM ATAS

Các băng Thánh Ca được thực hiện với sự hợp tác của các nhạc sĩ: Linh Mục Kim Long, Viết Chung, Vũ Huyến... Nồng cốt thực hiện là ca đoàn Tinh Thần và nhóm Viết Chung, có sự hợp tác của các ca sĩ Sơn Ca, Họa Mi... , với những tay nhạc như Bảo Chấn, và nhạc sĩ Guitar Đại Hàn Kim O Yong với lối chơi độc đáo riêng biệt. Dĩ nhiên là có thù lao “hữu nghị”, nhờ sự tận tình giúp đỡ của nhạc sĩ Đặng Đức Hưng, giáo sư Clarinette tại Học Viện Aâm Nhạc. Tôi nhớ có mấy nhạc sĩ buổi đầu nhận thù lao nhưng về sau, có người xin tình nguyện giúp, trong số đó có người không Công Giáo. Họ phát biểu: “Tôi không ngờ nhạc Đạo hay như thế”.

Một trong những người hợp tác thường xuyên nhất của Trung Tâm ATAS trong chương trình phổ biến băng nhạc đạo là Linh Mục Kim Long mà nhiều người đã được nghe danh. Có những cuốn băng được ngài cố vấn thâu thanh. Có những ngày ngài ngồi suốt trong phòng máy để nghe lại những bài đã thu, chọn lựa những thực hiện đạt tiêu chuẩn nhất, đề nghị chuyên viên thu thanh cho mạnh nhẹ tùy theo tâm tình và dòng nhạc.

Các băng nhạc tiếp nối nhau được phát hành: Ave Maria, Hương Lạ, Thiếu Nhi, Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh...

Một số sách được ấn hành, Trung Tâm cũng phát hành đặc san để gửi đến thân hữu. Trung Tâm có họa sĩ suốt cả ngày chỉ lo việc thực hiện các bìa sách, bìa băng. Họa sĩ lắm khi không vừa ý đã xé những gì anh đã lao tâm thực hiện trong nhiều ngày để vẽ lại, mặc dầu lắm khi băng đã thu xong mà bìa băng vẫn còn phải chờ đợi.

Trung Tâm có những chương trình phát thanh: “Thiếu Nhi Hồn Việt” qua đài Buôn Ma Thuột và chương trình phát ra Bắc qua đài Tự Do “Tôn Giáo và Đời Sống”. Chương trình này có sự hợp tác của các lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, đặc biệt có Thượng Tọa Thích Trí Dũng. Chương trình được phát 2 lần trong tuần, hướng về Miền Bắc với tinh thần hòa hợp dân tộc và là tiếng nói của tình thương và lòng tin vào những giá trị thiêng liêng cao cả.

Với những chiếc máy thu tân tiến thời đó, hiệu UHER, phóng viên của chúng tôi đi tận các nơi có sự kiện đáng nghi nhớ, thu thanh lại và thực hiện những chương trình sống động. Suốt mấy năm thực hiện chương trình, tôi không nhận được âm vang gì từ miền Bắc. Điều đó dễ hiểu. Niềm an ủi đối với chúng tôi đến muộn khi sau 75, được gặp Đức Hồng Y Giu-se Trịnh Văn Căn và sau khi được giới thiệu về tôi, ngài cho tôi biết là thường nghe chương trình Tôn Giáo và Đời Sống: “Nhờ đó tôi đã được nghe tiếng nói của mẹ tôi”. Bà cố của Đức Hồng Y – lúc đó mới là Tổng Giám Mục – cùng với một số người trong gia đình sinh sống tại Giáo Xứ Phú Bình, Giáo Phận Sài-gòn.

Liên hệ đến việc này, có một kỷ niệm: Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan lúc ấy không ngần ngại tỏ ra thái độ “chống Mỹ, chống chiến tranh...” Ông chỉ vào mặt tôi: “Từ khi biết anh hợp tác với Mỹ ở đài phát thanh Tự Do, tôi không thèm chơi với anh nữa”. Đối với Nguyễn Ngọc Lan, thì lúc ấy đài Tự Do vẫn là Tâm Lý Chiến, do Mỹ bảo trợ. Nhưng thời gian tôi hợp tác thì đài đã được trao cho Việt Nam sử dụng và tôi tự nguyện thực hiện chương trình “Tôn Giáo và Đời Sống” mà không lãnh thù lao của đài, chỉ mong có một nơi để hành động đúng theo tôn chỉ của Trung Tâm: “Tin Mừng cho thế giới qua làn sóng điện – The Good News to the World through air waves”.

Mỗi lần Trung Tâm có biến cố gì thì đài Truyền Hình Quốc Gia cũng cho quay phim với máy ORICON tối tân nhất thời đó. Một cơ quan của Mỹ cũng đến làm phóng sự về Trung Tâm.

Các công tác của Trung Tâm ATAS đang tiến hành tốt đẹp, nhờ sự nâng đỡ tinh thần và lời khích lệ của Đức Tổng Giám Mục, của các Bề Trên trong Dòng thời đó: cha Giám Tỉnh Henri Bạch Văn Lộc, cha phó Giu-se Trần Hữu Thanh.

Trong số ân nhân của Trung Tâm, phải kể cha Desautels, Dòng Tên, ngài đã từng đến Trung Tâm với những lời khen lao chân thành. Khi biết tôi làm công tác truyên thông, ngài đã đề nghị cho tôi đi “du học”. Sau một thời gian, ngài nói với tôi: “Chúng tôi không cho cha đi nữa”. Tôi chưa kịp hiểu và tỏ ra ngạc nhiên, không vui. Ngài phá ra tiếng cười và nói: “Tôi đổi ý, vì khi nhìn thấy những gì cha đang làm thì nhận xét cha không cần đi học, cha làm hơn những gì người ta dạy. Nhưng tôi dành một chỗ cho một người của cha. ”

Ngài muốn tôi đi một vòng “cho biết” những gì người ta làm ở các nơi. Tại Hội Đồng UNDA quốc tế tại Ái Nhĩ Lan, mặc dầu tôi không trình dự án nào, ngài cũng lên tiếng nói về công việc của tôi tại Việt Nam và theo ngài nói: để khích lệ nỗ lực của tôi, ngài đề nghị Hội Đồng cấp cho tôi một món quà 4.000 USD.

Tôi không bao giờ quên vị Linh Mục chuyên về ngành truyền thông phụ trách vùng Úc-Á của tổ chúc UNDA. Sau 75, như các người ngoại quốc, ngài phải rời Việt Nam và tôi biết ngài tiếp tục hoạt động trong ngành truyền thông quốc tế. Tiếc là tôi không còn được tiếp xúc và nhất là hợp tác với ngài trong công cuộc Tông Đồ Truyền Thông.

Một ân nhân khác phải nhắc tới là Linh Mục Raymond Jean de Jaegher, người sáng lập “Thái bình Dương Tự Do”, một người bạn của Việt Nam. Một tình cờ do Quan Phòng Thiên Chúa đã đưa tôi gặp ngài. Một ngày kia, tôi đến Tòa Tổng Giám Mục gặp Đức Cha Nguyễn Văn Bình về nhiều việc. Tôi đang đi lên cầu thang thì có một Linh Mục người nước ngoài đi xuống. Chúng tôi chào nhau. Ngài dừng lại và hỏi tôi là ai, làm gì, ở đâu... Tôi khai lý lịch và cho ngài biết tôi lo về phát thanh. Mặt ngài tươi lên: “Hay quá, tôi có thể biết thêm về công việc của cha. Cha có thể cho tôi một bữa hẹn... ”

Tôi đã đến gặp ngài, đón ngài đến tham dự một buổi tập dượt của ca đoàn Tinh Thần. Ngài quan sát phòng thu của tôi, hỏi han về công việc của tôi và cuối cùng ngài nói: “Il faut qu’on vous aide” ( “Phải giúp đỡ cha !” ). Từ đó ngài hướng dẫn tôi trong nhiều liên hệ với bạn hữu của ngài, trong đó có người phụ trách ROFA -Radio Of Free Asia, lúc ấy đang thời gian thành lập và bắt đầu hoạt động. Và từ đó, chúng tôi được nâng đỡ trong các dự án và hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế”, phối hợp việc khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại các làng mạc xa xôi và đồng thời phóng thanh tại chỗ, phát bướm về vệ sinh sức khỏe.

Từng toán công tác gồm bác sĩ, y tá, cán bộ lên đường công tác mỗi ngày và nhất là vào Chúa Nhật. Chuyên viên phòng máy thực hiện các chương trình sẽ được phóng qua hệ thống loa tại các địa điểm hoạt động. Lắm lúc xe phóng thanh cũng di chuyển qua làng mạc để những người ở xa hay không đến được cũng phần nào biết được công việc. Các làng mạc, các xứ nghèo quanh Sài-gòn đã hẳn, nhiều nơi xa xôi tận Cần Đước, Cần Thơ, Bình Dương... cũng được viếng thăm. Các chùa chiền cũng không ngại đón chúng tôi, và Tòa Thánh Tây Ninh đã mời đoàn công tác đến ở tại đó để trong mấy ngày, khám bệnh phát thuốc cho đồng bào Cao Đài.

Thời gian ấy, an ninh lắm nơi có khó khăn, và có lần chính quyền địa phương đã huy động xe bọc thép hay tầu thuyền hộ tống đoàn vào các làng mạc xa xôi thiếu an ninh. Tôi nhớ ở một nơi kia vùng Long Hải, Bà Rịa, trong một lần tận trong rừng, có người anh em “Mặt Trận” đến và hỏi chúng tôi có săn sóc cho anh em không. Không khó lắm để những anh em “bên kia” nhận thấy công việc này không có giới hạn nào cả. Có lẽ do đó mà chúng tôi không bao giờ gặp những khó khăn gì.

Sau này khi vào tù “cải tạo”, cán bộ chấp pháp nói với tôi một cách chân thành: “Chúng tôi biết rõ các việc ông làm đều là những việc ích cho dân cả...” Rõ ràng Linh Mục không làm chính trị và nhất là không lợi dụng tôn giáo để làm chính trị, như tôi đã khẳng định.

Hạnh phúc của tôi và của các cộng tác viên, đa số tự nguyện và không nhận thù lao là đã đem đến niềm vui an ủi cho những người nghèo đau khổ, và tôi luôn cảm tạ Chúa đã dùng chúng tôi, đã cho chúng tôi những phương tiện để giúp đỡ người cùng khổ mà kinh nghiệm cho chúng tôi thấy là “luôn có ở giữa các con”, như Chúa Giê-su đã dặn bảo từ trước kia.

Trung Tâm ATAS còn có chương trình chiếu phim lưu động, theo lời mời hay cho phép của các Giáo Xứ, cộng đoàn. Hệ thống chiếu phim 16 ly, âm thanh, chuyên viên và cả ngươi thuyết minh đi đến địa điểm khi trời còn sáng, phóng thanh các chương trình gồm giảng thuyết, thánh nhạc, huy động cả làng, cả Giáo Xứ tham dự. Thường Linh Mục gặp gỡ bà con trong những câu chuyện thích hợp và khi đã chật sân, phim được chiếu lên với những lời thuyết minh giúp mọi người dễ dàng theo dõi câu chuyện.

Nhiều phim đạo được trình chiếu và ngưới ta không phải trả một món tiền nào, kể cả nước uống mà nhân viên của chúng tôi luôn đem theo để không làm phiền lụy đến ai. Trung Tâm đầu tư một món tiền lớn để mua những cuốn phim hay và xây dựng một “phim viện – Filmothèque” để cho các cha hay các tổ chức có thể mướn về chiếu với chi phí là 500 đồng thời đó cho một lần chiếu.

Đây lại là một kinh nghiệm không vui mấy cho chúng tôi. Có những vị “khả kính” giữ phim nhiều tháng dài. Sau nhiều lần được yêu cầu trả phim, các vị ấy cho người cầm phim “ném lại” cho chúng với lời nhắn cụt ngủn: “Xin cha thông cảm, vì trời mưa quá không chiếu được lần nào”. Nói gì đây !?! Phim đi cả mấy tháng mà không đem lại một đồng bạc nào ! Thế rồi có một ngày, một người ở vùng đó gặp chúng tôi. Ông vui vẻ nói: “Phim của cha được chiếu nhiều lần và ai cũng thích”.

Đối với chúng tôi thì việc kiểm chứng không khó. Chuyên viên của chúng tôi đã kiểm lại phim và đã mấy chục lần phải dán lại những khúc phim bị đứt. Tôi chỉ còn cách nhắc các cộng tác viên nhớ đến cái châm ngôn nằm lòng: “Truyền thông thì chỉ có ra chứ không có vào”. Chí hướng “Tông Đồ Truyền Thông” của chúng tôi có bị lợi dụng không ? Còn có “tí Chúa” như chúng tôi thường nói với nhau.

Trung Tâm được biết đến mỗi ngày một nhiều hơn, nhất là khi tờ Thông Tin của Địa Phận Sài-gòn, Huế đăng tin Đức Cha Nguyễn Văn Bình tỏ lòng ưu ái khi luôn cho đăng các bản báo cáo tôi gửi về cho Tòa Tổng Giám Mục mỗi tháng, và tuy ở nơi hẻo lánh, Trung Tâm vẫn luôn thường xuyên đón tiếp nhiều khách tham quan từ các Giáo Phận, và cả từ ngoại quốc. Cha Raymond Jean de Jaegher, cha Desautels, cha Duy Vy, cha Nguyễn Quang Tuyến, đại diện Đài Rofa... thưồng lui tới thăm viếng, khích lệ.

Vào thời buổi này, tôi nhận được đề nghị của Dòng Chúa Cứu Thế và của Tòa Tổng Giám Mục Sài - gòn. Cha Trần Hữu Thanh, lúc ấy làm phó Giám Tỉnh, nói với tôi: “Nếu Nhà Dòng yêu cầu cha đem Trung Tâm về Kỳ Đồng thì cha có bằng lòng không ?”. Tôi không chút ngập ngừng: “Con đồng ý ngay, nhưng chỉ xin Nhà Dòng cho con một căn phòng lớn làm phòng thu thanh. Máy móc con sẽ trang bị cho”. Tôi không biết đề nghị trên có phản ảnh ý muốn thật sự của các Bề Trên không, vì từ đó tôi không nghe nói lại gì.

Thế nhưng cha phó Giám Tỉnh Giu-se Trần Hữu Thanh lúc nào cũng nhiệt tình đối với mọi công việc tại Trung Tâm và thường đại diện Bề Trên Giám Tỉnh tham dự mọi nghi lễ quan trọng tại Trung Tâm như khi phát động chương trình “Phát Thanh Giáo Dục Y Tế” có sự chủ tọa của Bộ Trưởng Y Tế. Nhiều cha như cha Maurice Benoit, Denis Paquette, Đinh Ngọc Quế... cũng nhiều lần hiện diện với lời khích lệ.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )