CHÚA ƠI, XIN XÓT THƯƠNG!
Lm Joe Mai Văn Thịnh,
CSsR
Trong vòng vài năm gần đây, tại Sài gòn đã xẩy ra nhiều hiện
tượng lạ. Có một ông cha dòng kia bị bại liệt vì tai nạn giao thông. Vì không
còn hoạt động được như xưa; nên ngài đã dùng đời sống cầu nguyện như là một
cách thức mục vụ. Theo như người ta kể lại thì viêc cầu nguyện của ngài rất có
hiệu quả; đặc biệt cho các gia đình bị hiếm muộn.
Cứ một người được ơn (thật hay giả vẫn tùy thuộc vào lòng
tin của người xin và sự giám định của Giáo quyền) thì 10 người bàn và cứ vậy
tin được loan truyền khắp nơi. Cuối cùng, dù cha bề trên nhà dòng đã lên tiếng
thanh minh; nhưng vẫn không ngăn chận được làn sóng của những gia đình hiếm muộn
tuốn đến xin ơn. Tôi cũng chẳng biệt thật hư ra sao? Chỉ nghe kể lại rằng: Ơn
xin thì được. Bụng mang dạ chửa cũng như ai! Nhưng khổ nỗi, bầu vẫn tròn và ống
cứ dài, dài đến độ quá 9 tháng 10 ngày mà vẫn chưa nở nhụy khai hoa.
Bạn tôi là một trong số những người cũng đi nhờ ông cha cố
nào đó xin ơn giúp. Sau đó, bụng chị cũng lớn như người mang bầu. Thấy vậy, chị
hớn hở vui mừng ra mặt. Thoạt đầu anh cũng vui như chị. Nhưng sau này mỗi khi
có dịp gặp anh chị, tôi nhận ra rằng hình như phía sau của niềm hy vọng còn có
những uẩn khúc chưa được giải tỏa. Mỗi khi đề cập đến chuyện bầu bì, giọng nói
của anh xem ra chua chát nhiều hơn là vui mừng. Lân la là nghề của tôi. Và cũng
từ đó tôi mới biết thêm vài chi tiết - nghe qua thì lạ nhưng càng nghĩ càng thấy
quái dị – như sau:
·
Chị
không được phép đi siêu âm (ultra sound) để thẩm định về sự phát triển của thai
nhi.
·
Anh
không được phép ‘gần gũi’ với chị trong thời gian mang thai.
Cuối cùng chờ đợi mãi cũng mòn mỏi; kết quả chẳng thấy mà
nguy cơ hạnh phúc gia đình của anh chị có thể bị đổ vỡ.
Vài tháng sau, nghĩa là khoảng 4,5 năm trước. Có một linh mục
từ Mỹ sang để rao giảng về lòng thương xót của Chúa. Ông cố này, trẻ nên có sức
mạnh và được nhiều ơn. Vài tiếng đồng hồ cho l bài giảng là chuyện bình thường.
Sau phần giảng dậy là phần đặt tay chữa bịnh và xin ơn. Ngài đặt tay đến đâu là
người ta té đến đó. Có người cho rằng Ngài dùng nhân điện để điều khiển. Người
khác cho rằng ngài có thuật thôi miên. Lại có người suy nghĩ như sau: ngồi lâu
thì mệt; đứng dậy trong tư thế giang tay rất dễ mất thăng bằng; vì thế dùng lực
nhẹ mà đẩy thì phải té ngã thôi. Tôi chẳng biết tại sao họ té. Nhưng cứ thấy hiện
tượng lạ là tôi hoài nghi. Khi xưa ai được Chúa chữa cho khỏi bịnh thì đều hân
hoan tung tăng ca tụng Chúa; thế mà ngày nay bịnh thì không biết có được khỏi
hay không; nhưng cứ thấy té với bổ ngửa thì lại cho là ơn của Chúa. Không lẽ Chúa
của thế kỷ 21 lại có lối chữa bịnh khác chăng ????
Nghe biết về ngài nên vợ chồng ông bạn quí của tôi lại một lần
nữa tìm đến ngài để xin giúp đỡ. Chị kể lại những diễn tiến mà chi đã trải qua.
Vừa nghe xong, ngài tức thời lên tiếng than rằng, ‘trời ơi, chuyện này làm sao
có thể xẩy ra được; chị bị lừa rồi.” Sau đó, Ngài đặt tay cầu nguyện và xin Chúa
ban cho họ có con nối dõi tông đường. Cúi đầu để xin ơn, nhưng tâm trí của chị
lại bị ám ảnh bởi câu nói của cha; rồi chị tự hỏi mình rằng: ai lừa ai đây???
Việc rao giảng và quảng bá về lòng thương xót Chúa thật quan
trọng. Vì nếu không có lòng Chúa xót thương, con người sẽ được giải thoát
sao!!! Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa hoàn toàn phát sinh từ Tình yêu vô
bờ, vô bến của Ngài; chứ không lệ thuộc vào việc đền tạ hay đền tội của mình.
Tôi nhớ đến câu mà chúng ta thường nói là “tình yêu đáp trả
tình yêu.” Lòng thương xót của Thiên Chúa cần được đáp trả bằng mối tình của
mình với Thiên Chúa và qua việc làm cho tha nhân. Những việc đạo đức như hy
sinh, cầu nguyện, đền tạ, v.v… để tán dương lòng thương xót của Thiên Chúa tuy
cần thiết; nhưng đó vẫn chỉ là những tiếng thanh la phèng phèng, những nhạc cụ
không hồn, nếu không phát sinh bởi lòng mến của chúng ta. Hơn nữa, nếu chúng ta
đã nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa mà lại đi khóa lòng và không xót
thương anh em mình thì chúng ta chỉ là những kẻ nói dối.
Mỗi khi nhớ lại sự kiện của gia đình người bạn, nhất là lời
phán đoán của vị lờ mờ kia. Tôi vẫn bị cám dỗ và đồng ý với lời nhận định: lại
có thêm một ông chúa nữa rồi.
Cách đây khoảng 5 năm, tôi may mắn được nghe 1 linh mục tuy
cao niên, nhưng vẫn còn sáng suốt đã chia sẻ nhân dịp kỷ niệm kim khánh của ngài
như sau: “Trong suốt 50 năm qua, nếu không có sự nâng đỡ của Chúa, Đấng đã giúp
tôi vượt qua bao nhiêu vấp ngã do bản tính yếu đuối trong thân phạn con người;
còn có một điều khiến tôi rất khổ tâm và đau lòng, đó là lối sống tùy thuộc vào
sự kỳ vọng của người khác. Họ muốn tôi sống như một siêu nhân, hay một ông
thánh hoặc là chúa của họ.”
Lời chia sẻ này như có một âm hưởng khiến tôi nhớ lại một nhận
định khác. Trên đời này làm gì có thần tượng; và đừng có ai trông mong mình trở
thành thần tượng của người khác. Tượng thì dễ đúc và dễ được dựng lên. Nhưng thần
thì hiếm, và có thể nói là không có.
Trong sách công vụ Tông Đồ có thuật lại một biến cố như sau:
Tại Lystra, Phaolô chữa cho một người bị bại liệt bẩm sinh được khỏi bịnh và đi
lại như người thường. Thấy việc ông Phaolô làm, đám đông hô lên bằng tiếng
Lycaonia: "Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!" Rồi họ
muốn tiến dâng của tế lễ cho các Ngài. Nhưng khi nghe tin đó, hai Tông Ðồ
Banaba và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: "Hỡi các bạn,
các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây
cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng
cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng
sống, Ðấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. (14:
8-16)
Qua thái độ và phản ứng của hai Tông đồ, chúng ta học biết rằng
một khi chúng ta từ khước sự hiện diện của Chúa trong những công việc mình làm,
là lúc chúng ta mất đi sức mạnh và nguồn năng lực của Người. Vì thế, chỉ có trong
Chúa chúng ta được hiện hữu và những hoạt động của chúng ta mới có hiệu quả mà
thôi. Alleluia, Alleluia
Mai văn Thịnh
Kew, 11.05.2012
No comments:
Post a Comment