Mấy ngày qua, chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt những cộng tác
viên của anh em chúng tôi từ các vùng miền đất nước, mục đích cuộc gặp mặt nhằm
thắt chặt tình liên đới và gây ý thức Truyền Giáo cho mọi người, vì Truyền Giáo
là sứ mạng, là bản chất, là lẽ sống của Hội Thánh, cần phải liên tục gây ý thức
và khuyến khích mọi Kitô hữu sống Truyền Giáo.
Trong những chứng nhân có mặt trong
cuộc gặp gỡ, những anh em người dân tộc J’rai trên Tây Nguyên gây cảm xúc ấn
tượng nhất, ấn tượng vì sự xác tín của anh em, anh em xác tín được Chúa cứu
thoát mình khỏi những điều xấu, những bất hạnh và những sự kiềm tỏa của Sự Dữ,
anh em cũng kinh nghiệm trong Chúa mình được tồn tại, được yêu thương và được
sống xứng đáng với phẩm giá của mình.
Chứng từ của anh em rất cụ thể, đơn
giản và mạnh mẽ. Anh Siu Broh có đoạn nói: “Chúng tôi vui mừng vì chúng tôi
được cầu nguyện, được nghe Kinh Thánh bằng chính ngôn ngữ của chúng tôi, không
nơi nào cho chúng tôi làm chuyện đó ngoài Nhà Thờ. Chúng tôi hãnh diện vì chúng
tôi được mặc y phục của chúng tôi trong ngày của Chúa khi đến Nhà Thờ, không
nơi nào cho chúng tôi làm điều ấy, nếu có chỉ là biểu diễn trên sân khấu. Chúng
tôi vui mừng vì chúng tôi được ca hát và nhảy múa thờ phượng Chúa trong Nhà
Thờ, chúng tôi được đánh cồng đánh chiêng để thờ phượng Chúa. Chúa giải thoát
chúng tôi, Chúa nuôi dưỡng chúng tôi, Chúa gìn giữ chúng tôi”.
Một khi kinh nghiệm về tình thương, anh em sẽ ra đi làm
chúng về tình thương. Được ca hát, cầu nguyện, trang phục bằng chính những giá
trị dân tộc mình, anh em cảm nhận mình được tôn trọng phẩm giá làm người, được
yêu thương và giải thoát khỏi sự nô lệ. Anh em đã từng phải mang thân phận nhục
nhằn tủi hổ, bị khinh bỉ, bị coi thường: “Thời Pháp thuộc gọi chúng tôi là Mọi,
thời ông Diệm gọi chúng tôi là Thượng, thời ông Thiệu gọi chúng tôi là Sắc Tộc,
và bây giờ người ta gọi chúng tôi là Dân Tộc”, anh Siu Broh buồn bã nói như
vậy. Chỉ có Chúa, chỉ có Hội Thánh trân trọng anh em.
Tôi được dịp quen biết Giáo Sư Tiến Sĩ
Trần Văn Khê, trong một lần trò chuyện, cụ bộc bạch, cụ được mời dạy về âm nhạc
tại nhiều nơi, có dịp nghiên cứu nhiều thể loại âm nhạc trên thế giới, đặc biệt
là âm nhạc Việt Nam, cụ cũng được mời dạy ở các Đại Học Công Giáo nhưng cụ còn
mắc nợ một việc ( chính cụ ghi trong hồi ký như vậy ), đó là nhạc Thánh Ca Việt
Nam, nhạc Nhà Thờ Việt Nam, một lãnh vực cụ chưa có cơ hội bước vào.
Tôi trao cho cụ một số sách Thánh Ca Việt Nam, và một số đĩa
Thánh Ca Việt Nam, xin cụ xem và cho chúng tôi nhận xét của cụ. Sau một ít ngày
gặp lại cụ, cụ vui mừng cám ơn, nói là nhờ những món quà Đạo này mà cụ đã có
dịp “bước vào Nhà Thờ” Việt Nam. Cụ khen một số tác giả Thánh Ca
Việt Nam, cụ ngạc nhiên và cho rằng các tác giả đó đã chắt lọc rất tinh tế để
phả hồn âm nhạc Việt Nam vào Thánh Ca. Ngay sau đó tôi mời ông đến nói chuyện
với giới hát Thánh Ca, cụ đã ngâm nga những bài hát cụ ưa thích và hết lời khen
ngợi các tác giả đó, cụ cũng không dấu sự ngạc nhiên về viêc khám phá ra tiến
trình hội nhập văn hóa của Thánh Ca Việt Nam.
Quả thực, với những tên tuổi sáng chói trên nền trời nhạc
Thánh Ca, chúng ta có những ngôi sao sáng, thiết tha với dân tộc, lao công khổ
tứ vì niềm tin của dân tộc. Chúng ta đang có những tác phẩm Thánh Ca mang âm
điệu Việt rất đậm đà. Chắc chắn qua các bài Thánh Ca, những người dân Việt sẽ
cảm thấy gần hơn với Đạo Thánh, và người Công Giáo Việt Nam được hạnh phúc hơn
khi được ca ngợi Chúa bằng chính những âm giai nhịp điệu của chính dân tộc
mình.
Khi bước chân vào Việt Nam, đạo Công Giáo đã chịu bao nhiêu
thử thách, bao nhiêu gian khổ, kể cả những cuộc bách hại khốc liệt. Các vị Tử
Đạo đã anh dũng hy sinh rất nhiều để Đạo Chúa được lan rộng trên quê hương đất
nước thân yêu này, máu đào đã đổ, tưới gội lên những cánh đồng cho chúng ta
nhiều hứa hẹn về mùa lúa chin vàng. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có những đóng góp cho kho tàng
văn hóa Việt Nam không nhỏ, công trình đáng hãnh
diện và tự hào nhất đó là chữ quốc ngữ. Cho dù công nhận hay không công nhận,
sự thật lịch sử ngày một chứng tỏ về sự sáng tạo này.
Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng vấp phải những trở ngại lẽ
ra không đáng có, những trở ngại làm cho việc Loan Báo Tin Mừng gặp thêm không
biết bao nhiêu là khó khăn, cho đến hôm nay những khó khăn đó vẫn còn đeo bám.
Người Công Giáo trong bất kỳ một buổi
thờ phượng nào cũng cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Trong mỗi Thánh Lễ, Giáo Hội
dành hẳn một lời nguyện long trong sau phần truyền phép để cầu nguyện cho bà tổ
tiên, một năm có hẳn một tháng ( tháng 11 ) để cầu nguyện đặc biệt cho cha mẹ,
ông bà, tổ tiên và thân bằng quyến thuộc, ba ngày Tết có hẳn ngày Mồng Hai để
kính nhớ ông bà tổ tiên. Trong mười giới răn, ba giới răn đầu dạy người ta sống
tương quan với Chúa, bẩy giới răn sau dạy người ta sống tương quan với người
khác, giới răn thứ bốn đứng đầu trong bảy giới răn sau dạy chúng ta “thảo kính
cha mẹ”.
Có tôn giáo nào đang hiện hữu ở Việt Nam hành đạo như
vậy không ? Thế mà cho đến nay vẫn còn nhiều người bị ngăn trở không theo đạo
vì “theo đạo thì bỏ ông bỏ bà”, tại sao vậy ? Có phải vì ngôn ngữ bất đồng khi
mọi người hiểu sai về chữ “thờ” ? Có phải vì một thời chúng ta phê bình và
không chấp nhận lối tôn kính thắp nhang bái lạy, một cách tôn kính đã ăn sâu và
trở thành văn hóa Việt ? Một cách tôn kính của người Việt mà chúng ta lầm tưởng
của một tôn giáo khác. Hay còn một nguyên nhân nào nữa để chúng ta phải trả giá
quá đắt như vậy ?
Người Việt Công Giáo đã có bộ Sách Lễ tiếng Việt, dù chưa
hoàn chỉnh nhưng cũng đã có, bộ sách Kinh Phụng Vụ rất tiện lợi cho mọi người
để được cầu nguyện bằng chính ngôn ngữ của mình. Trong một vài lãnh vưc khác
của nhà đạo, chúng ta đang có những bước tiến khá dè dặt, ngoài Thánh Ca như đã
nói ở trên, đặc biệt kiến trúc, điêu khắc là những bộ môn thiết tưởng cần có
những con người, những quyết đoán mạnh dạn để có những sáng tạo phù hợp với Tin
Mừng nhưng được diễn tả bằng “ngôn ngữ” Việt, đậm đà hồn Việt.
Một khi chúng ta hội nhập cuộc sống Đạo vào chính cuộc sống
rất đời thường của xã hội, chúng ta thật sự thể hiện Đạo là Đường, làm cho những
giá trị tuyệt vời của Tin Mừng thấm nhập vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Một
khi chúng ta sống gần gũi thân quen hòa nhập với văn hóa, truyền thống dân tộc,
diễn tả đời sống Đức Tin bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình, chúng ta làm cho
anh chị em chúng ta hiểu chúng ta nhiều hơn, dễ đón nhận chúng ta hơn, khi ấy
hiệu quả Loan Báo Tin Mừng của chúng ta sẽ kiến hiệu hơn.
Chính Chúa Giêsu đã mở đường cho chúng ta bằng Mầu Nhiệm
Nhập Thể, và ngay trên quê hương đất nước này, Đức Maria đã xuất hiện để cứu
chữa những con người khốn khổ trong dáng vẻ rất Việt, Mẹ đã hiện ra ở ba cây đa,
một loại cây rất Việt và bên giếng nước, một biểu tượng rất thân quen với mọi
người dân Việt. Cây đa đầu làng, mái đình và giềng nước, không ngôi làng nào
của người Việt mà không có, không người Việt nào mà không mang trong tim hình ảnh
thân thương đó.
Chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm mừng 50 năm khai mạc Công
Đồng Vatican II ( 1962 – 2012 ), một Công Đồng mang lại đổi mới thực sự cho Hội
Thánh như là một Lễ Hiện Xuống mới. Các hiến chế “Giáo Hội trong thế giới ngày
nay” cũng như hiến chế “Ánh sáng muôn dân” của Công Đồng đã muốn Giáo Hội xuất
hiện giữa xã hội loài người trong dáng vẻ khiêm tốn, mộc mạc, hiền hòa, giản dị
và mang tính bản địa. Công Đồng đã khép lại lâu rồi và đang chuẩn bị mừng 50
năm ngày khai mạc, chúng ta xin Chúa Thánh Thần xưa đã thổi luồng gió mới vào
Công Đồng, nay ban ơn soi sáng để chúng ta hiểu và thực thi điều Công Đồng
truyền dạy.
Lm.VĨNH SANG, DCCT, 29.9.2012
No comments:
Post a Comment