Tôi đã trở về
Hà Nội vào lúc 11g00 đêm, nhưng những cảm xúc vẫn cứ mãi dâng trào trong tôi.
Tôi vừa tham dự vào một cuộc chia ly đầy tình cảm, những giọt nuớc mắt, những
cái níu tay, những tiếng nức nở và những lời nhắn gởi thắm tình, dạt dào thương
mến, chân thành, đơn sơ và thánh thiện…
Chiều nay anh em chúng tôi vừa kết
thúc chuyến giảng Đại Phúc ở một Giáo Họ thuộc một Giáo Xứ ở Hà Nam, Giáo Họ
mừng 100 năm kỷ niệm Nhà Thờ, tôi được tham dự ngày cuối cùng khi trên đường từ
Nho Quan, Ninh Bình, trở về ngang qua Hà Nam trước khi vào Hà Nội.
Khi tôi vào đến đầu làng, một không
khi tưng bừng rộn rã thể hiện trên các lối đi của làng xã, cờ Hội Thánh ( trắng,
vàng ), cờ Đức Mẹ ( trắng, xanh ), bay phất phới, cha truởng đoàn Đại Phúc chia
sẻ với tôi: cả làng ngưng việc để tham dự Đại Phúc. Quả thật ngoài ruộng vườn, những
mảnh vườn bé nhỏ, những ô ruộng khiêm tốn đầy những vạt rau xanh, xu hào, cải
xanh, hành, hẹ, củ cải xanh ngắt một màu hiền hòa nằm im ắng dưới nắng chiều
nhẹ của một ngày giữa thu Hà Nội, gần như không có một bóng người giữa ruộng
vườn.
Có một người phụ nữ trẻ, trên đầu
vấn một cái khăn như chúng ta thường thấy nơi người nữ lao động miền Bắc, quần
áo lam lũ ruộng vườn, chị nhìn thấy chúng tôi vào làng khi đang cố gắng “tham
lam” thu dọn nốt một vài cái gì đó nơi vuông ruộng nhà chị. Khi thấy chúng tôi,
chị như hốt hoảng, chị vội vàng chạy lên đường cái, dắt chiếc xe đạp của chị
đang dựng trên đường để tránh qua một bên, hình như chị cảm thấy có lỗi vì giờ
này vẫn còn ở ruộng chưa về để lo đến Nhà Thờ. Dưới nắng chiều tôi thấy chị đẹp
lạ lùng, tôi nói với cha trưởng đoàn: “Em thấy không, người đàn bà đó thật dễ
thương, chị đơn sơ chân chất, thánh thiện và đáng ngưỡng phục, ôi sao nét đẹp
nhiệm mầu…”
Cha trưởng đoàn Đại Phúc giao cho tôi nhiệm vụ giảng
bài kết thúc tuần Đại Phúc trong Thánh Lễ bế mạc, nội dung bài giảng nói về Đức
Mẹ. Hình ảnh người phụ nữ lam lũ, đơn sơ, tinh tế, tôi vừa gặp trên đường ruộng
gợi ý cho tôi nói về Mẹ của chúng mình. Mẹ đã sinh ra rồi lớn lên trong kiếp
sống nghèo lao động, nơi cái nghèo vật chất, Mẹ ý thức và nhạy bén với cái
nghèo tinh thần, Mẹ “phô diễn” cái nghèo của Mẹ bằng cách để cho Chúa làm cho
Mẹ nên giàu có, và Mẹ chuyển cái giàu có của Mẹ cho chúng ta được trở nên giàu
có.
Ngày mai Chúa Nhật 28 mùa Quanh Năm
B, bài Tin Mừng Mc 10, 17 – 27 Chúa nói: “…Những
kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào Nuớc Thiên Chúa biết bao ! Con lạc đà
chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”. Nước Thiên
Chúa không có chỗ cho người giàu cậy thế ỷ quyền, không bao giờ con lạc đà mà
có thể chui qua lỗ kim ! Nhưng “Phúc cho
ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” ( Mt 5, 5tt ). Nước Thiên
Chúa thuộc về những ai sống nghèo, biết sống nghèo, ý thức mình nghèo mà phó
thác cậy dựa vào Thiên Chúa.
Chúng tôi kết thúc Tuần Đại Phúc
bằng nghi thức trồng và làm phép cây Thánh Giá Đại Phúc được dựng trong sân Nhà
Thờ, bữa cơm tối vội vã với cha xứ, cha phó, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và các em
giúp lễ. Khi chúng tôi dùng cơm, bà con vây quanh chật phía ngoài nhà cơm, các
bạn trẻ hát hò vui vẻ, thỉnh thoảng các cha trong đoàn chạy ra reo hò, hát với
các bạn đôi câu, tiếng cười giòn tan, tiếng vỗ tay ồn ào, tiếng la hét tranh
nhau nói, tranh nhau trêu chọc.
Tôi hoàn toàn không ngờ, cái đám
đông ấy chưa chịu về nhà còn nán lại vui vẻ ở sân Nhà Thờ bỗng bùng lên những
tình cảm bi lụy, khi anh em chúng tôi khăn gói va ly đồ đoàn chất lên xe, là
lúc tiếng khóc nức nở vang lên thay tiếng cười rộn rã, người lớn khóc, các bạn
trẻ khóc, rồi cả bọn giúp lễ ngơ ngác nghịch ngợm cũng khóc. Họ níu kéo các cha
không cho đi, họ gào lên: “Cha đừng đi, cha ơi !”
Ông Trùm nói với tôi: “hôm nay các
cha đi rồi chúng con vắng vẻ lắm”, ông nói rồi ông nghẹn không nói được nữa. Xe
chở chúng tôi phải vất vả lắm mới tiến dần ra đến đầu làng, vất vả vì đường hẹp,
các bạn trẻ bám theo xe, các bạn khóc như đi đưa đám, các cha cứ phải thò đầu
ra khỏi xe để an ủi, bảo các bạn trở về nhà đi, có cha quát to lên: “Cha có
chết đâu mà khóc, sao lại theo xe như xe tang vậy ?” Ông tài xế chật vật không
dám chạy nhanh nữa vì sợ các bạn bị kẹt vào xe, các bạn cứ đập vào xe rầm rầm và
cứ khóc, có cha nói đùa: “Các cha thì xót xa, bác tài thì xót xe !”
Xe ra đến đầu làng nhưng không di
chuyển được nữa, một đám dân chúng đứng hai bên đường đưa tiễn nhưng có một gia
đình bế đứa con nhỏ đặt ngay ra giữa đường để cản xe, bác tài bí hoàn toàn, chúng
tôi xin cha xứ can thiệp, cha xứ ở nhà xứ chính cách đó hơn hai cây số, ngài về
cùng xe với chúng tôi, ngài phải mở cửa xe bước xuống thuyết phục họ bế cháu bé
lên để chúng tôi đi.
Nút chặn cuối cùng ở ngay đầu làng, một nhóm đã phục
sẵn, kết hợp với nhóm “theo xe tang” bít chặt cửa làng. Một lần nữa cha xứ phải
xuống xe, ngài vất vả để mở đường cho xe chở chúng tôi thoát ra, bây giờ trong
xe thinh lặng hoàn toàn, không ai dám đùa giỡn nữa, tiếng khóc vang lên rồi xa
dần khi xe lăn nhanh bánh, hình như có giọt nuớc mắt nào đã lọt vào xe, đọng
lại trên khóe mắt những Thừa Sai của Chúa Giêsu.
Bóng tối như trùm
cả vào trong xe, đôi phút thinh lặng đi qua, bỗng mọi người phá lên cười vì
đồng loạt các điện thoại của anh em đều tưng bừng báo chuông, và lại những lời
chia tay biệt ly ồn ào vang lên.
Chúng tôi về đến Hà Nội, trời đã vào
khuya, tiết thu Hà Nội đã bắt đầu se se lạnh, quá mệt mỏi, mọi người lặng lẽ
khăn gói về phòng riêng, nhưng hình như không ai ngủ, tôi ngồi ghi lại những
cảm xúc này khi thời gian đã qua ngày hôm sau, 1g30 ngày Chúa nhật 14 tháng 10,
đèn các phòng gần phòng tôi có phòng còn sáng. Thiên Chúa lạ lùng, từng ngày
Ngài dạy tôi từng bài học mới, bài học yêu thương, bài học hiệp thông…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, rạng sáng Chúa Nhật 14.10.2012
( Ảnh minh họa trong bài là từ một kỳ Đại Phúc trong miền Nam )
( Ảnh minh họa trong bài là từ một kỳ Đại Phúc trong miền Nam )
No comments:
Post a Comment