Tuesday, 23 October 2012

Lm Vĩnh Sang DCCT: ĐỨC TIN



Ngày 18 tháng 10 vừa qua, ở hội trường Thánh An Phong, DCCT, 38 Kỳ Đồng, chúng tôi được hưởng một bữa tiệc no nê nghệ thuật Công Giáo bởi đêm hát Trường Ca Năm Thánh. Lời thơ của ông Lê Đình Bảng, soạn nhạc và hòa âm nhạc sĩ Vũ Đình Ân, thưởng thức đêm nhạc, mọi người đều ước ao có nhiều đêm như vậy nữa để đời sống Giáo Hội thêm phong phú.
Cám ơn hai tác giả, Nhà thơ Lê Đình Bảng và nhạc sĩ Vũ Đình Ân, cám ơn các nghệ sĩ, từ những nghệ sĩ diễn ngâm, các ca sĩ lĩnh xướng, đến các nghệ sĩ Dàn Nhạc Giao Hưởng Nhạc Viện thành phố và những ca viên của Ca Đoàn Hợp Xướng, cùng những người cộng tác làm nên chương trình.
Chắc chắn rất tốn kém kính phí để gầy dựng một đêm nhạc như vậy, nhưng cũng chắc chắn là đêm nhạc ấy đã làm phong phú cho Giáo Hội, giàu có cho Giáo Hội, cho đời sống Đức Tin của moi người.
Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, một nghệ sĩ Công Giáo, một Mục Tử có nhiều đóng góp và nhiều năm lặn lội cho nền nghệ thuật Thánh Nhạc Việt Nam đã chia sẻ, lời chia sẻ của ngài đã đánh động tâm hồn nhiều người. Ngài nói:
“Ông Đình Bảng làm thơ, lời thơ mượt mà, bóng bảy, nhiều mầu sắc, đọc thơ của ông mà người ta như đọc thơ của chính mình. Ông Vũ Đình Ân làm nhạc cho người ta hát, nhưng khi quan sát thì thấy người ta hát rất thoải mái như hát chính dòng nhạc của mình, như thế tôi cho rằng hai ông đã thành công đêm nay. Thành công ở chỗ, những suy tư trăn trở Đức Tin đã từ người tích góp ghi lại, chuyển sang người đón nhận và thể hiện ra cho những người khác cảm nhận như của chính mình, những cảm nhận ấy tạo ra cảm xúc Đức Tin. Đó là nghệ thuật, đó là nghệ thuật Công Giáo…” ( Tôi tạm ghi nhanh nội dung phát biểu của Đức Cha như vậy ).
Đức Tin mình cảm nhận, Đức Tin mình suy tư trăn trở, Đức Tin mình cử hành, mình sống, được chia sẻ bằng những phương tiện khác nhau, qua những phương tiện đó, người đón nhận được nhận biết, cảm xúc và đánh động, làm cho đời sống Đức Tin của mình trở nên giàu có, phong phú và sinh động, có sức tiếp tục lan tỏa sang cho những người khác. Vai trò của nghệ thuật không nhỏ trong hành trình lan tỏa này.
Cảm xúc sẽ mãnh liệt như nó cần có khi những cảm thức về nghệ thuật nằm im sâu trong cuộc sống được khơi dậy và vươn lên. Đạt đến trình độ nghệ thuật cần có là làm khơi dậy được những cảm thức sâu xa đó. Những cảm thức thánh thiêng sẽ phải được đánh động bởi những yếu tố Nghệ Thuật Thánh.
Nghệ Thuật Thánh như một sợi chỉ đỏ, như một đường thẳng đứng xuyên suốt từ trên xuống dưới, làm trụ đỡ, làm mạch dẫn và làm trục tâm cho đời sống nghệ thuật con người. Sợi chỉ đỏ đó tác động không nhỏ khi nó đặt vào đúng cảm thức sâu xa của con người, đặt vào đúng cái văn hóa, cái truyền thống, cái làm nên con người ấy, xã hội ấy, dân tộc ấy. Nó sẽ như mũi khoan khoan trúng vào miệng giếng, lập tức suối nước sẽ phun trào. Như vậy, nếu một sinh hoạt động nghệ thuật không khoan trúng vào cái cảm thức sâu xa của con người thì nền nghệ thuật ấy mới chỉ nằm ở bề mặt, mới chỉ là những tình cảm, những cảm nhận chóng qua, mới chỉ là vay mượn và hình thức vậy thôi.
Nghệ thuật đóng vài trò dẫn dắt, hay có thể nói đóng vai trò Ngôn Sứ, nghệ thuật biết lắng nghe dư luận, nhưng nghệ thuật cũng phải biết dẫn đắt dư luận, nghệ thuật biết đóng và biết mở, biết đóng cho lối mòn, biết mở cho sáng tạo. Tính Ngôn Sứ còn cần thiết đặc biệt cho Nghệ Thuật Thánh hơn nữa. Hội Thánh là môi trường thuận lợi để dưỡng nuôi nghệ thuật, nhưng nghệ thuật cũng là hàng ngũ tiên phong để làm cho Hội Thánh đươc phong phú và đổi mới.
Thánh nhạc, thơ ca, của nghệ thuật Công Giáo Việt Nam đã làm được chuyện đó dẫu rằng còn khiêm tốn. Thế còn kiến trúc, điêu khắc, hội họa, và những bộ môn nghệ thuật khác của Hội Thánh Việt Nam sẽ làm gì ? Có thể có một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, hội họa, đồ họa, nhiếp ảnh… phản ánh sự thánh thiện cứu rỗi nhưng cũng diễn đạt rất người và rất Việt Nam không ?
Chúng ta đã bước vào Năm Đức Tin, làm gì để nhận biết hồng ân Đức Tin ? làm gì để tuyên xưng Đức Tin ? Làm gì để cử hành Đức Tin ? Làm gì để sống Đức Tin ? làm gì để chia sẻ Đức Tin ? Không khéo lại theo thế gian làm phong trào như chúng ta vẫn thường “theo nó” làm phong trào, rầm rộ cử hành, rầm rộ giảng dạy, rầm rộ học tập, rầm rộ sinh hoạt, hết năm xếp lại đâu vẫn vào đấy, chuẩn bị cho một năm khác tiếp nối, bổn cũ soạn lại, tốn kém bao nhiêu tiền của công sức mà vẫn chỉ là… phong trào !
Chán ngấy kiểu thế gian, vậy thì phải đổi mới, chấp nhận sáng tạo, chấp nhận ra khỏi khuôn mẫu, chấp nhận lắng nghe Chúa Thánh Thần và nhất là chấp nhận mình chưa chắc đã… đúng.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
21 tháng 10 năm 2012, Khai mạc năm Đức Tin

No comments: