Tuesday, 30 October 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: “SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU”



Trong khuôn viên Tu Viện của chúng tôi, có một dãy nhà nho nhỏ xem ra khiêm tốn so với những dãy nhà khác, nhưng những người cư trú trong dãy nhà đó lại không nhỏ, không nhỏ nghĩa là lớn, lớn về đủ các chiều kích và hiểu theo đủ mọi nghĩa. Họ đã… “từ những đau khổ lớn lao mà đến”.
Thật vậy, tuổi đời họ rất lớn. Vị niên trưởng đang loay hoay trên giường bệnh năm nay đã 92 tuồi đời ( cụ không bao giờ chịu là 92, phải là 93 tuổi mụ, nhưng cụ lại tỏ ra rất thích khi ai nói cụ 29 tuổi ! ), lúc nào cụ cũng cười vui với bất kỳ ai đến thăm, rất ngoan ngoãn để cho những người có trách nhiệm săn sóc, đau đớn nhưng không bao giờ kêu ca, khi tỉnh dậy dù mệt lắm vẫn có thể đùa một chút với mọi người.
Sự nghiệp họ rất lẫy lừng, họ là những người đã ngang dọc một thời cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, tung hoành trên cao nguyên rừng thẳm, len lỏi vào tận những bản làng xa xôi, bây giờ đành thúc thủ với căn bệnh bất trị, nhưng… vẫn cười. Hơn 40 năm Linh Mục rồi bây giờ vẫn còn phải đang tập dâng lễ, đọc được bản văn Phụng Vụ là một cố gắng rất lớn, khi mệt quá thì tìm cách ăn gian không đọc to lên.
Công lao của họ rất lớn, họ đã từng vào sinh ra tử cho con thuyền của Hội Dòng, đương đầu với phong ba bão táp, can đảm quyết đoán cho hướng đi táo bạo, giải vây thế bí do hoàn cảnh đất nước, mở ra con đường hy vọng nhưng hiệu quả thiết thực, phóng tầm nhìn xa cho tương lai của Hội Dòng, của Hội Thánh. Bây giờ cụ lừ đừ chậm chạp, khác với dáng bước hiên ngang ngày xưa, giờ chỉ còn là những bước khoan thai chận rãi, ăn từng chèn cơm được cân đo đong đếm nghiêm nhặt, từng giấc ngủ được tính toán kỹ lưỡng.
Sức khỏe họ rất tốt, trong quá khứ họ đã từng khai phá cả trăm ha rừng, quản trị một đồn điền trên 100ha càphê, ngồi trên máy cày xới tung từng vuông đất, bắn hạ những con cọp rừng nặng gần trăm ký, lo đời sống cho hàng trăm công nhân của Nhà Dòng. Bây giờ thầy ngồi xe lăn, mắt mơ màng nghĩ về quá khứ, một thời trai trẻ gió sương, bây giờ ngồi bất động, cho gì ăn nấy, không đòi hỏi, không quan tâm đến bất cứ việc gì. Thương người giúp việc lo cho mình, thầy lại trào nước mắt, lắp bắp nói lời xin lỗi không ra hơi.
Khả năng quán xuyến của họ rất tốt, họ đã từng lo cho hàng trăm Đệ Tử sinh sống, họ đã từng cấm lái những chiếc xe bus to lớn ngược xuôi, họ đã từng xông xáo mọi ngõ ngách để vun quén cửa nhà, họ đã từng lặn lội để canh giữ tài sản chung. Bây giờ thầy ngồi đó, ho rũ từng cơn, thể xác héo hon nhưng trên môi không dứt nụ cười, đau ốm nhưng không giảm khả năng làm người khác vui, ngồi một chỗ nhưng đầu đầy ắp những chuyện tếu, sẵn sàng kể cho bất kỳ ai đến thăm đến khi ra về thế nào cũng phải cười vui thú vị…
Vâng, chấm dứt một hành trình, chấm dứt thuở dọc ngang, họ vượt qua nỗi khổ đau “lực bất tòng tâm”, họ phải chật vật làm quen với gia tốc ở cuối triền dốc, họ phải tập nhìn ánh mặt trời hoàng hôn trong một thời gian rất ngắn, “vùn vụt tựa bóng câu”.
Cũng trong dãy nhà nho nhỏ ấy lại có những người rất nhỏ, những người rất nhỏ bên cạnh những người rất lớn, thân xác họ nhỏ, tuổi đời họ nhỏ nhưng tâm hồn và trí tuệ, đặc biệt trái tim họ rất lớn. Xin tri ân người, những người tôi gọi là ân nhân của tôi, những người ngày đêm âm thầm canh thức, săn sóc, an ủi vỗ về, nâng đỡ các cha anh tôi, những người đã thức thâu đên suốt sáng khi cha anh tôi trở bệnh, những người đã lặn lội ra vào nhà thương lo lắng cho cha anh tôi như chính người thân ruột thịt của họ, những người đã trào những dòng nước mắt nghẹn ngào khi cha anh tôi ra đi, họ đã tiếc thương như tiếc thương chính người thân yêu ruột thịt của họ. Tôi mắc nợ họ, món nợ tình thương mến như một lời nào đó trong Thánh Kinh, và tôi không biết bao giờ và làm sao trả cho hết món nợ này…
Ngày lễ các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa gần đến, rồi ngay sau đó là ngày lễ các Đẳng Linh Hồn. Hai mặt của một con người thuộc về Thiên Chúa, cha anh tôi đã đi qua những “đau khổ lớn lao mà đến”, cha anh tôi còn phải vượt qua chính thân phận con người để đến vinh quang, trên hành trình vượt qua đó, có những “cô tiên” được gởi đến để đồng hành, những “cô tiên” được gởi xuống trần để thông chia nỗi khổ đau và đỡ nâng nhịp bước. Các chị em đã giúp chúng tôi sống tình huynh đệ, thay chúng tôi thực hiện tình huynh đệ, dạy chúng tôi hiểu tình huynh đệ và quan trọng là giúp chúng tôi sống ngày lễ 2 tháng 11 và sống trọn tháng 11 thật thấm thía, trước khi cử hành ngày 2 tháng 11 theo nghi lễ.
Một lời cám ơn cho cả đời tri ân, cám ơn những “cô tiên” đơn sơ giản dị, mộc mạc chân thành, khiêm tốn hiền hòa, âm thầm nhưng thương yêu mãnh liệt, chúng tôi chỉ biết cám ơn bằng những lời kinh tiếng nguyện mỗi ngày đời chúng tôi. Với tất cả tình thương mến…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 28.10.2012


No comments: