Roma, 11.10.1962: Quảng Trường Ðền
Thánh Phêrô đông nghẹt người. Ống kính của các nhà báo, nhà đài quốc tế chấp
chới. Ðúng 8g30 sáng, hai Cánh Cửa Ðồng của Ðiện Vatican mở rộng: Hàng ngàn vị Giám Mục áo
mũ trắng toát trào ra như một bờ sông bất tận. Mỗi hàng sáu vị nối tiếp nhau từ
những Bậc Thang Vương Cung, Scala Regia, đổ xuống Trụ Lang Bernini, rồi đi ra
giữa Quảng Trường Ðến Thánh, rồi tiến thẳng vào Ðền.
Chưa bao giờ và
ở đâu thấy nhiều Giám Mục thế. Tất cả hơn 2.500 vị, thuộc 133 dân tộc. Giữa
những áo trắng và mũ nhọn của các Giám Mục thuộc nghi lễ La Tinh, thấy những
màu áo vàng và mũ tròn, hoặc áo mũ đen trùm kín người, đó là các vị đến từ
Trung Ðông cổ kính, những Giáo Hội thành lập từ những thế kỷ ban đầu, đôi khi
từ thời các Tông Đồ, và cho đến nay vẫn còn giữ gìn nhiều truyền thống nguyên
thủy. Nhưng đàng khác lại có những khuôn mặt mà 20 Công Đồng trước đó chưa bao
giờ thấy: 70 vị da đen Phi Châu, 180 vị da vàng Á Ðông ( ấy là không kể các vị
từ Trung Quốc và Miền Bắc Việt Nam không thể phó
hội được ). Cảnh tượng đó cho thấy Hội Thánh Chúa đã dần dần đi vào lịch sử
loài người như thế nào.
Nếu ta có thể tìm hiểu hành trạng
của từng vị, cũng sẽ thấy thật đa dạng. Có vị xuất thân từ trong gia đình vua
chúa, nhưng nhiều vị khác là con nhà nông dân, lao động hoặc tư sản thành thị.
Ðức Hồng Y đầu tiên của Ấn Ðộ, ngài Gracias, dáng người uy nghi như một ông
hoàng, nhưng thật ra đã sinh trưởng trong những khu phố nghèo lụp xụp. Ngay
trong đoàn Việt Nam, Ðức Cha Ngô Ðình Thục là dòng dõi gia đình đại quan phong
kiến thấm nhuần văn hóa nho giáo, nhưng Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền, trước khi làm
Giám Mục Cần Thơ, lại làm nghề đạp xích lô, vì ngài thuộc Dòng Tiểu Ðệ Chúa
Giêsu của Chân Phước De Foucauld ( vài năm sau, bác xích lô Kim Ðiền sẽ kế vị
bậc đại quan Ngô Ðình Thục trên Tòa Tổng Giám Mục Huế, vì Đức Tin và Hội Thánh
chẳng phải là của riêng một tầng lớp hay môi trường xã hội nào ).
Trong lãnh vực
phụng tự, bề ngoài Giáo Hội La Tinh giống như một đại khối thống nhất, nghiên
cứu kỹ sẽ thấy Phụng Vụ cũng có nhiều phương diện. Ðức Cha Dante, Trưởng Ban
Nghi Lễ của Vatican, là người hết sức dị ứng với việc canh tân, suốt đời chưa
bao giờ ngài chủ lễ mà cộng đoàn được đồng thanh thưa Kinh Phụng Vụ; nhưng từ Á
Ðông, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh khá nhiều Giám Mục lại đi tiên phong trong cố
gắng thích nghi Phụng Vụ. Ðức Cha Thừa Sai Van Bekkum ở Indonesia chẳng hạn,
vừa là lý thuyết gia nổi tiếng quốc tế về canh tân Phụng Vụ, vừa có những sáng
kiến thích ứng các nghi lễ với văn hóa địa phương, được cả bên giáo lẫn bên
lương hết sức hâm mộ. Ðức Cha Zoungrana thì nghiên cứu đặc biệt các nghi thức
mừng tuổi thành nhân của các bộ lạc vùng Thượng Volta ( Châu Phi ), có ý du
nhập vào mục vụ địa phương. Giám Mục Thừa Sai Van Cauwelaert ở Congo cũng là
một nhà lãnh đạo Giáo Hội đi đầu trong trào lưu “Hội Nhập Văn Hóa” với những
nghi lễ thánh hiến trẻ sơ sinh cho Ðấng Tạo Hóa, và các kinh nguyện cho bệnh
nhân, cho người sắp chết và cho tang lễ…
Trong lãnh vực tư tưởng thần học và
trí thức, một số Hồng Y và Giám Mục ở Roma được coi là những đầu óc rất thủ
cựu, như Ðức Hồng Y Ottaviani đứng đầu Bộ Thánh Vụ, ngài rất khắt khe với những
thần học gia nào có tư tưởng không giống với những công thức lưu hành trong
Giáo Hội từ thời Trung Cổ; Ðức Hồng Y Siri có tư tưởng cực hữu cả về thần học
lẫn chính trị; Ðức Hồng Y Ruffini thì người ta nói rằng 40 năm trước ngài học
rất thông minh, nhưng từ khi ngài ngồi vào ghế giáo sư thì ngài dứt khoát không
tiếp thu, không chấp nhận thêm một điều gì mới nữa.
Ðàng khác lại có một đội ngũ Giám
Mục có trí thức xuất sắc trong Giáo Hội. Ðứng đầu trong số này phải kể đến Ðức
Hồng Y Montini, suốt 15 năm từ 1939 đến 1954, ngài kể như cánh tay mặt của Ðức
Giáo Hoàng Piô XII; trong nhiệm vụ này, ngài đã tiếp xúc và trao đổi với mọi
giới trong Giáo Hội, với mọi người ngài tạo ấn tượng về một trí tuệ sắc sảo,
mẫn tiệp, quảng kiến, khiến cho hang giáo phẩm khắp nơi và giới trí thức quốc
tế khâm phục. Nhân dân trầm trồ rằng ngài “thiên kinh vạn quyển”, ngày ngài
chuyển từ Vatican về làm Tổng Giám Mục Milano, đồ đạc riêng của ngài chủ yếu
gồm 90 thùng lớn, đầy những sách là sách, ( không đầy một năm sau ngày Công
Ðồng khai mạc, ngài sẽ kế vị Ðức Gioan XXIII, với danh hiệu Phaolô VI, và đưa
Công Dồng đến kết thúc tốt đẹp ). Cùng với ngài còn nhiều Giám Mục đến từ Pháp,
Bỉ, Ðức, Áo, Hà Lan, Mỹ được kể là những nhà thần học và tư tưởng gia lớn như
các Ðức Hồng Y Bea, Koenig, Suenens, v.v…
2.500 vị Giám Mục để coi sóc Hội
Thánh Chúa trên toàn thế giới còn nhiều nghèo đói, bất công, còn bị chiến tranh
đe dọa. Có những vị đã hòa mình hẳn với người nghèo. Ta đã thấy Ðức Cha Ðiền ở
Việt Nam từng làm nghề đạp xích lô, thì ở Pháp cũng có Ðức Cha Ancel vẫn đang
dành một nửa thời gian mỗi ngày đi làm công nhân nhà máy. Ở Chilê, Ðức Cha
Larrain lấy 148 hecta đất của Tòa Giám Mục để chia cho dân nghèo. Ở Úc, Ðức Cha
Jobst bỏ tiền mua 4.000 hecta đất để phục hồi kinh tế cho thổ dân bản địa.
Không chỉ sống với dân nghèo hoặc
giúp đỡ dân nghèo, có những vị Giám Mục lớn tiếng đòi Giáo Hội phải sống nghèo
thật sự. Ðức Cha Bellido ở Pêru tuyên bố: “Một
lãnh vực mà nhiều khi với những chủ ý rất tốt, chúng ta gây ra tai tiếng nơi
người này, ngao ngán nơi người khác, đó là chúng ta thiếu sự đơn sơ khi bài trí
Nhà Thờ, còn nghi lễ thì huy hoàng sang trọng. Chúng ta cứ hồn nhiên vô tội mà
cực kỳ phí phạm tài lực để kiếm tìm những trang phục, trang hoàng tốn kém nhất,
về mặt giá trị thẩm mỹ thì đáng ngờ vực mà trong khi đó các con của Thiên
Chúa thì khốn khổ vì đói, vì bệnh, vì lầm than. Ðó đúng là một nguyên cớ gây
tai tiếng cho Giáo Hội ngày nay. Sự sang trọng không thích hợp với cảnh nghèo
khó của thời đại này”.
Thời đại này không chỉ nghèo, đôi
khi nó còn bắt bớ Giáo Hội thẳng thừng. Ða số các nước Xã Hội Chủ Nghĩa không
có Giám Mục đến dự Công Ðồng; Ba Lan là một trong số ít nước cộng sản có được
một số đại diện, trong đó nổi bật lên khuôn mặt anh dũng của Ðức Hồng Y
Wyszynski. Theo sau Ðức Hồng Y có một vị Giám Mục trẻ khi ấy chưa được dư luận
để ý nhiều: Ðức Cha Karol Wojtyla. Nhưng người ta sẽ biết đến ngài qua các khóa
họp Công Ðồng, và 16 năm sau, ngài sẽ kế vị Thánh Phêrô với danh hiệu Gioan
Phaolô II. Có hai vị Giám Mục Cuba được dự Công Ðồng, Ðức Cha Perez Serantes và
Ðức Cha Boza Masvidal là vì hai ngài đã bị chính quyền trục xuất khỏi đất nước.
Nhưng không phải chỉ có các nước
“sau bức màn sắt” mới làm khó dễ Giáo Hội. Ở những nước tự xưng là Công Giáo,
với một chính thể, một chính quyền “Công Giáo” ta thấy Ðức Cha Ferreira Gomes
bị trục xuất khỏi Bồ Ðào Nha vì ngài bênh vực quyền của công nhân được lên
tiếng về các vấn đề chính trị, còn Ðức Cha Pildain cũng bị trục xuất khỏi Tây
Ban Nha, vì ngài bênh vực những người kháng cự sự độc quyền của các công đoàn (
nghiệp đoàn ) quốc doanh. Dù ở đâu, xã hội nào, chính thể nào thì con đường của
Giáo Hội nhiều khi vẫn là “con đường hẹp”.
Các Giám Mục không làm chính trị,
nhưng nhiều khi đường lối chính trị có những hệ lụy khiên các ngài không thể
không xác định thái độ và lập trường. Ðức Tổng Giám Mục Rummel ở New Orleans (
Mỹ ), cũng như hai Ðức Tổng Giám Mục Hurley và Mc Cann ở Nam Phi nổi tiếng vì
các ngài chống phân biệt chủng tộc. Có những
vị Giám Mục khác ở vào những vị trí đặc biệt nhạy cảm, như Ðức Cha Duval, người
Pháp, làm Giám Mục ở Algérie mà thời điểm đó người Algérie đang có chiến tranh
với người Pháp để giành độc lập cho đất nước; còn Ðức Hồng Y Doefner phải cai
quản Giáo Phận Berlin ( Ðức ) vào thời điểm mà Berlin đang là nơi hai
khối tư bản và cộng sản nắn gân nhau, nhiều lúc hồi hộp cứ nghĩ như một cuộc
chiến tranh hủy diệt có thể xảy ra. Có những vị như Ðức Thương Phụ Meouchi ở
Liban hay Ðức Cha Gutierrez Granier ở Bolivia đã góp công tạo ra giải pháp cho
những cuộc khủng hoảng nội bộ nguy hiểm, đem lại hòa bình cho đất nước.
Một số các Đức Giám Mục chúng tôi
nêu danh trên đây cho ta mường tượng được bao nhiêu vấn đề mà Giáo Hội ở các
địa phương phải đối phó. Bao nhiêu hoàn cảnh là bấy nhiêu con người, với những
mặt ưu, mặt khuyết. Các vị có những kinh nghiệm, những quá trình khác nhau, đôi
khi mâu thuẫn nhau vì cuộc đời phức tạp và đa diện; nhưng tất cả đều nương vào
niềm tin nơi Ðức Kitô. Hội Thánh đúng là cây lớn cho đủ loại chim trời đậu lại.
Cuối đoàn 2.500 Giám Mục, Ðức Thánh
Cha Gioan XXIII xuất hiện, ngồi trên kiệu. Thực ra ngài chỉ muốn được đi bộ với
các anh em Giám Mục. Thậm chí ngài than phiền rằng người ta muốn làm nhục ngài
khi bắt ngài phải ngồi trên kiệu cho người khác khiêng. Nhưng cuối cùng ngài
phải nhượng bộ vì Ban Lễ Nghi biện giải rằng ngài cần ngồi trên kiệu cao để
quần chúng nhân dân rất đông đúc và đầy lòng mộ mến được nhìn thấy ngài. Ít ra
ngồi trên cỗ kiệu truyền thống, Sedia Gestatoria, cao hơn đầu người, ngài có
thể nhìn thấy giữa biển người Dân Chúa, dòng sông trắng của các Giám Mục từ
Vatican tiến vào Quảng Trường, rồi vào Ðền Thánh Phêrô.
Ðó là công trình của ngài. Ngài đã
đưa tất cả Hội Thánh về đây. 2.500 đấng kế vị các Tông Đồ, cùng với một đội ngũ
đông đảo các chuyên viên và thần học gia sẽ cùng nhau hội họp, như khi xưa các
Thánh Tông Ðồ đã hội họp để mong chờ, đón đợi ơn Thánh Thần, như Ðức Thánh Cha
đã cầu nguyện khi ra Sắc Chỉ triệu tập Công Ðồng:
“Xin
Chúa tái hiện trong thời đại chúng con những điều kỳ diệu của Chúa như trong
một lần Hiện Xuống mới. Xin ban cho Hội Thánh này được đồng tâm kiên trì cầu
khẩn cùng với Ðức Maria, Thánh Mẫu Chúa Giêsu, và dưới sự lãnh đạo của Thánh
Phêrô, được thấy nước Chúa Cứu Thế lan rộng, nước của chân lý, công lý và bình
an. Amen”.
Lm.
VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT, 12.10.2012
No comments:
Post a Comment