Sunday, 30 September 2012

Lm Kevin O'Shea CSsR: Dẫn nhập vào với Phaolô lịch sử (Phần A)



Giới thiệu một Phaolô lịch sử

“Thánh Phaolô là thiên-tài về thi-ca thần-bí có khả năng diễn giải nền thần-học phong-phú rất phấn khởi. Thánh nhân là cây viết từng đem lại nhiều dấu-ấn cùng với các tác giả khác đã làm nên Tân-Ước. Thánh nhân còn là nhà tổ chức rất chuẩn, rực sáng và đầy ân lộc từng đóng góp nhiều điều cho Hội thánh mà nếu không có ông, hẳn có người sẽ tự hỏi không biết Đạo Chúa có còn hiện hữu nữa hay không? Và khi đó, Kitô-giáo có lẽ sẽ hoàn toàn khác hẳn.“ (G. Vermes, The Changing Faces of Jesus, Penguin, 2001)

Năm 2008, Đức Bênêđíchtô 16 tuyên bố thành lập Năm Thánh đặc biệt để mừng kính thánh Phaolô, khởi từ cuối tháng 6 năm 2008 và kết thúc vào cuối tháng 6 năm 2009. Đây là thời điểm rất thuận lợi để mọi người chúng ta có cái nhìn mới mẻ về thánh nhân. Và, cũng còn là cơ hội để ta có cái nhìn rất khác về sự sống lại trong cuộc đời những người dõi bước theo chân Chúa như thánh nhân từng khẳng định.

                                                                         ---

Tôi chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Do thái, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; tuân giữ Lề luật thật đúng như người Pha-ri-sêu; lại nhiệt thành đến mức độ ngược đãi cả Hội Thánh; còn, sống đời công chính đúng theo Luật, thì chẳng ai có thể trách cứ được tôi. Nhưng, những gì khi xưa tôi cho là có lợi, thì nay, vì Danh Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi nhất. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự đều thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, mà tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như cỏ rác để có được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài. Để được vậy, không phải do sự công chính của riêng tôi, hoặc sự công chính nhờ vào luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Phil 3: 5-11)

Quá trình sự nghiệp

Thế giới Hy Lạp và La Mã cổ xưa, chỉ có chừng 10% dân số là biết đọc và biết viết. Đối với dân Palestin, số người này còn ít hơn nữa. Điều đó có nghĩa: 10% số người này làm nên xã hội gồm những người tuyển chọn trong dân, vào thời đó. Họ là những người sống ở thị thành, mà thôi.

Các thủ lãnh Hội thánh tiên khởi, giống như thánh Phaolô, đều thuộc lớp người này.

Kitô-giáo thời tiên khởi không do lớp người đặc sủng sống ở miền quê dẫn dắt, mà do những người có học, tựa hồ các lãnh-tụ hội-đường vào thời trước như Gaius hoặc thủ quỹ các kho bạc thị thành như Erastus và/hoặc các nữ thương gia đạt thành quả như Lydia. 

Kết quả là, Hội thánh Chúa Kitô hồi thời tiên khởi đã để lại rất nhiều điều, cho hậu thế. Các lãnh tụ thời đó hầu hết là học giả hoặc các cây viết. Về sau, vào khoảng thập niên 70 sau Công Nguyên, toàn thể bốn thánh sử viết Tin Mừng đều là học giả ở bậc cao, rất tài giỏi. Trước đó, cũng nhiều vị có khả năng tương tự như Apôlô và Silas. Và, đặc biệt là thánh Phaolô. Không có thánh Phaolô, có lẽ những người khác cũng không tài nào làm được như thế và Tân Ước ta hiện có chắc cũng không tồn tại đến bây giờ. Và, Hội thánh thời tiên-khởi như ta biết, có lẽ cũng đã không hiện hữu. Phân nửa Tân Ước hầu như được nối kết với thánh Phaolô. Phân nửa sách Công Vụ và có lẽ còn hơn nữa đều do thánh Phaolô viết ra.

Ngày nay, chúng ta biết nhiều về thánh Phaolô là nhờ vào các sách và bài viết rất như thế. Ta biết về thánh Phaolô nhiều hơn biết về Đức Giêsu Kitô nữa. Bởi, Đức Giêsu Ngài chẳng viết cuốn sách nào hết. Chúa đi đây đó, cũng ít hơn thánh Phaolô từng đi. Tuổi thọ của Chúa, cũng chỉ bằng phân nửa tuổi đời của thánh nhân thôi. Và, khi Chúa qua đời, đến bốn mươi năm sau mới có người viết về cuộc đời công khai phục vụ của Chúa. Đàng khác, các sử liệu mới đây cho biết Đức Giêsu xuống thế làm người và trở thành người Do thái, là một cư dân sống ở miền Galilê cũng khá nghèo; và, Ngài chưa từng đến trường lớp nào để học một ai. Các thánh sử viết lên bốn cuốn Tin Mừng đều đã viết về Đức Giêsu theo cung cách tư riêng, đặc biệt. Bởi thế nên, ta mới khám phá ra ở bên dưới ảnh hình mà các thánh sử ghi lại về Chúa, giúp ta có được ảnh hình về nhân vật ‘Giêsu lịch-sử’. Nhưng với thánh Phaolô, thì lại khác. Ta biết nhiều về thánh Phaolô hơn và biết rõ những gì thánh nhân viết và cũng đã để lại cho hậu thế, rất nhiều điều.

                                                            ------------------


Thánh Phaolô ta tìm hiểu là Phaolô nào?

Ở đây, tưởng cũng nên cẩn thận đôi chút về các nhân vật có gọi tên là Phaolô. Bởi, thực tế có khá nhiều vị cùng mang tên Phaolô như thánh Phaolô ở Tarsus. Cả đến tên gọi Đức Giêsu cũng thế, ở Do thái xưa rất nhiều vị cũng mang cùng một tên gọi như thế. Điều tôi muốn nói ở đây, là: văn phong/thể-loại khác biệt đã tạo nên nhân vật đặc trưng lại cũng khác. Có vị thánh được gọi tên Phaolô như ta đọc ở sách Công Vụ chẳng hạn.

Về cuốn sách đầy tính sử-liệu mà ngày nay ta có thói quen gọi là Sách Công Vụ Tông Đồ (hoặc Công Vụ) là sách tiểu thuyết mang tính lịch sử rất chính-xác, trong đó kể lại các sự kiện được ghi rõ hơn ban ngày. Ở sách này, thánh Phaolô không là nhân vật cáu gắt như tính tình thực tế ở ngoài đời! Lại có đấng bậc khác, cũng được gọi tên Phaolô ta nghe biết qua các thư luân-lưu mục-vụ như thư gửi Timôthê, Titô, vv.  Ở thư này, thánh nhân là vị quản nhiệm Hội thánh cấp cao chuyên giữ trọng trách tổ chức hệ thống các nhóm/hội.

Lại có đấng bậc khác cũng mang tên Phaolô thấy có trong văn-chương gọi là ngụy-thư được viết vào thời kỳ sau đó tựa hồ như sách Công Vụ của Phaolô và Thêcla, qua đó ta thấy có nhân vật Phaolô đạo-hạnh như vẫn gặp ở sách “Hạnh Các Thánh”. Tất cả các bài viết cũng như tập sách truyền tụng đến đời sau, đem lại cho ta một Phaolô thuần-thục của Hội thánh vào thời sau đó ở Đạo Chúa. Và, bên dưới các chi tiết nói trên, lại có Phaolô đích thực thánh nhân, rất lịch sử. Và đây là nhân vật tôi muốn giới thiệu đến với người đọc hôm nay.

Dĩ nhiên, khi làm công việc như thế này, điều tôi muốn đưa ra là: thánh Phaolô đây thật rất khác. Khác, theo nghĩa cung cách của thánh nhân rất đặc biệt; và, ta sẽ ngang qua một Phaolô thánh nhân ở Sách Công Vụ rồi đến với các thư luân-lưu có tính cách mục-vụ và cuối cùng là các ngụy-thư vẫn tràn đầy mọi chỗ. Điều tôi đưa ra thêm đây, là điều mà một người từng được thuần-hoá lại mang tính-chất rất Đạo. Được như thế, điều chính yếu là qua các thư từ do thánh Phaolô viết qua đó thánh nhân nói rất nhiều điều về con nguời của thánh nhân. Ngoài ra, lại cũng có một số dữ-kiện lịch sử nói về Phaolô thánh nhân ở nhiều nguồn văn bản khác nhau, nhưng muốn đạt chuyện này, cần hoàn tất một số công việc cũng khá nhiêu-khê mới đạt được ý nguyện lập ra.

                                                                                       ----

Thánh Phaolô lịch sử

Phaolô (còn gọi là Shauoul) đích thị là người Do thái. Nói cách khác, ông là người Hy Lạp nói được tiếng Do thái như kiều-dân Do thái nào khác sống tản mác ở trong vùng. Ông sinh ở thủ phủ Tarsus, một thị trấn cách Galilê chừng 400 dặm về phía Bắc, vào niên biểu thứ 6 trước Công nguyên –tức chỉ vài năm trước ngày Chúa CứuThế sinh ra, tức năm thứ 3 trước Công nguyên- và ông qua đời tại Rôma khoảng năm 64 sau Công nguyên, dưới thời hoàng đế Nêrô trị vì, tức 34 năm sau cái chết của Đức Chúa và sáu năm trước ngày đền thờ Giêrusalem bị đánh sụp. Thánh Phaolô trải qua ba năm mười tháng rất nòng cốt của đời mình cho công việc.

Năm 2006, các nhà khảo cổ khám phá ra quan tài bằng đá khiến mọi người tin là trong đó có chứa đựng hài cốt thánh Phaolô tông đồ chôn bên dưới vương-cung thánh-đường mà mọi người đang sùng kính thánh Phaolô bên ngoài Tường thành Rôma. Hiện nay, chưa có lệnh cho phép mở quan tài xem trong đó có những gì.

Từ năm 65 trước Công nguyên, Tarsus đã trở thành thủ-phủ thuộc đế quốc La Mã ở Cicilia. Đây là thị trấn nhỏ hướng về phía La Mã. Đây, còn là miền trù phú nằm dọc ven sông Cydnus, cách bờ biển khoảng 10 dặm Anh.  Hai tuyến mậu dịch hướng về phiá Đông Nam vùng này, gặp nhau ở tụ điểm cách đó chừng 50 dặm về hướng Bắc. Tại nơi đây còn có con đường đèo nhỏ hẹp coi như cửa ngõ mở ra xứ miền Cicilia. Ở nơi này, lại cũng thấy con đường độc đạo khác xuyên vùng đồi núi tên là Taurus. Chính đây là con đưòng huyết mạch nối liền miền cận Đông với Ephêsô , một thủ phủ thuộc biển Ê-giê. Nơi này nữa, lại đã có công Chúa Maxêđônia xưa tên Clêôpatra khi trở thành Nữ hoàng Ai Cập cũng từng đến nơi này hưởng tuần trăng mật, tại Tarsus. Thời đế quốc La Mã trị vì Do thái, Tarsus đã trở thành một trung tâm nông nghiệp có công xưởng nổi tiếng. Thánh Phaolô sinh sống ở đây, thủ phủ tuy nhỏ nhưng lại có trường lớp chuyên dạy triết học cho bậc trí thức thuộc tầm cỡ đại học, như thời bây giờ.
              
Thánh Giêrônimô có lần từng khẳng định: “Thánh Phaolô khi trước chỉ là trẻ tị nạn có nguồn gốc đến từ thôn làng Gischala, ở Galilê để sinh sống. Nhưng về sau, có người cho rằng thánh nhân lại thuộc một gia đình nô lệ sống ở Tarsus”.

Xem như thế, thì có truy tầm cho kỹ, cũng không tìm ra bằng chứng nào cho thấy thánh Phaolô có nguồn gốc xuất tự Galilê, hoặc gia đình thánh nhân xưa nay thuộc gốc nguồn nào, thật cũng khó. Có người còn bảo: giả như thánh nhân xuất thân từ chốn này, thì tại sao trong các thư mục-vụ do thánh nhân viết, chẳng thấy chỗ nào đề cập đến địa danh của xứ miền này? Thánh thử, tưởng cũng nên tra cứu thêm gốc nguồn của thánh Phaolô, hơn là chỉ dựa vào lời của thánh Giêrônimô vào nhiều năm về sau. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến nhiều người thấy khó hoạ ra ảnh hình nào vẽ về nhân vật rất thánh này. Đa số người làm công việc tra cứu, thường mô tả Phaolô như một đấng thánh trông khá thấp. Bởi, tiếng La tinh, danh từ Paulus có nghĩa là: thấp lè tè. Nên, một số các nhà chú giải Kinh thánh lại quả quyết: cái khó là do thánh nhân thay đổi tên của ông từ Saulô sang thành Phaolô, kể từ khi ông quyết định “hồi hướng trở về với ràn chiên chuyên chăm của Chúa. Riêng tôi, tôi lại không nghĩ như thế. Theo tôi, tên gọi của thánh Phaolô –dù có mang ý nghĩa thấp lè tè hay lùn xủn đi chăng nữa- đó cũng chỉ là tên tục người xưa vẫn gọi ngài, và qua quá trình sử dụng lâu ngày, nay trở thành tên thật, chứ chẳng vì do ý nghĩa từ tiếng La tinh. Điều này càng dẫn người cố gắng  truy tầm nguồn gốc của thánh nhân đi dần vào ngõ bí, nếu ta lại xét thêm về những điều ít Do thái- tính, như ở đây. Những ai có dịp viếng đền thánh Phêrô ở Rôma, hẳn nhớ rằng mình cứ phải đi ngang tượng đài hoành tráng nơi đó ghi tạc hình hài thánh Phaolô tông đồ do nghệ nhân Tadolini tác tạo. Thật ra thì, thánh Phaolô trông không giống tượng đài ấy chút nào, nên lại càng khó cho nhà truy cứu tầm kích của thánh nhân theo sử học.

Năm 2006, người ta phát hiện trên cảo bản và hình tượng ghi trên đá có vẽ hình hài của thánh nhân. Cảo bản này, là tài sản của nông gia nọ tuy khá nghèo nhưng lại là người thủ giữ nhật-ký rời có ghi chép đôi chi tiết này. Nông gia ấy từng đi Êphêsô để tìm gặp cho bằng được nhà thuyết giảng nổi tiếng thành Tarsus. Vị giảng thuyết ấy đích thực là Phaolô, trông ông không cao hơn đứa trẻ bình thường là mấy, nên ông cứ phải leo ngồi lên bàn mà giảng giải cho dễ chịu. Nông gia nọ, còn tô điểm thêm đôi ba ý về tầm kích của thánh nhân lên đá tảng. Và, người truy tầm thấy đó là hình ảnh của một nhân sĩ khá lùn mà ta vẫn thấy nơi hình tượng vẽ trên đá. Có lẽ đây là giai thoại khác nói về “tình mến thương” được thánh Phaolô nhắc nhiều trong thư thứ 2 gửi giáo đoàn Côrinthô, lúc bấy giờ. Thánh nhân người nhỏ thó lọt trong đám tông đồ của Chúa trông như út ít. Có thể nói: nếu tông đồ Chúa mà đứng thẳng người để đo đạc, thì thánh Phaolô chỉ cao ngang tầm ngực của thánh Phêrô, thôi. Đến đây, có lẽ ta cũng nên tìm thêm đôi điều thật chắc chắn mới đem so với chứng tích hiện lưu giữ trong quan tài đá, thấy ở đây.
                           
Theo các bản vẽ có vào thời đầu, thì thánh Phaolô thuộc dạng người thâm thấp. Thân hình ông cũng khá mập và lùn. Đầu hơi hói. Râu tóc lại nhẵn nhụi. Da của thánh nhân bị xần xùi; mắt có mụn chừng như do bởi trước đó thánh nhân bị sốt rét đôi lần, cũng không chừng. Thế nhưng, cùng với tính khí của một đấng thánh năng động, sôi nổi, ta có thể nói: thông thường thánh nhân ăn nói rất hoạt bát, đáp trả khá nhanh lẹ, đặc biệt có tính không hay là cứ ngắt lời người khác đang nói.

Tác giả Jerome Murphy-O’Connor có viết một số đoạn văn ca tụng thánh nhân, tuy không nhiều, nhưng cho rằng: thánh Phaolô có tính bẳn gắt, hay cáu kỉnh, lại tẩn mẩn. Ông còn mang cung cách khá ư bần tiện nữa là khác. Ông xử sự lại giống các chính-trị-gia cứ giả vờ như người vui tính, nhưng tình thực ông lại dễ uất hận và phẫn nộ. Ông là người có qui cách ăn nói hơi quanh co, tính tình có vẻ “đồng bóng”, khó kềm chế, đôi lúc lại rất “bốc”. Đặc biệt khi biết rằng cộng đoàn Côrinthô không có tính hào hoa, lịch lãm nên ông thường mỉa mai, châm chọc cách cay độc. Ông lại không sở hữu kỹ năng giữ vững lập trường của chính mình, nên ít chịu xả thân lao mình để bảo vệ quan điểm của chính ông. Theo tôi nghĩ, thánh Phaolô chẳng làm sao chứng tỏ được rằng mình là con người hiền lành, tử tế hoặc “thánh thiện” theo như nhiều người những tưởng ông là con người rất như thế.      

Tuy nhiên, phải công nhận rằng: thánh Phaolô là loại người cương quyết. Như lời tác giả D. Chaplin có lần từng diễn tả: “Tôi chắc chắn sẽ không chạy lòng vòng rời mắt khỏi trái banh tròn và cũng chẳng muốn bám víu vào những cú đánh vào hình bóng của ông ta. Thay vì thế, tôi để mình vào chuyện luyện tập có khoảnh khắc sát phạt cứ như không có, để rồi mình sẽ không làm theo ông là cứ bảo người khác làm theo ý mình, rồi lại muốn họ ngã quỵ trước mặt mình.” (x. D. Chaplin, diễn giải lòng vòng tâm trạng của thánh nhân khi ông viết cho cộng đoàn giáo hữu thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô đoạn 9, câu 24-27)

Xem thế thì, thánh Phaolô luôn đặt mình vào đường lối luôn tiến về phía trước. Dù tiến bước, thánh nhân lại vẫn bước khá chậm, luôn là người đi trễ, nên đành phải nhanh chân để bắt cho kịp mọi sự đang tiến rất nhanh. Thánh nhân lên kế hoạch về miền xa lạ và luôn thấy rằng có lẽ mình sẽ không còn dịp quay trở lại chốn cũ, để gặp người xưa dù thân thiết. Quả thật, thánh nhân là nhà lãng-tử luôn bôn-ba mạo hiểm với đế quốc, với thế giới xa lạ ở ngoài. Qua sách Công vụ Tông đồ, thánh nhân thường diễn tả nhiều chủ đề bằng những bằng lời thật tâm, như: “Mạng sống của tôi, tôi coi còn chẳng đáng giá nữa là.” (Cv 20: 24)        

Hẳn, thánh nhân là con người khác thường với tâm tính hăng say, mê mệt cùng những tình tự khác lạ quyết áp đặt lập trường của mình lên trên ý tưởng của người khác, quyết liệt đến độ như muốn lồng tư tưởng ấy vào trong kết cấu của mọi câu chuyện mang tính khách quan nói về mình, để rồi lập trường ấy lại được Hội thánh tiên khởi, đang ngày một tăng trưởng, cứ phải ghi nhớ suốt đời.  Tóm lại, hầu hết các nhân vật vĩ đại ở đời, đều tạo tình huống khác lạ đến độ đưa họ vào huyền thoại, rất kéo dài.   

Thánh Phaolô là cây viết từng hưởng nền giáo dục tốt hơn nhiều tác giả khác, trong Tin Mừng. Thế nhưng, đó là nói về Kinh thánh viết tiếng Hy Lạp mà ta có thói quen gọi là Bản 70, thôi. Riêng tôi, tôi lại nghĩ thánh nhân không đọc sách ấy cách năng nổ như các sách khác viết bằng tiếng Do thái. Bởi, thánh nhân chịu ảnh hưởng văn hoá Hy Lạp qua môi trường mình sống. Thánh nhân thường đến hí trường để thư giãn, giải trí cho qua ngày. Nhưng ông vẫn muốn thi đua giành giải ở nơi đây. Ông có thói quen lắng nghe các nhà hiền triết Hy Lạp nói chuyện khi họ đặt chân đến Tarsus, xứ sở của ông sinh hoạt. Ông là người Do thái khá mộ đạo, nhưng lại không là đạo hữu bình thường. Ông tự coi mình như người Biệt Phái, nhưng theo tôi, ông muốn mọi người hiểu là ông mang tính cách “Pharisêu” thật đúng nghĩa qua cách hành xử theo luật Torah Do thái và ông quyết thực thi lề luật rất kỹ, cả đời mình.

Sở dĩ có chuyện này, là vì: thời thánh nhân sống, chẳng có người Biệt Phái nào thật sự là Pharisêu lại sống bên ngoài Palestin, hết. Tôi, thì tôi lại không nghĩ là Hội thánh có bằng cớ cho thấy thánh Phaolô từng hấp thụ nền học vấn kiểu tư tế rất chính thức, như thể nhận được chỉ giáo của bậc thày vĩ đại ở Giêrusalem tựa hồ Gamaliel; và, đây mới là tính chất rất Phaolô của sách Công vụ Tông đồ. Sách này nói: thánh Phaolô có kỹ năng giảng giải tiếng Hy Lạp tại sảnh đường Tyrannus ở Êphêsô. Có lẽ là như thế, nhưng ở đây, tôi xin được phép có một chút đa nghi về chuyện này. Tựa hồ giới trí thức vào thời ấy, thánh nhân cũng từng thụ giáo về mậu dịch và sống bằng việc sử dụng kỹ năng ấy. Và, một lần nữa, cũng theo sách Công vụ, thánh nhân là doanh thương mậu dịch đồ bằng da như lều/bạt rất có giá.

Tác giả Murphy O’Connor còn cho rằng: thánh Phaolô đã thành người Biệt Phái ngay từ hồi sống ở Giêrusalem. Và, ông là học trò của Gamaliel đệ nhất; đồng thời, ông cũng “vượt xa đồng bào cùng tuổi” với ông như thư Galát đoạn 1 câu 14 từng diễn tả. Tác giả còn cho biết: thánh nhân có vợ hai con. Có thể nói: thánh nhân từng sống tại Giêrusalem vào giai đoạn từ năm 15 đến 33, sau Công nguyên. Cũng có thể là, vào ngày Chúa chịu nạn và chết trên thập tự, thánh Phaolô đã có mặt tại hiện trường nhưng ông không có dịp may diện kiến hoặc quan hệ với Chúa. Về việc này, bản thân tôi vẫn muốn có thêm bằng cớ về những chi tiết ấy, tức: những gì coi như bằng chứng nói về thánh Phaolô mang tính lịch sử, ngoại trừ sách Công vụ viết về những giai thoại, đại loại như thế.

                                                                        ---

Thật ra, thánh Phaolô là một nhà lữ-hành rất đúng nghĩa từng đi đây đi đó, cũng rất nhiều. Ông lại là sáng-lập-viên chuyên chăm sóc cộng đồng và là người gây quỹ rất thiện chí. Trên hết tất cả, ông là cây viết rất tài tình và cuối đời mình, ông là đấng bậc dám chết cho Đạo, vì Đạo. Trong bối cảnh ngôn ngữ như thế này, tôi muốn giới thiệu với quí vị một Phaolô cây viết chuyên chăm, tài tình, tuyệt tác.       

                                                                       ---

Nhà lữ hành

Thánh Phaolô là một nhà lữ hành, rất đích thực. Hành trình ông thực hiện, dẫn từ Giêrusalem đến tận Antiôkia, một khoảng cách dài chừng 600 cây số ngàn (tức: quãng độ 360 dặm Anh) đi như thế phải mất từ 2 đến 4 tuần. Hành trình ông đi từ Antiôkia thuộc Syria đến tận Galatia cũng phải mất chừng 1,069 cây số (tức 641 dặm). Xem thế thì, bình quân mỗi ngày ông đi được 25 cây số, tức 15 dặm Anh. Hành trình như thế, thường khởi từ mùa xuân rất sớm vào lúc trời còn mát sau một mùa đông lạnh để nghỉ ngơi, đôi tháng. Sau đó, ông lại tiếp tục hành trình từ Galatia đến vùng cận duyên có khoảng cách chừng 771 cây số (tức 463 dặm) và hành trình như thế cũng mất 6 tuần. Nghĩa là, bình quân mỗi ngày ông đi được 18 cây số (tức 11 dặm) dưới sức nóng hừng hực, cháy da vào mùa hè ở Anatôlia. Còn, hành trình từ Êphêsô đến Corinthô, thường thì ông dùng thuyền bè, rồi trở về đất liền ngang qua Thessalonikê và Phillíphê một độ dài khoảng 736 cây số ngàn nhắm đến Nêapôlis, ngang qua biển để đến Trô-a rồi đi thêm 350 cây số nữa (tức 210 dặm) từ Trô-a đến Êphêsô. Như thế có nghĩa là, bình quân mỗi ngày ông đi tổng cộng 32 cây số (tức 20 dặm). Đi như thế, cũng mất đến 5 tuần lễ, cũng không nhiều.

Lữ hành nào cũng thế, chẳng khi nào là chuyện dễ làm. Nhất là vào thời buổi không có lực lượng cảnh sát hoặc bảo vệ trợ giúp, nên dễ gặp nạn cướp bóc, nói chung là đấy bọn xấu cứ thong dong tung hoành trên đường lộ, rất tự do.

Phaolô thánh nhân không chỉ là nhà lữ hành thôi, nhưng ông còn gầy dựng nên nhiều cộng đoàn Kitô-hữu và cứ thế ông đến nhiều nơi nhiều chốn cốt thành lập càng nhiều cộng đoàn lớn nhỏ càng tốt. Thánh Phaolô đích thân đến thăm hỏi các cộng đoàn do thánh nhân thành lập. Ông thường đi bộ (chẳng bao giờ cưỡi ngựa, bởi lúc ấy làm gì có ngựa để cưỡi và ngã khi được ơn?). Đôi lúc ông cũng men theo đường biển khá nhiều lần. Đó là những lúc ông được quá giang đi thuyền vào các mùa hè nóng bỏng ngồi trên những chiếc thuyền nan tuy bé nhưng khá tốt để căng buồm theo gió cuốn trôi đi. Theo tôi nghĩ, thánh Phaolô thường di chuyển vào mùa hè rất nóng, và ít khi đi vào mùa đông giá lạnh có gió mùa. Những lúc như thế, thánh nhân dừng chân nghỉ lại ở đâu đó (như ở Êphêsô hoặc Côrinthô chẳng hạn) vào mùa đông lạnh giá và lưu lại đó ít ngày để viết thư luân lưu khá nhiều…

Lữ hành đây đó, là dịp để thánh nhân thiết lập các cộng đoàn theo kiểu riêng biệt ông suy tính. Theo tôi  nghĩ, lúc đầu ông cũng không có ý định quay về chốn cũ để thăm cộng đoàn thân quen mình từng thương mến. Lý do, phần lớn là do có khó khăn ông gặp phải, thường xảy đến rất nhiều trên đường đi.

Thánh Phaolô thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là: ông có quyền được hỗ trợ tài chánh khi thi hành mục vụ bận như thế, nhưng ông chẳng bao giờ sử dụng quyền lợi đại loại như thế, ngoại trừ trường hợp phải rời bỏ cộng đoàn mình lập ra. Vào những lúc như thế, thánh nhân đành để lại một số người ở với cộng đoàn như với giáo đoàn Philípphê, nếu họ muốn, để giúp đỡ tài chánh cho các vụ việc cần đến và chuyến mục vụ tiếp theo sau.    

Mỗi lần qui chiếu điều gì về chính mình, thánh Phaolô thường tự coi ông như “người mẹ” của cộng đoàn. Ông còn ví mình như vị y tá chuyên lo chăm sóc đàn con bé nhỏ của người mẹ. Ông còn sử dụng cụm từ “ở cữ” nhiều lần để diễn tả tâm tình ấy. Ở đây, tôi không muốn gọi ông là “Mẹ thánh Phaolô” chút nào, không như tác giả Roberts Gaventa từng làm vào khi trước. Thật sự, thì ở đây cho thấy tính chất thương yêu rất mực vẫn thấy có nơi quan hệ giữa thánh Phaolô và cộng đoàn mang danh Phaolô thời tiên khởi, đó là điều ta cần ghi chú thêm khi tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của thánh nhân. 
                                                              (còn tiếp)
Lm Kevin O'Shea CSsR,
Mai Tá lược dịch 

                                                                        ---

No comments: