Wednesday, 10 October 2012

Lm Lê Quang Uy DCCT :“PHANXICÔ, TÔI ĐÃ TÌM RA ANH ĐÓ…”

Giáo Xứ Phanxicô Đakao, Sàigòn, vậy là năm nay, 2005, vừa tròn 30 năm hiện diện. Thật ra, Nhà Thờ của Tu Viện chắc đã có trước đó lâu lắm, bởi lúc tôi còn bé tí đã được bố mẹ dắt đi Lễ. Ký ức hơn 40 năm trước bây giờ chợt trở lại trong tôi như một dòng sông trắng mây huyền ảo... Dạo ấy, Nhà Thờ nho nhỏ, mái ngói rêu phong, rất nhiều hàng cột, ở góc bên hông có chiếc harmonium cũ kỹ. Chuông leng keng trên tay chú giúp Lễ, cô Hoa hoặc cô Tươi bắt đầu dùng chân hì hụi đạp buồng hơi dưới gầm cây đàn, cha Phanxicô Hoàng Trọng Tiến tiến ra Cung Thánh, những giai điệu cổ kính vang lên, các anh chị ca đoàn của cha Jean Marie Trần Văn Phán cất tiếng hát: “Con sẽ bước lên bàn thờ, vì chính Chúa làm tuổi xuân ca khúc hân hoan...” Vâng, tuổi xuân thơ bé đầu đời của tôi đã được ướp ngọt với những giai điệu và tiếng hát trong veo mộc mạc như thế. Những Thánh Lễ buổi sáng có cầu hồn, thế nào cũng thấy dọn một cái hòm to tướng phủ vải đen có đính những dải kim tuyến hình Thánh Giá, nhìn thấy ơn ớn rờn rợn, nhất là cộng đoàn hát lên khúc Kinh Thương Xót bằng thứ tiếng rất lạ với bọn trẻ con chúng tôi: “Kyrie, eleison...” Những ngày được Ơn Toàn Xá, chúng tôi hồn nhiên xem như một trò nghịch vui, cứ chạy ra ngoài sân Nhà Thờ, đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính, cầu theo ý Đức Giáo Hoàng, rồi lại lót tót chạy tọt vào, thi nhau xem mỗi đứa làm được bao nhiêu lần là được bấy nhiêu ơn thiêng ( ? ). Chúa Nhật Lễ Lá, cả đoàn người xếp hàng, tay cầm những nhành lá do các bà Dòng Ba tự tay làm và phân phát, từ cổng Nhà Thờ đường Phạm Đăng Hưng ( nay đã đổi tên là Mai Thị Lựu, liệt sĩ CM lạ hoắc ) lục tục trang nghiêm tiến vào Nhà Thờ, lũ con nít lau chau lóc chóc mất trật tự thế nào cũng bị cốc đầu nhéo tai. Tôi được bố mẹ cho đi học tiểu học ở trường các soeurs Đức Bà Truyền Giáo Thị Nghè, đến tuổi thì được Rước Lễ Lần Đầu khoảng năm 1965. Chúa Nhật ngay sau đó, diện bộ đồng phục trắng, chững chạc thắt nơ đen trên cổ, tôi đến Nhà Thờ với vẻ vênh vang so với đám bạn cùng trạc tuổi vẫn còn đang phải học Giáo Lý. Lúc Rước Lễ tôi đang lon ton tiến lên thềm Cung Thánh có lan can gạch, hòa vào lũ trẻ lớn hơn, thì bỗng, một bàn tay Giáo Lý Viên vươn ra túm lấy cổ lôi xuống. Của đáng tội, cô giáo cứ ngỡ thằng nhóc định... “việt vị” ! Tôi nhớ mình đã phải mếu máo giải thích mãi cô mới tin, thả cho lên, may mà còn kịp Rước Lễ từ tay cha Pacifique Nguyễn Bình An ( hình như dạo ấy ngài đã bị ung thư rồi thì phải ? ). Tôi cũng nhớ ở Nhà Thờ có một bà cụ xướng kinh, giọng miền Nam chua gắt nhưng rất sõi và không bị lạc tông như nhiều “bà quản” bây giờ ở các Nhà Thờ. Trông cụ đã già lắm, dễ phải đến 80, dáng khắc khổ, người gầy đét và nhỏ thó. Hình như nhà cụ ở ngay bên cạnh Tu Viện, nên bao giờ cũng sang Nhà Thờ rất sớm trước giờ Lễ để bắt giọng xướng các Kinh Tin Cậy Mến, Kinh Chúa Thánh Thần, các loại Kinh Cầu tưởng chừng dài đến bất tận. Trong thâm tâm tôi sợ cụ lắm, xếp cụ vào cùng hàng với... các mẹ mìn ! Cho đến ngày tôi được vào Hướng Đạo Sói Con, bầy Nguyễn Huy Diệu, đoàn Phi Long, đạo Tây Hồ. Akêla ( Sói Mẹ ) của chúng tôi là chị Nguyễn Thị Hường, Baloo là anh Lâm Ngọc Sơn, đã xin các cha Phanxicô cho lập bầy Sói Con ở Đakao. Trong bầy có 3, 4 đàn, tôi ở chung đàn nâu với một bạn tên Hà và phát hiện ra bà cụ già tôi vẫn sợ hết vía kia chính là bà nội của bạn Hà. Rồi sau này lớn lên nữa, em gái của Hà là Hồng Vân lại sinh hoạt trong Nhóm Mai Khôi với tôi, thỉnh thoảng Nhóm họp mặt bên nhà ba má của Hà và Vân thì tôi không còn gặp cụ nữa... Một thế hệ cũ kỹ lão thành đã qua đi, bọn trẻ chúng tôi lớn lên, còn ngôi Nhà Thờ bé nhỏ ngày xưa nay được xây mới hoàn toàn, cao hai tầng, kiến trúc tân kỳ, như thể muốn nói với mọi người về một giai đoạn mới đã bắt đầu... Vậy đó, thời gian thấm thoát trôi. Những ngày sát 30 tháng 4 năm 1975, thành phố Sàigòn kẻ ở người đi, hỗn loạn, hoang mang, chiến tranh đã về đến sát bên những người thị dân lâu nay vẫn cảm thấy tương đối an toàn, những cuộc biểu tình, đình công bãi khóa, rồi lựu đạn nổ, đạn pháo kích hàng đêm từ ngoại ô... Chiều ngày 28, tôi đang dự Thánh Lễ chiều, vừa đến Kinh Lạy Cha thì tiếng máy bay A 37 rít lên, bom nổ ở đâu đó làm rung chuyển các cửa kính, đạn đại liên phòng không từ phía Kho Đạn và Đài Phát Thanh bắn lên trời thành những tia lửa đỏ rực. Tôi còn nhớ cha chủ tế Trần Văn Quý đang đứng trên bàn thờ, vẫn bình tĩnh giang tay cầu nguyện, cả Nhà Thờ như đọc to hơn, không, không phải đọc, mà đúng thật là những tiếng kêu xin thống thiết giữa lằn ranh của sống chết, xin “...cứu chúng con khỏi mọi sự dữ...” Mọi người run run líu ríu tiến lên Rước Lễ. Cha Quý dặn to: “Xin anh chị em lên hẳn Cung Thánh rồi vào phòng mặc áo để xuống bên trong Tu Viện chúng tôi...” Ai cũng biết lúc tên bay đạn lạc, Nhà Thờ và Tu Viện luôn là nơi an toàn nhất. Đợi cho tiếng súng đã ngớt, tôi lẻn ra, lom khom chạy băng qua sân ra cổng Nhà Thờ, nép sát tường bên trái con phố để chạy về nhà. Bố mẹ tôi điểm danh các con, thấy thiếu mất thằng út, đang hốt hoảng thì tôi về tới... Những ngày đầu sau biến cố 75, cha Benoit Trần Minh Phương mở ngay một khóa học về Khoa Học và Đức Tin cho cánh thanh niên 16, 17 chúng tôi. Còn cha Savio Nguyễn Chí Chức thì dạy chúng tôi về Lời Chúa và cầu nguyện. Bên cạnh các sinh hoạt lao xao bên phường khóm, Nhà Thờ và Tu Viện bỗng trở nên như là một mái ấm, quy tụ đàn chiên còn đang ngơ ngác trước những thích ứng cho một đời sống hoàn toàn mới, dữ nhiều hơn lành. Các sinh hoạt Ca Đoàn, Giáo Lý, Hội Đoàn... tuy có bị hạn chế rất nhiều về mặt này mặt kia từ phía chính quyền Cộng Sản, nhưng những ai đã tìm đến đều sốt sắng với Chúa, gắn bó với nhau một cách kỳ lạ. Tôi được cha Jean Marie Trần Văn Phán gọi vào Ca Đoàn, hát bè Bass hẳn hoi. Bọn thanh niên dậy thì giọng mới hết vỡ chúng tôi được đứng chung với những anh lớn như anh Hữu, anh Công, anh Hàm, anh Lộc xem ra cũng hãnh diện. Bên nữ thì có chị Hiền của tôi, chị Thu, chị Sen, chị Sương, chị Thanh, chị Hà... lúc nào cũng rộn tiếng cười nghịch ngợm, luôn tìm mọi dịp để họp mặt với nhau, vừa tập hát vừa ăn chè, gặm mía ghim, những món quà vặt vừa túi tiền dạo mọi người còn rất nghèo ấy. Anh Jean Người Văn Huế, diệu thủ phong cầm của Nhà Thờ còn gọi tôi đến nhà để dạy đàn piano mãi cho đến khi anh bị “người ta” giết chết tức tưởi tại nhà riêng một cách bí mật... Nghĩ cũng lạ, giữa bối cảnh kinh tế thời bao cấp hậu chiến hết sức khó khăn, còn phải ăn độn khoai và bo bo, mà sao mọi người vẫn lạc quan ? Tôi bắt đầu hiểu thế nào là phó thác cho Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa. Rõ ràng các cha, các thầy Dòng Phanxicô đã là chỗ nương tựa tinh thần tuyệt vời cho anh chị em chúng tôi dạo ấy, là nhịp cầu chuyển tiếp cho chúng tôi can đảm vượt qua nhiều thử thách về Đức Tin, về đời sống thường nhật... Đến năm 1978, tôi đậu vào đại học Kiến Trúc xong thì cha Irénée Nguyễn Thanh Minh gọi tôi vào Ban Giáo Lý. Và chính nơi đây, sau này tôi nghiệm được, chính là chiếc nôi ươm mầm Ơn Gọi cho tôi. Tối thứ sáu nào cũng cúp điện, anh chị em Giáo Lý Viên thắp đèn dầu họp mặt chia sẻ. Khi thì chia nhau thuyết trình học hỏi về Tông Huấn Catechesi Tradendae của Đức tân Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, khi thì trao đổi kinh nghiệm Sư Phạm Huấn Giáo, bao giờ thầy Phúc Lộc Khoa ( nay đã là cha Ngô Công Tâm ) cũng ôm đàn ghi-ta tập cho chúng tôi một bài sinh hoạt ngăn ngắn, còn thầy Trần Văn Ca thì thế nào cũng có thêm mấy trái soài, mấy gọi kẹo mang ra cho cả đám nhâm nhi. Những khuôn mặt Giáo Lý kỳ cựu như chị Vũ Mộng Long ( nay đã qua đời vì bệnh ung thư ), Soeur Bá ở Dòng Chúa Quan Phòng, chị Hồng Liên, chị Bạch Kim, chị Tuyết Mai, chị Phong Vân ( nay đã là Nữ Tu Thừa Sai Phan Sinh ), chị Thu, chị Anh Hiền ( chị ruột tôi ), chị Hồng Phượng, chị Kim Lan, chị Phương Anh, chị Kim Ngọc, chị Ngọc Sương, anh Phổ, chị Xuân Hương... đã là những con chim đầu đàn hướng dẫn thêm mọi chuyện cho bọn đàn em tuổi đôi mươi chúng tôi như Huỳnh Cúc, Lê Thúy, Minh Ngà, Minh Ngọc, Quang Uy, Văn Khoa... Cứ hai người chúng tôi nhận một lớp từ Khai Tâm cho đến Vào Đời. Phải nói cả một hệ thống Giáo Lý đã được cha Thanh Minh điều hành nhịp nhàng hài hòa với những sáng kiến mục vụ thích hợp thời thế và bối cảnh xã hội vô thần lúc bấy giớ. Mỗi Chúa Nhật, sau Thánh Lễ 8 giờ dành cho thiếu nhi Giáo Lý của cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, một nhóm nhỏ Giáo Lý Viên chúng tôi lại họp mặt chia sẻ Lời Chúa trong một căn phòng nhỏ. Chúng tôi cùng đọc bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần sau, rồi say sưa trò chuyện và cầu nguyện, quên cả thời gian mấy tiếng đồng hồ đã trôi qua, bao nhiêu kinh nghiệm sống Lời Chúa hết sức thấm thía của bản thân, ngay trong gia đình, trong trường học, trong nơi làm việc, giữa xã hội đang còn quá nhiều ngổn ngang bất ổn. Hơn là một liệu pháp trợ giúp tâm lý bình thường, ở đây rõ ràng có Ơn Chúa và có tình yêu thương gắn bó trong nhóm với nhau, tất cả đã đong đầy cho những trăn trở tâm linh, những hoang mang tình cảm, những bối rối trong định hướng tương lai của từng người... Thế rồi, thời gian thấm thoát qua đi, tôi ra trường phải đi làm xa tận Nhà Bè, lại chuyển ngành từ Kiến Trúc sang Giáo Dục, công tác liên tục và lo sinh kế cho gia đình, tôi không còn dịp đến với Nhà Thờ Phanxicô nữa. Thỉnh thoảng ghé về thăm, hỏi han, thì lại thấy mất dần những khuôn mặt thân quen một thời. Nhiều anh chị đã lập gia đình, một số đi xa khỏi quê hương, lại một thế hệ mới kế tục trong ca đoàn, trong Ban Giáo Lý... Các thầy già Louis Nguyễn Bình Yên, Raphael Nguyễn Vãn Huyên ðều ðã lần lượt về Nhà Cha trên Trời... Các cha cũng luân phiên đổi đi phục vụ các nơi khác... Cảnh cũ còn đây những người xưa đã khuất. Không khỏi chạnh lòng buồn nhớ bao kỷ niệm ân tình... Đến năm 1987, tôi quyết định xin đi tu, khi quay trở về Giáo Xứ để xin cha Savio Nguyễn Chí Chức các giấy tờ cần thiết nộp vào Đại Chủng Viện, các cha, các thầy ai cũng nhẹ nhàng trách: sao là dân lâu năm của Phanxicô, không đi tu Dòng Phanxicô, lại đi mãi đâu ? Nói vậy thôi chứ ai cũng vui chúc tôi bền đỗ trong Ơn Gọi. Sau này, tôi lại xin chuyển hẳn sang Dòng Chúa Cứu Thế, lại tu học chung với các thầy Dũng, Vượng, Lệ, Mừng, Lâm, Minh ( nay đều đã làm Linh Mục ), các cha Phanxicô gặp lại tôi đều trêu: Quang Uy đệ tử của Tiến Lộc nên đi DCCT là phải rồi, ôm đàn ca hát quanh năm ! Tôi ngẫm nghĩ: cái chuyện thích ca hát có được nơi tôi không chỉ là do “lây nhiễm” của cha Tiến Lộc đâu, nhưng chắc chắn đã khởi đầu nhen nhúm bởi tinh thần Thánh Phanxicô nhà ta đấy ! Tôi nhớ khoảng năm 1979, tôi có sáng tác một bài về Thánh Phanxicô mà các bạn Mỹ Dung, Bạch Hồng, Tuyết Vân, Minh Ngà, Quỳnh Hương... bên Nhóm Thanh Nữ Phan Sinh rất thích hát. Của đáng tội, lúc ấy, tôi bạo mồm bạo miệng đã dám xưng Tôi và gọi Thánh Phanxicô bằng... Anh ! Nhiều vị lớn tuổi hoặc chức sắc trong Giáo Xứ và Dòng Ba Phanxicô cũng hơi khó chịu, cho là tôi lếu láo... “gần chùa gọi bụt bằng anh !” Thật lòng tôi chỉ muốn bộc bạch kể lể về mối đồng cảm với một Phanxicô ở tuổi đôi mươi y như mình, đã “ngộ” được Tình Yêu của Thiên Chúa, đã bị chị Nghèo bắn mũi tên xuyên thấu con tim, để rồi cả đời tự nguyện trở thành một “Người Hát Dạo của Thiên Chúa”. Tiếc quá, bài hát nay đã thất lạc, thời gian gần ba mươi năm cũng đã mài mòn ký ức của tôi, tôi chỉ còn nhớ được có đôi ba câu giữa bài. May mà lại là những câu... then chốt: “Phanxicô, tôi đã tìm ra Anh đó, Giữa lúc Anh cũng tìm gặp tôi... Tiếng hát Anh vẫn vọng về đây Hát với chính tôi, hát với chính tôi...” Xin được ghi mẩu bài hát ấy ở đây như một lời biết ơn đối với Thánh Phanxicô, đối với các cha, các thầy Dòng Phanxicô, đối với các anh chị và bạn bè một thời đã cùng tôi lưu dấu nơi Mái Ấm số 3 đường Phạm Đăng Hưng, Đakao. Nếu có bạn Phan Sinh nào còn nhớ xin chép lại trọn vẹn lời bài hát này cho tôi, tôi cũng lại xin biết ơn thật nhiều... Bởi bài hát thì có thể quên, nhưng làm sao có thể không ghi nhớ những gì đã nuôi mình lớn lên ? Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 2005 Biên tập lại dịp Lễ Thánh Phanxicô 4.10.2012

No comments: