Thursday, 31 May 2012

Lm Frank Doyle sj: “Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú”


Suy niệm Chúa nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm B

“Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú”
Những ngôi sao buồn suốt một chu kỳ,
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly,
Và sao rụng biếc đôi tay cầu nguyện
(“Đường Vào Tình Sử”, thơ Đinh Hùng)
Mt 28: 16-20
            Đường vào tình sử, nhà thơ nghe nỗi sầu tinh tú. Cất bước ra đi, nhà Đạo tìm thấy niềm vui ở Tin Mừng. Niềm vui, là niềm tin Đức Chúa có Ba Ngôi, đã mặc khải ở trình thuật.

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu ghi về người dân địa cầu không mang nỗi sầu tinh tú, nhưng rất tin. Tin, Chúa Ba Ngôi yêu thương kết hợp. Tin, mầu nhiệm huyền bí Chúa Ba Ngôi. Tin, vẫn một niềm, nhưng không giải thích bằng ngôn ngữ, với loài người.

Thánh Phaolô, bằng vào ánh sáng của lý trí và lẽ phải, mà con dân địa cầu biết rõ Thiên Chúa là Đấng tạo tinh tú. Vũ trụ. Cội nguồn. Là, nguyên nhân làm thành vũ trụ. Có một điều, mọi người không thể hiểu, khi vào bản chất sâu lắng của Thiên Chúa, đã mặc khải cho ta, nơi Tân Ước. 

Không hiểu hết mặc khải, nhưng ta chấp nhận những khó hiểu ấy, bằng tin-yêu. Tin, như tin vào bản chất của nhiệm mầu. Tin, như tin vào mặc khải, ta nói được chỉ một Chúa. Đấng thấu biết mọi chuyện. Đấng, có quyền trên mọi sự. Đấng, thương yêu hết mọi người. 

Thánh Tôma A-qui-nô xưa từng bảo: điều ta nói về Chúa, đều mang tính mâu thuẫn ngay trong tâm. Bởi “Chúa là Sự Thật”, nhưng không là sự thật ta nắm bắt. “Chúa là Tình Thương”, nhưng không là “thương tình” ta kinh nghiệm. Từng trải. Vả lại, ta nào có thể từng trải kinh nghiệm Thương Yêu giữa Ba Ngôi. Cũng chẳng rõ biết sự trong sáng Chúa vượt quá đầu óc hạn hẹp, của con người.

Bài đọc 1, sách Thứ Luật viết: ta biết Chúa, không bằng óc não, nhưng bằng kinh nghiệm riêng tư ta có về hoạt động của Chúa nơi sự sống. Đó, là điều Môsê từng khẳng định: “Có dân nào được nghe tiếng Chúa phán từ đám lửa như anh em đã nghe biết, mà vẫn sống? Có thần nào lại ra công chọn lấy cho mình một dân tộc từ dân tộc khác. Dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn khiếp đảm, như Đức Chúa?´(ĐNL 4: 334)

Qua mặc khải, ta được biết: trong Chúa, có Ba Ngôi vị: Cha, Con và Thánh Linh. Mỗi Ngôi vị san sẻ trọn vẹn bản thể Đức Chúa. Là, chính Thiên Chúa. Mặc khải rằng, mỗi Ngôi vị đều khác biệt. Khác, do quan hệ giữa các Ngài: giữa Cha và Con, giữa Con với Cha. Và, tình Thương Cha-Con, ngay tự bản chất, là Ngôi Thứ ba, Chúa Thánh Thần.

Xác tín ấy, ta chẳng làm được gì để nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của Tương quan giữa các Ngôi Vị của Thiên Chúa. Nhưng, tương quan giữa Chúa nói lên một điều, là: khi đã tin, ta sẽ không còn ý định chỉ tìm giải thích những điều không thể lý giải. Nói cách khác, chẳng thể minh xác công thức “3=1”, được. Cũng không thể bảo: mỗi Ngôi vị là 3 Ngôi vị, nhưng chỉ nói: một Thiên Chúa có 3 Ngôi vị. Rõ ràng, khác biệt giữa từ ngữ “Chúa” và “Ngôi vị”, là ý thế. 

Rõ ràng là, ý niệm như thế vượt quá kinh nghiệm của mọi người. Vượt, óc tưởng tượng của nhân gian. Thế tục. Vượt như thế, tự khắc giải quyết được huyền nhiệm. Thế giới của ta, có nhiều sự việc vượt quá sức hiểu biết trọn vẹn. Vượt, toàn bộ não trạng tưởng tượng, đang nhen nhúm. Đầu thái cực này, là sự bao la vĩ đại, của vũ trụ. Đầu bên kia, là yếu tố cực vi, như: điện tử, nguyên tử, rất nơ-trôn.

Trên thực tế, cụm từ “Ngôi vị”, xuất xứ từ tiếng La-tinh “Persona, không chỉ có nghĩa “người” phàm, mà còn có vai trò người nghệ sĩ thủ diễn, trong kịch nghệ. Kịch nghệ cổ La Mã, có thói quen để cho các nhân vật khi diễn xuất được phép đeo mặt nạ (gọi là persona), nhằm nói lên vai trò mình thủ giữ. Cũng tựa như kịch nghệ Hồ Quảng/hát bộ bên Trung Quốc, có tục vẽ mặt cho diễn viên để biết nhân vật ấy là ai. 

            Tầm nguyên cụm từ Persona bên tiếng La-tinh, ta thấy giới tự “per” tức “ngang qua”, sona” xuất từ chữ “sonum” nghĩa là “âm thanh”. Tức, persona (Ngôi vị)  là người mà qua đó, diễn viên nói cho biết tính chất của nhân vật. Với kịch nghệ Hy Lạp, tức nguồn gốc mà phần đông người La Mã đã rút tỉa kinh nghiệm dựng xây nền kịch nghệ của mình, thì “persona” (ngôi vị) hoặc “mặt nạ” được gọi là “prosopon”  theo nghĩa của cụm từ, là thứ gì hiện diện ở trước mặt.

            Suy tư về Ba Ngôi Thiên Chúa, cụm từ “Ngôi vị” liên kết với Chúa, được coi như có liên quan đến truyền thống cổ xưa. Nơi Chúa, có 3 vai trò rõ nét: vai trò của Cha, Con và Thánh Thần. Có thể nói, ta không đủ khả năng để đi sâu vào thực tại sâu thẳm của các vai trò này, là bởi không thể tự giúp mình hiểu được điều đó, khi tìm hiểu tại sao mà mỗi Ngôi vị lại có thể thực hiện vai trò của các Ngài được như thế.

            Cha, là Đấng Tạo Hoá, Đấng Bảo Tồn, Nguồn Cội sự sống, của muôn loài. Ngài là Đầu Hết và Cuối Hết, của mọi sự.

            Con, là Ngôi Lời, nhờ Ngài và qua Ngài, Bản Chất Thiên Chúa được thông truyền cho ta. Con đã Nhập thể làm người. Tức, Ngài chấp nhận toàn bộ bản chất con người. Và, Ngài sống rất sinh động trong ta. Với ta. Ngài là Lời của Thiên Chúa, Đấng tự thông truyền. Ngài giúp ta hiểu rõ, bằng Lời và bằng các hoạt động của Ngài. Nhất thứ, là bằng toàn bộ phương cách sống động cũng như Bản vị của Ngài. Nhờ vào đó, ta hiểu được Thiên Chúa, đậm nét hơn. 

            Dù thế, ta vẫn chỉ thấy Chúa “trong làn gương mờ của mây mù”; bởi, tính Người của Đức Giêsu giới hạn khả năng thực tế rất trọn vẹn mà Chúa mở ra, cho ta biết. Tình thương của Đức Giêsu tạo cho trí óc của loài người chúng ta chỉ đạt được giới hạn của hiểu biết. Nhưng, tất cả vẫn là bóng hình mờ nhạt của Tình Thương, có trong Ba ngôi Đức Chúa, thôi. 

            Thánh Thần, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn bộ thế giới. Và, trong Hội thánh Chúa. Nhờ Thánh Thần, mà Hội thánh Chúa được dẫn đi và đưa dắt vào toàn bộ sự thật. Thánh Thần, như ta biết, là linh hồn của Hội thánh. Nhờ Thánh Thần, Hội thánh mới thật sự mặc lấy hình hài của Đức Kitô.

            Trình thuật Chúa Về Trời, hôm trước Chúa nói rõ việc uỷ thác Ngài nhận từ Chúa Cha. Đặc biệt hơn cả, Ngài ra lệnh cho con dân Hội thánh hãy mời gọi toàn muôn dân nước trở về làm đồ đệ của Ngài, bằng cử chỉ:“Hãy làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.’ (Mt 28: 19). Trọn vẹn ý nghĩa của thanh tẩy, đi xa hơn nghi thức ta vẫn tưởng, là: dẫn đưa ta vào với Vương Quốc của Đức Chúa, cách trọn vẹn.

            2000 năm qua, vẫn như thế. Việc ủy thác được ban ra với mọi thành viên của Hội thánh để mọi người được tháp nhập vào cùng một cộng đoàn bằng việc thanh tẩy, trong nước. Khi thanh tẩy, lời cam kết về Chúa Ba Ngôi vẫn cho họ biết, về nhiệm mầu này. Với tân tòng, Cha đã trở thành Nguồn gốc và Cứu cánh của sự sống. Con, trong Đức Kitô, đã trở nên mẫu mực; và ngang qua Ngài, mục tiêu ấy đã đạt. Và, Thánh Thần đã trở thành nguồn mạch năng động, mà ngang qua Ngài, ta đến được với Cha, ngang qua Con, là Đức Chúa của ta.      
            Lm Frank Doyle sj
            Mai Tá phỏng dịch
  

Wednesday, 30 May 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: “ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN”


Bài Tin Mừng hôm nay ( Ga 20, 1923 ) là một câu chuyện đặc biệt về cộng đoàn Hội Thánh trong quyền năng của Chúa Thánh Thần

Cho đến chiều ngày thứ nhất trong tuần, tình cảnh của các môn đệ vẫn thật bi đát: nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái ( c. 19a ). Các ông đang ở trong một hoàn cảnh thù nghịch và đang phải mang nặng một nỗi sợ hãi vì không được an ninh. Trong Gioan, kiểu nói vì sợ người Do Thái đã từng xuất hiện hai lần: trong 7, 13 khi không ai dám nói công khai về Đức Giêsu vì sợ người Do Thái, và trong 19, 38 khi nói về việc ông Giuse Arimathê là một môn đệ Đức Giêsu nhưng là môn đệ cách kín đáo vì sợ người Do Thái”. 

Vậy khi nói các môn đệ đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, tác giả Gioan cho chúng ta thấy tình cảnh của các ông lúc bấy giờ: sợ hãi, trốn tránh, không đủ can đảm công khai chứng tỏ mình có liên hệ với Đức Giêsu, không dám công khai nói về vị Thầy đã bị kết án bất công. Các ông sợ, vì chưa gặp Đấng Phục Sinh. Cho dù bà Maria Magđala đã nói với các ông rằng Tôi đã thấy Chúa và kể cho các ông điều mà Chúa đã nói với bà ( 20, 18 ), nhưng sứ điệp đó của bà Maria Magđala vẫn không thể làm cho các ông khỏi sợ hãi. Nói cách khác: biết rằng Chúa Giêsu đã phục sinh thì chưa đủ; chính sự hiện diện thật sự của Đức Chúa Phục Sinh mới có thể đem lại cho các môn đệ niềm vui và bình an, giải thoát họ hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi đối với người Do Thái

Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em ! (c, 19b). Đức Giêsu đã từng hứa với các môn đệ: Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến với anh em (14, 18). Hôm ấy, trước cuộc khổ nạn, Người đã nói với các ông rằng Một ít nữa thôi, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống (14, 19). Bây giờ, lời hứa và lời tuyên bố ấy được thực hiện, khi Đức Kitô Phục Sinh đến đứng giữa cộng đoàn các môn đệ đang đóng chặt cửa vì sợ người Do Thái. Đấng Phục Sinh đứng giữa các ông, tức là Người hiện diện giữa công đoàn, làm trung tâm của cộng đoàn. Chính Người là nguồn sống, là trung tâm hiệp nhất toàn thể cộng đoàn đang tan tác vì sợ hãi, là cây nho mà các đồ đệ là cành, là Đấng hiện diện giữa những người Chúa Cha đã ban cho Người để cho họ được thấy vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người vì Chúa Cha đã yêu mến Người từ trước khi thế gian được tạo thành (x. 17, 24; 1, 14 ).
Người chào các môn đệ: Bình an cho anh em ! Lời chào này có giá trị bắt đầu cuộc gặp gỡ, nhưng không phải là một lời chào theo công thức sáo rỗng. Thực sự đây là một lời hữu hiệu, vì là lời của Đấng Phục Sinh. Trước khi đi vào Giờ vượt qua của Người, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy cho anh em bình an của Thầy… Anh em đã nghe Thầy nói: ‘Thầy ra đi và Thầy trở lại với anh em… ( 14, 2728 ). Sự bình an đó được đặt cơ sở trên chiến thắng của Đức Giêsu đối với thế gian: Trong Thầy, anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ gặp gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian ( 16, 33 ). Như thế, lời chào bình an của Đấng Phục Sinh cũng đồng thời là lời khẳng định chiến thắng của Người trên thế gian và vì thế, là lời ban bình an thật sự.
Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người ( c. 20a ). Trước đây, trong một đêm biển động mạnh, khi các môn đệ đang hoảng sợ giữa Biển Hồ, Đức Giêsu đến với các ông và nói: Chính Thầy đây, đừng sợ ! ( 6, 20 ). Việc Người cho các ông xem tay và cạnh sườn hôm nay tương ứng với lời Chính Thầy đây ! trong biến cố đó. Vậy cho xem tay và cạnh sườn ở đây trước hết chính là cách Đức Giêsu làm cho các môn đệ nhận biết Người đang hiện diện giữa họ.
Tay và cạnh sườn mang những dấu tích của cuộc hành hình thập giá cho biết Đấng Phục Sinh đang hiện diện giữa họ đây cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá. Và điều này là bảo đảm chắc chắn cho tính xác thực và hữu hiệu của ơn bình an mà Người ban cho họ khi nói Bình an cho anh em”. Họ sợ người Do Thái vì người Do Thái có thể đẩy họ đến cái chết như đã xảy ra với Đức Giêsu. Nhưng bây giờ chính Đức Giêsu đã bị treo trên thập giá ấy đang hiện diện giữa họ, nghĩa là không quyền lực trần gian nào có thể tước mất sự sống của Đức Giêsu. Quả đúng như lời Người đã nói với họ: Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy ( 10, 18 ).
Cho các môn đệ xem những dấu tích của cuộc khổ nạn nơi mình, Đức Giêsu Phục Sinh tỏ mình là Con Chiên lễ Vượt Qua mới đã bị tế sát. Sự tồn tại mãi những dấu tích của cuộc khổ nạn trên thân thể phục sinh của Chúa chứng tỏ sự vĩnh cửu của tình yêu mà Người thi thố cho thế gian trong cuộc Vượt Qua của Người. Chúa Phục sinh, Đức Giêsu Kitô, sẽ vĩnh viễn là Đấng Mêsia chịu đóng đinh, từ nơi Người, trào vọt máu và nước ( 19, 34: một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra ).
Điểm đặc biệt là trước đây, trong trình thuật về cuộc đóng đinh Đức Giêsu, tác giả Ga không hề đề cập gì đến tay của Người. Trái lại, ông nhiều lần khẳng định rằng Chúa Cha đã trao mọi sự trong tay Đức Giêsu ( 3, 35: Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người; 13, 3: Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người ) và rằng không ai có thể cướp khỏi tay Người những con chiên mà Chúa Cha đã trao cho Người ( x. 10, 20 ). Vậy đôi tay được đưa ra cho các môn đệ xem hôm nay là đôi tay ban cho các ông sự bình an đích thực. Đó là đôi tay tự do và nắm trọn quyền bính và sức mạnh. Cho các ông xem tay tức là Đức Giêsu cho các ông đụng chạm đến chính quyền năng vĩ đại mà Người có để bảo vệ các ông.
Cạnh sườn lại diễn tả một thực tại khác. Cạnh sườn đã bị lưỡi đòng đâm thâu đó chính là bằng chứng hùng hồn của tình yêu vô biên mà Người đã thi thố trong cuộc tử nạn của Người. Cho các đồ đệ xem cạnh sườn ấy tức là Đức Giêsu cho các ông trải nghiệm tình yêu vô biên của Người. tình yêu vô biên đó sẽ được thực hiện nhờ cánh tay quyền năng của Người.
Nói tóm lại, bằng việc cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn, Đức Kitô Phục Sinh chứng tỏ cho các ông thấy tình yêu, quyền bính và chiến thắng của Người.
Vì vậy, các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa ( c. 20b ). Niềm vui này là sự thực hiện lời Đức Giêsu đã từng nói với các môn đệ: Anh em sẽ ưu phiền, nhưng nỗi ưu phiền của anh em sẽ biến thành niềm vui ( 16, 20 ). Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được ( 16, 22 ). Đó là niềm vui vì một thực tại mới, một sức sống mới đã bắt đầu ùa vào trần gian: Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy ( 16, 2122a ).
Đức Giêsu lại nói với các môn đệ: Bình an cho anh em! ( 20, 21 ). Đức Giêsu lặp lại lời chúc bình an cho các môn đệ, nhưng chức năng của lời chúc bình an này có thay đổi so với lời chúc thứ nhất. Nếu lần thứ nhất là ơn bình an cho hiện tại, giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi lớn lao đang đè nặng tâm hồn và cuộc sống của họ, thì ơn bình an mà Người ban cho họ bây giờ là ơn dành cho tương lai, vì Người sắp trao cho họ sứ mạng quan trọng.
Sau lời chúc bình an, Đức Giêsu trao sứ mạng cho các môn đệ: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em ( 20, 21 ). Đức Giêsu đã chọn các môn đệ vì sứ mạng này, như Người đã từng nói: Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại ( 15, 16 ). Đó là sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Đức Giêsu, tức là sứ mạng cứu độ thế gian. Như Đức Giêsu, các môn đệ được sai vào giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Đức Giêsu đã từng thưa với Chúa Cha về sứ mạng này của các môn đệ: Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian ( 17, 18 ); Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian ( 17, 16 ). Mục đích của sứ mạng đó cũng đã từng được Đức Giêsu xác định một cách tường minh trước mặt ông Philatô: Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật ( 18, 37 ). Và cũng như Đức Giêsu, các môn đệ phải hoàn thành sứ mạng được trao phó: Tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi ( 5, 36 ).
Sau khi ban bình an cho các môn đồ và trao sứ mạng cho họ, Đức Kitô Phục Sinh thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ ( 20, 2223 ).
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban sinh khí và sự sống cho con người khi thổi hơi vào con người mà Người đã tạo nên ( x. St 2, 7 ). Đức Kitô Phục Sinh thổi hơi của Người vào các môn đệ để ban Thánh Thần và sự sống mới cho các ông. Thánh Thần mà Chúa Kitô ban sẽ tạo nên nơi các ông một thực tại mới mẻ, làm cho các ông trở thành những con người được sinh ra bởi Thần Khí và do đó, thần khí: bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí ( 3, 6 ). Nhờ đó, họ sẽ sống theo ân sủng và sự thật ( x. 1, 17 ). Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa ( 1, 13 ) và được quyền trở nên con Thiên Chúa ( 1, 12 ). Như thế, con người sẽ vượt quá được thân phận xác thịt ( 3, 6 ), vượt quá thân phận yếu đuối, mong manh và hay thay đổi, và có thể thông truyền cho những ai đón nhận sứ mạng của họ chính quyền năng tác sinh của Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận từ Chúa Kitô Phục Sinh.
Đồng thời với việc ban Thánh Thần, Đức Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ quyền tha tội: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ ( 20, 23 ). Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian ( 1, 29 ). Các môn đệ tiếp nối sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu, nên cũng tiếp nối sứ mạng ban ơn tha tội của Người: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.
Và cũng giống Chúa Giêsu, cộng đoàn các môn đệ, tức là Hội Thánh, không có nhiệm vụ lên án thế gian. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ( 3, 17 ). Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian ( 12, 47 ). Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống ( 5, 24 ). Phán quyết của Hội Thánh, như thế, không là gì khác hơn sự thừa nhận điều mà thế gian tự gây ra cho mình. Đó chính là ý nghĩa của sự cầm giữ trong lời anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một thực tại quan trọng. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với Hội Thánh, cho Hội Thánh trải nghiệm một cách cụ thể và đích thực sự hiện diện tràn đầy tình yêu, quyền năng và chiến thắng của Người. Rồi chính trong trải nghiệm tích cực đó mà Hội Thánh được Đức Kitô trao phó sứ mạng thừa sai, được đón nhận Thánh Thần và quyền tha tội, và được bình an vui mừng.
Nhìn trong khung cảnh của thực tại nhiệm mầu đó, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống không phải là dấu chấm hết cho một giai đoạn, mà thực chất là cánh cửa mở toang ra một viễn tượng mới, viễn tượng của Hội Thánh vui mừng và mạnh mẽ thực thi sứ mạng thừa sai. Chúa Thánh Thần là sức mạnh tuyệt đối mà Hội Thánh đã đón nhận từ Chúa Phục Sinh, sẽ hoạt động trong Hội Thánh và giữa nhân loại này, giúp Hội Thánh thực hiện sứ mạng cứu độ của mình.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
(Trích từ báo điện Ephata Viet Nam  số 511, ngày 27/5/2012)