Monday, 4 June 2012

Lm Vĩnh Sang DCCT: YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP NHẤT

Trong chuyến xe lửa đêm rời thành phố về miền Trung, tôi có được một chỗ nằm trên chiếc giường tầng cao, phía bên dưới là một gia đình trẻ, hai vợ chồng và đứa con 3 tháng tuổi. Tôi thấm mệt sau một đêm bị đứa trẻ quậy khóc, thằng bé khóc cả đêm, đôi lúc nó ngủ một chút rồi lại thức giấc, hai vợ chồng thay nhau thức, bế và ru nó ngủ, hết thay tã rồi lại thay sữa, hết hát nghêu ngao rồi lại dụ dỗ thằng bé, thậm chí đem cả tôi ra doạ nó: “Chết ! ông ngoại mắng kìa !” Tôi được phong làm ông ngoại mà không hề được hỏi ý kiến. Buổi sáng nhìn xuống phía dưới, một bãi “chiến trường” đầy giẻ, giấy và quần áo của đứa bé, bãi “chiến trường” là bằng chứng nỗi vất vả nhọc nhằn nó gây ra cho cha mẹ nó.
Tôi thấm mệt vì đường xa, vì những lắc lư của chuyến xe lửa và vì cả đêm “xưởng cưa” làm việc không được tích cực và hiệu quả, nhưng lòng tôi không buồn, ngược lại tôi vui, vui vì được chiêm ngắm tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, vui vì sự yêu thương và sẻ chia của vợ chồng dành cho nhau. Cả đêm đó, tôi không hề nghe một lời kêu ca ta thán nào của hai vợ chồng, ngược lại, họ làm tất cả những gì họ có thể làm được để dỗ dành và lo cho đứa bé, họ cũng chăm sóc và lo cho nhau.
Trong câu chuyện của nơi tôi đến, có một người anh em Linh Mục đứng tuổi an ủi nâng đỡ một Linh Mục trẻ khác đang phải sống chung với một vị Linh Mục già trái tính trái nết, ngồi bên nhau họ nói: “Em cứ coi như em đang phải sống với bố hoặc mẹ mình, ông bà cụ già đau yếu khó tính, ngang chướng, em chấp nhận và yêu thương em sẽ tìm thấy niềm vui”. 
Tôi thêm vào vài câu nhưng tự nghĩ, chắc gì chúng ta phải chịu đựng các cụ, mà thật ra là các cụ phải chịu đựng chúng ta. Chẳng nói gì đến thời hiện tại, nhưng ngày xưa, cái thời chúng ta còn bé như thằng cu khóc đêm qua, cha mẹ chúng ta đã phải chịu đựng  chúng ta biết chừng nào. Cơm không được ăn, nước không được uống, có việc cần chẳng thể đi vì con, vì tình thương dành cho con. Bé lo theo kiểu bé, lớn lo theo kiểu lớn, cứ nhìn cái cảnh ông cụ đeo huân chương đầy ngực chen chúc để cố tìm cho con cháu một chỗ học thì đủ hiểu tình thương lớn lao biết chừng nào.
Mẹ tôi già yếu cần người bên cạnh chăm sóc, canh chừng giúp đỡ cụ. Đứa em gái tôi, ba đứa con học ở phương xa, đỗ đạt rồi chẳng chịu về lại quê nhà, hai vợ chồng cô em ở lại sống bên mẹ tôi, dĩ nhiên dù muốn dù không, sống bên cụ nên mọi trách nhiệm cô em phải lãnh hết. Ngày xưa mẹ tôi vẫn nói với bố và chúng tôi: “May mà mẹ đẻ hai đứa con gái để có người mà hủ hỉ”, ý nói đẻ con trai như chúng tôi vô tích sự, bây giờ thỉnh thoảng cụ còn nói: “Đẻ con trai nó chỉ lo nuôi vợ con nó thôi !” 
Vì lo cho mẹ nên hẳn rằng cô em tôi mang tâm trạng thiếu sót trong đời sống vợ chồng, có lần tôi nghe cô ấy nói với chồng những lời lẽ như tìm sự cảm thông và tha thứ. Tình yêu mãnh liệt thật, nó quá lớn khiến người ta có những tiêu chuẩn rất nhạy cảm để lượng giá nó, cho đi bao nhiêu cũng chẳng đủ, thiếu sót với nhau một chút, cái một chút rất hợp lý vẫn thấy là mình mắc lỗi.
Khi tôi còn bé, nhiều lần dọn cơm ra tôi ăn một lúc chợt nhận ra rằng mẹ tôi không ăn thức ăn, bà cứ gắp hết cho bố lại cho con, bố tôi bảo: “Mẹ ăn đi”, bà nói bà ăn rồi, tôi cứ tưởng ăn rồi thật, sau này tôi mới biết bà không ăn, bà nhịn cho chồng và cho con ăn, hình như khi cha con tôi ăn thì bà… no!
Cha tôi cũng thế, ông có một quan niệm sống khá kỳ cục, có lần tôi chứng kiến hai ông bà cãi nhau, vấn đề chỉ là ông có việc phải đi quá bữa cơm, ông đã không chịu ăn dọc đường, nhịn mãi như vậy để về nhà ăn, ông bảo “thay vì ăn ngoài đường, để dành tiền ấy về nhà cả nhà cùng ăn !” Lớn lên tôi có ý thức, rắp tâm rình xem ông cụ sống thế nào để xác nhận rằng cái lối sống “cá gỗ” của ông là một xác tín thật của ông. Bây giờ những khi làm Mục Vụ, nhìn thấy cảnh cha con người ta âu yếm lo cho nhau, tôi nhớ cha mình ứa nước mắt.
Tôi nhận ra đời sống hôn nhân gia đình thật tuyệt vời, nhất là gia đình có Lời của Chúa dẫn dắt, có Luật của Chúa dẫn đưa. “Không tình thương nào quí hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho người mình thương” ( Ga 15, 13 ). Quả thật, “con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa” ( St 1, 27 ), vì Thiên Chúa là tình thương, nơi Ngài chỉ có yêu thương, chỉ có sự hiệp nhất.
Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa nghĩa là con người đươc dựng nên để yêu thương và được yêu thương. Nếu một gia đình sống hết lòng yêu thương nhau, hiệp nhất nên một với nhau, gia đình đó là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngôn ngữ loài người giới hạn thật, nhưng không phải vì thế mà không nói lên được phần nào mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Thật đấy, vì Chúa sai chúng ta đi nói về Thiên Chúa mà, chẳng lẽ sai đi mà không tìm cách cho chúng ta thực hiện. Xin tạ ơn Chúa.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, 3.6.2012

No comments: