Bài Tin Mừng Mt
28, 16 – 20 là đoạn kết sách Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, kể lại cho chúng ta
cuộc hiện ra chính thức và long trọng của Chúa Kitô Phục Sinh với các Tông Đồ.
Điểm nhấn không phải là chứng tỏ Chúa đã phục sinh, mà là trao sứ mạng cho các
Tông Đồ, và qua các ông, cho toàn thể Hội Thánh.
Mở đầu bài Tin Mừng là cuộc gặp gỡ
của các Tông Đồ với Chúa Phục Sinh: “Mười
một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông
đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” ( cc.16
– 17 ). Trước hết, Nhóm Mười Một đi
đến một nơi do Chúa Giêsu ấn định, “tới
miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến”. Sự kiện này
mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, rất đáng suy nghĩ đối với chúng ta hôm nay.
Cho đến lúc này, các đồ đệ chưa được
thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Nhưng các ông vẫn làm theo một lệnh truyền của Người,
vì lẽ, trong tư cách là những đồ đệ đích thật, các ông tin tưởng vào lời của
Thầy. Theo sứ điệp do các phụ nữ truyền đạt, cuộc hành trình đến ngọn núi ở
Galilê này được thực hiện trong ý thức rằng Đấng Phục Sinh đã gọi họ là anh em,
và trong niềm hy vọng mãnh liệt rằng họ sẽ được gặp Đức Giêsu ở đó.
Cuộc hành trình
tới Galilê làm cho các đồ đệ nhớ về Thầy Giêsu và suy niệm về những thực tại mà
các ông đã từng trải nghiệm cùng với Người trong suốt cuộc hành trình dài trước
đây, như đã được kể trong 16, 21 – 21, 34. Trong cuộc hành trình đó, Thầy Giêsu
đã nhiều lần nói trước cho họ biết về những gì sẽ xảy ra tại Giêrusalem, tức là
cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người ( 16, 21; 17, 22 – 23; 20, 17
– 19 ). Khi ấy, các đồ đệ không hiểu ( 16, 22 – 23; 20, 20 – 23 ) và Thầy Giêsu
đã dạy cho các ông biết đâu là điều cốt yếu đối với các ông trong cuộc đi theo
Người ( 16, 24 – 28; 18, 1 – 35; 20, 24 – 28 ). Bây giờ, khi tất cả những điều
được báo trước ấy đã xảy đến, các đồ đệ đi lại cuộc hành trình đó và sống lại
các kinh nghiệm của cuộc hành trình trước đây trong ánh sáng mới của mầu nhiệm
Phục Sinh.
Các đồ đệ là chứng nhân của những
giáo huấn và những hành động quyền năng mà Thầy Giêsu đã thực hiện suốt cuộc
hành trình cùng các ông từ Galilê. Các thực tại đó cũng cần được chiêm nghiệm
lại dưới ánh sáng mới của cuộc Phục Sinh. Các ông sẽ hiểu ra rằng tất cả các
hoạt động của Đức Giêsu đều được xác nhận giá trị do cuộc phục sinh của Người, và
chỉ có thể hiểu đúng nếu xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh mà thôi.
Điểm đến chính xác của cuộc hành
trình của Nhóm Mười Một sẽ là ngọn núi. Ngọn núi đã được nói đến lần đầu tiên
trong câu 5, 1 và làm thành khung cảnh của bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu, thường
được gọi là “Bài giảng trên núi”. Ở câu 5, 1, lần đầu tiên chúng ta gặp biểu
thức “các đồ đệ của Người”; họ được
trình bày như là những người gần gũi nhất của Đức Giêsu và là đối tượng đầu
tiên của những lời giáo huấn của Người. Được truyền phải đi đến ngọn núi, tức
là các đồ đệ được kêu gọi tìm về nơi chốn khởi đầu mối tương quan chung của họ
với Thầy Giêsu, và trước khi gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh, họ phải trải nghiệm
lại toàn bộ cuộc hành trình thế tạm của Người.
Đến ngọn núi ở Galilê, các đồ đệ
được gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Nhưng sự kiện các ông thấy Người đã chỉ được mô
tả rất vắn tắt bằng một động tính từ “khi
thấy Người”. Sau đó là hai phản ứng của các ông: bái lạy và hoài nghi. Bằng
việc bái lạy, các ông diễn tả cách hiểu của mình về con người và phẩm giá cao
cả của Đức Giêsu. Nhưng đồng thời, xảy đến sự hoài nghi. Tác giả Tin Mừng viết:
“hôi dê êdistasan”. Trong Tân Ước, động
từ “êdistazêin” ( nghi ngờ ) chỉ xuất
hiện trong Mt 14, 31 và 28, 17. Ở 14, 31 sự nghi ngờ của ông Phêrô liên quan
đến quyền năng của Đức Giêsu. Ở 28, 17 thì chính con người và sự hiện diện của
Đức Giêsu bị các đồ đệ nghi ngờ. Vấn đề tranh luận là với cách nói “hôi dê”, tác giả Tin Mừng muốn nói tất
cả Nhóm Mười Một nghi ngờ hay chỉ một số người trong họ mà thôi. Xem ra cả hai
cách giải thích đều có thể đúng ( bản Vulgata đọc là: “quidam autem
dubitaverunt” ). Dù hiểu theo cách nào, thì chuyện quan trọng vẫn là mối tương
quan của Nhóm Mười Một với Đức Giêsu Phục Sinh chưa được hoàn hảo. Cuộc gặp gỡ
Đấng Phục Sinh còn phải được hoàn thành và xác nhận bởi sự kiện Chúa Phục Sinh
ngỏ lời với họ.
“Đức Giêsu đến gần, nói với các ông” ( c. 18a ). Từ bây giờ, chỉ một mình Đức Giêsu hành
động. Người đến gần các môn đệ và nói với họ. Tác giả Mátthêu có vẻ ưa dùng
động từ “đến gần” ( tổng cộng đến 52 lần, trong khi Máccô 5 lần, Luca 10 lần và
Gioan chỉ 1 lần ). Trong phần lớn các trường hợp ( 38 lần ), chính Đức Giêsu là
đích của sự “đến gần” này. Chỉ có 2 trường hợp là Đức Giêsu “đến gần” và điểm
đến luôn là các đồ đệ. Ở cuối trình thuật về biến cố hiển dung, Đức Giêsu đến
gần các đồ đệ khi các ông đang rất đỗi sợ hãi, ngã sấp mặt xuống ( 17, 6 );
Người chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ” ( 17, 7 ), tức là Người
chủ động thiết lập một sự hiệp thông với các đồ đệ đang tê liệt vì sợ hãi và
làm cho các ông trở nên mạnh mẽ. Ở câu 28, 17 các đồ đệ bái lạy Đức Giêsu, tức
là đang ở tư thế cúi mình xuống đất, và đồng thời, ( ít là ) vài người trong số
đang trải qua tâm trạng bối rối nghi nan. Một lần nữa, Đức Giêsu đến gần họ, và
với lời của Người, Đức Giêsu định hướng cho cuộc sống và sứ mạng của họ trong
tương lai. Người cho các ông biết Người là ai, quyền năng mà Người hiện có là
thế nào, và họ cần phải làm gì…
Lời đầu tiên Đức Giêsu nói với các
đồ đệ là một xác quyết quan trọng: "Thầy
đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” ( c. 18b ). Người cho các ông
biết Người đã nhận được gì từ Chúa Cha, và vị thế của Người từ nay là thế nào.
Động từ “trao” được đặt ở thì aorist
dạng thụ động thần học, cho thấy quyền bính mà Đức Giêsu Phục Sinh đã lãnh nhận
có nguồn gốc là chính Thiên Chúa. Thì aorist cho biết việc trao quyền bính này
đã xảy ra. Vậy đây không phải là một hy vọng hay một lời hứa, mà là một thực
tại đã xảy đến dứt khoát. Đặc tính toàn diện của quyền bính mà Đức Giêsu đang
có, được tác giả nhấn mạnh cách đặc biệt, cả về phương diện bản chất lẫn về
phương diện phạm vi: “toàn quyền” và “trên trời dưới đất” ( tức là toàn thể vũ
trụ ). Quyền bính này, như thế, tương ứng với quyền bính của chính Thiên Chúa.
Trong quyền bính như thế, căn tính của Chúa Con được thể hiện.
Lời thứ hai Đức Giêsu nói với các đồ
đệ là một lệnh truyền long trọng: “Vậy
anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân
danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy
đã truyền cho anh em” ( cc. 19 – 20a ). Lệnh truyền “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” được bắt đầu bằng hạn từ “vậy”, cho thấy lệnh truyền đó được đặt
nền tảng trên những gì vừa được khẳng định ở phía trước. Nói cách khác, nhiệm
vụ thừa sai của Hội Thánh đặt nền tảng trên mầu nhiệm toàn quyền trên trời dưới
đất đã được Chúa Cha trao cho Chúa Giêsu.
Hạn từ “môn đệ” xuất hiện 65 lần trong Mt 5, 1 – 28, 16 với ý nghĩa chỉ về
các môn đệ của Đức Giêsu và luôn luôn được đặt ở số nhiều. Trong tư cách là một
cộng đoàn nhỏ, họ hiện diện bên cạnh Đức Giêsu trong suốt hành trình của Người
từ bài giảng trên núi đến cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh. Mối tương quan “môn
đệ – tôn sư” này là yếu tố nền tảng, diễn tả và xác định sự hiệp nhất nên một
của họ với Đức Giêsu và là nền tảng cho sự hiện diện liên tục của họ bên cạnh
Người. Đồng thời, cũng chính mối tương quan đó với Đức Giêsu lại xác định mối
tương quan của họ với nhau. Tất cả các đồ đệ đều chung nhau tư cách là môn đệ
của Đức Giêsu; tư cách đó làm cho họ hiệp nhất với nhau và tạo thành một cộng
đoàn thực sự chung quanh Đức Giêsu.
Bây giờ, Chúa
Phục Sinh trao phó cho họ nhiệm vụ kéo dài và đào sâu kinh nghiệm làm môn đệ đó
của họ cho muôn dân. Như thế, tất cả những gì mà tác giả Tin Mừng Mátthêu đã
nói trong suốt cuốn sách về tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ Người, đã
không hề là chuyện quá khứ bị vượt quá rồi, nhưng là những thực tại luôn luôn
có giá trị căn bản đối với nhiệm vụ của họ trong hiện tại và tương lai. Mối
tương quan thiết thân của họ với Đức Giêsu đã trở thành khuôn mẫu phổ quát cho
mối tương quan giữa người ta với Người. Điều mà họ phải làm cho thế giới, trước
hết, không phải là đưa ra những giáo huấn, những huấn lệnh, những lý thuyết hay
chủ nghĩa lỗi lạc, mà là mối tương quan thiết thân với chính Đức Giêsu, trong
tương quan đó, các đồ đệ hoàn toàn tin tưởng không điều kiện vào Thầy Giêsu và
hoàn toàn đặt mình trong sự dẫn dắt của Thầy Giêsu.
Lệnh truyền “Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ”
cũng bao hàm nhiệm vụ của các môn đệ là biến đổi toàn nhân loại, tức là tất cả
mọi dân, thành một cộng đoàn vĩ đại. Tư cách là đồ đệ nối kết con người với Đức
Giêsu đồng thời nối kết con người lại với nhau. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu
cũng đồng thời là bước vào cộng đoàn các đồ đệ của Người.
“Anh
em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” là nội dung chính yếu trong lệnh
truyền của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ của Người. Ngoài ra, có ba hành động khác
được nối kết vào với nội dung chính yếu đó: đi,
làm phép rửa và dạy bảo. Ba hành
động này được trình bày, về mặt ngữ pháp, bởi ba động tính từ. Chúa Giêsu đòi
hỏi các môn đệ của Người phải lên đường, chứ không ngồi yên ở nhà mà chờ đợi
muôn dân đến để làm cho họ thành môn đệ của Chúa. Hội Thánh thừa sai luôn luôn
hiện hữu trong tư thế đi đến với muôn dân, một cách tự do, năng động và thân
thiện. Hội Thánh “làm cho muôn dân trở
thành môn đệ” bằng cách “làm phép rửa
cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi
điều Thầy đã truyền”. Mối tương quan thiết thân với Đức Giêsu, Vị Thầy duy
nhất, là mối tương quan nền tảng. Người ta trở thành môn đệ bằng cách đón nhận
phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống tư cách môn
đệ bằng cách lắng nghe và tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu.
Lời thứ ba Đức Giêsu nói với các môn
đệ là một sự bảo đảm trợ giúp: “Và đây, Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( c. 20b ). Đức Giêsu đã trao
cho các môn đệ sứ mạng thừa sai phổ quát, và bây giờ, Người bảo đảm sẽ ban cho
các ông quyền năng trợ giúp của chính Người. Quyền năng này trước hết liên quan
đến việc thi hành sứ mạng và làm cho những người được sai đi trở nên vững mạnh.
Nhóm Mười Một phải làm cho muôn dân trở thành đồ đệ của Chúa, phải làm phép rửa
cho họ và dạy dỗ họ, nhưng chính Đức Giêsu ở với các ông và hoạt động qua các
ông.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Tin Mừng theo
Thánh Mátthêu kết thúc với lời hứa trợ giúp long trọng ( c. 20b ), tức là kết
thúc với việc mở ra không giới hạn và hoàn toàn hướng đến sứ vụ phổ quát. Tác
giả không nói gì về việc Chúa Giêsu Phục Sinh biến đi, càng không nói Người đã
“lên trời”. Ông cũng chẳng nói gì về việc các môn đệ thực hiện lệnh truyền của
Đức Giêsu. Bằng cách đó, hình như tác giả muốn cho thấy giá trị liên tục của
lệnh truyền thừa sai, đồng thời khẳng định sự hiện diện thường hằng và đầy
quyền năng của Đức Giêsu cho đến ngày tận thế.
2. Để đi đến
chỗ được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, Nhóm Mười Một đã trải qua một cuộc hành trình
“đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức
Giêsu đã truyền cho các ông đến”. Các ông đã đi trong sự tin tưởng vào lệnh
truyền của Thầy, trong ý thức mạnh mẽ rằng Đấng Phục Sinh đã gọi họ là anh em, và
trong niềm hy vọng mãnh liệt rằng họ sẽ được gặp Đức Giêsu ở đó. Có lẽ đó cũng
là những tâm tình, xác tín và hy vọng mà chúng ta phải có trong hành trình đức
tin hôm nay.
3. Sứ mạng thừa sai của Hội Thánh là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” bằng
cách “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Điều Hội Thánh đem đến cho thế giới
trước hết không phải là những lý thuyết hay chủ nghĩa lỗi lạc, mà là mối tương
quan thiết thân với chính Đức Giêsu, trong tương quan đó, các đồ đệ hoàn toàn
tin tưởng không điều kiện vào Thầy Giêsu và hoàn toàn đặt mình trong sự dẫn dắt
của Thầy Giêsu. Lệnh truyền “Anh em hãy
làm cho muôn dân trở thành môn đệ” cũng bao hàm nhiệm vụ của các môn đệ là
biến đổi toàn nhân loại, tức là tất cả mọi dân, thành một cộng đoàn vĩ đại. Và
là thành cộng đoàn đó “nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT, 2012
No comments:
Post a Comment