Saturday, 9 June 2012

Lm Frank Doyle sj: “Thôi quay về trú ngụ, với cô đơn”


Suy niệm Chúa nhật Lễ Mình Máu Chúa năm B

“Thôi quay về trú ngụ, với cô đơn”
ở một nơi, thiên đường tôi chết đuối
nỗi nhớ em, ướt nhòa trong bóng tối
ôi tình yêu, xa tít phía mặt trời
(dẫn từ thơ Phạm Ngọc)
Mc 14: 12-16, 22-26
            Vẫn cô đơn, làm sao chết đuối ở thiên đường? Còn nỗi nhớ, ôi tình yêu xa tít, phía mặt trời! Xa tít chốn thiên đường, đâu nằm phía mặt trời, mà nhà thơ đòi trú ngụ. Mặt trời, thiên đường nay nhà Đạo tôn vinh. Tôn vinh Mình Máu Chúa, có trình thuật.
            Trình thuật nay, thánh Mác-cô nhấn mạnh về Tiệc Mình Máu, một giao ước Chúa hằng ký kết. Giao ước Ngài ký, luôn ghi nhận tình thương giao hoà Ngài mang, suốt hành trình. Giao ước Ngài ký nhận, là nối kết hai truyền thống có Chúa. Có dân gian. 
            Giao ước, là khế ước Chúa long trọng ký kết với dân gian hết tâm tình vào buổi đầu. Và, Chúa mặc khải cho thấy: Ngài luôn vui lòng lập giao ước với con dân của Ngài. Tuy nhiên, Kinh thánh cho biết: dân con của Ngài đã bội ước với lời nguyền, sau giao kết. Chính vì thế, các lãnh tụ kêu cầu Chúa xót thương, kiên nhẫn chờ cho ngôn sứ ra tay khiển trách đàn dân bất trung. Lỗi hẹn.
            Bài đọc 1, nêu rõ chi tiết được ký kết trong Giao ước, bằng sắc luật Chúa tỏ bày với Môsê, ở núi thánh Sinai, để rồi ông sẽ chuyển lại cho dân chúng. Khi ấy, tất cả đồng thanh cam kết: “Mọi lời Ngài phán, chúng tôi sẽ thi hành.” (Xh 24: 3) Lời hứa ấy, đã trải qua tu chính bằng nghi tiết long trọng. Nghi tiết, ở nơi bàn thờ do Môsê thiết dựng. Có của lễ. Có đá tảng vòng quanh. Bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa. Đá tảng, ảnh hình của 12 chi tộc, đất Israel.
             Người trai hiên ngang dấn bước, tiến lên hy sinh làm của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa. Phân nửa máu đào của loài thú còn lại, rắc đều lên bàn thờ. Và khi Môsê đọc toàn bộ sắc luật, tức Giao Ước, thì toàn dân cất lời cam kết chu toàn bổn phận, ghi trong đó.
            Tiếp đến, Môsê dùng phân nửa số máu còn sót lại rưới lên người chúng dân, và nói: “Đây, Máu Giao ước, được thiết lập với anh em.” (Xh 24: 8). Đây, máu đào rưới lên bàn thờ. Và, lên người dân chúng. Nhưng, đừng lấy làm lạ nếu lời lẽ ta nghe, xem chừng đã quen.   
            Trình thuật hôm nay, cũng đưa ta về với Tiệc Tạ Từ, Chúa mở ra cho đồ đệ của Ngài. Hôm ấy, ngày đầu tuần Bánh Không Men, ngày sát tế chiên Vượt Qua. Lễ Phục Sinh được cử hành, kể từ đó. Đây là biến cố trọng đại nhất trong niên lịch của người Do Thái. Ngày, mọi người mừng kính cuộc giải thoát do Mosê lãnh đạo, nhằm cứu dân khỏi cảnh nô lệ, xứ Ai cập.
            Đêm trước ngày người Do Thái rời Ai Cập, họ giết một chiên con và ăn thịt chiên ấy. Máu chiên được bôi phết lên cửa ra vào, mọi nhà. Làm thế, để mọi bé trai đầu lòng được cứu thoát khỏi bàn tay lạnh, của thần chết. Các cháu được cứu, bằng máu của chiên cừu.
            Nay, Đức Giêsu và đồ đệ Ngài, chuẩn bị Lễ Vượt Qua, tức lễ Phục Sinh, như ta đà biết. Với các thánh tông đồ, lễ kỷ niệm này không là nghi thức bình thường, rất Vượt qua. Nhưng, đã khai phá một kỷ nguyên mới. Một giao ước mới. Cho dân mới.
            Khi mọi người tề tựu về ăn lễ, Đức Giêsu cầm lấy bánh không men –thời bấy giờ dùng bánh không men, vì men bánh là hình thức của ô uế, hỗn tạp-  Ngài chúc lành theo truyền thống, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ đang hiện diện, rồi nói:“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy.” Thân mình Thầy, không là thân xác của Ngài thôi, mà là toàn bộ con người. Là, tất cả những gì Chúa muốn nói, ngang qua đời Ngài. Nói, bằng lời. Nói, bằng việc làm.
            “Cầm lấy mà ăn”, Chúa xác định ta là người của Chúa, rất trọn vẹn. Trọn vẹn, theo sứ vụ Chúa giao phó. Trọn vẹn, theo thị kiến cuộc đời. Cầm lấy mà ăn, không chỉ tư cách cá nhân, nhưng với tư cách của tập thể, kết hợp. Kết hợp, tất cả cùng ăn chung tấm bánh. Hiền hoà. An bình.
            Cũng một cách tương tự, Đức Giê-su cầm lấy chén, đọc lời cảm tạ lên chén (tiếng Hy Lạp gọi là: eucharistesas), rồi trao cho môn đệ, để tất cả uống chung một chén. Và, Ngài nói: “Này là Máu Thầy, Máu Giao Ước sẽ đổ ra vì nhiều người.”  (Mt 26: 28)
            “Máu của Thầy”, diễn tả toàn bộ con người Đức Giêsu. Máu, không còn là máu chiên, máu bò nữa. Nhưng, là Máu rất Thánh của Ngài. Trên bàn thánh thập giá. Máu, đổ ra cho mọi người chúng ta. Bằng vào nghi thức này, Đức Giêsu cử hành Giao Ước Mới, thiết lập bằng cái chết, của Ngài. Và Máu Ngài trao, rưới vẩy lên bàn thờ thập giá. Làm thế, Ngài vừa là Vị Thượng tế, vừa là Của Lễ Hy Sinh. Hy sinh, tặng chính Mình Ngài.
            Bài đọc 2, thánh Phaolô viết và gửi giáo đoàn Do Thái bức thư, trong đó nói: “Đức Kitô đã vào thánh điện  -duy chỉ một lần- không phải với máu dê máu bò, nhưng với Máu của chính mình Ngài, và lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn, cho chúng ta.” (Dt 9: 12).
            Giả như, máu loài thú rưới vẩy lên những gì uế tạp mà còn thánh hoá được họ, thì “Máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần Chúa hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã thanh tẩy lương tâm ta khỏi mọi sự việc đưa đến chết chóc, mà phụng sự Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9: 14)
            Chính vì thế, thánh Phaolô quả quyết: “Đức Giêsu là trung gian của Giao ước mới, Ngài lấy cái chết để chuộc lỗi loài người đã phạm vào thời giao ước cũ.” (Dt 9: 15). Nhờ thế, khi cầm “chén Máu Chúa” mà uống, ta đồng hoá với Đức Giêsu. Đồng hóa, với tâm tình hy sinh của chính Ngài. Và ngang qua tẩy rửa, giao ước mới giữa Chúa với dân Ngài, được thiết lập. Làm thế, ta nhất quyết theo Chúa, qua Đức Giêsu. Đổi lại, Ngài tự hiến Mình để tất cả sẽ thành Đường, Sự thật và Sự Sống.
            Ta làm thế, vào mọi Tiệc Thánh Thể, suốt cuộc đời. Lễ Vượt Qua khi xưa, tạo cho ta con đường dẫn đến Vượt Qua mới. Bánh không men xưa, tạo đường cho ta đi đến với Bánh hằng sống, tức Thân Mình Chúa. Chén rượu ta uống, tạo thành chén Máu cứu chuộc Ngài đổ ra vì tình thương ta. Và, ta làm việc ấy từ nay đến mãn đời. Ngõ hầu nhớ đến Ngài.
            Nghi thức phụng vụ sẽ chẳng mang ý nghĩa gì đích thực, phi trừ diễn tả trọn vẹn những gì mà cộng đoàn ta đang trở thành. Và, muốn trở thành dân con của Giao ước mới. Ta quyết tâm thực hiện sứ vụ Chúa giao phó, nơi Đức Giêsu. Ngài giao phó, mỗi lần cộng đoàn tụ tập quanh tiệc phụng thờ.
            Ở đây, hệt như người Do Thái đã từng làm dưới chân núi thánh Sinai, ta tụ tập để nghe Lời Chúa. Ở đây, ta tái lập Giao ước đã hứa, là theo chân Chúa, đến cùng. Tụ tập nơi đây, quanh bàn thờ này, ta cùng ăn và cùng san sẻ với nhau, một tấm bánh. Một chén cứu độ.
            Qua kết hợp làm chứng cho Sự thật, và Tình Yêu đích thật được ban ra, qua phụng vụ và trong cuộc sống thường nhật, ta tuân thủ giao ước ấy. Là dân con của Chúa, ta kéo mọi người về với kinh nghiệm của giao ước ấy.
            Chính vì thế, đối với ta, cử hành phụng vụ Chúa Nhật với lòng sốt mến. Có phẩm cách. Có niềm vui thông hiệp. Đó là việc làm quan trọng. Còn gì quý bằng cử hành Tiệc Thánh, trong cuộc đời. Có làm thế, ta mới thực sự phản ánh cuộc đời, ta đang sống. Và Tiệc thánh chỉ có ý nghĩa tốt đẹp, nếu toàn thể cộng đoàn cử hành trong hiệp nhất. Sốt mến. Hài hoà.         
   

No comments: