Trong bài Tin Mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
( Lc 1, 57 – 66. 80 ), tác giả
Luca kể rất ngắn gọn về sự kiện Gioan chào đời (
cc. 57 – 58 ), tiếp đó, một cách chi tiết hơn, ông kể về lễ cắt bì và đặt tên cho cậu bé ( cc. 59 – 66 ) rồi kết thúc bằng việc
nói đến sự lớn lên của cậu Gioan cả về thể lý lẫn tinh thần và tâm linh ( c. 80 ).
“Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” ( cc. 57 – 58 ). Bằng những hạn
từ gợi nhớ đến việc bà Rebecca mang thai ( St 25, 24 ), tác giả nói về sự kiện Gioan chào đời. Tác giả Luca tập trung chú ý về bà Êlisabét và về niềm vui vì sự chào
đời của cậu bé Gioan. Một người phụ nữ cao niên son sẻ
mà nay đã sinh con. Bà con thân thích và hàng xóm láng
giềng đều nhận biết quả thực đã có một sự can thiệp của Thiên Chúa vì tình
thương đối với bà Êlisabét, và họ đến chia vui với gia đình
bà. Niềm vui thật lớn lao và mạnh mẽ lan tỏa, tương tự như trong trường hợp Isaac chào đời xưa; và có lẽ bà Êlisabét
đã có thể nói như bà Sara: “Thiên Chúa đã
làm cho tôi cười” ( St 21, 6 ). Thiên Chúa đã cất khỏi bà sự buồn phiền
và nỗi xấu hổ của người son sẻ. Người đã tỏ lòng thương xót đối
với bà. Đó chính là lý do của một niềm vui lớn
lao.
Nhưng trung tâm của trình thuật Tin
Mừng hôm nay lại không nằm ở niềm vui của sự kiện Gioan chào đời, mà là ở những gì xảy ra trong lễ cắt
bì và đặt tên cho cậu bé. “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà
đặt cho em” ( c. 59 ).
Theo quy định của luật, lễ cắt bì cho trẻ sơ sinh sẽ diễn ra
vào ngày thứ tám ( St
17, 12; Lv 12, 3; x. Pl 3, 5 ). Nghi lễ này sẽ làm cho cậu bé được hội nhập vào cộng
đồng Israel, tức là được gia nhập vào giao ước
của YHWH và được hưởng những phúc lộc của giao ước ấy. Đây quả thực là một nghi lễ quan
trọng. Tuy nhiên, chúng ta không biết chắc chắn là vào
thời Chúa Giêsu, việc
đặt tên có nhất thiết phải diễn ra trong lễ cắt bì hay không, hay đó là thói tục sau này. Có người cho rằng các bản văn Lc 1, 59 và 2, 21 là những chứng từ đầu tiên cho
tập tục đó. Dù
sao, chúng ta cũng
chẳng có lý do gì để nghi ngờ sự kiện đặt tên cho Gioan đã xảy ra vào ngày cậu
bé được cắt bì.
Đáng chú ý là việc những người láng
giềng và họ hàng thân thích đã can thiệp mạnh mẽ để đặt tên cho cậu bé là
Dacaria. Quyền
đặt tên này thực ra là của cha mẹ con trẻ, còn những người khác thì chỉ có thể đưa ra đề nghị
thôi. Đàng khác, tại sao lại phải là Dacaria ? Vì
thật ra, việc
lấy tên cha để đặt cho con không phải là điều thông thường. Nhưng tác giả Luca đã cố ý đưa vào
câu chuyện hai chi tiết gây ngạc nhiên đó để chuẩn bị và làm nổi bật phản ứng
của cha và mẹ cậu bé, từ đó nhấn mạnh thân phận đặc biệt của cậu.
Các chi tiết về phản ứng của cha và
mẹ cậu bé được tác giả kể lại một cách sinh động với những lời nói trực tiếp
của các nhân vật trong câu truyện. Tác giả tỏ ra rất lưu tâm đến sự kiện đặt tên rất lạ
lùng này. Ông
viết: “Bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gioan. "Họ bảo bà: "Trong họ hàng
của bà, chẳng ai có tên như vậy cả. "Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết:
"Tên cháu là Gioan. "Ai nấy đều bỡ ngỡ” ( cc. 60 – 63 ).
Sự can thiệp của bà mẹ, xét về phương diện lịch sử, là không cần thiết, vì thường người ta để cho người cha
đặt tên cho đứa trẻ. Nhưng trong trình thuật này, cả người mẹ lẫn người cha đều quyết định đặt cho cậu
bé cùng một tên là Gioan. Đó là dấu hiệu có sự can thiệp từ Trời, rằng tên gọi Gioan là do Thiên Chúa
định, chứ người ta
không được tự ý đặt cho cậu bé. Vì thế, phản
ứng bỡ ngỡ của những người hiện diện là có thể hiểu được.
“Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông Dacaria lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa” ( c. 64 ). Vị tư tế cao niên, một lần nữa, có
thể nói được sau hơn 9 tháng bị câm. Thời gian dài đó đã đủ để ông suy tư và ý thức về
thực tại huyền nhiệm mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện. Sự kiện ông nói lại được, quả thực, là một phép lạ. Và đó cũng là một dấu hiệu chứng tỏ
những gì thiên thần Gabriel cho ông biết hôm nào về tương lai của cậu bé Gioan
là có giá trị. Vì
vậy, lập tức, ông Dacaria cất lời ngợi khen Thiên
Chúa.
“Láng giềng ai nấy đều kinh sợ” ( c. 65a ). Từ
chỗ bỡ ngỡ, những
người hiện diện đã chuyển sang phản ứng kinh sợ. Đó là phản ứng đặc trưng của con
người trước sự thể hiện của thực tại siêu nhiên. Người ta biết mình đang đối diện với
một cái gì đó linh thánh và đáng sợ.
“Và
các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê” ( c. 65b ). Với chi tiết này, tác giả Luca muốn nhấn mạnh tính chất lớn lao và tầm quan trọng đặc biệt
của sự việc.
“Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi:
"Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?" Và quả
thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” ( c. 66 ). Cần chú ý chi
tiết “để tâm suy nghĩ”. Những người biết chuyện không chỉ
là các nhân chứng về những sự kiện ngoại thường. Họ còn đi đến
chỗ có một thái độ rất đúng đắn, là đón nhận một cách có ý thức
những sự kiện đó. Có lẽ tác giả Luca cũng muốn kín đáo đưa
ra một lời mời gọi cho những độc giả của ông, để họ cũng có
một thái độ và cách hành xử đậm chất đức tin khi đối diện với những sự kiện
đang được kể lại này, thay vì chỉ có thái độ của một
khán giả bàng quan trước những sự kiện.
Theo dòng chảy
của câu chuyện, sự chú tâm của những người hiện diện đã
chuyển dịch, từ chỗ nhận ra Thiên Chúa đã quá thương
bà Êlisabét đến chỗ suy tư về sứ mệnh của cậu bé mà bà vừa hạ sinh; họ trao đổi
với nhau bằng câu hỏi về chức năng hơn là về căn tính của đứa trẻ: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?" Và họ đi đến
kết luận: “Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”. Các đoạn sách Xh 13, 3. 14; 14, 8; 15, 6... có thể giúp
chúng ta hiểu rõ hơn kết luận này của họ. Nói một cách
vắn tắt, tác giả muốn nói rằng cuộc sống của
ngôn sứ Gioan trong tương lai được đặt dưới sự phù hộ của chính Thiên Chúa.
“Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến
ngày ra mắt dân Israel” ( c. 80 ). Gioan lớn lên về thể lý và ngày càng
trưởng thành, vững
mạnh về tinh thần. Cậu
tránh xa đời sống phàm tục của đám đông và sống gần kề Thiên Chúa, trong hoang địa. Ở đó, Đức YHWH có thể dạy dỗ cậu và chuẩn
bị cho cậu thi hành sứ mạng cao cả trong tương lai.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay không mấy tập
trung chú ý vào những chi tiết thuần túy sinh học. Ông không mô tả bất cứ chi tiết nào
về sự sinh hạ hay về dáng vẻ của cậu bé mới sinh... Điều mà tác giả muốn người đọc chú
tâm là việc đặt tên cho con trẻ và các sự kiện đi kèm theo. Sự lớn lao của Gioan Tẩy Giả đã được
tác giả Tin Mừng bắt đầu mô tả ngay từ câu chuyện về những ngày đầu tiên Gioan
mới được sinh ra.
Người đọc được chuẩn bị để nghe sứ
điệp của ông Gioan, sẽ
được nói đến trong đoạn Lc 3.
Lm. NGUYỄN
THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment