Suy niệm
Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm B
“Anh vẫn đợi hoàng hôn
lịm chết”
Để ánh bình minh gợi thức tâm hồn
Là ốc đảo trơ mình mùa sóng vỗ
Là cuối chân trời ước nguyện vòng tay
Là ốc đảo trơ mình mùa sóng vỗ
Là cuối chân trời ước nguyện vòng tay
(dẫn từ thơ
Cát Biển)
Mc 13: 33-37
Kìa, sao
anh vẫn đợi hoàng hôn đang lịm chết. Mà lại không đợi, Đấng vực dậy có bình
minh gợi thức tâm hồn?. Bình minh gợi thức, là những điều trình thuật đề cập
đến, hôm nay.
Trình thuật
hôm nay, ngày đầu mùa Phụng vụ mới, có lời dặn dân con “phải tỉnh thức”. Tỉnh
thức, vì không biết ngày nào, giờ nào sự việc xảy đến. Tỉnh và thức, mà đón
chào Đấng Mêsia, đến lại. Ngài đến lại, không phải trong huy hoàng, ầm ĩ.
Nhưng, âm thầm bé nhỏ một Hài Nhi, thật dễ thương.
“Đến lại”,
là cụm từ mà Hội thánh lâu nay vẫn gọi đó là “mùa vọng”. Cụm từ Mùa vọng xuất từ tiếng Latinh adventus, là chỉ việc Chúa Quang Lâm,
Ngài đang đến. Thật sự, thì Mùa Vọng
còn là thời gian bốn tuần, cần gói ghém để chuẩn bị ngày Chúa hạ mình chấp nhận
thân phận của phàm nhân.
Ý tứ của
Chủ nhật thứ I Mùa Vọng, nối kết với phụng vụ Chúa Nhật cuối năm, ở tuần trước.
Bởi, tuần rồi, các bài đọc đều nói về việc Chúa ‘đến lại’, trong lai thời.
Phụng vụ hôm nay, có nói đến thái độ mà mọi người phải có, đó là: chuẩn bị trực
diện Đức Chúa. Trực diện Đấng là Vua. Là, Chúa các chúa.
Trước tiên,
chuẩn bị là thu xếp mọi việc thường ngày, để chỉ
liên tưởng đến sám hối, quyết hồi hướng trở về. Sám hối trở về, tượng trưng
bằng mầu tím, áo ta mặc. Chuẩn bị, còn là chỉnh đốn con người và tâm trạng của
mình, hầu sẵn sàng tiếp nhận Đức Chúa giáng hạ, làm người. Như một tạo
vật.
Chuẩn bị,
là nhớ đến lý do khiến Thiên Chúa Đấng Tạo nên muôn vật, nay lại chấp
nhận làm tạo vật, để cứu độ trần gian. Chuẩn bị, là sửa soạn hành trang lên
đường, mà gặp gỡ. Gặp gỡ, chấp nhận thời kết tận có phán quyết “lên án kẻ sống cũng như người chết”. Để từ đó,được nghe biết những lời
thân thương, như: “Nào những kẻ Cha Ta
chúc phúc, hãy đến mà thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở
tạo thiên lập địa.” (Mt 25: 34-35).
Chuẩn bị
chào đón, là mở cửa lòng để Chúa bước vào cuộc sống mỗi ngày, của riêng ta.
Chúa vào, Ngài gọi mời ta ra đi. Gọi mời ta đồng hành với Ngài, qua các chặng
đường đầy những khổ đau. Nhọc nhằn. Chúa bước vào, Ngài không chỉ tạm thời trú
ngụ ở Bét-lem. Cũng chẳng phải, vào ngày cuối đời, thời sau hết khi có tiếng
kèn, tập họp mọi người. Hoặc có thần linh thiên sứ vây quanh. Mà là, những gặp
gỡ rất đời thường. Bởi, Ngài là Emmanuel, Đấng ở với ta “mọi ngày, đến tận thế” (Mt 28: 20)
Chúa đến
trú ngụ ở Bét-lem, làm nền tảng cho đời sống hiện tại và lai thời. Chúa quang
lâm, là ý nghĩa của cuộc sống trọn vẹn ta vẫn có. Sống, trong tư thế chuẩn bị
chờ ngày Ngài lại đến. Sống, để chấp nhận lời gọi mời kết hợp với Ngài, là
Thiên Chúa Đấng Hoá Công.
Có nhận thức như thế, mới biết rằng
chính đó là hồng ân ta vẫn cầu mong, hoặc đã nhận lĩnh. Chúa quang lâm, là sự
việc đang diễn tiến mỗi ngày. Diễn tiến, đi thẳng vào cuộc sống của chính ta.
Qua tiến trình nhận thức sự đợi chờ, ta mới biết Đức Giê-su, Ngài là ai. Và có
thế, mới nhận ra ý nghĩa cuộc đời. Và, đó là ý nghĩa của thánh vịnh 42 vẫn được
hát: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối
nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.”
Một khi đã khắc ghi trong đầu ý nghĩa của việc Chúa
quang lâm, ta sẽ mừng Giáng Sinh, đúng ý nghĩa. Bởi, Giáng Sinh nay đã bị tục
hoá. Đã xa rời lời Chúa. Bởi, Giáng Sinh không là tưởng niệm những gì đã xảy ra
trong quá khứ. Nhưng, Giáng Sinh chỉ có nghĩa, khi mọi người nhận biết những
điều mặc khải về cuộc sống hiện tại, và lai thời cho chính ta thôi. Đúng như
lời thánh Máccô viết: “Anh em phải coi
chừng và tỉnh thức, vì không biết khi nào thời ấy đến.” (Mc 13: 33)
Coi chừng
và tỉnh thức, như thánh Mát-thêu đã viết:
“Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Hãy
sẵn sàng, vì vào chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt
24:42)
Xem như
thế, tỉnh thức không chỉ vào giây phút kết cục của thời gian. Mà vào, giai đoạn
cuối hết của thời mình. Tỉnh và thức, không vì hệ thái dương, hoặc vũ trụ bao
la của ta tự nhiên chấm hết, chẳng báo trước. Nhưng, tỉnh và thức để mọi người
sẽ nhận lời mời mà ra đi gặp gỡ Đức Chúa, bất cứ lúc nào. Không báo trước. Như,
vẫn thấy sự việc xảy ra, vào mỗi ngày.
Tỉnh và
thức, không là vấn đề đối với những ai thường xuyên đặt mình trong tình trạng
đề cao cảnh giác. Luôn gần gũi Đức Chúa trong cuộc đời. Tỉnh và thức, là việc
ta chỉ có thể hoàn thành nếu biết thực thi, trong hiện thực. Có tỉnh thức, ta
mới thấy khác biệt trong cuộc sống có chất lượng. Có tỉnh thức, ta mới để giờ
ra kiếm tìm và gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ Ngài, nơi người anh người chị sống quanh ta.
Có tỉnh thức, ta mới biết yêu thương phục vụ Ngài, nơi những người anh người
chị ấy.
Thành thử,
thay vì phấn đấu chống chọi thực tế cuộc đời, hoặc tìm cách khuynh loát đời
mình và đời người cho thích hợp với ước vọng và tham vọng của riêng mình. Thay
vì như thế, cũng nên nghe lại lời của ngôn sứ hôm nay: “Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là
Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (Is 64: 7)
Thánh
Phao-lô đã học được bài học ấy, khi thánh nhân ra tay bách hại tín hữu Chúa,
coi đó như sứ vụ được Trên giao phó. Trong ngộ nhận, thánh nhân đã được Chúa
cảnh tỉnh, và đánh thức hầu nghe lời cảnh báo: “Saul, hỡi Saul, sao ngươi ruồng bắt Ta? Ngươi đã gậy ông đập lưng ông,
như đàn bò húc mạnh vào chính cùm gông của nó.” Cũng tựa như thế, nhiều
người trong chúng ta đã từng húc đá vào Thầy mình và vì thế vẫn tự hỏi, sao đời
mình chưa một lần được bình an và hạnh phúc.
Hệt như Phaolô thánh nhân, những ngày sau đó, đã biết
kêu lên : “Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng
khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô.
Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12: 10).
Tỉnh và
thức, không chỉ để đợi đến ngày kết tận, bị gục ngã. Nhưng, mà là tỉnh và thức
mỗi ngày với những kinh nghiệm sống, trong đời. Tỉnh và thức, vì Đức Giê-su
đang đợi ta nơi đó. Tỉnh và thức, trong trạng thái không chống cưỡng Ngài.
Nhưng, cứ để Ngài dẫn dắt, điều khiển. Điều khiển và uốn nắn ngõ hầu mình sẽ
giống Chúa. Sẽ trở nên con người trọn vẹn, rất đích thật. Con người biết yêu
thương giùm giúp. Có tự do. An bình.
Có như thế,
ta mới cùng với thánh Phao-lô, không ngừng cảm tạ về ân sủng Ngài phú ban,
ngang qua Đức Kitô. Cảm tạ, như thánh nhân từng lập đi lập lại ở bài đọc: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh
em, về ân huệ Người đã ban cho anh em, nơi Đức Ki-tô Giê-su.” (1Cr 1: 3).
Có cảm tạ,
thì mọi nguồn lực sẽ được gửi đến. Gửi đến để ta được lớn mạnh hơn trong cuộc
sống có dẫn dắt. Lớn mạnh qua những tiện nghi mà ta được sử dụng như: sách vở,
báo chí, tĩnh tâm, hội thảo, cuộc sống chung đụng cộng đoàn, nhất nhất đều là
ân huệ Chúa gửi đến trong lúc đợi chờ. Chúa gửi đến vì “ta được Chúa Mặc khải vinh quang của Ngài”; và, Ngài sẽ làm cho ta
“nên kiên cố đến cùng, để không ai có thể
trách cứ, trong Ngày của Chúa, là Đức Giê-su Chúa chúng ta.” (1Cr 1: 9)
Maranatha! Lạy Chúa xin hãy đến.
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá lược dịch
No comments:
Post a Comment