Ngày 11 tháng 10 năm 1962, Đệ tam Đại hội Quốc tế Tông đồ
Giáo dân sẽ được khai mạc tại Rôma và sẽ kéo dài trong vòng một tuần lễ. Hàng
giáo dân ở mỗi nước sẽ gửi một số đại diện đến tham dự. Đại hội nhắm mục đích
kiểm điểm việc tông đồ giáo dân khắp thế giới và cùng nhau ý thức vai trò chủ
động của giáo dân trong việc cải tân Giáo hội sau Công Đồng. Đây là một biến cố
quan trọng, một dấu chỉ thời đại, đối với toàn thể Giáo hội.
Nhưng, đối với Giáo hội Việt nam nói chung và đối với giáo
dân Việt Nam nói riêng, Đại hội Tông đồ Giáo dân ở Rôma có phải là một biến cố
lớn, một dấu chỉ thời đại không? Hay chỉ là một đại hội khác xảy ra bên trời
Tây, chỉ cần có vài người đại diện cho có mặt chứ không ảnh hưởng mấy đến đời
sống tông đồ của chúng ta, không đặt vấn đề cho chúng ta, không thay đổi nếp
sống và thái độ cũng như hoạt động của chúng ta? Cái đó tuỳ ở mức chuẩn bị của
hàng giáo dân dân Việt Nam, cũng như những cố gắng hoạt động
và học hỏi của những vị đại diện hàng giáo dân Việt Nam tại đại hội.
Đối với chúng ta, một tuần Đại hội Quốc tế Tông đồ Giáo dân
tại Rôma sẽ qua đi như bao đại hội khác, không có một ảnh hưởng sâu rộng nào
trong đời sống chúng ta, nếu hàng giáo dân không tham dự vào Đại hội ấy bằng
cách kiểm điểm hoạt động tông đồ của mình, và cùng nhau hội thảo về những đề
tài sẽ được đề cập đến trong Đại hội. Nói đến Đại hội, người ta thường chỉ nghĩ
đến những vị đại diện tham dự Đại hội, hay có biết thì chỉ biết đại khái thế
thôi. Họ không cảm thấy rằng chính hàng giáo dân, cách riêng những người ở
trong các phong trào Công giáo Tiến hành, có bổn phận chuẩn bị Đại hội, để cho
bản tường trình của phái đoàn tại Đại hội phải là kết tinh của những cuộc kiểm
thảo của mỗi giáo dân, của mỗi hội đoàn, của toàn thể giáo dân Việt Nam. Có
kiểm thảo chân thành, mới thấy ưu khuyết điểm của mình trong công việc tông đồ
giáo dân, ngõ hầu bổ túc trong tương lai.
Ngoài việc kiểm thảo hoạt động tông đồ, giáo dân Việt Nam cần phải học hỏi thêm các văn kiện
của Công Đồng về Tông đồ Giáo dân cũng như hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội Việt
Nam. Theo như chương trình đã được hoạch định trên một
năm nay, để chuẩn bị Đại hội, hàng giáo dân khắp thế giới phải học hỏi đề tài
sau đây: Dân Thiên Chúa trong cuộc hành trình của con người. Đề tài này diễn tả
hai điểm chính của Công đồng: Giáo hội là dân Thiên Chúa (Hiến chế Lumen Gentium về Giáo hội) và sứ mạng
của Giáo hội là liên đới với thế giới ngày nay (Hiến chế Gaudium et Spes về Hội thánh trong Thế giới ngày nay).
Trong sứ mạng chung của toàn thể Giáo hội, giáo dân là những
con người giữ vai trò đứng hàng đầu. Đứng hàng đầu đây không có nghĩa lãnh đạo
Giáo hội. Quyền lãnh đạo của Giáo hoàng, của hàng giáo phẩm, hàng linh mục.
Trước và sau Công đồng, linh mục vẫn là linh mục, giáo dân vẫn là giáo dân.
Đứng hàng đầu đây là vị trí tiền tuyến. Đã là giáo dân là phải đứng hàng đầu.
Người giáo dân sống giữa trần gian phải biết dấn thân vào đời, để đem Tin Mừng
cứu rỗi của Chúa Kitô cho mọi người, vì đó là việc tông đồ đặc biệt của giáo
dân, của những người đứng hàng đầu:
“Bản chất của địa vị người giáo dân là đang khi sống giữa trần gian và
giữ những việc trần thế, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để thực thi việc tông đồ
của họ nơi trần gian như một nắm men nhờ sức mạnh tinh thần Kitô giáo… Nguời
giáo dân phải đảm nhận việc cải tân trật tự thế trần như là trách vụ riêng của
mình. Được khai quang bởi ánh sáng Tin Mừng, được hướng dẫn bởi tinh thần Giáo
hội, được lôi cuốn bởi đức mến của Chúa Kitô, họ phải tự mình cương quyết hoạt
động trong lãnh vực này” Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân)
Theo giáo huấn trên, việc dấn thân vào đời để cải tân trật
tự trần thế là việc tông đồ bắt buộc của mọi giáo dân. Người giáo dân cần phải
chấp nhận vị trí đứng hàng đầu của mình và phải ý thức sứ mạng của mình. Trong
môi trường hoạt động của mình, người Công giáo sẽ đem “tinh thần Chúa Kitô thầm
nhập tâm trạng, phong hoá, luật lệ những cơ cấu cộng đồng mà mỗi người sinh
sống.”
Người giáo dân không hẳn là phải nói đến Chúa Kitô, nói đến
Giáo hội khắp nơi, nhưng phải sống thế nào cho phù hợp với đức tin, không cần
phải xuống đường để bênh vực “Đấng Tối Cao”, nhưng phải chứng minh sự hiện diện
của “Đấng Tối Cao” bằng một nếp sống công bằng hơn, bác ái hơn, cần phải chuẩn
bị cho mọi tâm hồn nhận lãnh Tin Mừng, bằng cách chia sẻ những điều kiện sinh
sống, “nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và mối lo âu của con người
hôm nay”. (Hiến chế Gaudium et Spes)
Chúng tôi hy vọng rằng, nếu đã thiếu sót trong việc chuẩn bị
Đại hội, thì ít ra các vị đại diện giáo dânViệt Nam tại Rôma sẽ tích cực học
hỏi với các phái đoàn giáo dân các quốc gia khác đồng thời tại Việt Nam hàng
giáo dân phải bắt đầu công việc kiểm thảo và đào sâu các giáo huấn của Công
đồng về Tông đồ Giáo dân. Có như thế, Đệ tam Đại hội Quốc tế về Tông đồ Giáo
dân ở Rôma mới đem lại cho hàng giáo dân một sinh lực mới trong cuộc xây dựng
Nước Chúa tại Việt Nam.
Lm Stêphanô Chân Tín
CSsR
(trích Luồng Gió Mới, Tin Paris 2000 - tr. 206-208)
No comments:
Post a Comment