Gần đây, báo chí cho thấy người ta đang xốn xang con mắt, bực dọc tâm thần
chuyên chính gọi là vô sản trước ‘nạn’ báo-tạp chí nước ngoài nhập lậu. Như SGGP số ra hôm 17.10.1999, tr. 2 với bài
“Những biện pháp nào là khả thi?” Để
kiểm soát, ngăn chặn, dĩ nhiên.
Khoảng 50 quầy báo và tạp chí nước ngoài trên các lề đường Sàigòn. Loại quầy
báo nhỏ dễ di động. Đa số không có giấy phép. Ngoài ra, còn có khoảng 30 người
đeo túi bán dạo...Báo, tạp chí từ đâu tới?
“Hiện nay, riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, hàng ngày có
khoảng 24 đến 25 chuyến bay quốc tế hạ cánh. Mỗi chuyến bay đều có mang theo
báo và tạp chí nước ngoài để cho hành khách trên máy bay đọc. Sau khi khách xuống
hết khỏi máy bay, số báo, tạp chí này được đưa ra ngoài bán trên thị trường Tp HCM
và các tỉnh phía Nam không qua cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm duyệt nội
dung...”
Rồi còn nhiều nguồn khác bọc lót hàng qua các cảng biển, theo hàng hóa vượt
biên giời phía Bắc, phía Tây, hoặc theo tàu đánh cá tư nhân thẩm lậu dọc bờ biển
phía Đông vào nước ta. Chỉ không tính tới mấy ông cán bộ đi chu du thiên hạ đem
về.
Người ta kêu là ‘độc hại’ và kể ra trước tiên loại báo-tạp chí như Playboy,
Penthouse... Nhưng vấn đề thực sự lại nằm ở chỗ khác: người ta chỉ sợ nhất là
“để lọt lưới những chủng loại sách báo độc hại vào thị
trường là một nguy cơ mà tác hại không thể không lường trước được. Điển hình là
các tờ: South China Morning Post, Asian Wall Street Journal, Nation, tạp chí
Time, Straits Time..v.v.. đã có một số bài viết không phù hợp với thực tế ở Việt
Nam, thiếu căn cứ lịch sử, không thể hiện đúng thiện chí xây dựng hòa bình, ổn
định và sự hợp tác của Việt Nam đối với các dân tộc và các nước trên thế giới.”
Bài báo kêu gọi có thêm “những biện pháp giải quyết...” Cuối cùng lại chỉ
lo: “Nếu không có sự hợp tác chặt chẽ của
ngành hàng không, an ninh cửa khẩu và hải quan thì việc này rồi cũng chìm theo
năm tháng.”
Rõ khổ.
Nguyễn Ngọc Lan
(trích tạp chí Tin Nhà số
42 tháng 2/2000 tr. 19)
No comments:
Post a Comment