Saturday, 18 August 2012

“Tình đã đến, trong những ngày sát hại”


Suy niệm Chúa nhật thứ 20 thường niên năm B

“Tình đã đến, trong những ngày sát hại”
trong những ngày đồng loại hết dung nhau
trong những ngày ích kỷ lạnh như dao
cắt tàn nhẫn mọi tha-nhân-giềng-mối
người khó cưỡng ăn thịt người lúc đói
người nhân danh trong thời đại nhân danh!
(dẫn từ thơ Nguyễn tất Nhiên)
Ga 6: 51-58
            Ở đời thường, ngày sát hại, vẫn có cảnh người ăn thịt người, vào lúc đói. Có những lúc, đồng loại hết dung nhau. Những ích kỷ lạnh như dao. Nơi nhà Đạo, ngày Chúa đến, là chuỗi ngày Chúa hiến tặng thân mình, để đồng loại biết dung nhau. Dung nhau như trình thuật xưa nay, vẫn diễn tả.           Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an diễn tả về tình Chúa yêu thương, thân tặng chính mình Ngài làm Bánh hiến, cho loài người. “Ăn thịt và uống máu Tôi, sẽ được sống muôn đời”.  Điều Chúa nói, nay mang chiều kích mới: “Bánh Tôi ban, đích thật thịt Tôi đây, để thế gian được sống.” (Ga 6: 51)
            Nghe lời Ngài, chúng dân nổi lên tranh cãi: “Làm sao ông lại có thể cho chúng ta ăn thịt ông, chứ?” (Ga 6: 52) Họ nói thế, vì đứng trên bình diện của người không tin và cũng chẳng hiểu.
            Lịch sử Do Thái, là lịch sử có sắc thái khá bạo động. Hôm nay, người thời đại với nền văn hoá cao rộng, đều thấy “dị ứng” mỗi khi nghe nói về chuyện ăn thịt và uống máu vị diễn giả. Họ không hiểu nổi những chuyện như thế lại được Chúa chủ trương. Mặc dù thế, Chúa nói tiếp: “Thật, Tôi bảo thật: nếu không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6: 53).
Lời Chúa nói, ta nghe rất nhiều lần. Lần sau hết, là buổi Tạ Từ hôm ấy Chúa cầm bánh lên, và căn dặn: “Này là Mình Tôi, anh em hãy cầm lấy mà ăn.” Nghe như thế, nhưng người nghe nào đã bận tâm và cũng chẳng để ý. Người nghe vẫn cứ đặt tâm trạng của mình vào tình cảnh lần đầu, khi Chúa bảo:”Trừ khi các ông ăn thịt và uống máu Tôi”. Hẳn người nghe như ta đều khựng lại, mà suy tư và rất sợ.
Vào độ trước, có cuốn phim tài liệu tường thuật chuyện những người gặp nạn trong chuyến bay rớt xuống dãy núi An-des ở Ác-hen-ti-na, so với thân phận người vượt biển trôi dạt ngoài hoang đảo. Khi ấy, người sống sót cứ phải xẻo thịt người chết, để ăn cho đỡ đói. Thử hỏi, trên đời này, có gì khó khăn/khổ sở hơn, khi phải làm những việc man rợ như thế để mà sống sót..
Ngoài chuyện kinh hoàng khi nghĩ đến việc phải ăn thịt người, dân tộc Do Thái còn khiếp đảm về máu nữa. Một đằng, máu là cội nguồn tạo sự sống. Đằng khác, máu cũng là yếu tố lây lan bệnh tình, rất hiểm nguy. Dính vào máu, tự khắc thành ô uế không thể gột. Cả đến mẹ hiền khi sinh con, cũng còn thấy mình dơ dáy suốt nhiều ngày.
Bởi thế nên, dân con người Do thái khi nghe Chúa khuyên hãy uống máu Ngài, họ thấy lợm giọng, hồ nghi là Chúa bị bệnh. Nhưng, rõ ràng là Chúa không nói mọi người hãy uống máu Ngài, hiểu theo nghĩa đen. Vậy thì, Ngài có ý gì, khi nói như thế? Để trả lời, có nhà chú giải cho rằng Chúa nói thế là nói về việc rước Chúa vào lòng trong thánh lễ. Nhưng thật sự, ý nghĩa Lời Ngài, còn sâu sắc hơn thế nữa.
Ăn thịt và uống máu Ngài, là: trở nên đồng hoá một cách trọn vẹn với Ngài. Tức có tình thâm sâu cùng thị kiến cuộc đời mà Ngài đã sống. Tức trở nên đồng hoá với các giá trị Ngài đề ra. Đó là trọng trách dựng xây Nước Trời. Và, nhiều thứ nữa. Nhưng trên hết, Mình Máu Ngài là thành phần của cơ thể Ngài đã trọn vẹn hiến tặng, bằng sự khổ nhục và nỗi chết.
Đây là phương thức viết lịch sử thánh, theo khuôn mẫu Tin Mừng Nhất Lãm:“Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mà đi theo. Quả thế, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì người ấy sẽ tìm được mạng sống.” (Mt 16: 24-25)      
Ở đây cũng thế, Đức Giêsu kêu mời mọi người dấn bước theo chân Ngài. Theo Ngài, để sẻ san thân phận và sứ vụ Ngài thực hiện cách trọn vẹn, không một điều kiện. Theo Ngài, không có nghĩa là tránh thoát mọi hành hình bách hại, dành sẵn cho dân con/đồ đệ, cho người dám xả thân cho Chúa. Thánh Y Nhã, thành An-ti-ô-ka từng khẳng định:“Tôi muốn ăn Bánh Chúa, là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu và uống máu Ngài, là tình yêu không bao giờ cạn.”
Bài đọc 1, sách Cách Ngôn đã nhân-cách-hoá tình yêu ở trên, bằng việc xây nhà trên 7 cây cột. Và, việc chuẩn bị tiệc rượu đầy thức ăn. Việc chủ nhân sai người nữ tỳ ra đi kêu gọi người ngây thơ, khờ dại:“Hãy đến mà ăn bánh của ta; và uống rượu do ta pha chế. Hãy trút bỏ ngây ngô, mà Sống và bước thẳng trên đường hiểu biết.” (Cn 9: 5-6)
Trình thuật hôm nay, ta nghe biết Chúa nuôi ăn hơn 5,000 người toàn những bánh và cá, là muốn nói về bánh thánh và Mình Máu Chúa nối kết buổi Tạ Từ với  tiệc Lòng Mến. Tiệc Thánh Thể. Vào khi chia tay, Chúa kết nối Thân Mình Ngài vào với bánh hình Ngài bẻ ra, để san sẻ với dân con/đồ đệ. Ngài nối kết rượu vào Máu Ngài đã đổ ra, qua chén đắng cứu chuộc Ngài chuyển đến với từng người tham dự. Máu Ngài, là bảo chứng thực sự cho Giao ước Ngài thiết lập với dân con: “Này là mình Ta… Và này là Máu Ta, sẽ đổ ra vì các ngươi. “(Lc 22:20)
Bánh thánh ta nhận lãnh trong Tiệc Thánh Thể, là Thân Mình Chúa Phục Sinh. Rượu thánh, ta uống ở Tiệc Lòng Mến, là Máu Đức Kitô đã sống lại. Khi lĩnh nhận Mình và Máu thánh Chúa, đích thực ta tỏ bày niềm khát khao đồng hoá với Chúa. Chọn Đường Chúa đi. Và nhận lãnh sứ vụ dựng xây Nước Trời cho mọi người. Và, trong nhiều trường hợp, ta còn xả thân vì Chúa vì Tin Mừng.
Làm thế, ta không làm theo tư cách cá nhân đến với Thừa tác viên mà đón Chúa. Nhưng, là làm qua tư cách cộng đoàn đến bàn thánh để sẻ san Mình và Máu Chúa, bản thân ta.
Đặt Mình Chúa trong tay đưa vào miệng, rồi thưa “Amen”, là chấp nhận sứ điệp Tin Mừng, cách trọn vẹn. Chấp nhận vinh quang cũng như đổ vỡ. Chấp nhận niềm vui cũng như nỗi buồn khi dấn bước theo chân Ngài, cùng Ngài, bất chấp hệ luỵ tiếp diễn theo sau và coi đó là việc thiết yếu dựng xây Nước Trời. Là về với thế giới, ta được gọi để phục vụ. Cụm từ “Amen” gồm tóm rất nhiều ý nghĩa. Đẹp như thế.
Lĩnh nhận Mình Máu Chúa, để rồi sẽ ra đi về với thế giới. Ra đi, giáp mặt cùng lúc, 3 thực tại:        
-đồng hoá với con người và sứ vụ của Chúa;
-cam kết cùng với Chúa chấp nhận mọi khổ nhục và nỗi chết, giống như Ngài;
-khẳng định điều này mỗi tuần, ngày của Chúa ở bàn tiệc.
Bài đọc 2, thánh Phaolô thôi thúc ta “đừng sống như kẻ ngây ngô dại khờ, nhưng như những người khôn ngoan.” Bởi, một khi tràn đầy Mình Máu Chúa, ta cũng có đầy tràn sự khôn ngoan. Khôn ngoan, để biết ý Chúa mà dành để cho cảnh tình cuộc đời, của chính ta. Khôn ngoan, để biết: đâu là giá trị đích thật, trong cuộc sống. Khôn ngoan, để biết cách sống một đời đầy năng động. Sống để biết rằng: chỉ có sự cao cả đích thật ta cần đeo đuổi, đó là sự khôn ngoan, do Chúa ban, mà thôi.
Ở cuối thư của thánh Phaolô, ta cũng thấy đầy lời khôn ngoan đích thật, khiến việc tập họp vào ngày của Chúa có ý nghĩa:“Hãy cùng nhau đối đáp lời ca, lời vãn của Thần Khí. Hãy xướng ca tụng niệm kính Chúa hết lòng anh em. Mọi thời, vì mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, mà cảm tạ Thiên Chúa, và là Cha.” (Êp 5: 19-20).     

No comments: