Suy niệm Chúa nhật thứ 18 thường niên năm B
“Ngươi giam chí khí, vòng cơm áo”
Ta trói thân vào lụy
nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây”
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính”)
Ga 6: 24-35
Giam gì
không giam, giam chí khí nơi vòng cơm áo, người làm thế sao người? Trói gì
không trói, trói thân vào luỵ nước mây. Ai biết thương nhau, từ buổi trước.
Thương trước thương sau, tình tự trói, Chúa tỏ hiện. Cho mình? Cho mọi người?
Như đã được diễn tả ở trình thuật, mãi hôm nay.
Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an
ghi lại lời Chúa dặn sau buổi nhân rộng, những bánh và cá. Lời Chúa dặn, nay đà
thấy rõ: “Thật, tôi bảo thật. Các ông tìm
tôi chẳng phải vì các ông thấy dấu lạ, nhưng vì được ăn bánh no nê.” (Ga 6:
27)
Ban rộng bánh và cá, cho hơn 5,000
người, không chỉ là sự lạ Chúa làm. Nhưng, việc này mang ý nghĩa sâu sắc, mà
thánh Gio-an gọi là “dấu chỉ”. Sâu
sắc một dấu chỉ, là ở điểm: Đức Giêsu, qua chấp nhận thân phận làm người, Ngài
đã tỏ lộ việc Thiên Chúa có mặt ở với thế gian. Có mặt ở thế gian, Ngài lại
nuôi dưỡng con người cả hồn lẫn xác nữa.
Dấu lạ Ngài biểu tỏ, là lời:“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì
lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường
sinh, là lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi chính Con Người là Đấng Chúa
Cha đã xác nhận." Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? "
Và, Ngài trả lời: "Việc Thiên
Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6: 27-28)
Rõ ràng, dân con mọi người hôm ấy,
chỉ muốn Ngài tặng ban điều mình thích, mà thôi. Nhưng, Chúa hiện diện sống với
thế gian, đâu phải để cung cấp của cải dư dật, tách bạch khỏi mọi khó khăn, của
cuộc sống. Không. Điều cần, là tin VÀO Chúa, Đấng Tạo Dựng nên mọi
sự.
Nhưng, làm thế nào để tin VÀO
Chúa? Quả thật, luôn có khác biệt giữa việc tin ai và tin VÀO điều gì. Khi tin
ai, mình chấp nhận điều người ấy nói, là đúng. Nhưng, điều người ấy nói có thể
điều đó chẳng liên quan gì đến riêng ta. Như câu của ai đó:“Hôm rồi, Sàigòn mưa to đến ngập đường/ngập cống”. Vậy thì sao với
tôi đang sống ở Úc? Chuyện như thế, nào có liên can gì đến tôi? Cũng tựa như
thế, ta có thể tin tưởng điều mà Kinh Sách, Hội thánh và Đức Chúa nói, đều rất
đúng mà ta đều nằm lòng, từ nhỏ.
Nhưng, khi bảo: ta VÀO ai/vào
điều gì, thì khác. Khác ở chỗ: ta xả thân, theo cách thức nào đó, cho người
khác. Tức là, ta tin người ấy sẽ đùm bọc/chăm sóc hoặc kính trọng chính mình
ta. Kính trọng, nên không lừa dối. Nhưng, sẽ ở cạnh bên. Tin và kính, như người
nam người nữ khi thành vợ thành chồng, đều tin tưởng và tôn kính lẫn nhau. Nếu
không, mọi người sẽ lo ngại cho tương lai của vợ chồng ấy.
Còn bảo, tin VÀO Đức Giêsu,
là đem cả mạng sống của mình trao hết cho Ngài. Là, biết nghe theo lời Kinh
Thánh, chấp nhận lối sống mà Thánh Kinh đưa ra. Ta không chỉ tin những gì Kinh
Thánh nói, là đúng thật. Nhưng, còn tin rằng Kinh Thánh là nền tảng. Là, trọng
tâm cuộc sống của ta nữa.
Dường như, chúng dân hôm ấy chưa
nhận ra được điều Chúa nói với họ. Hoặc, dù có nhận ra, họ cũng không tài nào
chấp nhận, tin vào Ngài theo nghĩa trên. Bởi thế, họ quay sang hỏi câu khác.
Thực tế cuộc đời, đôi lúc ta cũng xử sự hệt như thế. Xử sự, như một thách thức
hỏi rằng: thông điệp Chúa gửi cho mọi người vào buổi ấy, vẫn là: Giáo huấn của Hội thánh về thứ tha đấy chứ?
Phản ứng của dân chúng về điều Chúa
làm hôm ấy, không phải để có thêm thông tin về những dấu lạ. Hoặc để bảo rằng:
thông tin họ có, không chính xác cho lắm. Nhưng, chỉ là phản ứng muốn đi trệch
đề tài Chúa muốn dạy.
Vì thế, chúng dân mới hỏi: “Chính ông, có làm được điều gì lạ để chúng
tôi thấy mà tin không?” (Ga 6: 31) Nói cách khác, họ chỉ muốn bảo rằng: Tại
sao chúng tôi lại cứ phải tin VÀO ông? Ông cứ đưa bằng chứng cụ thể đi.
Có bằng chứng thì bọn tôi mới tin vào ông! Thật ra, chẳng bao giờ con người có
thể hoàn thành được mọi chuyện, bằng vào dấu chỉ Chúa ban. Nhất là những người
không thể thấy được ý nghĩa của “dấu lạ”; hoặc, không muốn tin vào điều Chúa
nói, qua dấu lạ, thì mọi chuyện chẳng làm sao xảy ra, theo ý họ, được.
Và, họ dẫn chứng đủ mọi lý lẽ có từ
thời Môsê, để nói rằng:“Tổ tiên chúng tôi
đã phải ăn man-na trong sa mạc.” (Ga 6: 31) Như thể muốn nói rằng: chỉ bằng
vào các dấu lạ, chúng tôi mới có thể tin, như tin vào Môsê vậy. Vì thế, Chúa
nói ngay:“Thật, tôi bảo các ông, không
phải Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời, mà chính Cha Tôi cho các ông ăn
bánh ấy. Bánh đích thực. Vì bánh Ngài ban, là bánh từ trời xuống. Bánh, đem lại
sự sống cho thế gian." (Ga 6: 32)
Khi ấy, họ thưa ngay:“Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn bánh
ấy mãi." (Ga 6: 35) Thật sự, thì họ đã lầm. Họ lầm, vì cứ nghĩ về của
ăn vật chất. Lầm, cả khi thấy dấu lạ về bánh và cá được nhân rộng. Lầm, vì chỉ
hiểu sự việc Chúa làm, theo nghĩa đen. Cũng giống như truyện người nữ phụ bên
giếng, chỉ muốn được uống nước “hằng
sống”, Chúa ban thôi. Dường như,
mọi người ai cũng muốn được cung cấp của ăn/thức uống không bao giờ cạn để,
khỏi nhọc công tìm kiếm.
Cuối cùng, cũng nhờ vậy mà ta có
được sự thật là: “Tôi là bánh trường
sinh. Ai đến với Tôi, không hề đói. Ai tin vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ!” (Ga
6: 35) Khẳng định của Chúa cho thấy: Ngài đích thực là man-na, bánh bởi trời. Bởi, chính Ngài là dấu chỉ, cho mọi người tìm đến mà tin vào Ngài.
Khi Chúa nói: Ngài là Bánh Sự Sống, ta thường liên tưởng đến Tiệc Thánh Thể.
Nhưng điều Chúa nói, lại bao quát hơn. Khi nói: Ta là Bánh Sự Sống, điều này
trước nhất, có ý bảo: Ngài là nguồn cội của sự sống, rất tràn đầy. Và, theo
chân Chúa, ta sẽ có kinh nghiệm về cuộc sống tràn đầy sự thật. Tràn đầy tình
thân thương. Công bằng. Tự do và an
bình.
Nhờ Ngài, ta sẽ “đầy tính người”. “Đầy sự sống.”
Nhờ Ngài, ta không chỉ trở thành người mà thôi. Nhưng còn trở thành người-có-nội-tâm.
Có tương quan rất lớn. Nói cách khác, ta sẽ có tương quan tốt đẹp với nhau. Với
người quanh ta. Với mọi người ở khắp nơi trên thế giới.
Có người hỏi rằng: Chúa dưỡng nuôi
ta thế nào? Sao Ngài là Bánh Sự Sống của ta? Cho ta?
Để trả lời, hãy xem xét từ Kinh
Sách. Bởi, Kinh thánh là Giao ước của Do Thái và người Công Giáo. Ta vẫn biết,
Lời Chúa thực sự là của ăn. Đích thật. Vì thế, ta cần hiểu biết Kinh thánh. Cần
gần gũi Lời Chúa cách mật thiết. Thánh Giêrônimô có nói:“Không biết Kinh Thánh, là chẳng biết Chúa.” Không biết Chúa, làm sao trở thành môn đệ của
Chúa, được?
Hội thánh vẫn nuôi dưỡng ta qua Giáo
xứ, cộng đoàn. Bằng vào phong trào/nhóm hội, ban ngành, ở giáo xứ. Tất cả, đều
giùm giúp hỗ trợ mỗi khi ta cần, hoặc thiếu thốn điều gì.
Cuối cùng thì, sách vở, phim ảnh,
truyền thanh/truyền hình, hoặc bất cứ ai, kinh nghiệm nào cũng đều có thể giúp
ta hiểu rõ ý nghĩa của sự sống. Hiểu, Chúa là Bánh Sự Sống. Hiểu ra các dấu chỉ
của Tiệc Lòng Mến. Hiểu rằng, đó là thời gian để ta biết mà cảm tạ Chúa. Cảm tạ
đặc biệt, vì Ngài vẫn hằng chăm nom/săn sóc mọi người chúng ta.
Thêm vào đó, khi sẻ san Bánh Sự Sống
nơi Tiệc Thánh, ta còn biết cảm tạ Chúa. Cảm tạ Ngài, vì bất cứ nơi đâu. Bất cứ
khi nào, Ngài cũng đều nuôi ta. Ngài nuôi ta, để rồi ta biết đường mà sẻ san
với người khác, với mọi người chung quanh.
Là Kitô hữu và là thành phần của
Thân Mình Chúa, ta còn là Bánh Sự Sống cho hết mọi người. Ta còn có trách nhiệm
giùm giúp hết mọi người. Trách nhiệm tập hợp mà dưỡng nuôi. Trách nhiệm hỗ trợ
và an ủi họ để họ có được cuộc sống đầy tràn. Ngõ hầu, kiến tạo sự vinh quang
của Chúa. Tiệc thánh ta cử hành, đều nói về Chúa, Đấng giúp ta trở nên lành và
thánh, là như thế.
No comments:
Post a Comment