Hôm qua tôi vừa đi cải mộ của người thân, hai ông bà lập gia đình ở miền
Bắc, năm 54 dắt dìu nhau vào Nam, biến cố 75 ập tời, hai ông bà lại dắt nhau
sang Hoa Kỳ, cuối đời ông bà tìm về và chết ở Việt Nam. Cái đường đi vằn vèo
gian truân nhưng lúc nào cũng có nhau, bên nhau cho đến chết. Bây giờ thì nghĩa
trang Bình Hưng Hòa không tiếp tục tồn tại nữa, hai ông bà lại về bên nhau
trong hai hũ tro, yên nghỉ trong Nhà Hài Cốt. Một cuộc đời đẹp, một “cặp đôi
hoàn hảo” đúng nghĩa.
Khi ông bà còn sống, nhất là khoảng thời gian vài năm khi trở về Việt
Nam trước khi thọ bệnh, tôi có nhiều dịp trò chuyện cùng hai ông bà, không hiểu
sao ông bà “mê tít” tôi, vì thế trước khi qua đời, bà cứ dặn con cháu là phải
mời tôi lo các sự sau hết cho bà, tôi chứ không phải một Linh Mục nào khác. Còn
ông thì tôi được “nghe tội” suốt thời gian nhiều năm ông đau liệt. “Chúng tôi”
thân nhau lắm. Điều quan trọng mà tôi khám phá ra là ông bà thuộc thế hệ bố mẹ
tôi và có cùng một tâm tình như bố mẹ tôi.
Thế hệ bố mẹ tôi từ Bắc vào Nam sống rất cơ cực,
chăm chỉ cần mẫn và tiết kiệm đến mức làm chúng tôi ngạc nhiên, những chuyện về
cách sống của ông bà nếu các cháu thế hệ sau biết được chắc không thể tưởng
tượng nổi, ngay chính tôi, khi “có trí khôn” cũng thấy bực bội và thường bày tỏ
“bất đồng chính kiến”, câu trả lời duy nhất mà ông bà thường nói như để kết
luận cuộc “tranh cãi”: “Các anh chị chưa sống những ngày ấy, các anh chị chưa
biết”.
Ngày ấy, cái ngày đại họa tràn vào đất nước này,
1945, năm Ất Dậu, hàng vạn, rồi tăng dần, lên đến hàng triệu người chết đói.
Đói chết, mà đang quá đói, đói quá lâu, khi tìm được một chút gì để ăn, thì ăn
vội ăn vàng, ăn ngấu ăn nghiến, ăn chưa kịp no đã lăn ra chết. Bố mẹ tôi kể,
sáng ra phải lo đi chôn người chết, họ đói quá dúi vào ụ rơm nhà mình mà chết !
Trong nhà có còn gì để ăn phải giấu, lộ ra họ sẵn sàng liều chết lao vào để
giật lấy mà ăn. Đi ra đường đâu cũng gặp người chết đói… Sau nạn đói là chiến
tranh, gia đình ly tán, cả ngày chỉ lo chạy giặc. Cái lo ăn sâu vào con người,
lúc nào cũng phải chuẩn bị để chạy, để đối phó, để cố gắng duy trì mạng sống.
Thế hệ chúng tôi bắt đầu thấm cảm giác đó vào những
năm cuối thập niên 70 sang thập niên 80. Ngày ấy, lại hai chữ “ngày ấy”, hơn 30
năm qua rồi, chúng tôi đói lắm, tuổi thanh niên lớn lên, đang “sức ăn sức
uống”, chúng tôi bước vào cơn đói của cả nước, anh em ở miền Bắc chắc quen rồi
nên không cảm thấy suy sụp như miền Nam chúng tôi.
Mỗi ngày chỉ có được một bữa ăn, bữa không ra bữa vì toàn độn mì độn
sắn, mà nào có ra mì ra sắn, khi rửa phải thật nhẹ tay kẻo nó tan ra nước hết,
cái thứ “củ” mì, “củ” sắn xanh xanh màu rêu mốc, mềm mềm ướt ướt rã rời. Cố
gắng ăn để duy trì sự sống, mà phải xếp hàng cả ngày để mua được thứ đặc sản,
“cao lương mỹ vị” ấy chứ đâu có dễ mà kiếm ra.
Tôi cao 1,7 mét, khi đó cân nặng 47 kg. hiện nay còn giữ được một tấm
hình khoác chiếc áo Dòng cho “bộ xương cách trí” vào năm 1980, ngay tôi bây giờ
khi xem hình cũng không nhận ra mình ngày ấy. Tôi giữ kỹ chiếc hình này và chợt
hiểu tại sao thế hệ bố mẹ mình không quên những ngày đau khổ cũ. Cái đói chắc
chắn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và thể xác, dễ hiểu khi thế hệ
chúng tôi và các lớp sau kế tiếp sức khỏe yếu kém hẳn đi, cố gắng chỉ được một
thời gian rồi bệnh tật xuất hiện rất sớm khi tuổi chưa vội già…
Cũng vẫn ruộng đồng đó, cũng vẫn những con người đó, thế mà chỉ thay đổi
cách nghĩ, thay đổi cách quản lý, từ một quốc gia nghèo đói, đói tưởng chừng
như có thể bị diệt chủng, tự dưng bây giờ sản xuất dư thừa, xuất khẩu gạo đứng
hàng nhất nhì thế giới ( dù kinh tế vẫn chẳng ra gì, phẩm chất còn tụt hậu thêm
nữa ).
Mấy ngày nay báo chí trong nước đăng tải một tin có liên quan đến kinh
tế, không chỉ kinh tế nhưng còn ảnh hưởng cả đến xã hội, nhân văn và con người
nữa. “Cởi trói cho dân” đó là tựa bài báo, trang nhất tờ Tuổi Trẻ số ra ngày
thứ hai 13 tháng 8 năm 2012. “Cởi trói” là chữ mà tác giả bài báo nói về quyết
định trả lại hàng ngàn hecta đất cho người nông dân để người dân có đất làm
nông nghiệp. Đã có một vài tỉnh thi hành quyết định này, đã có hàng ngàn hộ dân
vui mừng và biết chắc mình sẽ thoát nghèo, thoát đói, vì từ nay có ruộng để
cầy, có đất để cấy. Có đất có ruộng để cầy đế cấy nghĩa là sẽ có cái để mà ăn,
sẽ thoát nghèo, sẽ hết đói. Chuyện chỉ đơn giản như vậy nhưng người dân đã phải
chịu bị “trói” hàng mấy chục năm qua, dây trói mỗi ngày một xiết mạnh hơn vì
càng ngày người ta càng… gầy ốm hơn, càng thiếu đói hơn ! Chỉ cần thay đổi cách
nghĩ, cách làm, cách quản lý, sẽ không còn kẻ khát người đói, cả trên bình diện
quốc gia hay thế giới.
“Bánh của người nghèo,
chia cho bạn nghèo,
bánh của tình yêu, muôn đời vẫn
thiếu,
bánh Chúa bẻ ra qui tụ cả nhà,
bánh mang đi đường, trở về quê
hương…”
( Giờ Kinh Phụng Vụ )
Nguyên lý công bằng của Kitô giáo đòi mỗi người chúng ta có trách nhiệm
trong việc phân phối thực phẩm cho thế giới hôm nay, “bánh của người nghèo, chia cho bạn nghèo”, khi chúng ta phân phối
một cách hợp lý về thực phẩm chúng ta thực thi luật sống bác ái “bánh của tình yêu”, một quyết định
khẩn thiết và luôn thiếu thốn vì sự giới hạn yếu kém của con người “muôn đời vẫn thiếu”.
Chỉ khi chúng ta chọn Chúa làm mục đích, lấy Chúa làm nguyên lý sống,
đến với Chúa để tìm bánh Trường Sinh chúng ta mới có thể thực thi giới luật Yêu
Thương và không còn đói khát nữa “bánh
Chúa bẻ ra, qui tụ cả nhà, bánh ăn đi đường, trở về quê hương”. Khi đó
chúng ta mới có một quyết định đúng, sở hữu một cách quản lý đúng, để cái đói
cái khát không còn là mối đe dọa chúng ta nữa.
Hôm nay, Chúa nhật 20 Mùa Thường Niên B có Lời của Chúa mời gọi chúng
ta: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn
đời”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 19.8.2012
MỤC
LỤC TÌM BÀI:
No comments:
Post a Comment