Monday, 20 August 2012

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”


Suy niệm Chúa nhật thứ 21 thường niên năm B

“Ðời là chọn lựa, có khi nào vẹn nguyên”
Em khi nào tự hỏi?
ý niệm của bình yên?
(dẫn từ thơ Du Sĩ)
Ga 6: 60-69
            Chọn lựa ở đời, nguyên vẹn hay không vẹn nguyên, em đâu cần hội ý. Ý niệm về bình yên, Về hạnh phúc. Đó, mới là điều cả anh lẫn em, cần tìm hiểu. Tìm và hiểu, như Lời Chúa nói, để mà tin. Điều ta tin, là do Thần Khí Chúa mang đến, như trình thuật từng diễn tả.
            Trình thuật thánh Gio-an nay diễn lộ về một chọn lựa gai góc nhất đặt ra cho môn đệ. Chọn lựa gai góc, vì tương phản bối cảnh ở thôn làng She-chem, có nói ở cuối sách Giô-suê, bài đọc 1.  
            Giô-suê kêu gọi mọi người, từ kỳ mục/thủ lãnh, cho đến thẩm phán/ký lục, hãy chọn lựa. Chọn, phục vụ Gia-Vê Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa họ khỏi Ai Cập, để đến miền đất ổn định. Hoặc lựa, thừa nhận thần linh của người E-mô-ri, Do Thái từng chiếm đất. Chọn Gia-Vê Thiên Chúa, hầu lập Giao ước với Ngài. Giao ước, mà Môsê và tiên tổ từng xác chứng.
            “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”, ý nói: giống như Lời Ngài nói trước đây:“Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6: 53), lời này tỏ cho thấy: người nghe khi ấy, chỉ hiểu Lời, theo nghĩa đen.
            Lời hôm ấy, Chúa muốn ta đón nhận nguyên vẹn con người của Ngài, không e dè. Vô điều kiện. Đón nhận tất cả về Ngài, từ cuộc sống, đến tư tưởng lẫn giá trị cùng tầm nhìn cuộc đời, nay trở thành của riêng ta. Và trên hết, là đồng hoá với Ngài, qua hiến trọn Mình và Máu Ngài, ở thập giá. Biểu trưng cho tình yêu không nói nên lời, đối với ta.
            Nơi Tiệc thánh, ta biết mình kết hợp/hiệp thông, chấp nhận mọi thử thách. Nhất quyết nên một, với Ngài. Bởi, nếu chỉ để Ngài đến với ta thôi, vẫn chưa đủ. Mà còn phải bước vào hành trình, đến với Ngài. Và, ở cùng Ngài, nữa. Thành thử, khi thừa tác viên trao Bánh thánh và nói: Mình Thánh Chúa Kitô, ta thưa: “Amen”, tức: ta không chỉ tin rằng, quả là Ngài đang hiện diện với ta, mà thôi. Thưa  Amen” còn có nghĩa: ta quyết xả thân trọn vẹn cho Đức Chúa cho cộng đoàn tình thương mà ta là thành viên trong đó.
            Lời Chúa tiếp, thoạt nghe, ta cứ tưởng là lời vặn vẹo, khó hiểu. “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng ích gì.” Lời Chúa đây, là Thần Khí. Là, Lời đem sự sống. Bởi, khi nghe về Mình và Máu thánh của Ngài, là ta nghe bằng cơ phận xác thịt, bằng đôi tai. Và, chỉ khi nào ta nghe Lời Chúa bằng thần khí, khi ấy ta mới hiểu rõ ý nghĩa đích thực. Ý nghĩa ấy, là: Lời đã nên xác phàm, thịt và máu. Có như thế, ta mới nắm bắt được nhu cầu cần hiểu. Từ chốn thâm sâu, đầy ý nghĩa.
            Đồng hoá với Thần Khí Chúa bằng thị kiến, là cách để ta đưa Lời vào đời mình. Lời, mang tính thách thức. Và thách thức này, khi xưa, đồ đệ Chúa chưa sẵn sàng để đối đầu vì : “Trong anh em, có những kẻ không tin.” (Ga 6: 64)
            Bằng vào niềm tin vô điều kiện vào Đức Chúa, có thế ta mới thấu hiểu lý lẽ sâu sắc, nằm bên trong. Hiểu đích thị là Lời của Chúa. Việc này đòi ta phải mở rộng tâm trí, hầu sẵn sàng nhận lãnh ngay ở đó. Chứ không phải, là những gì ta muốn đặt vào ở đó. Đây, còn là quà tặng của chính Chúa: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến được với Thầy, nếu Cha không ban ơn ấy cho.” (Ga 6: 65)
            Ngõ hầu chứng minh điều Chúa nói là Sự thật, tác giả Tin Mừng thêm lời giải thích: “Chính vì thế, nên nhiều môn đệ đã rút lui. Không đi theo Ngài nữa.”(Ga 6: 66). Cụm từ “rút lui” đây, bày tỏ một nỗi buồn. Rút và lui, là về với cõi đời tăm tối, thuở trước. Rút và lui như thế, các vị không còn sẻ san sự sống, không còn san sẻ ánh sang mà Ngài toả rạng. Nỗi buồn không tên này, xảy đến với nhiều người và với bất cứ ai trong chúng ta ở đây, lúc này như đã từng xảy đến với Giu-đa. Xảy đến với cả Phêrô thánh nhân nữa.
            Cũng từ đó, Chúa hướng về nhóm Mười Hai, bằng những lời ra như thách đố:“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”(Ga 6: 67) Và khi ấy, thánh Phêrô đã đại diện cho mọi người, bèn đối đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi bỏ đi theo ai đây? Chỉ Thầy, mới có những Lời đem lại sự sống đời đời. Và chúng tôi những tin cùng nhận biết: Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6: 68)
            Đến với ai đây, có lẽ là thái độ của chúng ta, lúc sầu buồn, khốn khó. Lúc mà ta những muốn nói lời từ bỏ.  Muốn từ bỏ cả Hội thánh. Đó cũng là lúc mà ta có cảm nghiệm về những nghi nan, hết tin tưởng. Có thể là, ta cũng gặp tình trạng ấy. Cũng đau buồn, khốn khổ vì những lý do, tựa như:
-ít biết niềm tin của Kitô-hữa. Không rõ sứ điệp của Tin Mừng, nên cứ luẩn quẩn, loanh quanh.
-chứng kiến hành xử tiêu cực/tai tiếng từ các kẻ tin, như linh mục, thừa tác viên phục vụ Chúa.
-xung khắc/đố kỵ các tín hữu Công giáo, người Đạo Chúa.
-bị cuốn hút về với thế giới quyền uy, không thích nghi với tầm nhìn của người đi Đạo.
            -chọn gia nhập Đạo khác. Tôn giáo khác.

            Gặp cảnh trên, hãy cứ tin rằng: dù khó khăn hoặc có nghi vấn mấy đi nữa, ta vẫn không thể tìm ra con đường nào khác hay hơn đường Chúa dạy. Đường Chúa dạy, không vì tai tiếng của người đời, mà thành xấu. Nói tóm lại, ta vẫn nhận ra có khác biệt giữa thực chất của thị kiến sống động Chúa ban, với những gì bê tha/chộn rộn mà người theo Chúa đang làm trong lầm lẫn.
            Tin, không là điều được ban cho. Cũng không là mớ ý tưởng ta dính liền vào đó. Mà, là tương quan sống động với Đấng mình tin. Tương quan với thị kiến sống, của Ngài. Tương quan sống động cần tăng trưởng, khắc sâu với tháng ngày dài ta từng trải. Tương quan không ngừng được xác định qua cung cách ở thế giới, luôn đổi thay. Là người Công giáo thế kỷ 21, đòi hỏi ta có lối sống khác biệt với lối xử sự của những người sống vào thập niên năm mươi hoặc thập niên bẩy mươi.
            Bài đọc 2, cũng cho thấy điều đó, rõ như ban ngày. Ai cổ võ phong trào “phụ nữ đòi quyền sống”, hẳn sẽ không hài lòng với điều mà thánh Phaolô nói đến hôn nhân và về người vợ, ở đoạn trích. Thật ra, không thể bãi bỏ/đổi thay đoạn trích dẫn lá thư mang nhiều ý tưởng đẹp như thế. Nhưng, điều cần là xem xét Lời Chúa và những gì thánh nhân nói đến, vẫn phản ánh tư thế người tính hữu thuộc nam giới trong xã hội thời bấy giờ thôi.
            Song song với tương quan chồng vợ, là tương quan giữa Hội thánh và Đức Giêsu. Là những gì gói ghém trọn vẹn ý nghĩa của Lời Chúa. Có lẽ, ta thấy được cái khó của người vợ, cứ phải tùng phục chồng trong nhiều việc. Nhưng, đó là chuyện tùng phục của tình thương, chứ không phải là tùng phục của hệ cấp trên/dưới. Và, thánh nhân cũng đòi người chồng biết tùng phục, hệt như thế. “Hãy yêu thương vợ, như Đức Kitô yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì người mình yêu.” (Êp 5: 25)
            Là chồng, ta phải thương vợ “như yêu chính mình”. Tức, hai người tạo cùng mức độ chăm só người phối ngẫu, như chính mình. Đây, là khế ước hai chiều, hỗ tương,  quyết tâm và Sâu sắc. Tuyệt nhiên, ở đây không dành chỗ cho sự lấn át hoặc thống trị từ một  bên nào cả.
            Thái độ bỏ Chúa, bỏ Lời Chúa ở đây, là do người đọc hiểu trích đoạn theo nghĩa đen, nên dễ để mất mối tương quan, ta cần có. Bởi, Lời Chúa không thay đổi. Trong khi đó, cung cách người người chung sống, đã đổi thay theo cấp số lớn lao, tuỳ thuộc thế giới. Tức, đổi cả con người.
            Nhiều tín hữu đã vật lộn với tình cảnh khó khăn về niềm tin trong đời. Và khi việc “chẳng đặng đừng” xảy đến thì lại rất cần đến niềm tin vào Chúa hầu được trưởng thành. Trưởng thành qua nhiều giai đoạn cuộc đời. Mỗi giai đoạn, là lúc ta nhớ lại lời đáp trả của thánh Phêrô, khi xưa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai đây?” Cả khi nghi vấn, nhiều người vẫn nhận ra rằng, dù có bỏ qua Lời đề nghị của Chúa ở Tin Mừng để theo thị kiến khác thì đã chắc gì điều ấy sẽ tốt  hơn.
            Điều mình muốn và cần, để cuộc sống có ý nghĩa, nhiều khi không dễ gì thuyết phục được chính ta. Có lúc những điều bất ưng chợt đến như hãi sợ, giận hờn, phẫn uất. Vào những lúc đó, chỉ có tình thương yêu nồng nàn mới giúp ta trở về với con đường mình đã chọn. Đó là lúc, Lời Chúa lại về, rất ý nghĩa: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được THẤY Chúa.” (Mt 5: 7).
            Có nhiều thị kiến về sự sống, như: Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Do Thái giáo. Các tôn giáo ấy, cũng đưa con người lên tầm mức hiệp thông với Chúa. Nhưng, một khi ta thuận đi theo Chúa, chấp nhận thị kiến cùng Chúa, có Chúa thì  ta sẽ cứ thế mà theo cung cách tự mình đã thuyết phục.
             



No comments: