Đức Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Nghe rồi, nhiều
môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?"
( Ga 6, 54a . 60 ).
Đó là một tình
cảnh nghiêm trọng. Đức Giêsu ý thức về tính cách nghiêm trọng này, và Người đối
diện với tình cảnh ở điểm chính yếu của nó. Tác giả Tin Mừng viết: “Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn
đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm
chướng, không chấp nhận được ư ? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở
trước kia thì sao ?” ( cc. 61 – 62 ).
Sở dĩ một số môn đồ coi giáo huấn
của Đức Giêsu là điều chướng tai là vì họ hiểu cái chết của Người như là điểm
chấm hết và như là một sự thất bại. Họ chưa biết phẩm chất của sự sống mà Đức
Giêsu đang mang nơi mình và hứa sẽ ban cho họ nếu họ ăn thịt và uống máu Ngài.
Họ chỉ chờ đợi một sự chiến thắng thế tạm. Trái lại, Đức Giêsu muốn họ hiểu
rằng cái chết của Người không phải là dấu chấm hết. Chiều đi xuống của cái chết
bao hàm cuộc đi lên của sự sống.
Trong Ga 10, 17tt. Đức
Giêsu nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi,
là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai
lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng
sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." Cái
chết như vậy, là vinh quang của Ngài, bởi vì đó là cách diễn tả tuyệt hảo của
tinh yêu. Các môn đồ cảm thấy vấp phạm vì cuộc “đi xuống” của Đức Giêsu, tức là
vì cái chết của Người. Họ coi việc đồng hóa với Người trong cái chết ấy ( “ăn thịt và uống máu Người” ) là một đòi
hỏi không thể chấp nhận được. Họ không hiểu hiệu quả và chân trời sự sống đích
thực mà cái chết ấy mang lại.
Đức Giêsu nói tiếp: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt
chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” ( c. 63
). Đức Giêsu đặt đối lập lý tưởng Mêsia của Người với lý tưởng Mêsia của các đồ
đệ đã không chấp nhận đòi hỏi của Người. Thần Khí là sức mạnh của tình yêu do
Chúa Cha ban ( 15, 26 ). Ngài là chính Thiên Chúa ( 4, 24 ), Ngài là Sự Sống và
Ngài thông ban sự sống. Xác thịt thì trái lại. Đó là thực tại nhân loại không
có sức mạnh và không có tình yêu.
Lời của Đức
Giêsu là thần khí và là sự sống. Lời ấy đòi hỏi người ta hiến mình cho đến chết
như chính Người sẽ thực hiện trên thập giá mà việc tách biệt Mình và Máu là
hình ảnh diễn đạt. Chương trình mà Đức Giêsu đề nghị, và cũng là lệnh truyền
làm nền tảng cho cộng đoàn mới, chính là đồng hóa các môn đệ với Người trong
cái chết của Người. Việc “ăn thịt và uống máu Đức Giêsu” là sự thực hiện việc
đồng hóa ấy. Chính trong bí tích Thánh Thể mà các đồ đệ đón nhận Thần Khí và
diễn tả sự hiến mình của cộng đoàn và của các thành viên cho Thiên Chúa. “Xác
thịt” không thần khí, vì thế, còn có nghĩa là sự thuộc về cộng đoàn cũng như sự
tham dự vào tiệc Thánh Thể chỉ mang tính chất thuần túy bề ngoài, không bao hàm
sự hiến mình cho tình yêu đối với nhân loại. “Xác thịt” như thế chẳng có ích
gì.
Ngay trong lòng cộng đoàn các đồ đệ,
vẫn có thể có những xác thịt không có Thần Khí. Vì thế Đức Giêsu nói: “Trong anh em có những kẻ không tin” ( c.
64a ) Đó là những người chỉ theo Chúa
Giêsu hoàn toàn bề ngoài. Họ không mang lấy thần khí sự sống của Chúa Giêsu.
Tác giả Tin Mừng còn giải thích rõ thêm: “Quả
thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp
Người” ( c. 64b ) Đức Giêsu biết, ngay từ đầu, rằng có những kẻ không tin
và có kẻ nộp Người, bởi lẽ Người tôn trọng tự do của từng cá nhân. Sự tuyển
chọn của Người không giảm thiểu hay giới hạn sự tự do của mỗi môn đệ, cũng
không miễn trừ cho họ khỏi những thách đố. Sự tuyển chọn của Đức Giêsu sẽ được
ứng đáp tùy theo sự tự do của mỗi môn đệ.
Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa
Cha không ban ơn ấy cho." Đức Giêsu loan báo nguyên tắc này trong bốn
cách thức khác nhau: “Tất cả những người
Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi” ( 6, 37 ); “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi
kéo người ấy” ( 6, 44 ); “...Phàm ai
nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” ( 6, 45 ); “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến
với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. ( 6, 65 ).
Cả bốn kiểu nói
đều làm nổi bật hoạt động của Chúa Cha được mô tả như sự trao phó ( 6, 37 ), lôi kéo
( 6, 44 ), dạy dỗ ( 6, 45 ) và ban cho ( 6, 65 ). Các hành động này có
điểm đến là Chúa Giêsu và có đối tượng là con người. Kẻ nào đóng kín mình lại
trước hoạt động của Thần Khí bằng cách cứ ở lại trong xác thịt, thì sẽ từ chối
những ân huệ và hoạt động của Chúa Cha, và vì vậy, sẽ không thể đến với Chúa
Giêsu. Đó chính là trường hợp của những môn đệ rút lui không còn đi với Đức
Giêsu nữa ( c. 66 ).
“Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn
bỏ đi hay sao ?"
( c. 67 ). Trong hoàn cảnh đau buồn, Đức Giêsu ngỏ lời với Nhóm Mười Hai và hỏi
họ về chọn lựa của họ. Câu hỏi của Đức Giêsu chắc chắn đã gây phản ứng nơi Nhóm
Mười Hai. Đại diện cho anh em, “Ông Simôn
Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy
mới có những lời đem lại sự sống đời đời” ( c. 68 ). Nhóm Mười Hai hiểu
rằng ngoài Đức Giêsu, không có niềm hy vọng. Không có Người, sẽ chỉ có thất bại
mà thôi.
Đáng chú ý là
theo quan điểm của Nhóm Mười Hai mà ông Phêrô đang trình bày, thì không phải
giáo thuyết của Đức Giêsu, hiểu theo nghĩa là một thực tại độc lập với con
người của Ngài, là yếu tố đem lại sự sống. Chính bản thân Ngài là Sự Sống và là
nguồn Sự Sống. Nhóm Mười Hai không dấn thân theo một hệ thống lý thuyết, mà là
gắn bó đời mình với Đấng có lời ban Sự Sống.
Tiếp tục vai trò phát ngôn viên của
cả nhóm, ông Phêrô nói tiếp: “Phần chúng
con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên
Chúa" ( c. 69 ). Chúng ta gặp ở đây hai động từ “tin” và “nhận biết”.
Đối tượng của cả hai là Đức Giêsu – Đấng Thánh của Thiên Chúa,
Đức Giêsu được thánh hiến bằng Thánh
Thần ( 1, 32 ) mà Thiên Chúa đã niêm ấn nơi Người ( 6, 27 ). Bởi vì dầu hiến
thánh Đức Giêsu là chính Thánh Thần, nên Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng
Thiên Chúa tuyển chọn, như ông Gioan đã công bố ( 1, 34 ). Người là sự hiện
diện của Thiên Chúa giữa thế gian. Người hoàn toàn sống nhờ Chúa Cha ( 6, 57 )
và thực hiện chương trình của Người ( 4, 34; 5, 30; 6, 38; 13, 3; 17, 18t ).
Gợi ý suy niệm:
1. Sở dĩ một số môn đồ coi giáo huấn của Đức Giêsu là điều
chướng tai là vì họ hiểu cái chết của Người như là điểm chấm hết và như là một
sự thất bại. Họ chưa biết phẩm chất của sự sống mà Đức Giêsu đang mang nơi mình
và hứa sẽ ban cho họ nếu họ ăn thịt và uống máu Ngài. Họ chỉ chờ đợi một sự
chiến thắng thế tạm.
2. “Xác thịt” không thần khí có thể chỉ sự thuộc về cộng đoàn
và tham dự vào tiệc Thánh Thể nhưng hoàn toàn mang tính chất bề ngoài, không
bao hàm sự hiến mình cho tình yêu đối với nhân loại. “Xác thịt” như thế chẳng
có ích gì.
3. Ai đóng kín mình lại trước hoạt động của Thần Khí bằng
cách cứ ở lại trong xác thịt, thì sẽ từ chối những ân huệ và hoạt động của Chúa
Cha, và vì vậy, sẽ không thể đến với Chúa Giêsu.
4. Chính bản thân Đức Giêsu là Sự Sống và là nguồn Sự Sống. Nhóm
Mười Hai không dấn thân theo một hệ thống lý thuyết, mà là gắn bó đời mình với
Đấng có lời ban sự sống.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment