Thursday, 16 August 2012


Lm Richard Leonard sj: Quà tặng có một không hai
Hồi đầu thập niên bẩy mươi, một trong các ấn bản của nhà sách Readers Digest thời bấy giờ đã thuật lại sự kiện về chiếc phản lực cơ lâm nạn rơi xuống vùng núi Andes, chỉ một ít người còn sống và họ phải ăn thịt lẫn nhau để tồn tại. Trong buổi thảo luận về khía cạnh luân lý đặt ra với hiện tượng “khác thường này, các nhà thần học đã bàn về tư thế của Giáo hội bên sau hiện tượng ‘người ăn thịt người, để sống còn’. Câu hỏi mà tác giả bài viết lúc ấy đưa ra, là: Giáo hội quan niệm thế nào về luân thường đạo lý khi gặp trường hợp ‘người ăn thịt người’?
Dù có ai đưa ra luận cứ vững chắc nào để bênh vực cho tục ‘ăn thịt người để sống sốt’, thì cảnh tượng đứng đứng ngồi ngồi gắp từng miếng thịt của người đồng hành, đưa lên miệng, cũng đủ khiến ta lợm giọng, rất ghê tởm. Cũng như vậy, khi ta rước Mình Máu Cha, người ngoài Đạo có thể nghĩ và gán cho ta mũ chụp là “tội đồ, mọi rợ chuyên ăn thịt người khác”. Tức, tội đồ đi Đạo dám ăn cả thịt và uống cả máu Đức Chúa của mình. Có lẽ, người ngoài Đạo cũng cho rằng: ta còn mừng kính việc ăn Mình và Máu Đức Giê-su, là ta còn mang tiếng trở thành kẻ ‘ăn thịt người’. Truyền thống Giáo hội xưa nay vẫn luôn thận trọng khi sử dụng ngôn từ chỉ việc Đức Giê-su hiện diện nơi Thánh Thể.
Dẫu có thế nào đi nữa, dứt khoát ta vẫn không phải là ‘kẻ ăn thịt người’. Trăm ngàn lần như thế. Bởi, có bao giờ ta ăn tim gan, phèo phổi hoặc xương, óc của Đức Chúa, bao giờ đâu. Giáo lý trong Đạo, tuy đề cập đến sự hiện diện đích thực, bằng xương bằng thịt, của Đức Chúa nơi Thánh Thể, rất thật. Nhưng, ta có qui về Đức Giê-su đâu! Tín lý trong Đạo chỉ nói về Đức Kitô, Đấng đã hiến trọn con người của Ngài cho ta. Điều ấy có thật. Nhưng, Ngài muốn ta ăn thịt Ngài như cơm bánh hằng sống, thức ăn miên trường chủ yếu tháp nhập con người của ta vào với bản thể của Ngài. Hiển nhiên là như thế. Ở đây, sự phân biệt danh phận và tên gọi của Đức Chúa là điều rất cần. Thánh Thể là Bí tích thánh thiêng về mầu nhiệm Phục sinh. Khi cử hành Tiệc Thánh Thể, ta vinh danh Đức Kitô đã sống lại, và hiện Ngài đang thực sự có mặt với ta, ở trong ta. Đây là sự có mặt trọn vẹn dưới dạng thức bánh và rượu. Hai chất thể phàm tục đã trở thành Mình thánh và Máu thánh của Ngài trong buổi Tiệc của Lòng Mến.
Truyền thống đạo giáo vẫn công khai tuyên xưng đặc tính chất loại của Mình Thánh. Như thế, không có nghĩa là đã giúp ta suy tư đầy cảm tính. Là Công giáo, ta tin Đức Kitô được Đức Chúa cất nhắc khỏi sự chết. Và, Ngài đã sống lại. Ngài sống lại thật. Và, Ngài đang thực sự hiện diện với ta, bằng xương bằng thịt, ở đây, trong Tiệc Lòng Mến này. Thế còn, vấn đề ý nghĩa ‘quà tặng’ của Thánh Thể, thì sao? Nói cụ thể, chương 6 Tin Mừng thánh Gio-an là thiên nghị luận bàn nhiều về Thánh Thể. Đằng khác, cũng trong chương này, thiên nghị luận của thánh sử là để đề cao sự thống khổ, cái chết của Đức Giê-su và sứ mạng của ta biết noi theo con đường Ngài đã đi. Đức Giê-su, trong cương vị một Môsê mới, không chỉ ban tặng cơm bánh hằng sống cho con người, mà thôi. Ngài còn trao ban chính Thân mình của Ngài, qua sự thống khổ, cái chết và sự sống lại vinh hiển, nữa. Chính vì lý do này, Hội thánh Cha vẫn nối kết sự kiện Vượt Qua với việc cử hành Tiệc Thánh Thể. Đây là Tiệc của Lòng Mến, nơi đó ta ăn mừng và tôn kính Thân Mình rất thánh của Đức Chúa.
            Vấn đề đặt thêm hôm nay, là: tại sao ta lại được trao ban cho quà tặng có một không hai ấy? Tiệc Thân Mình rất thánh của Đức Chúa không mang dáng dấp của một lễ hội dành cho một nhóm người nào đó, rất ưu đãi. Đây cũng không phải là việc sùng kính riêng tư, rất trầm buốn. Đây chẳng có nghĩa của một thứ gì đó nhằm đảm bảo cho ta ơn cứu rỗi riêng lẻ, của từng người. Tiệc Thánh Thể mang ý nghĩa đích thực là ở chỗ: tiệc ta nhận lãnh Thân Mình Đức Chúa để bổ sức giúp cho kẻ tin vào Đức Kitô biết dấn bước ra đi, theo con đường khổ hạnh của Ngài. Ra đi, để biến đổi thế giới đương đại. Ra đi, luôn mang theo tình thương yêu dâng trào và sự công chính Chúa ban. Vì Đức Kitô. Nhân Danh Đức Kitô. Cho Đức Kitô. Hội thánh, người của Đức Chúa, vẫn luôn nối kết những gì ta sẽ hành động sau tiệc Thánh Thể với những gì ta cử hành việc ăn uống trong buổi Tiệc mừng. Điều này có nghĩa, là: người dự tiệc sẽ hối hả ra đi chăm lo nuôi sống những người đang đói thức ăn. Đang thiếu nước uống, trên thế giới. Điều này còn có nghĩa: đa số chúng ta quyết giúp đỡ các người anh người chị khác, những nhóm người vẫn thực hiện công tác thiện nguyện, rất âm thầm. Điều này cũng có nghĩa, là: khi nghĩ đến các ứng viên ta sẽ bầu làm lãnh đạo hay thủ trưởng, ta buộc họ phải bận tâm lo toan cho nhiều người đau khổ, phiền muộn tại xứ sở, địa phương, và cả ở xã hội.
            Trước đây, cố bề trên tổng quyền Dòng Tên, linh mục Pedro Arupe đã có lần bộc bạch rằng: Bao lâu, ở đâu đó trên thế giới, còn có người đói thức ăn, thèm khát nước uống, thì việc cử hành tiệc Thánh Thể của ta ở bất cứ nơi nào trên quả đất này, vẫn như còn thiếu thứ gì đó, theo một cách nào đó. Bởi, đôi lúc, ta vẫn cứ ảo tưởng cho rằng: Tiệc Thánh Thể có phép mầu thần thông của một ảo thuật gia, biến đổi được tất cả. Đấy cũng là điểm nhấn mà Giê-su Đức Chúa đặt nặng trong Tin Mừng hôm nay, khi quả quyết: Ngài tặng ban Thân Mình Ngài cho sự sống của thế giới, đang tồn tại. Tiệc Thánh không biến ta thành những tay “tội đồ” ăn thịt người. Dứt khoát, không phải thế. Ngàn lần không. Không là như thế. Tiệc Thánh còn có nghĩa thực tế, là: biến ta trở nên triệt để hơn. Triệt để, trong quyết tâm tiếp tục hiên ngang tồn tại làm con dân của Đức Chúa. Tồn tại khắp nơi, trên địa cầu này.

No comments: