NUỚC TRỜI SẼ ĐẾN
Nhiều lần Chúa Yêsu rao giảng Nước Thiên Chúa sẽ đến, giảng về tận thế. Cũng như các tiên tri, Ngài cũng dạy rằng biến cố đó được thực hiện trong sự phán xét. Về văn thì lời rao giảng của Ngài có nhiều thể văn về vấn đề này:
Những đoạn theo thể văn khải huyền: có khi là những châm ngôn đơn độc (Mt 7: 2, 22; 10: 28. 2t) về phán xét), về Con Người sẽ đến (Mc 3: 38; 14: 62; Mt 9: 28). Có những lời khác được diễn giải dài hơn như bức hoạ về việc phán xét trên những việc thương người (Mt 25: 31-46), hay diễn từ về “Ngày của Con Người” (Lc 17: 22-37). Nhưng đoạn văn đầy đủ và đặc sắc nhất về loại văn này là “diễn từ chung luận” (Mc 13: 5-27 / Mt 24: 4-31 / Lc 21: 8-28): một diễn từ căn bản, trong đó mỗi thánh sử chắp nối thêm những lời dạy của Chúa Yêsu về vấn đề). Đoạn văn này tối nghĩa, chúng ta phải hiểu bằng cách đối chiếu với những kiểu trình bày tương tợ như vậy trong những sách khải huyền Do thái có trước hay đồng thời (Mc 13: 7. 14. 19 trưng sách Daniel). Cũng như các sách khải huyền khác, Chúa Yêsu trình bày những giai đoạn cuối cùng của lịch sử dân Chúa: cấm cách bắt bớ lên đến cực điểm trong ngày Quỉ vương xuất hiện (văn bản có nói đến “ghê tở hoang tàn” Mc 13: 14… tức là một kiểu nói của Daniel 9: 7; 11: 31; 12: 11 ám chỉ đến việc đền thờ Yêrusalem bị Antiôkô IV Epiphanê làm ra ô uế (-167), biến cố đã nên điển hình cho những tai ương cánh chung. Trong Mc 13: 14, tiếng đó đã được dùng lại để chỉ phản Kitô, giống như 2Th 2: 4, cùng với những Kitô giả, những tiên tri giả với phép lạ giả, rồi sau cùng việc Quang lâm của Người đến để dẫn những kẻ thuộc về Ngài vào vinh quang của Ngài.
Các ví dụ thường cũng trình bày một giáo huấn đó dưới hình thức ngụ ý bóng bảy, và cốt để kéo lấy một bài học. Đó là những ví dụ nói đến mùa màng hái gặt (Mc 4: 26-29), phân tách cỏ lùng và lúa tốt (Mc 13: 24-30); lưới thả xuống bắt đủ thứ cá (Mt 13: 47-50), việc trả công cuối ngày (Mt 20: 8-15); việc trả lẽ trước mặt chủ (Mt 25: 14-30; 18: 22-35; Lc 16: 1-9); những ví dụ dạy phải tỉnh thức (Mt 24: 41t; Mc 13: 34-36; Mt 24: 45-51; Mt 25: 1-13…)
Ý tưởng của Chúa Yêsu: Trong những chương Khải huyền, Chúa Yêsu cho thấy trần gian hiện bị xâu xé trong một xung đột lớn lao: công v iệc của Thiên Chúa phải đuơng đầu với những mãnh lực sự dữ; cuộc thử thách rất lờn lao, khó nhọc; các môn đồ cũng bị ngăm đe: họ phải bạo dạn đón nhận lấy bắt bớ cấm cách, và cả chết nữa, tất cả sức mạnh của họ là nơi lòng trông cậy, và vì thế Chúa Yêsu cho họ mường tượng thấy cuộc toàn thắng cuối cùng; Ngài sẽ đến lại, và sẽ thu họp lại vào trong Nước của Ngài. Và như vậy Ngài cho những kẻ thuộc về Ngài thấy cái hướng của lịch sử, nhất là ý nghĩa của những sự thử thách họ phải đương đầu. Nhưng Ngài từ chối không nói trước cho họ biết về tương lai (những lời tả sơ lược về tương lai hoàn toàn dựa trên những thành ngữ khuôn sáo sẵn có của tiên tri hay văn khải huyền Do thái); tuyệt nhiên Ngài không nói đến Ngày nào Ngài sẽ đến lại: Mc 13: 32; đàng khác, điều Ngài dạy về Hội thánh cho thấy là tận thế không thể ngay bên cạnh sườn.
Còn các ví dụ của Chúa Yêsu về Nước Thiên Chúa làm cho giáo huấn đó được đầy đủ hơn. Cũng như những ví dụ của các rabbi, các ví dụ này ngắm đến cách sống, cách xử sự của những kẻ thuộc về Chúa Yêsu trong sinh hoạt thường ngày, nhất là đến chủ đề thưởng phạt. Những nghĩa vụ Chúa Yêsu nhấn đến là yêu thương nhau: lo lắng đến kẻ “nhỏ”, cấm đoán xét người khác, tha thứ cho nhau…; ví dụ nén vàng cho biết phải dùng những ơn huệ Thiên Chúa thế nào; những ví dụ tỉnh thức đòi phải gấp rút dấn mình một cách cụ thể, ngày hôm nay. Chủ đề thưởng phạt nhấn mạnh không được làm khuất nhỡn giới căn bản: ơn cứu rỗi là Nước, là ơn công cộng Thiên Chúa ban cho dân của Người; ơn đó đòi nỗ lực của người ta, nhưng nỗ lực đó chỉ là đáp ứng với một lời kêu gọi, một lời dạm ban bởi lòng từ hậu của Thiên Chúa: ơn cứu rỗi bao giờ cũng là một ơn huệ.
(còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)
No comments:
Post a Comment