Tuesday, 20 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #36:

Con phải phản đối với điều mà con cho là một sự mâu thuẫn trực tiếp với giáo huấn Công Giáo qua các thời đại về vai trò của Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu độ. Diễn giải của cha về đoạn Sáng Thế 3:15 là bà E-và (và dòng giống của bà, chứ không phải của Đức Ma-ri-a) là người sẽ đánh vào đầu con rắn thì thật làm cho con bị choáng – những điều hệ lụy đó thật làm cho đầu óc con hoang mang.

Và cha cũng nên biết rằng các văn bản của thánh Simon de Montfort về Đức Ma-ri-a đã được chính thức chấp nhận là giáo huấn của Giáo Hội. Sau hết, con rất lấy làm phiền lòng vì những nhận xét ngạo mạn của cha khi nghi ngờ tính thánh thiện của thánh nhân.

Câu đáp:

Câu đáp của tôi về việc diễn giải đoạn Sáng Thế 3:15 không có điều gì gây nghi vấn cho giáo huấn Công Giáo về vai trò của Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Có nhiều đoạn Tân Ước (chẳng hạn như, các đoạn Lu-ca 1:26-38; Gio-an 2:1-11; 19:25-27) cung cấp bằng chứng vững chãi nhất về vai trò quan trọng của Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng niềm tin tưởng này không thể biện minh cho việc chúng ta gán ghép cho các đoạn như đoạn Sáng Thế 3:15 những ý nghĩa không có trong những đoạn đó.

Toàn bộ chương hai và chương ba trong Sáng Thế Ký là nói về ông A-đam và bà E-và. Bà E-và là người phụ nữ duy nhất được đề cập tới trong các chương này. Đó sẽ là điều đi ngược lại với tất cả những quy luật lý luận và những suy luận thường tình nếu như tác giả thánh kinh, người đã viết thánh kinh vào thời kỳ nhiều thế kỷ trước thời của Đức Ki-tô, lại bỗng nhiên chuyển hướng – mà không cảnh báo chi cả – và đặt một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn cho thuật ngữ “người nữ” bằng cách áp dụng thuật ngữ đó vào Đức Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su.

Đúng là trong một số văn kiện của Giáo Hội văn bản trong đoạn thánh kinh này đã được áp dụng vào Đức Ma-ri-a. Đây là việc sử dụng Thánh Kinh theo ý nghĩa “thích ứng” (accommodated sense), do bởi sự thích hợp hay tương ứng nào đó của văn bản đối với một người khác hay sự việc khác. Trong trường hợp này sự áp dụng đã được dùng cho Đức Ma-ri-a, bởi vì đó là điều thích hợp khi xem bà là “bà E-và mới”, nghĩa là, bà là mẹ của tất cả các tín hữu, Mẹ của Giáo Hội.

Nhưng ý nghĩa văn tự chính yếu trong đoạn Sáng Thế 3:15 là về người nữ đầu tiên, và chỉ riêng người nữ đó mà thôi. Nếu kết luận gì khác đi thì sẽ là thách đố với tất cả những quy luật căn bản của khoa bình luận chú giải thánh kinh.

Mà câu đáp của tôi cũng không chứa đựng bất cứ điều “nhận xét ngạo mạn” gì về tính “khả dĩ thánh thiện” của ông Simon de Montfort (sic). Các từ ngữ của tôi không ám chỉ những điều đó chi cả.

Một cách ngẫu nhiên, bạn đã nhầm lẫn về hai ông có cùng họ de Montfort. Simon de Montfort là một quân nhân và là một chính khách người Anh vào thời thế kỷ thứ 13; ông là một nhân vật quan trọng trong lịch sử chính trị của thời kỳ đó. Ông là em rể của Quốc Vương Henry Đệ Tam của Anh Quốc.

Còn ông de Montfort đang được bàn luận là một linh mục người Pháp, là người đã sống vào những năm 1673 đến 1716, và được phong thánh vào năm 1947.

Tên ông là Louis Marie Grignion de Montfort, thường được biết trong vai trò tác giả của quyển sách tâm linh cổ điển “Lòng Sùng Bái Thật Sự Đối Với Đức Nữ Đồng Trinh Diễm Phúc”.

Về tính thánh thiện của thánh Louis de Montfort thì không có gì nghi vấn cả. Điều mà tôi đặt nghi vấn không phải là sự thánh thiện của thánh nhân, mà là cách diễn giải của thánh nhân về một đoạn văn bản thánh kinh – hai điều này khó có thể được xem là giống nhau. Ít nhất thì, giá trị của luận điểm của thánh Louies de Montfort chắc chắn là không đứng vững hay sụp đổ dựa theo ý nghĩa của đoạn Sáng Thế 3:15.

Tôi lặp lại một lần nữa rằng ý nghĩa chính yếu của đoạn thánh kinh đó là những quyền lực của tà thần sẽ tiếp tục công việc cám dỗ loài người trong suốt lịch sử nhân loại. Trong Tân Ước không có điều chi chứng tỏ rằng đoạn Sáng Thế đó đã được Giáo Hội thời các Tông Đồ diễn giải là có nói về Đức Ki-tô và Đức Ma-ri-a.

Chỉ về sau này trong lịch sử Ki-tô Giáo thì sự áp dụng đó mới xuất hiện, và – như tôi đã giải thích ở đoạn trước – đây là việc sử dụng đoạn Sáng Thế đó theo một ý nghĩa “thích ứng”, chứ không phải là việc rút tỉa từ đoạn đó cái ý nghĩa mà tác giả muốn diễn đạt.

No comments: