Câu hỏi #35:
Vậy điều này có nghĩa là các tác giả của bộ Jerome Biblical Commentary là được soi sáng linh hứng nhiều hơn thánh Louis de Montfort hay sao? Con vẫn luôn được dạy là đoạn Sáng Thế 3:15 là nói về Đức Ma-ri-a.
Câu đáp:
Bộ Jerome Biblical Commentary là một bộ chú giải khổng lồ về từng quyển sách, từng chương, từng đoạn trong Thánh Kinh, và được xuất bản lần đầu vào năm 1968. Bộ chú giải này bao gồm hầu như tất cả những học giả nghiên cứu Thánh Kinh ưu tú bậc nhất vào thời đó.
Tôi không tin rằng các vị chủ biên hay tác giả của bộ chú giải này đã được linh hứng bởi Đức Chúa Thánh Thần khi họ viết những lời chú giải đó, nghĩa là, theo nghĩa Thiên Chúa đã trực tiếp soi sáng cho họ biết về ý nghĩa của các đoạn thánh kinh.
Mà tôi cũng không có bất cứ lý do gì để tin là thánh Louis de Montfort đã được Thiên Chúa linh hứng như vậy. Do đó đây không phải là vấn đề có sự linh hứng thánh thiêng hay không, mà là vấn đề về kiến thức và sự tinh thông của loài người trong việc diễn giải Thánh Kinh.
Kể từ thời đại của thánh Louis de Montfort, (1673-1716), nhiều tiến bộ vượt bực đã được đạt tới trong ngành khoa học diễn giải thánh kinh, tương tự như tất cả những ngành khoa học khác.
Điều này càng đặc biệt đúng vào thế kỷ vừa qua. Sự gia tăng nhanh chóng về kiến thức trong những lãnh vực như ngành khảo cổ, ngành bình luận văn học và lịch sử đã dẫn đến một sự hiểu biết rõ ràng hơn về lịch sử của những dân tộc sống vào thời cổ đại.
Cũng trong thế kỷ vừa qua, người ta đã càng hiểu nhiều hơn về những ngôn ngữ mà người thời xưa đã sử dụng. Những ngôn ngữ này bao gồm tiếng Do-thái cổ, là ngôn ngữ nguyên thủy mà bộ Cựu Ước, kể cả quyển Sáng Thế Ký, đã được viết ra.
Kết quả là, những bản dịch Thánh Kinh hiện đại thì nói chung là chính xác hơn và đáng tin cậy hơn những bản dịch từ thời thế kỷ 16 và 17.
Nói như thế không có nghĩa là chỉ trích các học giả thánh kinh và các tác giả sách tâm linh của những thế kỷ trước.
Kiến thức và kỹ thuật mà các học giả thánh kinh thời nay có trong tay để sử dụng trong việc diễn giải Thánh Kinh thì những đồng nghiệp của họ thời xưa đơn giản là không có.
Câu trả lời của tôi về sự diễn giải đúng đắn đoạn Sáng Thế 3:15 không chối bỏ, hay hạ giá vai trò của Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vai trò của Đức Ma-ri-a không tùy thuộc vào việc chúng ta diễn giải đoạn Sáng Thế 3:15 như thế nào.
Nếu có đi chăng nữa, thì các học giả thánh kinh đương thời xác nhận và đặt vai trò quan trọng mà Đức Ma-ri-a đã đóng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa lên một nền tảng còn vững chắc hơn xưa.
mh September 2011
No comments:
Post a Comment