Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm A
“Ta sẽ thở, bằng trầm hương của gió”
lắng nghe xa, chân thú bước mơ hồ
núi muôn năm, còn ở đó thẫn thờ
rừng vẫn rộng, tay mời ta trở lại.
(dẫn từ thơ Du Tử Lê)
Mt 21: 28-32
Vẫn hít thở, bằng hương trầm của gió. Vẫn lắng nghe, bước chân mòn của muôn thú mơ hồ, nhà thơ bèn gọi mọi người trở lại, với thiên nhiên. Thế còn nhà Đạo thì sao? Vẫn đọng lắng tâm tư, nghe kể truyện dụ ngôn, về người Cha mời hai con đi làm vườn, đấy chứ?
Dụ ngôn hôm nay, dưới mắt thượng tế/kinh sư, khẳng định Chúa đưa ra về người phạm lỗi vào Nước Trời trước các đấng bậc, gây nhiều giận dữ. Giận và dữ, là bởi các “đấng bậc” của ta không chú tâm đến lời tiên tri Ezêkien, ở bài đọc.
Bài đọc 1, tiên tri Êzêkien từng nói như Đức Chúa, ở Tân Ước: “Khi ác nhân bỏ điều ác nó đã làm, mà trở lại, cùng làm điều phải, sự thiện, nó đã cứu sống mạng nó. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn sẽ sống, không phải chết.” (Ez 18: 26). Điều này áp dụng cho mọi người, không riêng kẻ có lỗi.
Với bối cảnh thời trước, Đức Giê-su áp dụng truyện kể, trước nhất cho những người đang nghe Ngài. Những người, đi theo vết chân của tiên tổ, vẫn có truyền thống tuân giữ Luật của Chúa. Nhưng nay, khi diện kiến với Gio-an Tẩy Giả, và Đức Kitô, Con Thiên Chúa, họ vẫn dửng dưng, chối từ. Trong khi đó, người-ở-ngoài xưa nay thờ ngẫu-thần nhiều thế kỷ, nay quay về mở rộng lòng, chào đón lời dạy và quyền uy của Đức Chúa. Đây là trọng tâm, của mọi việc. Và điều này, áp dụng cho mọi người, cả hôm nay.
Dụ ngôn hôm nay, đưa ra hai yếu tố thật rõ nét, quan trọng. Một mặt, ta không thể tự mãn về tương quan ta có, với Chúa. Bởi, bất cứ lúc nào, và ai cũng có thể rơi vào tình trạng quên đi quyết tâm mình đã có, với Chúa. Với Tin Mừng. Dù, Chúa chẳng nề hà. Ngài vẫn chấp nhận sơ xuất, từ phía dân con. Và, khi ta bền bỉ nối kết - hiệp thông, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng, khi ta đã xa rời, từ bỏ Chúa, Ngài vẫn chấp nhận. Vẫn đợi chờ, ta/ người con hồi hướng quay về. Quay về, dù có người đã “chết trong lỗi phạm”.
Mặt khác, dù xa rời Đức Chúa, hoặc bỏ bê Tin Mừng; dù trong tâm trạng khốn khổ thế nào đi nữa, vẫn không nên nghĩ là quá trễ. Hãy cứ quay về. Bởi, khi ấy, vòng tay ôm của Cha Nhân Hiền, vẫn ân cần rộng mở. Cha chẳng hề cật vấn: “sao, con lại làm thế?”. Thế đó, là ý nghĩa của dụ ngôn “chiên lạc” và “người con đi hoang.” Thế đó, là lý do Thầy cứ hỏi mãi: “Phê-rô, con có thương Thầy, không?”, những ba lần. Dù, Thầy biết chắc đồ đệ sẽ chối bỏ Ngài đến ba lần, Thầy dẫu biết, vẫn cứ trao ban trọng trách “Hãy dẫn dắt chiên đàn Hội thánh”.
Xem như thế, thì gặp những điều không vừa ý xảy đến thì có là trừng phạt dành cho người phạm lỗi?. Ta có giống như nhiều người cứ cho rằng: vẫn có đó, nhiều trừng phạt?. Ở đây phải hiểu là trừng phạt là do chính người phạm lỗi tự xử. Tự xử bằng hình phạt, vốn sẽ lún dần trong tội lỗi, như tiên tri gọi: “Hỡi nhà Israel, nghe đây: phải chăng đường lối của Ta, không chỉnh?” (Ez 18: 25). Cũng thế, không phải là hiếm khi nghe nhiều người vẫn than vãn: Chúa thật bất công, với tôi? Và nay phải khẳng định là: người tốt lành, khi để mất tính chính trực mình vốn có, sẽ làm điều ác độc/tự huỷ, trong tội lỗi. Đó, là kết quả của những ác độc, tự gây nên.
Lỗi phạm đây, là việc chối bỏ và quay lưng lại Đấng Nhân Hiền vẫn thương mình. Lỗi phạm đây, đưa dẫn họ về với hình phạt do chính mình làm. Và như thế, người phạm lỗi sẽ lún sâu trong ghen tức, với bạo lực. Trong giận dữ, với tương tàn. Trong nhỏ mọn, và tự tôn. Và như thế, họ sẽ đi dần vào chốn cô đơn, ly cách. Để rồi, sẽ càng phẫn nộ, hiềm khích. Càng tự chuốc lấy cho mình mọi trầm thống. Rất suy sụp. Trên thực tế, Đức Chúa không trừng phạt ai cả. Việc ấy là do ta tự tạo. Do ta tự đi sâu vào chốn lỗi lầm. Tạo vết thâm trầm, càng khó chữa.
Thêm vào đó, cũng nên tự hỏi: tội, do đâu mà đến? Lỗi phạm, là gì? Câu trả lời sẽ là: tội, không là hành động vi phạm luật pháp, hoặc các qui định, do người khác đặt. Và, là phản chống bản chất tự nhiên, của chính mình.
Sai phạm, là hành vi sai trái, nghịch chống lại giới răn. Và, giới răn là những gì? Do ai đặt? Có là tội, nếu chỉ bỏ lễ Chủ nhật? Nhưng sao gọi việc đó là tội? Tội ở đâu? Chỗ nào? Thế thì, hành xử bạo lực, trộm cắp, dối gian, tham lam, bủn xỉn, có là tội không? Sao không phải là tội? Là tội, có phải vì Giáo hội bảo thế? Hoặc, vị linh mục ngồi toà, nói như vậy? Là tội, vì trong kinh sách, có liệt kê?
Điều cần khẳng định ở đây, là tội, chỉ vì đó là điều xấu xa, độc ác. Lỗi phạm, bởi vì hành vi đó chối-từ tình-yêu. Là, phản chống Đức Chúa. Nghịch cả nhân cách, lẽ phải và sự công chính, đối với người khác. Là tội, không chỉ vì những việc mà người Công giáo không được phép làm; mà, bất cứ một ai cũng không nên làm như thế. Thiên Chúa, Sự Thật và Tình Thương Yêu không thuộc của riêng một tôn giáo nào cả. Và chỉ là tội, vì việc ấy đã vi phạm tương quan ta cần có, với Đức Chúa. Với, Sự Thật và Tình Yêu Thương. Nhưng vi phạm, chỉ đem lại thương đau và mất mát. Cho mình và cho người. Vậy, chính mình là người để quy trách, thôi.
Trình thuật hôm nay, rõ ràng ám chỉ giới lãnh đạo tôn giáo và dân sự, thời Chúa sống. Trình thuật nói nhiều đến Đức Chúa. Đặc biệt, là cách thức làm sao phục vụ Chúa qua tuân giữ Lề luật. Nhưng rõ ràng, các đấng bậc ấy không tạo cho mình có được tinh thần mà Đức Giê-su vẫn chuyển tải. Ngài chuyển tải bằng chính cuộc sống và lời dạy của Ngài.
Tinh thần, là tinh thần yêu thương, rất độ lượng. Là, chăm sóc - thứ tha đem đến với người yếu hèn, dễ thương tổn. Các đấng bậc, cũng đã nghe biết Lời dạy của Ngài, nhưng không cố gắng thực hiện. Những người như thế, chỉ nại cớ để thách thức quyền năng Đức Giê-su qua việc Ngài làm. Bởi, Ngài không thích hợp với quỹ đạo luật pháp, họ bày ra. Vì thế nên, họ đóng khung Ngài và chối bỏ Ngài.
Trong khi đó, “quân thu thuế và lũ đàng điếm qua trước các ông, mà vào Nước Thiên Chúa”. (Mt 21: 31). Chắc chắn một điều, là: họ chẳng biết tuân giữ Luật lệ. Họ nói KHÔNG với giới răn của Ngài, rất nhiều lần. Đến khi gặp Chúa, họ thay đổi tận gốc rễ, chính đời mình. Biết lắng nghe. Và đáp ứng.
Thời ấy, các thượng tế kinh sư, cũng giống như người con thứ hai, trong truyện. Nghĩa là, cũng biết nói tiếng ‘Vâng!’ con sẽ làm’. Cũng dự định tuân thủ lời Chúa, nhưng rồi lại không để tai nghe lời Chúa dạy. Hoặc, không tuân theo lời Ngài chỉ dẫn.
Bài đọc 2, ta có một ca vịnh tuyệt vời về tinh thần phục vụ và bỏ mình, của Đức Giê-su. Phao-lô thánh nhân nói đến tinh thần ấy trong bối cảnh khẩn thiết yêu cầu cộng đồng dân Chúa ở Philíphê, nên đoàn kết. Khi thúc giục người Kitô hữu phục vụ nhu cầu của người khác, với lòng tôn trọng, thánh nhân khuyến dụ họ nên mang theo tâm tình của Thầy mình. Nên suy nghĩ như Thầy. Để minh hoạ điều này, thánh-nhân đã làm ra như bài vịnh. Để ca tụng nhân cách Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.
Đức Giê-su, không nhấn mạnh đến điều này, khi Ngài còn ở với chúng ta. Trái lại, Ngài tự trút bỏ vinh quang của chính Ngài, để trở nên giống như người phàm. Còn hơn thế, Ngài còn chấp nhận thân phận nô lệ. Chấp nhận cả nỗi chết. Chết như tội phạm, trên thập tự. Bị hành hình. Khổ sai.
Nếu như ta, cũng có nơi chốn tràn ngập tinh thần Đức Giê-su vẫn có, ta sẽ không còn gì để hãi sợ. Và nơi chốn, mà cộng đồng tín hữu Đức Kitô hiện đang sống, chính là chốn ấm tình người, có sự kết hợp của tình thương yêu, chăm sóc. Có sự độ lượng và yểm trợ song phương. Có chăm nom săn sóc, cho nhau. Chuyện như thế, không bao giờ là quá trễ. Ta vẫn có thể bắt đầu, ở đây. Bây giờ.
Trong quyết tâm như thế, ta hãy vui lên mà ca hát. Hát những lời vui, thuở trước, rằng:
“Tôi yêu, những gì đến tự nhiên
những câu nói thành thật
và yêu ngày nắng
tôi yêu mặc Jean và áo trắng
yêu trăng sáng ngày rằm
Và, tôi cũng yêu em,
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn
Yêu em chứa chan…”
(Đức Huy – Và tôi cũng yêu em)
Vẫn cứ yêu. Yêu nồng nàn, yêu chứa chan. Dù, em anh có lỗi phạm, dù em có sai sót. Vẫn cứ yêu và cứ thở. Thở bằng trầm hương của gió. Vì ngài, rừng, và thế giới quanh ta, vẫn mở rộng vòng tay mời ta trở lại. Trở lại, mà về với yêu thương. Nhiều chăm sóc. Đùm bọc.
No comments:
Post a Comment