Saturday, 3 September 2011

Lm Frank Doyle sj: “Nếu trăng thôi là nguyệt”

Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm A

“Nếu trăng thôi là nguyệt”

chẳng còn gì nữa

loài người nhọc nhằn kiệt sức

quả đất cũng ngừng quay

nếu trăng thôi là nguyệt

em vẫn mãi là em…

Mt 18: 15-20 (dẫn nhập thừ thơ Phạm Ngọc)

Vẫn hỏi rằng: nếu tfor nowrăng thôi là nguyệt, người thi sĩ có còn làm thơ, nữa hay chăng? Và hỏi thêm: quả đất này nếu ngừng quay, thì người em cũng vẫn là em, đấy chứ? Vẫn là em, nhưng nay đà kiệt sức, có còn sống trong yêu thương? Yêu người hơn thương mình, là bản sắc lời vàng Chúa nhủ khuyên cộng đoàn, nơi trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, có thánh sử Mát-thêu nói rất rõ về tương quan khập khễnh nơi cộng đoàn dân con của Đức Chúa. Tương quan khập khễnh, là tương quan thấy nảy sinh nhiều xung đột. Đố kỵ. Phạm lỗi. Cộng đoàn ta sống hôm nay, cũng nên sửa đổi lối sống cho công minh, chính trực. Hầu rạng danh dân con được Chúa chọn.

Bài đọc hôm nay, có ghi đôi điều trục trặc xảy đến với các người con của Đức Chúa. Do có hành xử tệ hại cho tư cách thành viên, như Tin Mừng đề cập. Tin Mừng nay không ngừng nhắc nhở, như ở Cựu Ước, qua đó Gia-vê Thiên Chúa gạn hỏi Ca-in: “Em ngươi, nay ở đâu? Và, câu đáp trả, còn đó cũng khá buồn: “há tôi là người giữ em sao?” Trình thuật Tin Mừng, hôm nay gửi gắm đến muôn người, lời nhắc nhớ về bổn phận của mỗi người đối với người anh/người chị, nơi cộng đoàn,

Nhắc nhớ hôm nay, làm trổi bật cảnh tình của cộng đoàn kẻ tin. Mọi thời. Mọi lúc. Đặc biệt nhất, chương 18 sách Phúc Âm, thánh sử Mát-thêu đã diễn trình một tương quan đầy phân rẽ. Rất khúc mắc. Khó chịu. Cộng đoàn mà thánh sử đề cập, gồm những người còn lỗi phạm. Là những người vẫn muốn nên thánh, nhưng qua nhiều bẫy cạm, vẫn giăng mắc. Tiến trình ba giai đoạn phạm lỗi, cho thấy tình hình sai trái nơi cung cách xử sự tác hại đến vai trò nhân chứng, của thành viên.

Ở trình thuật, mỗi thành viên nên thực hiện hoà giải, hơn là chỉ nghĩ đến trừng phạt người sai phạm. Hoà giải, để mọi sơ xuất trục trặc sẽ không nổ lớn, lan rộng. Trước nhất, cần giải quyết khúc mắc đang có, ở mỗi bên. Nếu mọi việc diễn tiến tốt, đó là điều lý tưởng. Và như thế, mọi người sẽ nói: “Anh đã chinh phục được người anh em”, thật đáng quý. “Chinh phục”, là động từ mà người Do Thái sử dụng để ám chỉ một hồi hướng, trở về. Hồi hướng, không nhằm chấm dứt lối xử sự ngang ngược, thôi. Nhưng, là để thay đổi lối sống. Hồi hướng, là để làm hoà với những người sai phạm, đang chung sống.

Nếu người sai phạm không chấp nhận nghe theo lời giải cứu, hãy tìm nhân chứng. Và nếu người sai phạm lại khước từ cả nhân chứng nữa, thì: “hãy thưa chuyện với Hội thánh”. “Hội thánh” ở đây (là nhóm từ “ekklesia”, tiếng Hy Lạp) diễn tả cộng đoàn hiệp nhất, ở địa phương. Tín hữu thời của Chúa, vẫn hiểu rằng cộng đoàn địa phương, là “Hội thánh” tự quản (với chương sách Kh 1: 4/ 3:22, mọi thư từ đều được gửi cho 7 Hội thánh ở Tiểu Á, tức: 7 cộng đoàn địa phương).

Nói cho cùng, nếu người sai phạm vẫn không nghe lời hoặc không thay đổi lối hành xử, lúc ấy: “hãy kể như hắn ta là người ngoại hoặc phường thu thuế” (Mt 18: 17). Điều này, có nghĩa: hãy để y rời khỏi cộng đoàn và coi y như người ở ngoài, đừng bận tâm. Rõ ràng, đây là biện pháp cuối cùng, không mang tính trả đũa, hoặc hận thù. Nhưng, đặt ra ngoài mối bận tâm bức xúc của mọi thành viên, đầy hiệp nhất. Việc này khá tế nhị. Bởi, khi bị loại, đương sự sẽ kể cho cộng đoàn nghe sự thật, mình nên biết.

Các ngôn sứ có kinh nghiệm, đều nhận thấy sự việc xảy ra y hệt như thế. Có nghĩa là, nếu ta chỉ quan tâm đến tạo dựng một “ảnh hình đáng kính” về cộng đoàn; hoặc, chỉ nhìn vào khía cạnh tranh chấp với giới có thẩm quyền đã thiết lập, thì càng tệ hại thêm. Tệ hại và tranh chấp, nếu kết thúc bằng việc “dứt phép thông công”, dù miễn cưỡng. Thì, đây là trạng thái trái nghịch với sứ vụ chứng tá, để mọi người thấy rằng ta thuộc cùng một Thân Mình Đức Kitô. Trái và nghịch, cả với tinh thần giảng rao Tin Mừng, cho mọi dân.

“Dứt phép thông công”, là đi ngược lại lời khuyên của Đức Kitô: hãy đến với người sai phạm. Với, phường thu thuế. Mãi dâm. Hoặc, hãy mở rộng vòng tay ôm đón tiếp người con bỏ đi hoang, nay quay về. Thật ra, Đức Kitô đón nhận người sai phạm trở về, là để họ nhận biết. Để, biến đổi tâm can. Và, từ bỏ “lối mòn xưa cũ”, nhiều lôi kéo.

Đức Kitô lân la cùng bàn với người sai phạm, chẳng phải vì Ngài ưa thích họ hơn những người công chính. Nhưng, vì Ngài vẫn muốn thuyết phục họ trở về nẻo chính, với đường ngay. Khi tha thứ cho người nữ phụ sai phạm lỗi ngoại tình, Ngài từng bảo: “Hãy ra đi và đừng lỗi phạm.” Sở dĩ, người con đi hoang trở về đã được đón nhận trong vòng tay ôm rộng mở, là vì anh nhất quyết không còn “ngựa quen đường cũ”. Nhưng, quyết hồi hướng, trở về. Về cùng Chúa. Với anh em.

Anh em cầm buộc điều gì ở dưới đất, thì cũng sẽ cầm buộc, ở trên trời, các lời này chứng tỏ cộng đoàn nay có quyền uy/thế lực. Có quyền, là được quyền phán quyết xem ai thích hợp thuộc về Thân Mình Đức Kitô. Quyền này cần, là để bảo quản tính vẹn toàn của cộng đoàn khi làm chứng tá cho Phúc Âm. Nhưng, cũng rất nguy hiểm cho những trường hợp lạm dụng quyền hành.

Ở dưới đất, nếu hai người trong anh em hợp lòng xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy sẽ ban cho. Bởi, ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đấy. Giữa họ, có nghĩa là: hễ thành viên cộng đoàn gặp nhau trong yêu thương thật lòng, dù chỉ để nguyện cầu hay phẩm bình, thì Đức Chúa sẽ ở đấy. Ngài sẽ nói và hoạt động, vì ta. Đây là quà tặng vô giá. Và, cũng là trách nhiệm thật cao cả.

Bài thánh thư, thánh Phao-lô cũng đã đặt nặng vấn đề thương yêu. Thương và yêu, ràng buộc hết mọi tín hữu mang danh hiệu của Đức Chúa. Đức Giê-su Kitô. Thánh Phao-lô viết: “Hãy yêu thương, vì kẻ biết yêu thương tức đã chu toàn Lề luật.” (Rm 13: 8) Trong tinh thần ấy, có thể nói: chu toàn lề luật, mà không yêu thương, tức trở thành không phải là Kitô khác, mà là Pha-ri-sêu, khác với Đức Kitô. Nói rộng hơn, nếu ta quan tâm yêu mến người đồng loại, tức là ta đã giữ lề luật, và đồng thời, đã yêu mến Chúa.

Bài đọc 1, cũng một chiều hướng, khi tiên tri Ê-dê-ki-en nói: “Nếu ngươi không chịu nói để cảnh giác kẻ gian ác từ bỏ đường xấu nó đi theo, nó sẽ chết vì tội của nó; nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.” (Ez 33: 8). Xem như thế, thành viên cộng đoàn không chỉ có trọng trách cứu người anh em trong cộng đoàn, khỏi sai phạm. Mà còn, còn có trách nhiệm về ơn cứu độ của người ấy nữa.

Là con dân nhà Đạo, không chỉ biết quan tâm đến ơn cứu rỗi cho riêng mình. Nhưng, là quan tâm đến phần rỗi của người anh em trong cộng đoàn, nữa. Vì thế nên, ý nghĩa của câu nói “xin cứu linh hồn con” còn là: con quyết tâm trở thành người biết yêu thương và chăm sóc kẻ khác; coi đó như một bổn phận của dân con, trong cộng đoàn. Và, yêu thương cùng chăm sóc người khác, trên thực tế, là đem người ấy về trực diện đòi hỏi của Tin Mừng. Không thể nói: yêu thường giùm giúp kẻ khác, mà lại nhắm, mắt làm ngơ trước các hành xử thiếu tính cách Kitô.

Là thành viên cộng đoàn, ta có bổn phận quan tâm đến sự vui sống của anh em. Không thể làm chứng tá cho Đức Kitô nếu chỉ nói chữ “yêu thương” nơi môi miệng, chứ không thực hiện bằng hành động. Nói rõ hơn, không thể làm ngơ để người anh em bần hàn cứ mãi chìm dần trong các tệ nạn xã hội. Cứ mải mê hút xách, nghiện nghập, cờ bạc, bạo lực trong nhà, hoặc chê bai kỳ thị người khuyết tật. Bóc lột người thua kém về tài năng, trí tuệ.

Không thể đương đầu với các vấn đề bức xúc của xã hội ở chốn riêng tư, hoặc nơi toà cáo giải mà thôi. Bởi, việc giảng hoà, đền tội phải được thực hiện trên lãnh vực cộng đoàn, rất chung. Và, bổn phận ấy chính là trọng trách ứng đáp lời mời gọi của Hội thánh. Bởi vì, cộng đoàn Hội thánh chính là Thân Mình Đức Kitô.

Trong hân hoan ghi nhận lời khuyên của Đức Chúa, ta sẽ hát lên lời ca vang thuở trước:“Hát với tôi trong lúc chơi hay trong khi làm,

Hát với tôi trong đám đông hay trong phòng loan

Từ vỉa hè thơm cát bụi đen

Từ ruộng đồng xanh ngát thần tiên

Từ biển vàng ta ca vượt sóng lên ngàn…

Hát với tôi thương lúa non không ưa phũ phàng,

Hát với tôi thương cánh hoa sớm nở chiều tan

Buồn vì người gieo rắc lầm than. Mừng vì còn mong ước người hơn

Vì lòng còn tin yêu còn hát nghìn năm.”

(Phạm Duy – Hát với tôi)

Vâng, trong yêu thương mong ước, ta cứ hát. Hát mãi hát hoài, dù “trăng có thôi là nguyệt”. Dù, nhọc nhằn kiệt sức, đất ngừng quay, Chúa vẫn ở với ta. Vẫn an ủi vỗ về, nhủ khuyên. Để ta hát mãi với cộng đoàn, bài yêu thương, đùm bọc. Bài ca hưng phấn, rất Phúc Âm.

No comments: