Thursday, 22 September 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


NƯỚC TRỜI

Điều chính Chúa Yêsu rao giảng suốt cả sứ vụ công khai của Ngài:

-Khai mạc: “Thời buổi đã mãn, và Nước Trời đã gần bên rồi! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” Mc 1: 15; Mt 4: 17)

-Sứ vụ Galilê: Và Ngài rảo khắp xứ Galilê giảng trong các hội đuờng của họ, và rao truyền Tin Mừng về Nước… (Mt 4: 23; Lc 4: 43).

-Khi chọn Tông đồ và sai đi rao giảng: Mt 10: 7 (“Hãy loan báo rằng Nước Trời đã đến gần bên rồi”) (Lc 10: 9-11; Mc 6: 12; Lc 9: 60t: 10: 9t)

-Mấy ngày trước Thương Khó: Tin Mừng này nói về Nước sẽ được loan báo khắp thiên hạ (Mt 24: 14).

-Và ngay cả sau khi sống lại (Cv 1: 3) “Ngài đã hiện ra cho họ mà nói về Nước Thiên Chúa”.

Như vậy ta thấy được suốt cả đời công khai, Chúa Yêsu hằng rao giảng về một điều hầu như độc nhất: Nước Thiên Chúa.

Tiếng nói:

Nước Thiên Chúa, Nước Trời. Trong Tân Ước, tiếng dùng là Nước Thiên Chúa. Thánh Mt dùng tiếng Nước Trời ( trừ ra 12: 28; 21: 31.43). Hai kiểu nói không khác nhau, vì tiếng “Trời” là một tiếng người Do thái thời đó dùng để thay thế cho Danh Thiên Chúa. Tiếng “Nước Trời” vì thế mà có lẽ là tiếng chính Chúa Yêsu đã dùng.

Nước: Tiếng “:Nước” của chúng ta là đem về “khu vực” (nơi chốn) đặt dưới quyền một vua, một quyền cai trị.

Nhưng nếu chúng ta để ý đến chính tiếng Hy Lạp hay tiếng Hipri (malkut) hay Aram (malkùtá), thì nghĩa trước tiên là địa vị/quyền bính/việc cai quản của một vua: như vậy là “vương quyền”; thứ đến mới là khu vực đặt dưới quyền của một vua: “vương quốc” (nghĩa khu vực đó thấy rõ trong các câu như Mc 9: 47; 10: 23-25; Mt 5: 20; 7: 21; 18: 3; Lc 19: 24-25).

Nghĩa: Tiếng “vương quyền”, “vương quốc” giả thiết có một người là vua. Trong Cựu ước: Yavê là vua. Không phải là một “hàm tước” gọi cho sang, cũng không phải chỉ cái gì nơi Thiên Chúa một mình Người. Nhưng tiếng Vua nói đến liên lạc của Yavê với dân của Người:

-Yavê có quyền định liệu về dân của Người; dân có là để làm sáng danh Người. Nhưng ngược lại, dân có thể sống dưới bóng Người, Yavê cho dân được sống: Người giải thoát khỏi hoạn nạn tai ương.

-Và sau khi Israel đã mất nước, dân bị lưu đày mà không còn có vua nữa, thì “Yavê làm vua” có nghịa là Yavê sẽ tỏ mình ra mà ngự trị trên dân của Người bằng ban lại thái bình, hạnh phúc, giải thoát. Tiếng “Vua” trở nên đồng nghĩa với “Đấng Cứu thoát”. Và việc “cứu thoát” hứa đây sẽ được thấy trong một can thiệp quyền phép, như việc giải phóng khỏi Ai cập, một Xuất hành thứ hai, khai mạc một thời mới, trong đó cả những người dân ngoại cũng được tham dự: như vậy là một việc phục hồi toàn diện và vinh hiển cho Israel dân của Thiên Chúa, thâu họp những kẻ tản mác, dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa làm vua.

Như vậy “Nước Trời” nói lên cho Israel sự hoàn tất mọi lời hứa của Giao ước: một ân huệ của Thiên Chúa (dân có lẽ hiểu ngay về hạnh phúc đời này) nhưng các tiên tri đã tẩy luyện mà đem lên bình diện hoàn toàn tôn giáo (lòng trung tín, yêu mến, ơn huệ của Thần Khí Thiên Chúa, biết Yavê) – một ơn giải thoát công cộng.

Chúng ta phải xét 3 vấn đề liên can đến Nước Trời:

-Chúa Yêsu thấy Nước Trời như thế nào?

-Nước đó cứu người ta khỏi cái gì?

-Nước đó đòi người ta những gì?

CHÚA YÊSU QUAN NIỆM LÀM SAO VỀ NƯỚC TRỜI?

Chúng ta không thấy Chúa Yêsu định nghĩa một chỗ nào cho rõ rệt, Ngài giả thiết dân đã hiểu một cách đại khái thế nào; Chúa Yêsu phải đính chính, nhưng đính chính nơi những đòi hỏi của Ngài (tin và hối cải), nhưng nhất là Ngài vừa loan báo Nước đó sẽ đến trong tương lai, lại vừa rao giảng Nước đó là hiện tại.

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

No comments: