Câu hỏi #39:
Tín điều về sự trọn đời đồng trinh của Đức Ma-ri-a nói rằng Đức Ma-ri-a đồng trinh “trước, trong khi, và sau khi sinh hạ Đức Giê-su”. Trong khi một số người diễn giải từ ngữ “trong khi” là có nghĩa rằng cuộc sinh hạ Đức Giê-su là một sự kiện huyền diệu, người Công Giáo có thể được phép nghĩ là cuộc sinh hạ Đức Giê-su là một cuộc sinh nở hoàn toàn bình thường hay không?
Câu đáp:
Đó có thể là điều được cho phép khi người Công Giáo nghĩ là cuộc sinh hạ Đức Giê-su là một cuộc sinh nở hoàn toàn bình thường, mà vẫn xem tín điều đồng trinh “trước, trong khi, và sau khi sinh hạ Đức Giê-su” là một điều xác quyết rất mạnh mẽ và bao quát về sự trọn đời đồng trinh của Đức Ma-ri-a.
Đúng ra chỉ có việc Đức Ma-ri-a thụ thai đồng trinh Đức Giê-su là thật sự có được ghi nhận trong Thánh Thư. Thánh Lu-ca nhấn mạnh sự thụ thai Đức Giê-su mà vẫn đồng trinh qua câu hỏi của Đức Ma-ri-a: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lu-ca 1:34); và trong Tin Mừng thánh Mát-thêu chúng ta thấy những nỗi hoài nghi của ông Giu-se đã được giải đáp như thế nào qua sự mặc khải của Thiên Chúa rằng sự thụ thai đó quả thật là một điều huyền diệu (Mát-thêu 1:18-25).
Mặc dù không được ghi nhận trong Thánh Thư, niềm tin tưởng vào sự trọn đời đồng trinh của Đức Ma-ri-a được chứng nhận rộng rãi trong những văn kiện Ki-tô Giáo sơ khởi.
Thánh Basil, một trong những vị thánh tiến sĩ lớn trong Giáo Hội sơ khởi, đã tổng kết giáo huấn Ki-tô Giáo qua những từ ngữ như sau: “những người bạn hữu của Đức Ki-tô không khoan dung chấp nhận việc nghe có ai nói rằng Mẹ Thiên Chúa đã có lúc không còn đồng trinh nữa”.
Các nhà cải cách Tin Lành tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ vào niềm tin Ki-tô Giáo cổ truyền này.
Người ta thường phản đối là các sách Tin Mừng đã hơn một lần đề cập đến những “người anh em” của Đức Giê-su (chẳng hạn đoạn Mác-cô 6:3), nhưng từ ngữ “anh em” được người Do-thái sử dụng rất thường để chỉ bất kỳ mối liên hệ huyết thống nào.
Mà cũng không có bất cứ điều gì có thể được chứng minh qua những đoạn trong Thánh Thư nói Đức Giê-su là “con đầu lòng” của Đức Ma-ri-a. Vào thời đó danh nghĩa này đã luôn luôn được đặt cho đứa con trai đầu tiên, ngay cả khi đó là đứa con duy nhất.
Tương tự, lời của thánh Mát-thêu rằng ông Giu-se “không ăn ở với bà [Đức Ma-ri-a] cho đến khi bà sinh một con trai” (Mát-thêu 1:25) không nhất thiết ám chỉ là có bất kỳ sự thay đổi nào về tính đồng trinh của Đức Ma-ri-a sau khi sinh Đức Giê-su.
Trong những thời đại gần đây, một số lượng ngày càng gia tăng các học giả thánh kinh ngoài-Công-Giáo đã đặt nghi vấn ngay cả sự đồng trinh thụ thai Đức Giê-su. Họ nêu ra việc sử dụng rộng rãi các biểu tượng và mẩu chuyện trong các trình thuật Tin Mừng, và lập luận rằng, thậm chí, ngay cả câu chuyện đồng trinh thụ thai, cũng chỉ là một cách biểu trưng để diễn tả rằng cái sự kiện vĩ đại là việc Con Thiên Chúa đầu thai giáng thế đã xảy ra.
Quan điểm này không được Giáo Hội Công Giáo chấp nhận.
Tuy nhiên, có thể nói rằng, sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a nên được xem là một điều vượt trên một hiện tượng thể lý thuần túy. Sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a quả là một biểu tượng cho một điều gì đó cao trọng hơn rất nhiều, đó là thái độ tuyệt hảo của Đức Ma-ri-a trong sự hoàn toàn cởi mở chỉ cho Thiên Chúa mà thôi; sự hoàn toàn dâng hiến chính mình ưu tiên cho Thiên Chúa trước bất kỳ người nào khác hay việc gì khác.
Đức Ma-ri-a là một nhân vật trong Giáo Hội và sự đồng trinh của Mẹ là một dấu chỉ tiên tri về sự hoàn toàn tận hiến của Giáo Hội cho Đức Ki-tô.
Mẹ là khuôn mẫu Ki-tô hữu lý tưởng, hoàn toàn dâng hiến chỉ cho Thiên Chúa mà thôi.
Trở lại câu hỏi nguyên thủy của bạn, sau khi đã nói những điều trên đây, không điều gì có thể được gặt hái từ việc đặt toàn bộ sức mạnh vào đoạn “trong khi sinh hạ” trong nguyên văn tín điều của Giáo Hội. Đó là một sự chọn lựa từ ngữ nhằm mục đích không để sót sơ hở nào. Nhưng điều đó thật sự không làm gia tăng thêm chi cả về ý nghĩa sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a.
mh September 2011
No comments:
Post a Comment