Chương 3
_____________________________________
Đức Nữ Đồng Trinh Ma-ri-a
Câu hỏi #33:
Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội có bằng chứng ở chỗ nào trong Thánh Kinh? Dựa vào đoạn Sáng Thế 3:15 không thể được xem là lý lẽ vững chắc. Thật vậy, Thánh Kinh có vẻ mâu thuẫn với một tín điều như vậy, ví dụ như đoạn Lu-ca 1:47 “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”.
(Câu hỏi trên là phần tóm tắt từ một lá thư dài).
Câu đáp:
Thật sự không có điều cụ thể nào trong Thánh Kinh để hỗ trợ cho tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Như bạn đã nói trong thư của bạn, câu văn trong đoạn Sáng Thế 3:15 không phải là nói về Đức Ma-ri-a.
Đúng hơn, đoạn đó là một lời tiên tri về sự gay cấn liên tục giữa hậu duệ của người nữ (bà E-và), tức là nhân loại, với những quyền lực của ác thần.
Khi bạn nói rằng Thánh Kinh có vẻ mâu thuẫn với tín điều này, tôi nghĩ lập luận của bạn lại càng thiếu vững chắc hơn. Những lời được cho là của Đức Ma-ri-a trong đoạn Lu-ca 1:47, “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”, không thật sự có vấn đề chi cả.
Giáo Hội chưa bao giờ cho rằng tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội có nghĩa là Đức Ma-ri-a không cần tới một đấng cứu độ. Nếu như Đức Ma-ri-a được thụ thai vô nhiễm nguyên tội và đã sống một cuộc đời hoàn hảo không vướng mắc tội lỗi chi cả, thì đó chính là kết quả của một ân phúc mà bà được nhận lãnh từ Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của bà.
Lời của thánh Phao-lô trong Thư Rô-ma 3:23 rằng “mọi người đều đã phạm tội” là một tuyên bố có tính chân lý phổ quát. Bất kỳ những đặc ân nào do Thiên Chúa ban cho một cá nhân, qua việc gìn giữ cá nhân đó khỏi vướng mắc tội lỗi, đều không làm vô hiệu hóa lời tuyên bố đó của thánh Phao-lô. Thánh Phao-lô đã không thể nào mà nói rằng: “ngoại trừ Đức Ma-ri-a, Thân Mẫu Đức Giê-su”. Ít nhất thì không thể nào mà thánh Phao-lô có thể hay biết gì về chuyện Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Ma-ri-a chi cả.
Mà cũng không điều gì có thể được suy ngược với tín điều đó qua sự việc Đức Ma-ri-a và ông Giu-se đã trải qua nghi lễ thanh tẩy của Do-thái (Lu-ca 2:22). Luật đó là về sự thanh sạch theo lề luật hay theo nghi thức, chứ không phải là một vấn đề luân lý.
Sau hết, khi Thánh Kinh nói rằng hậu quả của tội lỗi là sự chết, thì thể loại sự chết mà Thánh Kinh chủ yếu đang nói đến là cái chết về mặt tâm linh hay cái chết vĩnh cửu. Do đó trong Thư Rô-ma 5:17-21, thánh Phao-lô đã đối chiếu cái chết hậu quả của tội lỗi, với sự sống, hiển nhiên là sự sống vĩnh hằng, được giành lại cho chúng ta nhờ Đức Giê-su Ki-tô.
Giáo Hội chưa bao giờ cảm thấy cần thiết phải bảo vệ những tín điều mà Giáo Hội đã tuyên bố bằng cách trích dẫn những văn bản thánh kinh có viết rõ ràng cụ thể về những tín điều đó. Dĩ nhiên, Giáo Hội không thể tuyên bố những gì mâu thuẫn với Thánh Thư. Giáo Hội xưng là được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, là Đấng đã linh hứng cho các Thánh Thư được viết ra. Giáo Hội cũng có thể được gọi là mẹ của các Thánh Thư, bởi vì các quyển Tân Ước ít nhất cũng là từ Giáo Hội mà ra.
Vì lý do này, Giáo Hội xưng là có quyền tuyên bố tín điều để các thành viên của mình tin theo – những tín điều mà Giáo Hội đạt được từ sự khám phá mặc khải chương trình của Thiên Chúa được chứa đựng trong Thánh Thư. Trong trường hợp Đức Ma-ri-a, bởi vì Giáo Hội đánh giá vai trò đặc biệt của bà trong lịch sử cứu độ – vai trò là Mẹ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa – mà Giáo Hội đã định nghĩa những tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời.
mh August 2011
No comments:
Post a Comment