Sự giải thoát và ơn cứu độ do vương quốc Thiên Chúa mang lại đến với người phàm trong chiều kích thể lý lẫn chiều kích tâm linh của họ. Có hai dấu hiệu là đặc tính của sứ vụ của Đức Giê-su: chữa lành và tha thứ. Những cuộc chữa lành của Đức Giê-su rõ ràng là cho thấy lòng nhân ái lớn lao của Người trước cảnh khổ đau của loài người, nhưng những lần chữa lành đó cũng biểu hiệu rằng nơi vương quốc Thiên Chúa sẽ không còn bệnh tật hay đau khổ, và rằng sứ vụ của Người, ngay từ lúc khởi đầu, là nhằm mục đích giải thoát con người khỏi những sự dữ này. Trong mắt Đức Giê-su, chữa lành còn là một dấu chỉ của sự cứu độ về mặt tâm linh, nghĩa là sự giải thoát khỏi tội lỗi. Bằng cách thực hiện những hành động chữa lành bệnh tật, Người mời gọi người ta đến với đức tin, sự hoán cải và lòng ao ước được tha thứ (x. Lc 5:24). Một khi đã có đức tin, chữa lành là một sự khích lệ để tiến xa hơn: việc chữa lành dẫn đến sự cứu độ (x. Lc 18:42-43). Những hành động giải thoát khỏi sự chiếm hữu của ma quỷ – ác thần tối thượng và biểu tượng của tội lỗi và của sự phản nghịch Thiên Chúa – là những dấu chỉ rằng quả thật “vương quốc Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12:28).
15. Vương quốc Thiên Chúa nhắm đến việc biến đổi các mối quan hệ của loài người; vương quốc đó dần dần triển nở khi con người từ từ học biết được lòng thương yêu nhau, biết tha thứ cho nhau, và biết phục vụ nhau. Đức Giê-su tổng kết toàn bộ Lề Luật, chú trọng vào điều luật yêu thương (x. Mt 22:34-40; Lc 10:25-28). Trước khi từ giã các môn đệ của mình, Người đã ban cho họ một “điều răn mới”: “Hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13:34; x. 15:12). Tình yêu thương của Đức Giê-su dành cho thế gian được diễn tả ở mức tột đỉnh nơi món quà mạng sống của Người cho nhân loại (x. Ga 15:13), tình yêu đó thể hiện tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho thế gian (x. Ga 3:16). Bản chất của vương quốc Thiên Chúa, do đó, là sự hiệp thông của tất cả nhân loại – với nhau và với Thiên Chúa.
Vương quốc Thiên Chúa là mối quan tâm của tất cả mọi người: mỗi cá nhân, xã hội, và thế giới. Hoạt động vì Nước Trời có nghĩa là thừa nhận và đề cao hoạt động của Thiên Chúa – hoạt động đó hiện diện trong lịch sử loài người và biến đổi lịch sử đó. Xây dựng Nước Trời có nghĩa là hoạt động nhằm giải thoát khỏi mọi hình thức của sự dữ. Tóm lại, vương quốc Thiên Chúa là biểu thị và là hiện thực vẹn toàn của chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Nơi Đức Ki-tô Phục Sinh Vương Quốc Thiên Chúa được viên mãn và công bố
16. Qua việc nâng Đức Giê-su lên từ cõi chết, Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết, và nơi Đức Giê-su Thiên Chúa chắc chắn đã khai mở vương quốc của Người. Trong cuộc đời ở thế gian, Đức Giê-su là Tiên Tri của vương quốc Thiên Chúa; sau cuộc khổ nạn, phục sinh, và thăng thiên về trời Đức Giê-su chia sẻ quyền năng và sự thống trị của Thiên Chúa trên thế gian (x. Mt 28:18; Cv 2:36; Ep 1:18-21). Sự phục sinh đem lại một phạm vi phổ quát cho thông điệp, hành động, và toàn bộ sứ mạng của Đức Ki-tô. Các môn đệ nhận ra rằng Nước Trời đã sẵn hiện diện nơi con người của Đức Giê-su và được dần dần thiết lập nơi loài người và trong thế giới qua một mối liên kết nhiệm mầu với Đức Giê-su.
Quả vậy, sau cuộc phục sinh của Đức Giê-su, các môn đệ rao giảng Nước Trời bằng cách tuyên xưng một Đức Giê-su bị đóng đinh và phục sinh từ cõi chết. Ở miền Sa-ma-ri, ông Phi-líp-phê “loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và về danh Đức Giê-su Ki-tô” (Cv 8:12). Ở thành Rô-ma, chúng ta thấy ông Phao-lô “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô” (Cv 28:31). Các Ki-tô hữu tiên khởi cũng công bố “Nước của Đức Ki-tô và của Thiên Chúa” (Ep 5:5; x. Kh 11:15; 12:10), hay “Nước vĩnh cửu của Đức Giê-su là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta” (2 Pr 1:11). Sự rao giảng của Giáo Hội sơ khởi được xoay quanh việc công bố về Đức Giê-su Ki-tô, và qua Người mà xác định vương quốc Thiên Chúa. Ngày nay, tương tự như thời xưa đó, có một sự cần thiết phải kết hợp việc công bố vương quốc Thiên Chúa (nội dung của “kerygma” – việc rao giảng của chính Đức Giê-su) với việc công bố Đức Ki-tô (“kerygma” – việc rao giảng của các tông đồ). Hai điều công bố đó bổ sung cho nhau, dọi ánh sáng lên nhau.
Mối liên hệ giữa Vương Quốc Thiên Chúa với Đức Ki-tô và với Giáo Hội
17. Ngày nay vương quốc Thiên Chúa thường được nói đến, nhưng không phải lúc nào cũng được nói đến trong một cách hòa hợp với tư duy của Giáo Hội. Thực tế thì, có những tư tưởng về sự cứu độ và việc truyền giáo có thể được gọi là “anthropocentric” (nghĩa là xem con người là trung tâm của vũ trụ) trong ý nghĩa hẹp của chữ “anthropocentric”, xét về phương diện những tư tưởng này chú trọng vào nhu cầu trần tục của loài người. Trong quan điểm này, Nước Trời có khuynh hướng trở thành một điều gì đó hoàn toàn có tính phàm nhân và thế tục; là những chương trình và những tranh đấu cho một sự giải thoát mang tính kinh tế - xã hội, chính trị, và thậm chí văn hóa, nhưng chỉ giới hạn trong một chân trời khép kín trước sự siêu việt. Mặc dù không chối cãi là trong tầm mức này cũng có những giá trị đáng được đề cao, nhưng song le một ý niệm như vậy vẫn bị giới hạn trong phạm vi một vương quốc của loài người, thiếu các chiều kích đích thật và sâu sắc. Một quan điểm như vậy dễ dàng chuyển thành thêm một hệ tư tưởng về sự phát triển trần tục đơn thuần. Thế nhưng, vương quốc Thiên Chúa “không thuộc thế gian này … không phải từ thế gian này” (Ga 18:36).
Cũng có những khái niệm chủ tâm nhấn mạnh đến vương quốc Thiên Chúa và tự cho mình là “kingdom-centered – đặt trọng tâm vào Nước Trời”. Những khái niệm này nhấn mạnh hình ảnh một Giáo Hội không quan tâm đến chính mình, mà chỉ chú trọng hoàn toàn vào việc làm chứng nhân cho Nước Trời và phục vụ Nước Trời. Đó là một “Giáo Hội cho tha nhân” cũng giống y như Đức Giê-su là “người vì tha nhân”. Nhiệm vụ của Giáo Hội được mô tả như thể Giáo Hội phải tiến triển theo hai chiều hướng: một mặt thì đề cao những “giá trị của vương quốc Thiên Chúa” chẳng hạn như hòa bình, công lý, tự do, tình huynh đệ, vv, trong khi mặt khác thì vun xới việc đối thoại giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo, để qua việc làm phong phú lẫn nhau, các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo đó có thể giúp thế giới được đổi mới và làm cho thế giới càng tiến tới gần vương quốc Thiên Chúa hơn nữa.
Cùng với các khía cạnh tích cực, những khái niệm này cũng thường lộ ra các khía cạnh tiêu cực. Trước hết, những khái niệm này không đề cập đến Đức Ki-tô: vương quốc mà những khái niệm này nói đến là “theocentrically based – đặt trọng tâm vào Thiên Chúa”, bởi vì, theo những khái niệm này thì, những ai không có niềm tin Ki-tô Giáo thì không thể hiểu được Đức Ki-tô, trong khi đó những dân tộc khác, những nền văn hóa khác hay những tôn giáo khác đều có khả năng tìm được một điểm tương đồng nơi một thực thể thánh thiêng, cho dù thực thể đó có được gọi bằng bất cứ cái tên gì đi chăng nữa. Cũng cùng lý do đó những khái niệm này nhấn mạnh thật nhiều về mầu nhiệm sáng thế – một mầu nhiệm được phản ánh qua sự đa dạng của các nền văn hóa và các niềm tin tôn giáo, nhưng những khái niệm này lại không đả động gì đến mầu nhiệm cứu độ. Hơn nữa, vương quốc Thiên Chúa, theo cách hiểu của những khái niệm này, thì hoặc là không có chỗ cho Giáo Hội hoặc đánh giá Giáo Hội không đúng mức khi phản ứng lại với điều bị xem là “ecclesiocentrism – chủ nghĩa đặt trọng tâm vào Giáo Hội” của thời quá khứ, và bởi vì những khái niệm này xem Giáo Hội chỉ là một dấu chỉ mà thôi, trong trường hợp này lại là một dấu chỉ không phải không có điều mơ hồ.
18. Đó không phải là vương quốc Thiên Chúa như chúng ta được biết theo sách Khải Huyền. Vương quốc Thiên Chúa không thể bị tách rời khỏi Đức Ki-tô mà cũng không thể bị tách rời khỏi Giáo Hội.
Như đã trình bày ở trên, Đức Ki-tô không những chỉ công bố vương quốc Thiên Chúa, mà nơi Người vương quốc Thiên Chúa trở nên hiện hữu và viên mãn. Điều này diễn ra không chỉ qua lời nói và hành động của Người: “Trên hết, … vương quốc Thiên Chúa được tỏ lộ nơi chính con người của Đức Ki-tô, Đấng là Con Thiên Chúa và là Con Loài Người, Đấng đã đến ‘để phục vụ và để hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người’ (Mc 10:45).”22 Vương quốc Thiên Chúa không phải là một khái niệm, một học thuyết, hay một chương trình có thể làm đối tượng cho sự tự do diễn giải, nhưng, trên hết mọi sự, đó là một con người với khuôn mặt và tên gọi Giê-su Na-da-rét, hình ảnh của một Thiên Chúa vô hình.23 Nếu vương quốc Thiên Chúa bị tách rời khỏi Đức Giê-su, vương quốc đó sẽ không còn là Nước Trời mà Đức Giê-su đã mặc khải. Kết quả của sự tách rời đó là một sự biến thể về ý nghĩa của Nước Trời – điều này dẫn đến nguy cơ vương quốc Thiên Chúa bị biến đổi thành một mục tiêu hay một ý thức hệ thuần túy phàm nhân, và một sự biến thể về căn tính của Đức Ki-tô, Đấng không còn là Đức Chúa mà muôn loài sẽ có ngày phải quy phục dưới chân Người (x. 1 Cr 15:27).
1 Công Đồng Đại Kết Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân), 5.
2 X. Công Đồng Vatican Đại Kết II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại Gaudium et Spes (Hiến Chế Niềm Vui và Hy Vọng), 22.
Tương tự, chúng ta không thể tách rời vương quốc Thiên Chúa khỏi Giáo Hội. Đúng là không phải Giáo Hội quan tâm đến mục đích của chính mình, bởi vì Giáo Hội được quy hướng về vương quốc Thiên Chúa – vương quốc mà Giáo Hội là hạt giống, là dấu chỉ, và là công cụ. Thế nhưng, trong khi vẫn biệt lập khỏi Đức Ki-tô và vương quốc Thiên Chúa, Giáo Hội lại được kết hợp không thể phân ly khỏi Đức Ki-tô lẫn Nước Trời. Đức Ki-tô đã ưu đãi Giáo Hội, thân mình của Người, bằng sự trọn vẹn viên mãn của những ơn ích và những công cụ cứu độ. Đức Chúa Thánh Thần ngự trong lòng Giáo Hội, linh động hóa Giáo Hội bằng những ân phúc và đặc sủng của Người, thánh hóa, hướng dẫn và liên tục đổi mới Giáo Hội.24 Kết quả của những điều đó là một mối quan hệ đặc biệt, duy nhất – mối quan hệ mà, trong khi không loại bỏ tác động của Đức Ki-tô và Đức Chúa Thánh Thần ở ngoài những biên giới hữu hình của Giáo Hội, trao cho Giáo Hội một vai trò cụ thể và cần thiết; do đó mà ra mối liên kết đặc biệt giữa Giáo Hội với vương quốc Thiên Chúa và với Đức Ki-tô – một mối liên kết mà Giáo Hội có “sứ mạng loan báo và khai mở cho tất cả muôn dân.”25
3 X. Công Đồng Đại Kết Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân), 4.
4 Đã dẫn, 5.
19. Chính trong quan điểm tổng thể này mà chúng ta có thể hiểu được hiện thực về vương quốc Thiên Chúa. Dĩ nhiên, vương quốc Thiên Chúa đòi hỏi việc đề cao các giá trị của loài người, cũng như những giá trị có thể được gọi một cách đúng đắn là “có tính phúc âm”, bởi vì những giá trị đó gắn liền mật thiết với “Tin Mừng”. Nhưng sự đề cao này, vốn dĩ là nhiệm vụ trọng tâm của Giáo Hội, không được tách rời khỏi hay đối chọi lại với những nhiệm vụ căn bản khác, chẳng hạn như việc tuyên xưng Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người, và thiết lập và xây dựng các cộng đoàn làm sống động và hiện hữu hình ảnh linh động của vương quốc Thiên Chúa trong nhân loại. Chúng ta không cần phải lo sợ là làm như vậy thì sẽ bị rơi vào hình thức “đặt trọng tâm vào Giáo Hội”. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, người đã quả quyết sự hiện hữu của “một mối liên hệ sâu sắc giữa Đức Ki-tô, Giáo Hội và công cuộc phúc âm hóa,”26 cũng đã từng nói rằng Giáo Hội “không phải là quan tâm đến mục đích của chính mình, nhưng là quan tâm một cách nhiệt thành đến việc làm sao để hoàn toàn thuộc về Đức Ki-tô, ở trong Đức Ki-tô, và vì Đức Ki-tô, cũng như hoàn toàn thuộc về nhân loại, ở giữa nhân loại, và vì nhân loại.”27
5 Huấn Dụ Evangelii Nuntiandi (Công Cuộc Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Hiện Đại), 16: như trên, 15.
6 Diễn từ tại buổi khai mạc Phiên Họp Kỳ Thứ Ba của Công Đồng Đại Kết Vatican II, ngày 14 tháng Chín năm 1964: AAS 56 (1964), 810.
Giáo Hội trong vai trò phục vụ cho Vương Quốc Thiên Chúa
20. Giáo Hội phục vụ cho vương quốc Thiên Chúa một cách hữu hiệu và vững chắc. Điều này được thấy cụ thể nơi sự rao giảng của Giáo Hội – sự rao giảng đó là một lời kêu gọi hoán cải. Rao giảng là điều tạo thành phương cách đầu tiên và căn bản của Giáo Hội trong việc phục vụ cho sự trị đến của vương quốc Thiên Chúa nơi các cá nhân và trong xã hội loài người. Ơn cứu độ cánh chung bắt đầu ngay từ bây giờ nơi sự sống mới mẻ này trong Đức Ki-tô: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12).
Giáo Hội, do đó, phục vụ cho vương quốc Thiên Chúa bằng cách thiết lập các cộng đoàn và xây dựng các giáo hội mới, và bằng cách dẫn dắt các cộng đoàn và các giáo hội mới đến đức tin chín chắn, đến lòng quảng đại trong việc cởi mở đối với tha nhân, trong sự phục vụ cho các cá nhân và cho xã hội, và trong sự hiểu biết và tôn trọng các định chế của xã hội loài người.
Giáo Hội phục vụ cho vương quốc Thiên Chúa bằng cách loan truyền khắp thế giới về “các giá trị tin mừng” là những diễn tả về Nước Trời và giúp con người biết chấp nhận chương trình của Thiên Chúa. Đúng là hiện thực sơ khởi của vương quốc Thiên Chúa cũng có thể được tìm thấy bên ngoài khuôn khổ của Giáo Hội, giữa con người với nhau ở khắp mọi nơi, trong một mức độ mà họ sống “giá trị tin mừng” và cởi mở tâm hồn cho tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi hơi bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu mà Người muốn (x. Ga 3:8). Nhưng cũng phải lập tức nói thêm ngay rằng chiều kích tạm thời này của vương quốc Thiên Chúa vẫn còn chưa trọn vẹn trừ phi chiều kích đó được liên kết với vương quốc của Đức Ki-tô – vương quốc hiện hữu trong Giáo Hội và vươn đến sự viên mãn cánh chung.28
7 X. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Huấn Dụ Evangelii Nuntiandi (Công Cuộc Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Hiện Đại), 34: như trên, 28.
Những chiều kích khác nhau về vương quốc Thiên Chúa29 không làm suy yếu nền tảng và mục đích của hoạt động truyền giáo, mà trái lại còn củng cố và khuyếch trương hoạt động đó. Giáo Hội là bí tích cứu độ cho tất cả nhân loại, và hoạt động của Giáo Hội không giới hạn chỉ cho những ai chấp nhận thông điệp của Giáo Hội. Giáo Hội là một sức mạnh năng động trong cuộc hành trình của nhân loại tiến đến vương quốc vĩnh cửu, và là dấu chỉ, là người đề cao các giá trị tin mừng.30 Giáo Hội góp phần vào cuộc lữ hành của nhân loại quy phục về chương trình của Thiên Chúa qua gương chứng nhân và qua những hoạt động như đối thoại, đề cao nhân loại, quyết tâm xây dựng công lý và hòa bình, giáo dục và chăm sóc người đau yếu bịnh hoạn, và trợ giúp người nghèo và trẻ em. Tuy nhiên, khi thực hiện những hoạt động này, Giáo Hội không bao giờ quên mối ưu tiên của những hiện thực thiêng liêng siêu việt – cơ sở của sự cứu độ cánh chung.
8 X. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Những Đề Tài Chọn Lọc về Giáo Hội nhân dịp Kỷ Niệm Hai Mươi Năm ngày Bế Mạc Công Đồng Vatican II (7 tháng Mười, 1985), 10: “Tính Chất Chung Cuộc của Giáo Hội: Nước Trời và Giáo Hội”.
9 X. Công Đồng Vatican Đại Kết II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại Gaudium et Spes (Hiến Chế Niềm Vui và Hy Vọng), 39.
Sau hết, Giáo Hội phục vụ vương quốc Thiên Chúa bằng lời chuyển cầu của mình, bởi vì Nước Trời, tận trong bản chất, chính là ân phúc và là công trình của Thiên Chúa, như chúng ta được nhắc nhở qua các dụ ngôn tin mừng và qua lời nguyện mà Đức Giê-su đã dạy chúng ta. Chúng ta phải cầu xin cho “nước Cha trị đến”, phải đón chào Nước Trời và phải làm cho Nước Trời triển nở trong lòng mình; nhưng chúng ta cũng phải chung vai chung sức với nhau để làm cho Nước Trời được đón chào và được triển nở trong tất cả muôn dân muôn nước, cho đến khi Đức Ki-tô “dâng trao vương quốc cho Thiên Chúa Cha” và “Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho mọi loài” (x. 1 Cr 15:24, 28).
No comments:
Post a Comment