Friday, 9 September 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Kinh Thánh & Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ ĐẤNG SÁNG LẬP: Các sách Tin Mừng Nhất Lãm

Đọc Tin Mừng, chúng ta có thể gặp nhiều điều khó khăn. Phải biết mặt các khó khăn đó:

1. Chúng ta tưởng là biết Tin Mừng, biết Phúc âm lắm, vì chúng ta cũng nhớ ít nhiều mẩu truyện, ít lời của Chúa: các bài Tin Mừng đọc trong thánh lễ; nhưng chúng ta không nghĩ ngợi gì cả, dường như không có vấn đề hay thắc mắc gì; và nói đến thắc mắc, chúng ta nghĩ là đã phạm đến đức tin rồi, chúng ta không cố gắng để nhìn cho kỹ.

2. Có khó khăn hay thắc mắc gì, thì chúng ta đã sẵn có những lời giài rồi . Người tín hữu thường thì vịn vào các cha (và phải thành thật thú nhận: hàng giáo sĩ nhiều khi ỷ lại vào một vốn học vấn quá nghèo nàn, và cũng không bao giờ chịu đặt vấn đề lại; giải thích nhiều khi chỉ là giải thích thiêng liêng vu vơ nào đó, hay trả lời cho những khó khăn đâu đâu ấy) mà các cha nhiều khi giải đáp là cốt để gỡ mặt, và cũng vội giật đi ngay vì sợ nguy hại đến lòng đơn thật của con chiên.

3. Chúng ta không còn dồn việc khảo sát vào điều cốt yếu. Những cái bắt chúng ta dùng lại nhiều khi chỉ là những chi tiết nhỏ về văn chương hay lịch sử. Có khi mánh lới hơn, chúng ta tìm nơi Tin Mừng những gì để viện lý cho ước nguyện, lập trường, hay kiểu đạo đức riêng của ta. Cần thiết phải có sự kính trọng lời Chúa hơn, và chỉ tìm nơi Lời đó điều Lời đó muốn nói: Chúa Yêsu thực sự Ngài thế nào.

4. Chúng ta khó mà nhận một cách thành thật rằng Chúa Yêsu là một người thật. Phải, Ngài là Thiên Chúa đích thật. Nhưng khi nhận thế, thì chúng ta nghĩ Ngài như một sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thân xác người ta. Ngài có ý thức Ngài là Thiên Chúa. Ý thức đó là một bí nhiệm: hoàn toàn xác thực rằng Ngài phát xuất tự Thiên Chúa, đồng nhất với Thiên Chúa. Điều này vượt quá mọi suy tầm của ta. Nhưng Ngài là người thật: Tin Mừng cho ta thấy rõ, Hội thánh hằng quả quyết. Ngài có ý thức mình là nhân loại đích thật, với một quyền tự do đích thật; Ngài có trách nhiệm về sứ vụ của Ngài, Ngài có sáng kiến trong khi thi hành sứ vụ.

5. Một khó khăn lớn là khi chúng ta so sánh Tin Mừng Nhất Lãm với Tin Mừng thánh Yoan: Cái khó khăn đó lộ ra hơn cả nơi cách Chúa Yêsu tỏ mình ra. Tất cả 4 sách Tin Mừng đều chung một lòng tin vào Yêsu là Mêsia, là Con Thiên Chúa. Nhưng khi họ tả cách Ngài tỏ mình ra cho người ta, thì họ theo hai hướng khác nhau xa. Trong Nhất Lãm, Chúa Yêsu tỏ mình dần dần, mỗi dịp mỗi tí, cho môn đồ mà thôi; và trong đầu Chúa Yêsu đã tuyên bố Ngài là Mêsia, là Con Thiên Chúa theo một nghĩa hoàn toàn siêu việt, không dọn trước, không chuẩn bị, và với mọi người nghe Ngài, cả những kẻ không muốn nghe chút nào về điều ấy. Vấn đề đó, nhiều người tránh trút, không dám ngó thẳng đến. Đây chúng ta chỉ nêu lên vấn đề. Giải quyết thì phải chờ thời gian đến sau. Điều phải nhận chân là cả 4 sách Tin Mừng đều có một ý định cho thấy sự kiện Chúa Yêsu một cách chân thật. Nhưng khía cạnh ngắm nhìn có khác nhau, bởi đó những phương tiện văn chương vận dụng có khác. Nhất lãm tìm cách doãn lại những trình thuật và truyền thống của các chứng nhân tiên khởi, họ giữ y nguyên như thế, ít là một cách chung. Còn Yoan nhìn ngắm Chúa Yêsu trong thực hữu sâu thẳm, hằng có ngang qua những giai đoạn trần gian kế tiếp nhau: Vinh quang Con Thi6n Chúa hé rạng mọi biến cố trong đời Ngài.

(còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

(tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

No comments: