Sunday, 25 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #38:

Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, do Công Đồng Vatican II ban hành, trong Phần 55, chương 8, nói rằng các quyển sách Cựu Ước “khi được đọc trong Giáo Hội và được hiểu dưới ánh sáng của một mặc khải trọn vẹn hơn, thì mang hình ảnh một người nữ, thân mẫu của Đấng Cứu Thế, vào một tiêu điểm dần dần sắc nét hơn.

Khi được quan sát qua cách này thì Đức Ma-ri-a đã được dự đoán một cách tiên tri là sẽ chiến thắng con rắn – cái chiến thắng đã từng được hứa cho thủy tổ đầu tiên của loài người sau khi họ sa ngã vào tội lỗi (x. Sáng Thế 3:16)”; và Đức Giáo Hoàng Phao-lô Đệ Lục trong tông thư khuyến khích việc lần chuỗi mân côi (Marialis Cultus, 1974) đã nói rằng Thánh Kinh chứa đựng đầy dẫy những điều huyền bí về Đấng Cứu Thế, và từ sách Sáng Thế cho đến sách Khải Huyền cũng đều chứa đựng những điểm tham chiếu rõ ràng về người nữ, người là thân mẫu và là cộng sự viên của Đấng Cứu Thế.

Câu đáp:

Trong câu đáp của tôi cho một vị độc giả trước, tôi đã nêu rõ ra rằng, khi Giáo Hội – trong những văn kiện chính thức của mình – trích dẫn hay tham chiếu những đoạn hay những văn bản Thánh Kinh, thì Giáo Hội không nhất thiết là có chủ ý muốn định nghĩa ý nghĩa chính yếu, ý nghĩa đen theo văn tự của những đoạn hay những văn bản đó.

Quả vậy, các vị giám mục của Công Đồng Vatican II đã chọn lựa từ ngữ của họ rất cẩn thận. Họ nói rằng các quyển sách Cựu Ước, “khi được đọc trong Giáo Hội và được hiểu dưới ánh sáng của một mặc khải trọn vẹn hơn” (nghĩa là, các quyển Tin Mừng), thì mang hình ảnh Đức Ma-ri-a vào một tiêu điểm dần dần sắc nét hơn. Chính khi “được quan sát theo cách này” – theo văn kiện của Công Đồng về Giáo Hội – mà Đức Ma-ri-a được “dự đoán một cách tiên tri”.

Công Đồng đã rất mực cẩn thận để tránh nói rằng đoạn Sáng Thế 3:15 là trực tiếp nói về Đức Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, bởi vì những vị có trách nhiệm soạn thảo hiến chế đã biết rằng điều đó không phải là sự thật.

Tôi chỉ có thể giả sử rằng Đức Giáo Hoàng Phao-lô Đệ Lục, người đã chủ tọa phần lớn những cuộc hội thảo của Công Đồng Vatican II, đã muốn cho những từ ngữ của ngài được hiểu theo cùng một cách như khi ngài nói rằng từ sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền, Thánh Kinh chứa đựng những “tham chiếu rõ ràng” tới thân mẫu của Đấng Cứu Thế.

Điều mà Công Đồng muốn nói là: dưới ánh sáng của mặc khải trong Tân Ước, chúng ta có thể thấy rằng Đức Ma-ri-a, thân mẫu của Đức Giê-su, đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Từ quan điểm này của đạo Công Giáo mà nhìn về quá khứ thì ta có thể thấy là Đức Ma-ri-a đã được “dự đoán một cách tiên tri” (một cách nói rất thận trọng) trong những đề cập đến “người nữ” (woman) trong đoạn Sáng Thế 3:15 và trong một vài đoạn Cựu Ước khác.

Sự liên kết này được củng cố thêm qua cung cách kỳ lạ của Đức Giê-su khi gọi thân mẫu của người, cả khi ở Ca-na lẫn khi trên Thập Giá, là “bà” (woman) (Gio-an 2:4; 19:26).

Sự khám phá việc Đức Ma-ri-a được “dự đoán một cách tiên tri” trong đoạn Sáng Thế 3:15 không thay đổi sự thật là người tác giả khi viết hay hiệu đính Sáng Thế Ký đã không hề có ý định nói về Đức Ma-ri-a chi cả, mà chỉ có ý nói về bà E-và, người nữ đầu tiên.

Còn việc Đức Chúa Thánh Thần – Đấng đã linh hứng cho tác-giả-loài-người – có chủ ý muốn cho văn tự chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc hơn, hay trọn vẹn hơn, thì là điều khó khăn hơn để đoan quyết.

mh September 2011

No comments: