Wednesday, 5 September 2012

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ Bài Tin Mừng hôm nay ( Mc 8, 27 – 35 ) gồm ba phần: ( a ) lời tuyên xưng của ông Phêrô: cc. 27 – 30; ( b ) số phận Con Người: cc. 31 – 33; ( c ) điều kiện để đi theo Đức Giêsu: cc. 34 – 35. Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ chỉ đọc hai phần đầu. “Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai ?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó" ( cc. 27 – 28 ). Trước đây, tại 6, 14 – 15, khi nói về ông Hêrôđê và Đức Giêsu, tác giả Mc đã từng nêu ra những ý kiến của dân chúng về bản thân Đức Giêsu: “Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: "Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ." Kẻ khác nói: "Đó là ông Êlia." Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Theo tường thuật của các môn đệ, ý kiến của dân chúng về Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không khác, nếu không nói là khá trùng khớp, với những ý kiến đã được nói với Hêrôđê trước đây. Điều này cho thấy đã không hề có sự tiến triển gì trong nhận thức của dân chúng, cho dù Đức Giêsu đã giảng dạy nhiều và đã thực hiện thêm nhiều dấu lạ. Dân chúng vẫn chưa nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia/Kitô. Dân chúng vẫn chỉ nhận thấy nơi con người, sứ điệp và hành động của Đức Giêsu một hình ảnh ngôn sứ mà thôi. Trong hình ảnh Gioan, dù sao, vẫn có một yếu tố tích cực so với trước kia, vì người ta đã không nối kết vào đây chi tiết “từ cõi chết trỗi dậy” như trong 6, 14 để giải thích về quyền năng làm phép lạ của Đức Giêsu. Việc đồng hóa Đức Giêsu với ông Êlia tiền giả định một cách hiểu, theo đó, Đức Giêsu đang thực hiện việc chuẩn bị cho sự xuất hiện Đấng Mêsia đang được mong đợi. Ý kiến này không thay đổi gì so với ở Mc 6, 15. Trong 6, 15 có ý kiến cho rằng Đức Giêsu là “một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”, tức là một mắt xích trong chuỗi dài các ngôn sứ. Bây giờ, tại 8, 28, Đức Giêsu được coi là một ngôn sứ nào đó và được đặt song song với ông Gioan đã chết và với ông Êlia đã được cất lên Trời. Điều này cho thấy người ta hiểu Đức Giêsu là một Ngôn Sứ quá khứ đã sống lại. Như vậy, trong cái nhìn của dân chúng, Đức Giêsu là một Ngôn Sứ, tức là một vị được Thiên Chúa sai đến, một nhân vật đặc biệt, nhưng vẫn là một con người của quá khứ. Cùng lắm thì Người cũng chỉ có thể là một nhà cải cách các thiết chế đương thời, chứ chưa phải là Đấng Mêsia được mong chờ. Nói cách chung, dân chúng chưa nhận thấy sự mới mẻ trong sứ điệp và hoạt động của Đức Giêsu. Thật ra, Người không phải là một nhà cải cách, mà là Đấng đưa người ta đến thực tại hoàn toàn khác với những lý tưởng Do Thái và hoàn toàn khác với mọi cách suy tưởng của nhân loại. Người Do Thái sẽ chẳng thể tìm thấy nơi sứ điệp của Đức Giêsu bất cứ sự ủng hộ nào cho quan điểm đề cao Do Thái của họ. Sở dĩ dân chúng chưa nhận ra tư cách Mêsia đặc biệt của Đức Giêsu, là vì vẫn còn đó trong tâm trí họ một chướng ngại vật rất lớn. Đó là lý tưởng Do Thái, chờ đợi một vị Mêsia hiển thắng, phô trương, vinh quang, đầy sức mạnh, thi hành bạo lực nhằm đem lại chiến thắng cho dân tộc Do Thái và đè bẹp các dân tộc kẻ thù của Do Thái... Dân chúng vẫn mong chờ một vị vua trần thế hùng mạnh và vẫn chỉ mong được ở lại trong khung cảnh văn hóa Do Thái của họ. Đức Giêsu đã không hề đáp ứng những khát vọng và lý tưởng đó của dân chúng. Nhưng dù sao, vẫn cần ghi nhận một sự khác biệt rất quan trọng trong ý kiến của dân chúng về Đức Giêsu, so với ý kiến của các kinh sư và của lập trường chính thức của Do Thái Giáo về Người. Trong cái nhìn của những người lãnh đạo Do Thái đương thời, Đức Giêsu là một kẻ thù của Thiên Chúa, một khí cụ của Bêeldêbul ( Mc 3, 23 ). Trái lại, dân chúng coi Đức Giêsu là một ngôn sứ, một vị do Thiên Chúa sai đến. Xem ra càng bị kềm tỏa bởi học thuyết chính thống của Do Thái giáo đương thời, người ta càng khó nhận biết căn tính đích thật của Đức Giêsu. “Người lại hỏi các môn đệ: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" ( c. 29a ). Đức Giêu tách các môn đệ khỏi đám đông dân chúng. Người hỏi về lập trường và nhận thức của chính bản thân các ông, khác biệt với đám đông dân chúng. Bởi vì các ông đã tin vào Người, đã đi với Người, đã gắn bó với Người và với sứ điệp Tin Mừng của Người. Người chờ đợi nơi các ông một câu trả lời khác và đúng hơn, so với các ý kiến của đám đông dân chúng. Các ông phải nhận thức khác với tất cả những người bên ngoài nhóm đồ đệ. Các ông phải nhận biết về Người một cách sâu xa và thực chất hơn đám đông ngoài kia. Và nhận thức này, thật ra, phải là kết quả tiệm tiến của cả một quá trình dài sống với Người. Cần nhớ rằng khi cất lời kêu gọi các ông theo Người ( x. 1, 16 – 20; 2, 13 – 14 ), Đức Giêsu đã không hề đưa ra bất cứ danh xưng hay tước hiệu gì để tự giới thiệu về mình, một chỉ bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi !” “Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô" ( c. 29b ). Ông Phêrô đại diện cho tất cả anh em mà trả lời. Ông nói lên cái ý tưởng của cả nhóm về sứ mạng Đức Giêsu đang thực hiện, như các ông đang được chứng kiến và trải nghiệm. Để hiểu quan niệm của ông Phêrô được chuyển tải trong câu trả lời này, chúng ta cần phải chú ý cách viết của tác giả Máccô. Đây là lần thứ hai xuất hiện tước hiệu “Kitô” trong Tin Mừng theo Thánh Máccô. Lần thứ nhất là trong Mc 1, 1: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Có hai sự khác biệt giữa câu trả lời của ông Phêrô trong 8, 29b và ý tưởng của tác giả Mc được trình bày trong 1, 1: ( a ) Phêrô không nói “Con Thiên Chúa” như ở 1, 1; ( b ) Phêrô sử dụng mạo từ trước hạn từ “Kitô”, còn ở 1, 1 thì không. Trong Tin Mừng theo Thánh Máccô, tác giả có hai cách dùng khác nhau hạn từ “Kitô”. Ở Mc 1, 1 ( tiêu đề của sách Tin Mừng ) và Mc 9, 41 ( Đức Giêsu nói về chính bản thân Người ), tác giả không đặt mạo từ trước hạn từ “Kitô”. Ở Mc 8, 29 ( lời tuyên xưng của ông Phêrô mà chúng ta đang phân tích ); Mc 12, 35 và 13, 21 ( Đức Giêsu nói về Đấng Kitô theo quan điểm truyền thống ); Mc 14, 61 ( thầy thượng tế hỏi Đức Giêsu ); Mc 15, 32 ( các kinh sư cười nhạo Đức Giêsu đang bị đóng đinh ), tác giả sử dụng mạo từ trước hạn từ “Kitô”. Như thế, khi được sử dụng với mạo từ, tước hiệu “Kitô” trong Máccô quy chiếu về quan niệm truyền thống Do Thái mà Đức Giêsu từ khước hoặc không hoàn toàn đồng ý. Khi đặt mạo từ trước tước hiệu “Kitô” trong câu trả lời của ông Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ tác giả Mc ngầm cho thấy: thực ra, ông Phêrô và các môn đệ khác, vào lúc này, vẫn chưa hiểu đúng về căn tính Đức Giêsu. Về căn bản, lời tuyên xưng của ông Phêrô đã là một bước tiến lớn so với quan điểm của dân chúng được các môn đệ tường thuật lại. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là một lời tuyên xưng thích hợp và đúng đắn, vì vẫn chưa thoát khỏi lý tưởng Do Thái giáo chính thống đương thời, tức là vẫn còn bao hàm trong đó niềm hy vọng Đức Giêsu sẽ làm vua Israel, chiến thắng dân ngoại và tái lập vinh quang cho quốc gia Do Thái. Vì thế, vừa khi nghe lời tuyên xưng của ông Phêrô thay mặt cho cả nhóm anh em, “Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” ( c. 30 ). Người chưa chấp nhận lời tuyên xưng của ông Phêrô, đơn giản là vì nó chưa chính xác. Người “cấm ngặt” ( epitimaô ) các ông nói về Người. Động từ “epitimaô” này, một khi được tác giả Mc đặt trên miệng Đức Giêsu, thì luôn ở trong sự quy chiếu về thế lực xấu: Mc 1, 25; 3, 12; 4, 39. Khi sử dụng động từ này ở đây, có lẽ tác giả Máccô muốn cho thấy rằng câu trả lời của ông Phêrô, vì vẫn nằm trong phạm vi lý tưởng Do Thái, nên vẫn thuộc về tinh thần thế gian, đối nghịch với Thần Khí của Thiên Chúa. Tình cảnh, như vậy, cũng gần giống ở Mc 1, 24 và 3, 11 – 12. Trong cả ba trường hợp, sau một lời tuyên xưng về Đức Giêsu ( 1, 24: “Đấng Thánh của Thiên Chúa”; 3, 11: “Con Thiên Chúa”; 8, 29: “Đấng Kitô” ) là một lệnh truyền của chính Đức Giêsu, cấm ngặt việc nói về Người; và tác giả sử dụng động từ epitimaô ở cả ba trường hợp ( 1, 25; 3, 12; 8, 30 ). Tất nhiên là cũng có sự khác biệt: trong hai trường hợp đầu, lời tuyên xưng xảy đến ngược với ý muốn của Đức Giêsu, còn trong trường hợp câu trả lời của ông Phêrô, lời tuyên xưng được nói ra theo đề nghị của chính bản thân Người. Dù sao, Đức Giêsu vẫn phải cấm ngặt các môn đệ phổ biến quan niệm chưa chính xác của họ về Người. Việc cần thiết lúc này là các ông phải có một quan niệm đúng về Đấng Kitô. “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” ( c. 31 ). Đức Giêsu bắt đầu điều chỉnh những yếu tố không đúng đắn trong quan niệm của các môn đệ về Đấng Kitô mà ông Phêrô vừa thưa với Người nhân danh tất cả nhóm. Người đặt ra trước mắt các ông không phải là một hình ảnh Đấng Mêsia vinh quang và hiển thắng như lý tưởng Do Thái Giáo vẫn kỳ vọng. Thay vào đó là mộ số phận đau khổ cùng tận trước khi được tôn vinh trong sự sống lại. Số phận này hoàn toàn đối nghịch với những gì ông Phêrô hiểu khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Nội dung lời giảng dạy của Đức Giêsu về số phận của Con Người, gồm hai phần: “phải chịu đau khổ nhiều” và “sống lại sau ba ngày”. Phần thứ nhất được xác định rõ hơn với hai yếu tố: bị loại trừ và bị giết chết. Con người và hoạt động của Đức Giêsu sẽ bị thẩm quyền chính thức và tối cao của Do Thái loại trừ và tiêu diệt. Sự loại trừ và tiêu diệt đó sẽ mang tính cách chính thức và công cộng. Nhưng Người sẽ sống lại sau ba ngày. “Ba ngày” trước hết không phải là một dữ kiện thời gian chính xác, mà có một ý nghĩa thần học. Dữ kiện này một đàng ám chỉ Xh 19, 11.16 ( nói về cuộc thần hiện của Đức Chúa trên núi Sinai ), đàng khác, ám chỉ Hs 6, 2 ( loan báo hành động chung cục của Thiên Chúa ). Hơn nữa, trong văn hóa Do Thái, người ta cho rằng cái chết chỉ thực sự đóng ấn chiến thắng của mình sau ba ngày. “Sống lại sau ba ngày”, như thế, có nghĩa là sự sống đã chưa hề bị khuất phục bởi cái chết, trái lại, đã chiến thắng cái chết. “Người nói rõ điều đó, không úp mở” ( c. 32a ). Thực tế, Đức Giêsu đã bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem, và ở đó, các biến cố mang tính quyết định nói trên sẽ xảy ra. Người phải nói rõ cho các môn đệ về tính chất nghiệm trọng của tình cảnh để họ hiểu Người đang đưa những kẻ theo Người đi đâu. Người phải cho họ thấy rõ ràng sự từ khước và tiêu diệt Người sẽ đến từ thẩm quyền tối cao và chính thức của Do Thái giáo, tức là những lý tưởng Do Thái chính thức đương thời và những lý tưởng Tin Mừng của Đức Giêsu đối nghịch nhau gay gắt tận căn. Và đây chính là thời điẻm quyết định. Nếu các môn đệ tiếp tục đi theo Đức Giêsu, họ phải chấp nhận đi vào cuộc đối đầu không khoan nhượng đó, phải từ khước hoàn toàn những lý tưởng trần tục và đắc thắng của Do Thái giáo đương thời, và phải sẵn sàng tham dự vào số phận của Đức Giêsu. “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” ( c. 32b ). Ông Phêrô, như chúng ta đã nói trên kia, vẫn mang nơi mình lý tưởng Do Thái, ngay cả khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Ông tách Người riêng ra khỏi nhóm với ý định gây ảnh hưởng trên Người và làm cho Người thay đổi lập trường. Ông đã không hiểu đúng ý nghĩa cái chết mà Đức Giêsu sắp trải qua, vì ông chỉ thấy đó là một thất bại: của Đức Giêsu và của chính lý tưởng Mêsia mà ông đang ôm ấp trong lòng. Vấn đề không chỉ là sự hiểu sai của ông Phêrô. Ta có thể thấy: ông Phêrô hành xử với Đức Giêsu như thể một người bề trên hành xử đối với kẻ bề dưới của mình. Hơn nữa, ông “trách” Người. Động từ “trách” này rất đáng chú ý: dịch sát là “cấm ngặt” ( epitimaô ), cũng một động từ tương tự như khi Đức Giêsu cấm ngặt các môn đệ ở c. 30. Trên kia, chúng ta đã nói đến sắc thái nghĩa đặc biệt của động từ epitimaô trong Tin Mừng theo Thánh Máccô. Khi làm hành động “epitimaô” này đối với Đức Giêsu, ông Phêrô đang hiểu rằng một khi chấp nhận số phận bi đát như được nói ở c. 31, là Đức Giêsu đang ở vào vị trí đối nghịch với Thiên Chúa và chương trình của Người. Ông cho rằng chính ông, chứ không phải Đức Giêsu, mới biết đâu là chương trình của Thiên Chúa. Không chấp nhận ý định của ông Phêrô tách riêng Người ra, Đức Giêsu hướng về nhóm các môn đệ. Vậy “khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: "Satan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" ( c. 33 ). Một lần nữa, xuất hiện động từ “epitimaô” ( trách/cấm ngặt/ngăn cản ). Sắc thái nghĩa tiêu cực của động từ này càng được tô đậm khi Đức Giêsu gọi ông Phêrô là Satan. Ngược với những gì ông Phêrô đang nghĩ, chính khi từ chối số phận bị loại trừ của Con Người mà đi theo những lý tưởng Do Thái chính thức đương thời, ông Phêrô đang hành động theo tư trưởng của loài người và của Satan, chứ không phải là của Thiên Chúa. Chúng ta không biết phản ứng của ông Phêrô và các môn đệ khác trước phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt này của Đức Giêsu. Các ông nhận ra sai lầm trầm trọng của mình ? Các ông hối hận ? Hay các ông vẫn tiếp tục ương ngạnh trong lập trường sai lạc ? Tác giả Máccô không nói gì tường minh về những điều đó. Gợi ý suy niệm 1. Sở dĩ dân chúng chưa nhận ra tư cách Mêsia đặc biệt của Đức Giêsu, là vì vẫn còn đó trong tâm trí họ một chướng ngại vật rất lớn. Đó là lý tưởng về một vị Mêsia hiển thắng, phô trương, vinh quang, đầy sức mạnh, thi hành bạo lực nhằm đem lại chiến thắng cho họ và đè bẹp các dân tộc kẻ thù... Đó có thể cũng là chuyện của chính chúng ta hôm nay. 2. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, nhưng lại hiểu sai nội dung của tước hiệu Kitô. Chúng ta cũng có thể giống ông: hiểu sai những công thức tuyên xưng Đức Tin. Tuyên xưng ngoài miệng một công thức thôi, chưa đủ. Cần phải hiểu đúng và sống hết mình cho Lòng Tin mà mình tuyên xưng. Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: