EPHATA
Trong tuần qua, có một ngày tôi được
tin cha già Chân Tín sẽ rời bệnh viện về lại Nhà Dòng, ngóng cả ngày không thấy
ngài về, tối xuống, khi đã đến giờ chuẩn bị Kinh Tối, cô cháu ngài báo điện
thoại: “Thưa cha, cha già sắp về”, tôi quyết định bỏ đọc kinh chung để đón
ngài. 10g khuya ngài mới về đến nhà, ông cụ vẫn vui vẻ như thường lệ, mặt bị ứ
nước do truyền dịch và thận bị suy nên xem ra có vẻ mập hơn. Cụ mừng rỡ hỏi
thăm mọi người, trả lời cụ vài câu rồi tôi hỏi cụ: “Cụ có hỏi thăm gì về đất
nước không ?” Cụ bật cười rồi lại nhanh tay lau nước mắt.
Có lần chúng tôi vào thăm cụ trong
bệnh viện, cụ cũng hỏi thăm mọi người rồi cụ hỏi chúng tôi: “Tình hình đất nước
ra sao rồi ?” Khi đó cụ đang rất mệt, anh em mới nói với cụ: “Cụ cứ bình an
nghỉ, chuyện đất nước để người khác lo”. Một người khác đùa vào: “Cụ gần về với
Chúa rồi mà còn lo chuyện đất nước !” Mọi người cười vui vẻ, cụ cũng vẫn hiền
hòa đùa vui với anh em và cười vui vẻ, lúc đó, mắt cụ cũng ngấn lệ.
Hôm nay cụ xuất viện về trễ, quá
trễ, nên tôi đùa với cụ: “Nhà thương nào mà làm giấy xuất viện cho cụ vào 8 giờ
tối ? Chắc cụ đi chơi đâu rồi bây giờ mới về phải không ?” Chợt nhớ ra điều gì
cụ bảo mấy đứa cháu lấy hình cho tôi xem, hình vừa mới chụp còn trong máy, vừa
chuyển hình mấy đứa cháu tranh nhau kể cho chúng tôi nghe. Câu chuyện ly kỳ và
độc đáo.
Trong những
ngày ở bệnh viện, cụ được con cháu đẩy xe đi chơi buổi chiều để dạo mát, một
ngày cụ khám phá ra trong góc khuất của bệnh viện Cjhợ Rẫy một hang đá Đức Mẹ
Lộ Đức bị bỏ hoang, nhiều năm qua không ai biết đến, những chữ viết trên bia đá
chứng tỏ hang đá này đươc lập năm 1963, mục đích để các bệnh nhân cầu nguyện,
hàng chữ “Đức Mẹ phù hộ các bệnh nhân” nói lên điều đó.
Cụ tìm cách liên lạc với những người
có trách nhiệm trong bệnh viện, yêu cầu để cụ phục hồi lại hang đá, được chấp
thuận, cụ bảo con cháu lau chùi dọn dẹp hang đá, đem tượng Đức Mẹ đi sơn lại,
bắt điện làm đèn cháy sáng cho hang, cố gắng làm xong mọi việc. Ngày cụ được
xuất viện, cụ đã nán lại chờ cho công việc mọi mặt xong xuôi, thánh hiến lại
hang đá, tổ chức cầu nguyện trước hang… Tất cả chu tất khi trời đã khuya, khi
đó cụ mới về, đó là lý do cụ xuất viện trễ.
Chúa dùng ông
cụ thật lạ lùng. Năm 1990 cụ bị đưa đi quản thúc ba năm ở huyện Duyên Hải ( Cần
Giờ ). Duyên Hải là một huyện nghèo, tuy thuộc thành phố giàu sang nhất nước,
nhưng Duyên Hải vô cùng xơ xác đìu hiu, tuyệt đại đa số dân nghèo ở sâu ở xa
trong các rừng bần, rừng đước, sông rạch chằng chịt, việc học không được quan
tâm, y tế còn lạc hậu, nhà toàn bằng tranh bằng nứa, nền đất, muỗi mòng gieo
rắc mầm bệnh khắp nơi. Các nhà giáo, các nhân viên y tế… Nói chung nhân viên
mọi ngành nghề đều ngán ngẩm tránh né, Nhà Nước phải ra chính sách tăng lương,
kèm phụ cấp và chỉ sau vài năm hứa sẽ cho quay trở về đất liền thì mới có người
chịu ra nhiệm sở.
Kể từ khi phát
kiến nuôi tôm, bộ mặt huyện này có phần thay đổi nhất là khi con đường nối
huyện với thành phố Sàigòn được hình thành, một số gia đình bán đất cho các nhà
đầu tư nuôi tôm, có tiền nên một số nhà gạch được xây cất, lượng xe hai bánh
gắn máy của huyện cũng tăng lên. Nhưng rồi khi chuyện nuôi tôm tràn lan không
quy hoạch, không được hỗ trợ đúng nghĩa, đầu ra đầu vào không ổn định nên thất
bại thảm hại, đất đai ngổn ngang, người nghèo mất hết đất nên vẻ tiêu điều héo
hắt lại y như hồi xưa…
Khi cụ Chân Tín về, ngày ấy dân
Duyên Hải còn nghèo lắm, có hai gia đình được nghe Lời Chúa khi người cha trong
nhà đi tù cải tạo, đến khi đoàn tụ rồi, họ lang thang tìm đến Nhà Thờ, may mắn
được gặp cụ, cụ chăm sóc phần hồn, dạy Giáo Lý và ban Bí Tích Thánh Tẩy cho hai
gia đình đầu tiên theo đạo ở xã An Thới Đông, một xã hoàn toàn không có người
theo Đạo.
Cứ như vậy cho đến khi mãn hạn quản
thúc năm 1993, cụ cứ lang thang len lỏi trong “hang cùng ngỏ hẻm” với dân Duyên
Hải, dạy Giáo Lý, thăm viếng từng gia đình nghèo, bao nhiêu ngăn trở cụ cương
quyết và hiên ngang vượt qua… An Thới Đông đã trở thành một Giáo Họ, khoảng hơn
500 người theo đạo, đã có Nhà Thờ khang trang và một cộng đoàn anh em chúng tôi
bây giờ đang tiếp nối công việc của cụ ở đó.
Nghe kể lại rằng có những lần người
ta ngăn cấm không cho cụ dạy Giáo Lý ở các gia đình, cụ cứ đến dạy, Công An xông
vào, cụ cất sách kinh, bảo đang ngồi chơi thăm bà con, có luật nào cấm đi thăm
nhau nhỉ ? Công An đi rồi, cụ mở sách ra dạy tiếp, cả gia đình sau một ngày lao
động về bên ánh đèn dầu chăm chỉ học, ngoài sân đất, đầu hè, hàng xóm tò mò
sang ngồi nghe, nghe đôi ba lần rồi mê, xin cụ sang nhà dạy cho gia đình họ, cứ
thế đất An Thới Đông được nghe Tin Mừng.
Một lần khác cụ làm Lễ ngay tại gia
đình, Công An cấm, kết tội “hoạt dộng tôn giáo ngoài phạm vị Nhà Thờ”, cụ cứ
làm, biết Công An sẽ đến, cụ cho dọn sẵn bát đĩa và đồ ăn gần đấy rồi cụ dâng
Lễ, khi chó sủa báo hiệu họ đến, cụ cất chén Lễ và sách Lễ, ngồi nhậu khề khà
với dân, “người anh em” chẳng làm gì được cụ !
Bài đọc thứ nhất Chúa Nhật 23 Quanh
năm B hôm nay trích trong sách Ngôn Sứ Isaia kêu gọi chúng ta đừng sợ vì có
Chúa, nếu cụ Chân Tín sợ thì làm sao ngày nay có Nhà Thờ, có Giáo Họ An Thới
Đông hơn 500 người theo Đạo ? Không chỉ An Thới Đông nhưng sẽ còn nhiều Giáo
Điểm nữa. Nếu cụ ngày ấy sợ, hễ “họ” cứ ho một cái là rụt lại, không xác tín được
sứ mạng của mình, không ý thức được quyền năng của mình được Thiên Chúa trao
phó, cũng không dám đòi những quyền sống tối
thiểu của mình, không dám lên tiếng cho Sự
Thật thì cả đời cứ đi trong tăm tối thôi.
Vâng, nếu ngày
ấy chúng tôi ngăn cản cụ đừng làm thế, e rằng sẽ bị gây phiền nhiễu ảnh hưởng
đến hoạt động chung của mọi anh em trong Dòng thì bây giờ và ngày sau sẽ ra sao
? Liệu chúng tôi có mãi tiếp tục hãnh diện về một thứ bình an giả tạo, khiếp
nhược và hèn hạ không ? Lương tâm của chúng tôi có mãi yên ổn để hãnh diện kể
công về một “mối tình tốt đẹp giữa chúng tôi và Nhà Nước” không ?
Lao mình vào giữa rừng sâu, vượt qua
ngăn trở sông rạch, cụ Chân Tín tìm đến với người nghèo, người bị bỏ rơi hơn
cả. Thay vì chè chèn giao du với các đại gia, đi lại với người có quyền thế, cụ
tìm đến gặp gỡ người nghèo.
Bài đọc hai của Chúa Nhật hôm nay
trích trong thư của Thánh Giacôbê, nghe mà thấm thía, Thánh Giacôbê buộc chúng
ta phải chọn lựa cách ứng xử trước mặt Thiên Chúa. Có hai người, một giàu có
sang trọng bước vào, vòng vàng đầy tay, áo quần lộng lẫy, lại một nghèo hèn ăn
mặc tồi tàn cũng tìm đến, cách chúng ta tiếp đón sẽ ra sao ?
Khối lần ta khúm núm trước người
giàu, khối lần ta nghe lời tư vấn khuyến dụ của người quyền thế, khối lần ta để
người có tiền quyết định cả những điều thánh thiêng theo hướng và quan điểm của
họ, cho dù hướng ấy, quan điểm ấy nghịch hẳn với Tin Mừng. Đã có kẻ bỏ hẳn việc
chia sẻ tiệc mừng với một cộng đoàn Giáo Xứ để đi dự tiệc của người giàu, đã có
kẻ cho cả lớp Giáo Lý hàng trăm người “leo cây” ngồi chờ để đi vui với kẻ có
tiền, kẻ đã tài trợ cho mình…
Thánh Giacôbê buộc ta phải trả lời
trước Chúa: “Đừng nghe xuông mà lừa dối chính mình”.
Ephata ! Mở rộng
tai ra để nghe Lời của Chúa. Ephata ! Mở miệng tôi ra để cao rao Lời của Chúa.
Đừng bưng tai bịt mắt, đừng nhát đảm sợ hãi mà không nói Sự Thật. Sự Thật nguồn
cội là chính Chúa Giêsu.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa nhật 9.9.2012
No comments:
Post a Comment