Tuesday, 4 September 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐIỀU GÌ LÀM CHO NGƯỜI TA RA Ô UẾ ?



Khi ấy, “có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa” ( cc. 1-2 ).
Đối với những người Pharisêu và các kinh sư, có những con người và những sự vật mà việc tiếp xúc với họ sẽ làm cho người Hipri ra nhơ uế. Người ngoại và những thứ thuộc về họ hoặc họ đã đụng vào, bị coi là một nguồn nhơ uế, tức là việc tiếp xúc với người ngoại hoặc với các sự vật đó bị coi là sẽ làm cho người Hípri ra nhơ uế. Nhưng hơn nữa, ngay cả những người Hípri không tuân giữ Luật một cách nghiêm chỉnh cũng bị coi là “nhơ uế”, như thể họ không thuộc về Dân Thánh Israel, và như vậy họ chẳng khác gì dân ngoại. Tiếp xúc với những người ấy là liều lĩnh đi vào phạm vi của những điều nhơ uế và liều lĩnh để cho mình có thể bị loại khỏi dân của Giao Ước Thánh. Vì thế, “dùng bữa mà tay ô uế, nghĩa là chưa rửa” thì cũng có nghĩa là không bận tâm đến mối nguy hiểm đó trước khi thực hiện một hành vi thánh ( vì bữa ăn được bắt đầu bằng một lời chúc tụng nên được các kinh sư coi là một điều thuộc phạm vi thánh ). Việc rửa tay theo nghi lễ ( chứ không phải vấn đề vệ sinh ) là một điều buộc để người ta có thể chắc chắn mình không ở trong trạng thái ô uế, nhưng là đang thanh sạch trong Dân đã được thánh hiến.
 Như thế, với việc không cử hành nghi thức rửa tay trước khi dùng bữa, một vài môn đệ Đức Giêsu đang hành xử như thể họ chẳng coi việc tiếp xúc với những người Hípri không giữ Luật là việc có thể làm cho họ ra nhơ uế. Họ cho thấy sự phân biệt của các kinh sư và người Pharisêu về các loại người trong nội bộ Dân Thánh tùy theo việc người ta giữ Luật hay không, là một sự phân biệt không đúng đắn, không đáng tôn trọng. Và điều này khiến cho các kinh sư và người Pharisêu lo lắng.
Để giải thích rõ hơn lập trường của các kinh sư và người Pharisêu, tác giả Máccô ghi thêm: “Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng” ( cc. 3-4 ). Sau khi rửa tay, họ còn phải thanh tẩy cả những thức mua ngoài chợ về, vì những thức ấy đã có thể bị chạm vào những người hoặc vật không thanh sạch.
Cuối cùng, thậm chí ngay cả những thứ dụng cụ trong nhà bếp như chén bát, bình lọ và các thứ nồi niêu bằng đồng, vốn chẳng bị những người khác chạm vào, họ cũng phải thực hiện nghi thức rửa. Chi tiết này cho thấy sự sợ hãi, sự bối rối và sự vụn vặt đến cực độ của họ trong việc tuân giữ những quy định của tiền nhân. Nói chung, họ cẩn thận áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong tất cả những thứ liên quan đến việc ăn uống, vì trong việc ăn uống, thế giới bên ngoài được đưa vào bên trong con người, mà đối với họ, thế giới ấy là xấu xa. Truyền thống không cho phép họ tự do trong liên hệ với thế giới.
Chính trong khung cảnh tư tưởng và thực hành như thế, các kinh sư và người Pharisêu phản ứng trước sự kiện một số môn đệ Đức Giêsu không thực hiện nghi thức rửa tay trước khi ăn. “Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?" ( c. 5 ). Trong cái nhìn của họ, các môn đệ Đức Giêsu đã không kính trọng sự phân biệt giữa sự thánh thiêng và sự phàm tục, vốn là nền tảng của tôn giáo Do Thái. Các kinh sư và người Pharisêu chất vấn Đức Giêsu, vì họ cho rằng các môn đệ hành xử như thế là do lỗi của Đức Giêsu: Người đã chẳng dạy cho họ biết sự khác biệt đó, thậm chí đã chẳng dạy cho họ biết rằng sự gần gũi và sự thuộc về Thiên Chúa đòi hỏi những điều kiện đặc biệt, chứ không thể là chuyện xập xí xập ngầu thế nào cũng được.
Thật ra, khi “cứ để tay ô uế mà dùng bữa”, các môn đệ cho thấy họ không nghĩ rằng việc tiếp xúc với những con người hoặc sự vật của cuộc sống thường nhật lại là lý do của sự không thanh sạch. Như thế, họ không chấp nhận sự loại trừ về mặt tôn giáo trong nội bộ Israel, và không chấp nhận lập trường cho rằng để đến gần Thiên Chúa người ta cần phải thực hành cả một đống những quy định chi ly và mang tính phòng ngừa đến mức vụn vặt. Thái độ này khiến cho những người Phariêsu lo lắng và bực mình, vì họ luôn coi việc tuân giữ ( đến mức chi li ) Luật thành văn và truyền khẩu, là điều kiện cần thiết để người ta được thuộc về “dân thánh”.
Cách hành xử đó của các môn đệ, sâu xa ra, đã phản ánh một khía cạnh quan trọng trong sứ điệp mà Đức Giêsu đang công bố, ví dụ trong việc chữa lành người phong cùi ( 1, 40-45; x. bài suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường Niên, ngày 26/2/2012 ). Trong hành động chữa lành người phong cùi đó, Đức Giêsu đã khẳng định rằng ngay cả những người phong cùi ( vốn là điển hình của những người bị gạt ra bên lề Israel của Do Thái giáo ) cũng là đối tượng của tình yêu nhân lành của Thiên Chúa. Thiên Chúa đón nhận con người không phải vì anh ta thanh sạch.
Trái lại, bởi vì Thiên Chúa đón nhận anh ta cho nên anh ta mới được thanh sạch. Vì thế, chính lúc người phong hủi được trải nghiệm rằng Thiên Chúa chấp nhận anh như anh là, thì chứng phong hủi biến mất khỏi anh. Hóa ra, sự gạt bỏ người phong hủi ra bên lề cộng đồng là chuyện của các thiết chế tôn giáo và xã hội, chứ không phải là điều do Thiên Chúa muốn, nhưng lại bị gán cho Thiên Chúa ! Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của sự kỳ thị hay phân biệt thanh sạch – nhơ uế, một trong những sự phân biệt và kỳ thị đặc trưng của Do Thái giáo. Đức Giêsu phá bỏ quan niệm sai lạc đó và Thiên Chúa ( x. 1, 45-3, 7a ).
Một số môn đệ đã “thấm” lập trường đó của Đức Giêsu. Họ không coi việc tiếp xúc với đám dân “phàm phu tục tử” là điều có thể làm cho họ ra phàm tục, càng không thể làm cho họ ra ô uế. Và đó chính là bước đầu tiên buộc phải vượt qua trong hành trình yêu mến con người !
Khi dựng lên hàng đống những rào cản và sự phân biệt, các kinh sư và người Pharisêu đang hành xử theo hướng ngược lại với Tình Yêu nhân lành phổ quát của Thiên Chúa. Càng nhấn mạnh sự khác biệt của họ bằng các nghi thức tẩy rửa, họ càng xa cách Thiên Chúa ! “Đức Giêsu trả lời họ: "Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm" ( cc. 6-8 ).
Trước hết, Đức Giêsu trích lời Ngôn Sứ Isaia để cho thấy tính chất giả hình trong phản ứng của các kinh sư và người Pharisêu. Họ luôn miệng nói về lòng trung thành đối với Thiên Chúa, nhưng tâm thế và cách hành xử của họ thì không như vậy. Họ coi thường những người không đi theo lời giải thích Luật do họ đưa ra; họ từ khước tiếp xúc với phần đông dân chúng và với những người ngoại. Với tâm thế và cách hành xử như thế, họ ở xa Thiên Chúa giàu lòng thương xót và họ đối nghịch với lệnh truyền yêu thương người thân cận như chính mình trong Lv 19, 18. Những thực hành tôn giáo của họ thành ra không giá trị, vì những điều họ đề nghị thực hành để tôn kính Thiên Chúa thì lại không phải là những điều Thiên Chúa muốn.
Sau khi trích dẫn lời Ngôn Sứ, Đức Giêsu đưa ra lời phê phán của chính bản thân Người, rằng họ đã gạt bỏ lệnh truyền của Thiên Chúa và thay vào đó là những truyền thống của người phàm.
Trước tiên, Đức Giêsu phế bỏ giá trị của cái mà họ gọi là truyền thống. Các kinh sư và người Pharisêu coi những truyền thống đó có thẩm quyền thần linh. Đức Giêsu chỉ coi chúng là chuyện của người phàm, tức là không có nguồn gốc và thẩm quyền thần linh. Thay vào chỗ “truyền thống của tiền nhân” vốn được coi là có giá trị ngang với Luật, Đức Giêsu xác định đó là “truyền thống phàm nhân”.
Đàng khác, khi coi những truyền thống của dân Israel là những truyền thống phàm nhân, Đức Giêsu đã gộp chung Israel vào với phần còn lại của cả và nhân loại. Thực hiện chi li những truyền thống tiền nhân, các kinh sư và người Pharisêu cố gắng tách mình khỏi phần còn lại của thế giới và ngay cả khỏi phần đông dân chúng Do Thái không tuân giữ Luật Lệ. Nhưng thật ra, họ cũng chỉ đang thực hiện những lề thói phàm nhân, chứ không phải lệnh truyền của Thiên Chúa.
Như vậy, Đức Giêsu đã bác bỏ tầm quan trọng của truyền thống và loại bỏ nền tảng thần học của cách hành xử của các kinh sư và người Pharisêu. Đây quả thực là một lời phê phán rất nặng nề.
Sau khi phê phán cách hành xử của họ, Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc của chính Người, đối lập với đạo lý mà các kinh sư và người Pharisêu giảng dạy và thực hành. Tác giả Tin Mừng viết: “Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” ( cc. 14-15 ).
Các kinh sư và người Pharisêu chưa nói đến thức ăn không thanh sạch, mà chỉ mới nói đến cách ăn “nhơ uế” của các môn đệ. Đức Giêsu đi xa hơn. Người nói đến chính thức ăn, và như thế, sự phê phán không chỉ dừng lại ở các truyền thống truyền khẩu, mà lên đến chính bản văn Luật trong Cựu Ước.
Đức Giêsu bắt đầu từ chính sự đồng hóa của những người Pharisêu giữa cái phàm trần và cái nhơ uế. Người phủ nhận giá trị của nguyên tắc phân biệt thanh sạch – nhơ uế trong hệ thống tôn giáo của họ. Trong ngôn ngữ tôn giáo, cái “phàm tục” là cái ở bên ngoài phạm vi thần linh, hoặc cái ở xa Thiên Chúa, không được Thiên Chúa lưu tâm, nhưng được phó mặc cho sự tùy tiện hành xử của con người. Những người Pharisêu coi tất cả những thứ không thuộc Israel, và ngay cả những người Israel không giữ Luật, là những thứ thuộc về phạm trù cái phàm tục.
Đức Giêsu đưa ra một nguyên tắc mới khi khẳng định rằng điều làm cho người ta xa cách Thiên Chúa không phải là cái gì từ bên ngoài. Con người không hề bị đẩy xa khỏi cảnh vực của Thiên Chúa vì sự tiếp xúc với những thực tại bên ngoài mình. Thế giới bên ngoài không được hình dung như kẻ thù của con người, cũng chẳng phải là một mối nguy hiểm cho mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Thế giới bên ngoài con người không phải là cái làm cho con người ra nhơ uế. Con người có thể cởi mở với thế giới mà không đánh mất tương quan thân nghĩa vơi Thiên Chúa. Con người chẳng cần phải sợ hãi khi tiếp xúc hay gần cận thế giới, như thể việc tiếp xúc hay gần cận đó làm cho họ không còn được Thiên Chúa yêu mến nữa.
Thật ra, như trên đã nói, điểm đáng nói là lời tuyên bố của Đức Giêsu “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được” đã đi ngược với Luật thành văn, vì chính Torah đã nói đến những thứ “nhơ uế” làm cho người ta ra nhơ uế ( Lv 11 – 15; Đnl 14, 3tt ). Như thế, Đức Giêsu đã xóa bỏ nền tảng của những quy định về thanh sạch – nhơ uế trong Cựu Ước, và do đó, của tất cả những điểm quy chiếu cho các lệnh cấm về thức ăn làm nên nét đặc trưng khu biệt những người Hípri đối với dân ngoại.
Và, như ở cc. 21-23, những “cái từ bên trong con người xuất ra” được liệt kê là những lời nói và hành động xấu, thì ở đây cũng vậy, “cái từ bên ngoài vào trong con người” không chỉ là những thức ăn. Đúng là bản văn nói đến thức ăn, nhưng xa hơn nữa, còn có ý nói đến tất cả những sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài con người, tức là cả những sự vật và những người khác nữa. Hiểu như thế, lời của Đức Giêsu phá bỏ mọi thứ điều cấm kỵ liên quan không chỉ đến thực phẩm mà cả con người nữa.
Điều đáng nói không phải là chuyện ăn uống hay tiếp xúc, mà là hình ảnh Thiên Chúa mà người ta tin khi chủ trương và thực hành những quy định và luật lệ. Thiên Chúa lưu tâm đến tất cả những gì Người đã làm ra, đặc biệt là loài người. Chương trình của Thiên Chúa là cứu độ và ban Sự Sống cho mọi người, bất kể những sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo... Thiên Chúa yêu tất cả mọi người, yêu thế giới con người và mọi thứ làm cho con người hướng đến sự phát triển hoàn hảo và viên mãn. Cách thực hành của các kinh sư và người Pharisêu đã làm méo mó hình ảnh đó của Thiên Chúa.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh với chúng ta hai điểm quan trọng:
- Trước hết, Đức Giêsu hủy bỏ nền tảng của sự kỳ thị tôn giáo của Israel ( cc. 1-8 ), bằng cách phủ nhận sự cần thiết của việc người ta phải tẩy rửa sau khi đã tiếp xúc với một đám đông dân chúng Do Thái ( vốn luôn bị coi là có nguy cơ gây nhơ uế ).
- Sau đó, Người cho thấy quả đúng là con người có thể xa cách Thiên Chúa và trở nên “ô uế”, nhưng cái làm cho nó ra như thế thì không phải là thức ăn hay bất cứ thứ gì đến từ bên ngoài nó, mà là chính cõi lòng của nó, chính cái tâm thế bên trong của nó, cái tâm thế sản sinh ra những suy nghĩ xấu, chọn lựa xấu, lời nói xấu và hành động xấu ( cc. 14-15. 21-23 ).
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN,
9. 2012

No comments: