Saturday, 8 September 2012

“Gửi vào biển xanh lời tim muốn nói”



Suy niệm Chúa nhật thứ 23 thường niên năm B

“Gửi vào biển xanh lời tim muốn nói”
Mai có trôi sang bên ấy cùng người
Nhớ tạc trên cát vàng câu sám hối
Cho tình này ngoi ngóp giữa trùng khơi”
(dẫn từ thơ Lã Thế Phong)
Mc 7: 31-37
            Lời, tim anh muốn nói gửi biển xanh, có là lời ới gọi từ muôn nơi? Gọi, để rồi nhớ ghi tạc trong tim, câu sám hối. Với trùng khơi. Tình ngoi ngóp?
            Trình thuật, nay không nói gì về sám hối. Nhưng, về Chúa chữa lành cho người câm điếc lẫn mù loà, ở vùng Tia. Ngoài Đạo. Tiến trình chữa bệnh của Chúa, kéo dài như một nghi thức. Quả thực là như thế. Bắt đầu, Chúa dùng tay đặt nơi tai người bệnh, rồi bôi nước miếng vào lưỡi anh. Nước miếng, là thứ mà người xưa tin sẽ có tác dụng chữa lành một số bệnh. Nay, sự thể này cũng có đúng vào một số trường hợp. Cùng lúc ấy, Chúa ngước mắt lên cao, chuyện vãn với Chúa Cha, bằng tiếng Aram, Ngài nói: Ephata, nghĩa là: hãy mở ra.”
            Tức thì, người bệnh được chữa lành. Anh nghe rõ và nói được. Thật sung sướng. Người chứng kiến đứng chung quanh, rất đỗi kinh ngạc. Họ đồng thanh đưa ra một nhận định, nghe rất đúng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp: người điếc được nghe. Kẻ câm nói được.” (Mc 7: 37)
            Lời chúc đây, vang vọng từ sấm ngôn của tiên tri Isaya, ở bài đọc 1: “Bấy giờ, mắt người mù, mở ra. Tai người điếc, nghe được. Kẻ què nhảy nhót, như nai. Lưỡi người câm reo hò, vui vẻ.” (Is 35: 5-6). Và tương lai khi xưa được ngôn sứ hứa, nay đã đạt.
            Cách Chúa chữa bệnh, khiến mọi người chúng ta nhớ về Bí tích thanh tẩy. Nhờ vào quà tặng là niềm tin gửi đến với người nhận lãnh bí tích, tai họ mở ra để nghe Lời Chúa. Lưỡi họ được giãn lỏng, để nói cho mọi người biết, những điều tốt đẹp về Đức Chúa. Khi xưa, lúc chưa có ai lo ngại về chuyện lây lan mầm bệnh, linh mục cử hành bí tích thanh tẩy, có thói quen sờ chạm tai người nhận lãnh bí tích. Rồi, vị ấy chấm chút nước miếng vào lưỡi người nhận lãnh, là tỏ theo cung cách Chúa đã làm.          
            Thanh tẩy, là dấu hiệu cho thấy ta được tháp nhập vào Thân Mình Chúa, cách trọn vẹn. Tháp nhập vào Hội thánh của Ngài, nữa. Muốn được thế, ta phải quyết tâm tham gia lối sống sinh động Chúa mời ta thực hiện. Thực hiện quyết tâm, là mở hết tai ra mà nghe, những gì Đức Giêsu nói với ta. Là, mở trọn tâm hồn ra mà san sẻ niềm tin-yêu, với kẻ khác. Không như người trong Tin Mừng, ta thường không thấy là mình được nhận lãnh quà tặng này, ngay tức khắc.
            Thật ra, phải nói là nhiều người trong chúng ta không có khiếu lắng nghe và nói. Nói những gì liên quan đến Chúa. Có người còn ngưng cả việc lắng tai nghe, nữa. Nhiều người nghĩ, ai cũng đều nghe và biết về 7 phép bí tích, 10 giới lệnh của Chúa, 6 điều Hội thánh răn dạy, 7 mối tội đầu một khi  học lớp giáo lý. Cho nên, họ thường nghĩ: chẳng có gì để học thêm nữa vào sau đó nữa.     
            Tuy nhiên nếu nghĩ như trên thì họ chưa nhận ra được những gì cần nghĩ. Và dường như họ đang điếc. Bởi có điếc, họ mới không nói được hoặc không có gì để nói, không có gì để sẻ san. Cuối cùng thì, thường tình ta gặp rất nhiều người nhà Đạo, có kỹ năng rất cao trong xã hội, nhưng lại thấp bé về niềm tin. Đáng buồn hơn, vì không nhận thức, nên họ chậm lụt trong tự giác, để giúp người khác hiểu biết đôi điều về Đạo Chúa. 
            Trong khi đó, có nhiều người lại biết nghe. Và nghe rất giỏi nên hiểu biết rõ ý nghĩa con người của Đức Giêsu và Tin Mừng Ngài trong hoàn cảnh đổi thay cuộc đời mình. Ở đây nữa, có những người nghe thì tốt, nhưng nói không nhiều. Và, sẻ san cũng chẳng bao nhiêu cho người khác. Quả thật là, có điều trái nghịch là: ta nghe Lời Chúa cho nhiều, nhưng lại nói khá ít và nhất là san sẻ thì chẳng được bao nhiêu.     
            Chúa vẫn bảo, không ai thắp đèn lên rồi đem giấu kín, nơi chìm khuất. Đèn chiếu sáng, là để người người được san sẻ, mà thấy đường. Vấn đề Tin Mừng đề cập, Lời Chúa được ban bố là để nghe và san sẻ, hầu thực hiện trong cuộc sống. Nghe đây, có nghĩa: lắng tai và thông đạt. Là,triển khai thông điệp thành của riêng cho mỗi người. Rồi thực hiện trong cuộc sống bằng hành động.        
            Theo Phúc Âm hôm nay, dù Chúa có cản người lành bệnh đừng phổ biến, nhưng anh và mọi người cũng sẽ ra đi mà rao truyền sự kiện vừa xảy đến. Thật ra, người bệnh nào khi được chữa lành mà lại chẳng quảng bá sự lạ mà mình được phước. Nay, anh nghe được mọi sự. Anh cũng sẽ, sẻ san với mọi người, phước lành anh nhận lãnh. Cả ta nữa, khi phấn kích về Tin Mừng của Chúa; phấn kích về kinh nghiệm sống có thị kiến, ta cũng làm hệt một việc như anh ấy đã làm thôi. 
            Tựa như môn đồ Chúa ngày Lễ ngũ Tuần, nếu ta có kinh nghiệm sống đời tín hữu đích thực và sâu sắc, chứ không chỉ một mớ tín điều khô cứng, thì cả ta nữa, cũng sẽ phấn kích mà sẻ san với mọi người. Y hệt vậy thôi.
            Vấn đề là: lâu nay ta vẫn nghĩ về đạo hạnh như là việc cá nhân/riêng rẽ giữa ta và Chúa tức  sống lành thánh/tốt đẹp, giữ mình ở mãi trong tình trạng nhận lãnh ân huệ Chúa ban cho như đi nhà thờ vào giờ nhất định và đón nhận ơn lành nơi bí tích. Hệt như người giàu có trong Tin Mừng, anh giữ trọn đủ mọi điều răn dạy nhưng vẫn hỏi Chúa: tôi cần làm gì thêm nữa chăng? Và câu trả lời của Chúa, là: “Đúng. Hãy đem tất cả những gì anh có, cho người nghèo túng, có nhu cầu. Rồi đến mà theo tôi.
            Hôm nay, ta nghe chăng lời răn dạy, tựa như thế? Ta có nghe những lời như thế ở bài đọc? Làm sao, để ta có thể đối xử với những người khác nhau trong xã hội? Dù là người lương thiện, ta thấy có nhiều lúc, nhiều lần, ta đối xử với mọi người, hệt như điều thánh Giacôbê nói: “Ta đối xử ra sao với bạn bè, những người tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, và người dưng khách lạ, nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, đến với ta?”
            Còn một vấn nạn nữa; thái độ của ta đối với giàu sang, khó nghèo có khác biệt, không? Ai là người ta thực sự coi như giàu sang, đang giàu nổi? Ta đeo đuổi loại giàu sang phú quý nào đây? Có thật sự là ta chẳng kỳ thị tí nào, trong các địa hạt như: giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng/tôn giáo, giai cấp, nghề nghiệp…?
            Trả lời cho câu hỏi nêu trên, sẽ thấy là ta thực sự biết nghe Lời của Chúa hay không. Câu trả lời, còn cho thấy ta giao tế, tiếp xúc và xử thế với người khác bằng lời lẽ ra sao, bằng cử chỉ và hành động như thế nào.
            Đúng thế. Đôi khi ta cũng là người câm và điếc đặc. Đôi khi, ta để mất đi kỹ năng nghe và nói. Để mất đi, khả năng nhận ra tiếng của Chúa đang gọi ta thay đổi rất nhiều thứ. Cả xấu lẫn tốt, trong cuộc sống chung đụng với xã hội người phàm. Chúa vẫn lớn tiếng với ta ngang qua những gì xảy đến trên báo chí/truyền thông, hệ truyền hình. Và phản ứng của ta là khi nhìn cảnh tượng nào không thích, ta có thể hoặc thường nói: Ấy ấy, sao thế kià; hoặc: Ơ kìa, thế giới nay đi về đâu thế hả?  Và thế là, ta đổi hệ truyền hình, không xem nữa. Hoặc chuyển hệ nào mình thích, chứ không cần biết chuyện gì đang xảy ra.
            Vào Tiệc thánh hôm nay, ta nguyện cầu cho được quà tặng biết lắng nghe. Nghe và biết, tiếng gọi của Đức Chúa đang kêu mời ta trong mọi chuyện xảy đến, rất hôm nay. Cầu mong sao có được  quà tặng được nghe và nói, để được tràn đầy kinh nghiệm giải thoát, mà biết Chúa. Biết rằng, ta không thể dừng lại hoặc  chẳng sẻ san kinh nghiệm ta nhận lãnh, với người chung quanh. Nói tóm, sẻ san mọi sự và mọi chuyện, là việc cần thiết cho ta ngay lúc này.       

No comments: