Monday, 23 April 2012

Lm Vĩnh Sang, CSsR: Chuyện Các Vị Giám Mục Nước Mình



Trong mấy ngày vừa qua, vì công việc tôi có dịp gặp một vị Giám Mục, qua các câu chuyện ngài nói với tôi, tôi hiểu thêm về nỗi khổ tâm của người Mục Tử, có những trăn trở, những nỗi lo, những phiền muộn mà không mấy ai hiểu được, người Mục Tử cứ vậy ôm vào lòng, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình xoay sở. Nghe nói, khi làm Giám Mục, các ngài mất nhiều thứ lắm.
Lại có lần qua một vị chức sắc trong Giáo Hội ở bên ngoài Giáo Hội Việt Nam nói với tôi một nhận xét, rằng ở Việt Nam, cứ phong vị nào lên làm Giám Mục thì y như rằng vị ấy chỉ một thời gian ngắn sau là mắc đủ thứ bệnh tật. Gẫm lại tôi thấy khá đúng, không dám chắc trăm phần trăm, nhưng đa số là như vậy. Hình như trong một xã hội quá phức tạp và nhiều thách đố, sức con người khó có thể đương cự nếu không có ơn Chúa.
Tôi lại nghe kể có một vị Giám Mục khả kính nọ, sau năm 1975, ngày nào ngài cũng “được” Công An tỉnh gọi lên làm việc, kiểu làm việc này kéo dài cả năm, ngày ấy vô cùng khó khăn và nguy hiểm, ngài cứ đều đặn mỗi ngày ra văn phòng Công An tỉnh chịu sự “làm việc”. Người thường mà bị khủng bố kiểu đó thì khó có thể sống được, thế nhưng ngài vẫn sống, hiện nay ngài vẫn còn sống. Có người thắc mắc thì ngài tiết lộ: mỗi ngày khi đi “làm việc” về, ngài bình thản ngồi vào cây đàn dương cầm, rồi thả hồn vào những bài Thánh Ca, ơn Chúa xua đi cho ngài những buồn phiền dương thế.
Người ta kể, trên sân thượng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, hình thành một “con đường” trên lớp gạch lót mặt, con đường được tạo ra từ những bước chân của vị Tổng Giám Mục Hồng Y can trường đáng mến, khi sang Roma ngài đã can đảm trình thỉnh nguyện thư xin phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam, để rồi khi trở về Việt Nam, ngài gặp khó khăn trăm bề, bao nhiêu những áp lực từ nhiều phía tấn công ngài, nhà cầm quyền ngày ấy gây ra biết bao nhiêu trở ngại cho ngài, nội bộ Giáo Hội cũng có một số kẻ chỉ trích ngài nặng nề. Bị cô lập tại Tòa Tổng Giám Mục, ngài lên sân thượng tâm sự với Chúa qua tràng chuỗi Mai Khôi, từ ngày ấy con đường trên sân thượng được ấn dấu.
Thế rồi vào những năm cuối của thập niên đầu ngàn năm thứ ba này, có một vị Tổng Giám Mục hậu duệ lại cũng ngày ngày đặt từng bước chân mình vào vết mòn trên gạch ngày xưa, vẫn lại là những bước chân đi trong phiền muộn, trong lo toan, trong khổ đau, trong cô đơn, trong tin yêu phó thác…
Trở lại câu chuyện về vị Giám Mục tôi vừa được gặp mấy hôm nay, bây giờ là câu chuyện trong những năm đầy biến động của đất nước. Ngài “được” gọi ra Ủy Ban Tỉnh để “trao đổi” ( tôi viết trong ngoặc đôi vì chỉ những ai đang sống trong đất nước này mới hiểu được hai chữ trao đổi thực chất là gì ) về những vụ việc vừa xảy ra, cũng như những “tồn tại” của địa phương. Trên đường ra Ủy Ban ngài gặp một tai nạn giao thông có người thiệt mạng, khi gặp các quan chức ngài đem việc tai nạn ra kể, kể xong ngài hỏi các vị quan chức Ủy Ban:
-    Theo các ông, bắt người tài xế gây tai nạn hay bắt xe gây tai nạn ?
-    Bắt tài xế chứ, người ta buột miệng trả lời rất nhanh.
Vị Giám Mục không chịu, ngài lý luận rằng chiếc xe đụng người chứ tài xế đâu có đụng, vậy phải bắt cái xe và phạt cái xe thật nặng, các quan chức thuộc Ủy Ban kiên định với lập trường là phải bắt tài xế và nhốt tài xế lại, vì tài xế là người điều khiển cái xe. Chiếc xe vô tri vô giác, nó vô tội, không thể bắt xe và càng không thể nhốt cái xe ! Đến đây thì vị Giám Mục rất châm biếm và hóm hỉnh, bảo các quan chức:
-    Vậy sao các ông bắt cái Nhà Thờ và nhốt tù cái Nhà Thờ mấy chục năm nay vậy ? Vị Linh Mục cai quản Nhà Thờ ấy các ông đã bắt, đã nhốt, đã cho “cải tạo” ( lại một chữ nữa chỉ những ai đã sống ở nước mình mới hiểu ) suốt nhiều năm, các vị ấy bây giờ đã chết hết cả rồi mà sao Nhà Thờ vẫn cứ còn bị nhốt hoài, trả lại cho Giáo Hội đi chứ!
Lm. VĨNH SANG, CSsR, 
Chúa Nhật 22.4.2012

No comments: