Suy niệm
Chúa Nhật Thứ 4 Phục Sinh năm B 29.4.2012
“Ngẩn ngơ nghe tiếng gọi như thừa”
Bao người quen thuộc
giờ đâu nhỉ
Khung cảnh thân thương phải đó chưa?
Khung cảnh thân thương phải đó chưa?
(Dẫn từ thơ Phạm Doanh)
Ga 10: 11-18
Nghe tiếng gọi như thừa, vừa ngẩn ngơ? Hỡi người quen
thuộc, giờ người ở đâu, sao không thấy? Người ở đâu, mà sao không đáp trả. Trả
lời và đền đáp tiếng gọi, của Chúa Chiên.
Trình thuật
hôm nay, lại cũng ghi về một mời gọi “tưởng như thừa”, của Chúa Chiên. Chúa
Chiên, nay ngóng chờ dân con làm mục tử, biết dấn thân. Biết nghe tiếng gọi.
Nghe, để ra đi thực hiện điều Chúa ới gọi, nơi mọi người. Chúa gọi ta tiến bước
trong hân hoan tràn ngập và hy vọng.
Hân hoan -
hy vọng, là tự chế đời mình, như Lời Chúa nhấn mạnh nơi Tin Mừng thánh Gio-an.
“Mục tử nhân lành, là người dám hy sinh mạng
sống mình vì đoàn chiên.” Ở đây, Chúa muốn phân biệt giữa Chúa Chiên Hiền
với người được chủ mướn chỉ để giữ chiên. Người được mướn giữ chiên, chỉ lo
toan đến lương tiền. Nên, khi sói lang đến y ta bỏ chiên đó mà chạy vì sợ. Còn
Chúa, Ngài nói: “Tôi biết chiên của Tôi,
Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Cũng có
thể, là: Ngài tự tách Mình khỏi các lãnh tụ tôn giáo được thuê mướn sống giữa
dân con nhà Đạo, vì các vị này chỉ làm những gì mọi người trông đợi mình làm.
Tuyệt nhiên, không thực sự quyết tâm cũng chẳng có tinh thần trách nhiệm, đối
với dân con được trao phó cho mình. Còn, Chủ Chiên Hiền là biết rõ chiên, và
chiên biết Chủ. Giữa chiên và chủ, luôn có tình mật thiết với nhau. Như tâm
tình giữa Chúa và Cha Ngài: “Chúa Cha
biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha.” (Ga 10: 15)
Người được
thuê mướn hoặc vị thủ lãnh chỉ lo cho mình, sẽ chẳng bao giờ có được tâm tình
mật thiết đến như thế. Bài đọc 2, tác giả thư cho cộng đoàn cũng sử dụng ngôn
từ tương tự: “Anh em hãy xem Chúa Cha
thương yêu chúng ta biết chừng nào. Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là
con Thiên Chúa –mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1Ga 3: 1-2)
Thêm vào
đó, Chủ Chiên Hiền ao ước đoàn chiên đến nhận dạng với Ngài: “Tôi còn có chiên khác không thuộc ràn này;
cũng phải đưa về.” Và, mục tiêu cuối của Chủ Chiên Hiền, cũng không là gì
khác, ngoài việc: “sẽ chỉ có một đoàn
chiên và một mục tử.” Để rồi, toàn thể thế giới này sẽ liên kết làm một với
Cha và với Chúa. Đây chính là ý nghĩa cao tột của Vương Quốc Nước Trời, trọng
tâm của Tin Mừng.
Đây, còn là
chủ đích làm ta bận tâm mãi đến hôm nay. Bận tâm, là vì vẫn còn hàng triệu
người và chiên, chưa nghe được sứ điệp về Chủ Chiên Yêu Thương Hiền Từ, là
Thiên Chúa. Chưa được biết Ngài là Đấng, đã gửi Con Một của Ngài đến để chết
cho đoàn chiên, là chúng ta. Tức, những người còn mải miết đi tìm hạnh phúc /ý
nghĩa của cuộc sống dẫn đến mục tiêu khác. Những mục tiêu chỉ đem đến những bụi
tro, dễ gãy đổ, như: tiền tài vật chất thật dư dả, danh vọng ở trước mắt mọi
người, quyền uy trên người khác, chọn hoan lạc lầm lỗi với hạnh phúc, mưu cầu
những khoái lạc…
Chọn như
thế, tự khắc họ chối bỏ Chủ Chiên Hiền. Và, thánh sử nói: “Sở dĩ thế gian không nhận biết ta, vì thế gian không biết Người.” (1Ga
3: 1). Đây là điều, ta cần học hỏi để nhận ra đó là sự kiện khó lòng mà am
hiểu. Và, càng khó lòng mà nhận lãnh trách nhiệm.
Tuy nhiên,
càng quyết tâm theo chân Chủ Chiên Hiền, càng có nhiều người bị chối bỏ, và đột
kích. Thảm hại hơn, nhiều người tuyên nhận Đức Giêsu là Chúa, dù rất hiền lành,
chân chất, vẫn bị tan tác, với rẽ chia. Cay đắng.
Ở đây nữa,
hơn bất cứ nơi đâu, vẫn có nhu cầu dành cho mọi người để theo dấu vết chân mềm
của Một Chủ Chiên, thành lập chiên đoàn duy nhất yêu thương và thân cận. Bằng
không, sao có thể làm chứng cho tình yêu của Đức Chúa, nếu giữa người đồng hành
với Chúa, không có tình thương yêu đùm bọc?
Cuối cùng,
lại cũng có những người lâu nay tháp nhập vào Thân Mình của Chúa, ngang qua thanh
tẩy,nhưng vẫn sống theo cung cách làm người khác hiểu lầm ta không phải con dân
của Ngài. Hiều lầm cả lời Ngài kêu gọi ta làm nghĩa tử, làm đồ đệ chu toàn
trọng trách và tạo hạnh phúc. Có thể là, phần đông trong ta từng ngại ngần
trong đáp trả lời mời làm chứng cho sự thật và tình thương yêu, thấy nơi
Chúa.
Một điều
nữa, Chúa nhấn mạnh ở Tin Mừng, là: Chúa hy sinh mạng sống vì chiên đàn, là do
Ngài tự ý. Chứ không vì hoàn cảnh, đưa đẩy hoặc bị thúc ép. Cái chết của Ngài
là bằng chứng sống động, như Tin Mừng có viết: “tình yêu cao cả là trao ban sự sống của chính mình cho người mình
yêu.” Và bằng chứng này, Chúa đã làm để tỏ rõ Ngài chính là Chúa Chiên
Hiền.
Bài đọc 1,
Phêrô thánh nhân tràn đầy Thánh Thần Chúa, đã quả quyết: “Đây là đá tảng, mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá góc tường.
Ngoài Người ra, không ai đem lại được ơn cứu rỗi, vì dưới gầm trời này, không
một Danh nào khác đuợc ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó, mà
được rỗi.” (Cv 4: 12).
Và cũng
chính Chúa, có nói ở Tin Mừng: “Chính Tôi
tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh, và có quyền lấy lại mạng
sống ấy.” Ga 10: 18) Và sự thể, đã
xảy ra như thế.
Bài đọc 2,
chứa đựng một phần trong diễn luận mà thánh Phêrô đã trình bày ở Đền thờ. Bài
đó có được sau khi thánh nhân và thánh Gio-an đã chữa lành cho người hành khất,
trước trụ lang. Chữa lành cho anh, các thánh đã nhân Danh Chúa chịu đóng đinh,
qua quyền uy được uỷ thác cho các đấng, ngõ hầu làm chứng Đức Chúa đã sống lại
thật. Và, Ngài vẫn hiện diện, ở với ta.
Cuối cùng,
tất cả những điều ở trên đã nối kết với chủ đề ơn gọi, vào ngày của Chúa, rất
hôm nay. Bởi hôm nay, không chỉ là ngày Chủ Chiên Hiền, nhưng còn là ngày Ơn
Gọi, vào Chủ Nhật. Vào ngày này, con dân ta được khuyến khích hãy nguyện cầu
cho Hội Thánh. Cầu sao cho Thánh Thần Chúa ban ơn lành để ta có thêm nhiều vị
thủ lãnh đóng trọn vai trò truyền rao Tin Mừng của Chúa.
Cầu và mong
sao, vào thời buổi đang có giảm sút trầm trọng về số mục tử/thủ lãnh làm việc
ấy. Cầu và mong, sao Hội thánh đào tạo thêm nhiều linh mục và tu sĩ, đang cần
có. Cầu và mong, để ta đừng hiểu là: lời gọi mời trực chỉ người khác. Nhưng là lời
mời gọi đến chính ta và chính ta sẽ đáp trả. Chính ta thân thưa. Cầu mong sao,
giới trẻ tự dâng hiến đời mình cho Chúa, thi hành sứ vụ rao truyền Lời Chúa.
Cầu mong sao, đừng gạt tên con em ta trong những người thi hành sứ vụ rao
truyền này.
Một điều
cần cầu liên tục, là: ý nghĩa của “Ơn gọi” không chỉ hạn chế trong vai trò rất
hẹp là đời tu/linh mục, rất riêng tây. Nhưng mỗi người trong ta đều có một “ơn
gọi”. Bởi, với mọi tư cách của ta, dù là tư cách người phối ngẫu, mẹ cha, giáo
chức, y sĩ hoặc chỉ là tôi tớ rất đời thường, đại/tiểu gia chuyên lo thương
mại, đều có trọng trách ấy.
Dẫu ở vào
địa vị nào, ta vẫn được gạn hỏi bằng những câu, như:
-Những gì
tôi bỏ sức ra làm, phải chăng đó là “ơn gọi” gửi đến với tôi?
-Phải
chăng, đây là cuộc sống Chúa muốn tôi, ở như thế?
-Việc tôi
làm, có là chứng tá cho niềm tin Kitô hữu, đặt nơi tôi?
-Tôi có
cộng tác đóng góp trong việc dựng xây thế giới mới, xứng đáng cho mọi người?
-Cuộc sống
của tôi có gì khác biệt theo nghĩa tích cực, đổi mới, với người khác?
-Tôi làm được gì, để quảng bá công
lý và sự thật? để cổ võ công bình, tình thương và sự an vui? Và, nếu bảo rằng
tôi đang ở vị thế khó có thể sửa đổi, nhưng tôi vẫn nghe được tiếng Chúa mời
gọi phục vụ Hội thánh Chúa, và cộng đoàn chứ?
-Tôi đã từng xả thân ngang qua cuộc
sống hay tôi chỉ lợi dụng xã hội và Hội thánh Chúa để đạt những gì tôi từng ham
muốn?
Chúa vẫn
mời gọi mỗi người và mọi người tiếp tay làm việc để phổ biến Tin Mừng Ngài đem
đến. Có lúc, chỉ qua cung cách của linh mục/tu sĩ. Nhưng nhiều khi, lại là trăm
ngàn đường lối rất khác biệt, để phục vụ. Phục vụ Hội thánh. Xây dựng cộng
đoàn. Và, câu hỏi khác là: Chúa có dùng khả năng của tôi, để mở mang đóng góp
xây dựng Nước Trời?
Nếu mỗi
người và mọi người đều đã nghe và từng đáp trả lời mời gọi từ Chúa, theo cung
cách tích cực, chắc chắn Hội thánh Chúa không còn gì phải bận tâm lo nghĩ, về
vai trò lãnh đạo/mục tử, đang sa sút, nữa.
Lm Frank Doyle sj
Mai Tá phỏng dịch
No comments:
Post a Comment