Monday, 2 April 2012

Lm Chân Tín CSsR: Về Biến Cố Lịch sử: “Chúa Giêsu Sống Lại”




VRNs (02.04.2012) – Tâm thư gửi giới trẻ của linh mục Têphanô Chân Tín, DCCT về biến cố lịch sử “Chúa Giêsu sống lại”.
Ngày 08.04.2012 tới đây, toàn thể người Kitô hữu Tin Lành, Chính Thống, Công Giáo mừng Chúa Giêsu sống lại. Đây là niềm tin vững vàng của người Kitô hữu. Đây là một biến cố lịch sử mà người Kitô hữu cần phải nắm vững để giúp bạn trẻ ngoài Kitô giáo chấp nhận biến cố khác thường này, nhờ đó họ cũng đạt đến niềm tin Kitô giáo.
Sự hiểu biết của ta về quá khứ các nước do bởi đâu? Bởi các sử gia để lại cho ta. Đâu là nguồn gốc sự hiểu biết của ta về những gì Chúa Giêsu đã làm? Cũng là những sử gia như Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan, Phaolô, v.v… Sao ta tin những sử gia khác về lịch sử thế giới và Việt Nam mà ta lại không tin các sử gia của Chúa Giêsu?
Trí khôn của ta phải là một tòa án vô tư, cân nhắc kỹ càng và chính xác về những lời của các nhân chứng. Để đánh giá chính xác những thông tin, không chỉ xét những gì chứng nhân nói, mà còn xét tính cách và sự khả tín của họ. Sự khả tín của những sử gia về cuộc đời Chúa Giêsu rõ ràng lớn hơn sự khả tín của những sử gia khác. Các sử gia khác là ai? Nói chung, họ là những người được một vị vua chúa trả tiền để viết về họ và mục đích không phải để nói lên sự thật. Họ tìm cách để nịnh bợ vua chúa và dân tộc của họ hay là tầng lớp xã hội của họ. Trái lại, những sử gia viết về Chúa Giêsu có một tầm vóc hoàn toàn khác. Khi viết về Chúa Giêsu, họ liều mất tự do và sự sống. Mátthêu tử đạo tại Abissinia, Gioan bị tù tội thành người nô lệ ở đảo Patmos, Phaolô bị chặt đầu ở Rôma, Phêrô bị đóng đinh vào thập giá. Không một tòa án công minh nào mà loại trừ dễ dàng những chứng từ của những người sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi như vậy. Họ là những người đồng thanh tuyên bố mình hoàn toàn xác tín sự thật về sự sống lại của Chúa Giêsu, vì họ đã thấy, đã nghe, đã rờ đến Chúa Giêsu sống lại.
Các sử gia về lịch sử đời nói đến những điều dễ hiểu và dễ tin. Họ nói đến chiến tranh, những cuộc lật đổ chế độ, những âm mưu chính trị, những cuộc thanh toán nhau, nói chung là những biến cố đang xảy ra trên thế giới hôm nay. Còn các sử gia về sách Tin Mừng của Chúa Giêsu kể lại những biến cố mà ta không có kinh nghiệm. Họ nói đến chẳng hạn biến cố Đức Maria sinh Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh, người phong cùi được lành nhờ Chúa Giêsu chỉ đụng đến họ, việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước, việc Chúa cho năm ngàn người ăn no với vài chiếc bánh, việc Chúa cho người chết sống lại và cuối cùng là sự sống lại của chính Chúa Giêsu. Tất cả những sự việc ấy được gọi là phép lạ. Chúa Giêsu có một sức mạnh thiêng liêng mà không ai có được. Do đó, Ngài có thể làm phép lạ, Ngài có thể làm những việc lạ lùng mà người thường không làm được. Phủ nhận các phép lạ mà không suy xét kỹ lưỡng chứng từ của các Tông đồ, những người đáng tin cậy, là một điều không hiểu được.
Với sự sống lại của Chúa Giêsu ta mới hiểu một phép lạ khác là giáo hội của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không viết một cuốn sách nào trong khi Ngài sống giữa trần gian. Ngài chỉ chiêu mộ một số đồ đệ chả là gì đối với giáo hội Do Thái lớn mạnh. Những người Chúa chọn làm đồ đệ chỉ là những người quê mùa, dốt nát, chả có chút uy tín nào, những người đánh cá, những người thu thuế, để kết cục là một người đồ đệ phản bội, một người chối Chúa, số còn lại bỏ Ngài. Ngài chết trên thập tự giá, bị ruồng bỏ và bề ngoài như thất vọng, vì trên thập giá Ngài kêu lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” Sau khi Ngài chết, họ chôn cất Ngài, một hòn đá lớn được đặt ở mộ của Ngài, mộ Ngài được niêm phong với những lính gác cẩn thận. Trong khi đó các đồ đệ của Ngài chạy trốn trong một phòng khóa cẩn thận để tránh cái chết giống như cái chết của Thầy mình. Cuộc đời Chúa Giêsu kết thúc như thế!
Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì làm sao giải thích sự ra đời Giáo hội của Ngài?
Chỉ có một lời giải thích: Ngày thứ ba, Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và đã hiện ra với các đồ đệ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và xác nhận với họ là chính Ngài họ nhìn thấy. Họ tụ họp lại, Chúa Giêsu làm việc với họ, cho họ những chỉ thị và cho họ quyền làm phép lạ. Phêrô trước kia đã chối Chúa với lời thề, thì nay đứng giữa thành Jerusalem chứng minh một cách can đảm là ông đã thấy Chúa Giêsu sống lại. Các tông đồ khác cũng làm như vậy. Không sợ chết, các ông đi từ nước này đến nước khác rao giảng Chúa Giêsu sống lại. Thế là giáo hội của Chúa Giêsu được khai sinh, lớn lên và vẫn tiếp tục phát triển, mặc dầu các cuộc bách hại và sự bất xứng của đồ đệ Chúa.
Nếu bạn không sẵn sàng tin Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, bạn không thể không nhìn nhận hiệu quả kỳ diệu là chính Giáo hội Chúa Giêsu, một Giáo hội đã sống hai ngàn năm nay, có hàng tỉ người thuộc mọi thành phần, mọi quốc gia, mọi chủng tộc. Không có hiệu quả nào mà không có nguyên nhân!
Một lý do khác chứng minh Chúa Giêsu đã sống lại. Ta không thấy ở đâu nói đến những địch thù của Chúa Giêsu và của Giáo hội tiên khởi chối cãi mộ Chúa Giêsu trống rỗng sáng Phục Sinh. Rất tự nhiên là phải có một vụ điều tra để khám phá thân thể Chúa Giêsu đã bị đánh cắp. Sự phản ứng của các thầy tư tế Do Thái không chối cãi sự quả quyết ngôi mộ trống rỗng. Họ chỉ đút lót mấy người lính canh gác mộ Chúa là trong khi họ ngủ, các đồ đệ đến trộm xác Chúa. Nếu họ ngủ, làm sao họ biết có người trộm xác Chúa? Nếu các tư tế Do Thái tin các người lính canh, bảo là các đồ đệ trộm xác Chúa, sao họ không bắt các đồ đệ Chúa, đưa ra tòa, tra khảo và bỏ tù họ?
Một phong trào lớn mạnh phải có một điểm phát xuất mãnh liệt. Phong trào mãnh liệt kéo dài từ hai ngàn năm nay mà hậu quả chi phối cả thế giới. Một phong trào phát xuất từ lòng tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không thể là kết quả của một ảo giác, vì các đồ đệ của Chúa không có ảo giác. Một Tôma đòi xỏ ngón tay vào lỗ đinh nơi tay Chúa mới tin Chúa Giêsu sống lại. Một Mátthêu làm nghề thu thuế rất thực tế. Một Nathanael khó chấp nhận một người ở Nazaret có gì hay. Chỉ có một biến cố rất lớn như việc Chúa Giêsu sống lại mới có một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho một phong trào lớn mạnh như thế. Và chúng ta đừng quên trong 30 năm sau biến cố này, phần đông các đồ đệ Chúa Giêsu đã phải bị xử tử và nhiều người trong họ bị lên án tử hình, chỉ vì họ quả quyết Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Đó là những việc không thể là bịa đặt.
Trước mũi các tư tế Do Thái, các tông đồ của Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu sống lại ngay trong đền thờ người Do Thái ở Giêrusalem, đụng độ với giáo hội Do Thái vì họ tuyên bố Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai mà sự sống lại đã chứng minh. Người có suy nghĩ tự hỏi có thể vận động một phong trào và chiêu mộ hàng ngàn người trong một ngày, nếu xác Chúa còn ở trong mồ? Phêrô đã giảng bài giảng đầu tiên cách ngôi mộ Chúa Giêsu mấy thước. Nếu những địch thù của Chúa Giêsu có khả năng chứng minh xác Chúa còn ở trong mồ, thì bài giảng của Phêrô sẽ là một thất bại và không thể thuyết phục hàng ngàn tín đồ Do Thái chịu phép rửa của đạo Chúa. Nhưng những thù địch của Chúa Giêsu bất lực: Chúa Giêsu không còn trong mồ! Tất cả những điều ấy được mọi người chấp nhận, nên các đồ đệ của Chúa bắt đầu giảng dạy, không phải trong một thành phố ở thôn quê, nhưng chính ở Giêrusalem, họ làm cho hàng ngàn người phấn khởi và điều đặc biệt là họ đương đầu với những địch thù bất lực và không có khả năng chối mồ Chúa không còn xác Chúa.
Chúng ta buộc phải tin những gì các tác giả 4 sách Tin Mừng đã viết, đặc biệt vì họ rất đơn sơ kể lại những việc lạ lùng. Điều gì đã thúc đẩy các tông đồ loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu bằng lời nói và sách vở? Một lý do độc nhất: vì họ là chứng nhân không nhân nhượng khi nói sự thật. Nhóm các đồ đệ của Chúa Giêsu là nhóm người được chân lý hướng dẫn.
Chúa Giêsu sống lại không phải chỉ là niềm tin nhưng còn là một biến cố lịch sử, độc nhất vô nhị.
Lm. TÊPHANÔ CHÂN TÍN, CSsR
(x. www.chuacuuthe.com 02.04.2012)


No comments: