Mấy năm về trước, tôi có dịp xem nghệ sĩ bi hài thuộc Dòng Tên, là
Michael Moynahan trình diễn vở kịch câm mang tựa đề “Bì hài và nỗi thống khổ”,
kể về giờ phút cuối của Đức Kitô ở trần thế. Vào kịch, là sự xuất hiện của một
anh hề với nụ cười quên tắt trên môi. Anh biểu diễn các màn tung bóng ngay
trước mặt khán giả, rất đẹp mắt. Tiếp đó, là cảnh đám quân binh bước đến, dẫn
Đức Kitô ra trình diện bá quan thiên hạ; để rồi, bọn họ đóng đinh Ngài lên cây
khổ giá hình chữ thập. Tay hề chứng kiến cảnh tượng đầy kịch tính ấy với nỗi niềm sao xuyến, hãi
sợ. Khi thấy Đức Kitô thực sự đã chết, đám quân binh ra về, không đợi gì thêm.
Nhưng, tay hề vẫn nán lại, ngồi bệt xuống dưới chân khổ giá. Anh bắt đầu gỡ bỏ
các dấu đinh còn sót nơi tay và chân Chúa. Xong, đặt thi hài Ngài nằm sõng lên
đùi anh, hệt như bức la Pietà nổi tiếng của nhà điêu khắc
Mi-Kê-Lăng-Gê-lô.
Tay hề xót
xa, rơi nước mắt khi phải chứng kiến cái cảnh Đấng Công Chính bị đóng đinh trên
khổ giá, hình chữ thập. Cùng lúc ấy, đám quân binh quay lại, thấy tay hề còn
ngồi đó thẫn thờ khóc cho thân phận của Đức-Chúa-làm-người. Chúng vực xốc anh
dậy, đóng đinh anh lên cây thập tự thay cho Chúa. Tay hề đau
đớn, chịu đựng được một lúc, rồi cũng trút hơi cuối cùng trên thập tự bằng gỗ
cứng. Sần sùi. Khi quân binh đi rồi, Đức Chúa trỗi dậy, Ngài trở về với sự sống
khác thường. Ngài hướng mắt nhìn tay hề đã cùng chịu cũng một thân phận khổ ải
như Ngài, bèn đến gỡ bỏ các đinh khoen đóng xác, đỡ anh xuống. Ôm gọn anh vào
lòng, cứ để như thế mãi chốn thiên thu, miên trường.
Xem trình diễn vở kịch câm hôm ấy, tôi thấy như có tiếng thở dài rơi
lệ, ở đâu đó nơi người dự khán. Chẳng có ai trong họ, lại cứng lòng đến độ trơ
như đá; hoặc, không nhỏ giọt lệ ướt mi, trước bi hài kịch đầy xót thương. Ai
oán.
Thật ra, chữ “xót thương” là cụm từ lấy từ tiếng “Compati” của
La ngữ, mang ý nghĩa chịu đựng. Khổ ải. Tuyệt nhiên, cụm từ này không mang ý
nghĩa thương hại, đồng cảm; hoặc sớt chia nỗi buồn bực, gì hết. Cũng vậy, cụm
từ “buồn bã”, “xót xa” bên tiếng Việt lại bao hàm lập trường xa cách. Đứng ở
ngoài. Chẳng có liên hệ mảy may nào dính dự đến kinh nghiệm bản thân; hoặc,
những cảm xúc hướng vào bên trong. Cụm từ ‘xót thương’, mang nặng một ‘cảm xúc’
của những người đồng cam đồng chịu, cũng một thân phận. Thân phận, mà Vị Mục Tử
Nhân Hiền đã tự gánh lấy cho Ngài. Và, đây cũng là ý nghĩa đích thực của mùa
Phục Sinh, rất hôm nay.
Giả như, ta xứng đáng để trở thành những người dám dấn bước, theo chân
Đức Kitô, hẳn là ta cũng sẻ san cùng một tâm trạng, ngày Thứ Sáu Chịu nạn. Tuy
thế, Chúa Nhật Phục Sinh, nay mang ý nghĩa thật rõ nét. Đó là: Chúa Cha đã
trung tín với Con Một Ngài thế nào, thì Ngài cũng một lòng chung thủy đối với ta,
hệt như thế.
Những năm tháng gần đây, nhiều vị Giám mục, vẫn được gọi là Mục tử nhân
hiền ở giáo hội địa phương. Các ngài cũng bị chĩa mũi dùi, nhìn xoi mói khía
cạnh đời sống tu đức của mỗi vị. Việc quan tâm chú ý như thế, cũng chẳng có gì
là lạ. Bởi, tất cả chúng ta, dù ở cương vị nào đi nữa, vẫn đang sống cuộc đời
của đạo hữu chân chính dõi bước chân mềm, theo chân Chúa. Theo Chúa, còn có
nghĩa là: nhận lãnh trách nhiệm, về những gì mình đã làm, và cả những gì mình
không chịu làm. Xét như thế, các mục tử ở giáo hội địa phương, cũng không nằm
trường hợp ngọai lệ.
Quả thật, các mục tử nhân hiền ở địa phương đã phải trải qua nhiều thời
kỳ cam go, buốt óc. Đàn chiên dân Chúa, nay được huấn luyện theo tiêu chuẩn khá
cao. Chẳng ai còn chịu để cho đấng chăn dắt mình, bắt phải rập khuôn, duy trì
não trạng của thú đàn, vô tri giác. Không. Ai trong chúng ta cũng muốn biết về
vị mục tử chăn dắt mình. Ai cũng muốn nghe tiếng mời gọi thân thương của các vị
đang chăn dắt. Thân thương, là tình thân biểu lộ ra ngoài lòng thương yêu, ta
cần có. Biết quan tâm phấn đấu, đòi thực hiện cho bằng được sự chính đáng, công
bình đến với các nạn nhân, ở khắp nơi. Đặc biệt hơn, là: nạn nhân đang bị chính
Giáo hội mình làm cho thương tật. Hẳn là, ai cũng muốn cam kết rằng: những gì vị
mục tử nhân hiền ở địa phương phán quyết hoặc hành xử, nhất nhất đều phải rập
khuôn lời lẽ và cử chỉ hiền hậu của Đức Chúa, tức Vị Mục Tử Nhân Hiền rất đích
thực.
Những năm về trước, hẳn chúng ta có cảm giác choáng váng, thất vọng khi
thấy một số –cũng may còn rất ít— các vị mục tử ở địa phương lợi dụng danh thơm
tiếng tốt của Giáo hội, đã nhân danh quyền lực và vị thế xã hội của Đạo mình,
đã lấy đi gương lành đạo đức lẫn nghĩa vụ pháp lý, tài chánh để rồi đã khiến
cho thành viên trong đàn chiên bé nhỏ, đang bị thương tổn.
Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an nhắc nhớ ta về vai trò và bản chất cần
có của các vị lãnh đạo trong Hội thánh Chúa. Đức Giê-su không so sánh các vị
lãnh đạo ấy như ông hoàng bà chúa nơi cung điện cao sang, quyền quý hoặc như
thống đốc, quan toàn quyền ở tiểu bang. Hình ảnh Chúa đưa ra hôm nay, là: vị
mục tử thân thương, nhân hiền. Mục tử, chính là người chăn dắt rất tận tình,
thật dễ thương. Các vị này, dám ngủ lại với đàn chiên nhỏ bé của mình, cả vào
chốn đồng hoang trống vắng, rất hiểm nguy. Mục Tử Nhân hiền mà Đức Ktiô ám chỉ,
là người biết rất rõ chiên đàn của mình. Rõ đến độ, Ngài dám hy sinh cuộc sống
của mình, cho bầy đàn mình chăn dắt.
Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cầu cho chiên đàn mình có lãnh đạo xứng
đáng với lòng ngưỡng mong. Cầu mong sao, các vị lãnh đạo có lòng nhân thân
thương trong sáng, biết khơi dậy nơi ta cũng một tình cảm, như các ngài đã ứng
xử với chiên đàn bé nhỏ, của mình. Có như thế, các ngài mới đích thực là Mục tử
thân thương, nhân hiền. Có như thế, mới là lãnh đạo “chính chuyên”. Công chính.
Biết ân cần phục vụ. Phục vụ, để đàn chiên mình luôn vui sống. Sống an vui,
hiền hoà. Ân cần, trước mọi nhu cầu thiết thực của đàn chiên bé nhỏ. Nhất là
lúc này, khi bầy lang sói vẫn rình rập, ở đâu đó. Thứ sói lang mang hình thù,
mã số rất thời thượng, những Dan Brown, Tom Hanks ở sân khấu-cuộc đời, đầy
nhiễu nhương.
Lm Richard
Leonard sj
Mai Tá
phỏng dịch
No comments:
Post a Comment