Wednesday, 31 August 2011

Lm Silvester O’ Flynn OFM: Một vài câu hỏi về Kinh thánh và Phụng vụ (tiếp theo)


Câu hỏi #7:

Chúa Hiển Dung là một biến cố tràn ngập ánh sáng rực rỡ, nhưng đám mây có ý nghĩa gì? Có phải đám mây là để tiên báo cuộc khổ hình của Đức Giê-su trong tương lai hay không?

Câu đáp:

Bạn đã đoán đúng hướng khi liên kết đám mây với bóng tối của cuộc khổ hình. Đó là một đám mây sáng chói, chứng tỏ rằng Thiên Chúa là ánh sáng và là tiếng nói từ phía sau bóng tối đó. Đoàn người trong sách Xuất Hành đã được dẫn lối bằng một cột lửa vào ban đêm và một đám mây vào ban ngày. Trong cuộc hành trình đức tin chúng ta nhận được đủ ánh sáng để đi qua những giai đoạn tăm tối, nhưng đám mây tượng trưng cho việc đầu óc giới hạn của loài người chúng ta không thể nào hoàn toàn thấu hiểu được hiện thực chói ngời vinh quang của Thiên Chúa.

Câu hỏi #8:

Có thật là Đức Giáo Hoàng Benedict phản đối việc cho rước Mình Thánh Chúa bằng tay hay không?

Câu đáp:

Thưa không, Đức Giáo Hoàng Benedict không phản đối việc rước Mình Thánh Chúa bằng tay. Tuy nhiên, ngài biết là trong các dịp lễ lớn có đông đảo quần chúng tham dự trong những chuyến tông du của ngài hoặc tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, có những người đã lãnh nhận Mình Thánh Chúa bằng tay, rồi cất Mình Thánh Chúa vào bóp hoặc ngăn vào sách để đem về nhà làm vật kỷ niệm. Trong những dịp lễ lớn có đông người này, để phòng ngừa sự bất kính, Đức Giáo Hoàng muốn người rước lễ quỳ gối hay bái gối tỏ lòng tôn kính rồi rước lễ bằng lưỡi. Ngoài ra thì, như ngài đã viết trong một quyển sách gần đây, “Tôi không phản đối về mặt nguyên tắc việc rước lễ bằng tay”.

Câu hỏi #9:

Người ta có thể áp dụng dụ ngôn kho tàng chôn giấu vào cuộc sống thời nay ra sao? Kho tàng chôn giấu đó là gì?

Câu đáp:

Đó là một trong bảy dụ ngôn về vương quốc Thiên Chúa. Vương quốc, hay triều đại Thiên Chúa, có nghĩa là một người chấp nhận sự quan trọng của Thiên Chúa trong đời họ và quyết tâm sống theo lề luật Chúa. Đó là chìa khóa của sự bình an nội tâm. Thật đáng buồn là đối với nhiều người thì kho tàng đó vẫn còn bị chôn giấu bởi vì họ đã đi tìm sai chỗ. Như C. S. Lewis đã nói, trong trái tim con người có một nỗi trống rỗng mang hình dáng Thiên Chúa. Hiểu biết về Đức Ki-tô Giê-su là một kho tàng đang chờ được khám phá.

Câu hỏi #10:

Cha nghĩ sao về những người lúc nào cũng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện hay siêng năng đọc sách thánh thiện đạo đức nhưng lại không bao giờ động một ngón tay để giúp bất cứ ai cả?

Câu đáp:

Đó là những người được gọi là quá say mê những sự trên trời đến nỗi họ không có ích gì ở thế gian cả. Đây là một lối sùng đạo giả tạo được dùng như một cách trốn tránh những đòi hỏi khó khăn của lòng bác ái thiết thực. Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã đề cập đến điều đó: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, thì mới được vào mà thôi.” Nói thì dễ, hành động có giá trị nhiều hơn lời nói. Thánh Gio-an đã đặt câu hỏi, làm sao mà bạn có thể nói bạn yêu mến Chúa, Đấng mà bạn chưa từng trông thấy, nếu như bạn không yêu mến những người mà bạn có thể thấy được?

Câu hỏi #11:

Có thật là thánh Phê-rô đã bước đi trên mặt nước hay không? Chuyện đó đi ngược lại với các định luật khoa học. Hay đó chỉ là một loại chuyện được đặt ra để nhằm nói lên điều gì đó?

Câu đáp:

Phép lạ là một chuyện gì đó xảy ra vượt khỏi biên giới của những định luật khoa học. Đối với riêng tôi, tôi sẽ không bận tâm chi cả nếu như có người có thể chứng minh là việc thánh Phê-rô đi trên mặt nước đã chẳng bao giờ thật sự xảy ra. Điều quan trọng đối với tôi trong câu chuyện này là bài học nếu như thánh Phê-rô cứ vững tâm nhìn vào Đức Giê-su thì ngài có thể bước qua khỏi cơn bão, nhưng một khi ngài bận tâm lo lắng về chuyện sóng to gió lớn thì ngài lại bị chìm. Nhưng ngay cả trong lúc đó, Đức Giê-su đã đưa tay ra cứu thánh Phê-rô. Đó là một câu chuyện đem lại niềm khích lệ vô cùng to lớn.

No comments: