Wednesday, 24 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi về Kinh Thánh (tiếp theo)

Câu hỏi #27:

Xin Cha vui lòng giải thích về định nghĩa của chữ “blessed – được chúc phúc”, chẳng hạn như trong cụm từ “Blessed Eucharist – Hồng Ân Thánh Thể”.

Con hiểu định nghĩa của chữ “bless – chúc phúc” và “blessing – ân phúc” nhưng con muốn xin Cha nói rõ về giáo huấn của Giáo Hội về chữ “blessed – được chúc phúc”.

Một ví dụ khác là câu nói của Đức Ma-ri-a: “Muôn thế hệ sẽ khen tôi là có phúc”.

Câu đáp:

Trong Thánh Kinh chữ “bless, blessing” chứa đựng một khái niệm căn bản về việc thông phần sự sống với Thiên Chúa, với tất cả những “ân phúc” (hay kết quả của sự chúc phúc) gắn liền với cuộc sống, chẳng hạn như, nghị lực, việc có con cái, thành công ở đời, bình an, vv.

Nói một cách thật sát thì, Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể chúc phúc; con người chúc phúc bằng cách cầu xin hay ước ao rằng Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho họ.

Thiên Chúa chúc phúc cho con người, chứ con người không chúc phúc cho Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong các lời nguyện Do-thái và nhất là trong các thánh vịnh, Thiên Chúa thường xuyên được chúc phúc. Trong ngữ cảnh này chúc phúc cho Thiên Chúa có nghĩa là tạ ơn Thiên Chúa và ghi nhận quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa.

Cụm từ “blessed be Yahweh – phúc thay Gia-vê” thường được thốt ra để ghi nhận một phúc lộc nào đó do Thiên Chúa ban cho.

_______________

(*) Chú thích của người dịch: Cụm từ “Blessed be Yahweh” được Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “Chúc tụng Đức Chúa” hay “Chúc tụng Thiên Chúa” (St 9:26; R 4:14; Er 7:27; 2 Cr 1:3-4; Ep 1:3). Bản của linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch cụm từ này là “Chúc tụng Ya-vê”.

Ý nghĩa của chữ “blessed – được chúc phúc” trong Tân Ước cũng gần giống như vậy, mặc dù hiếm khi chữ này xuất hiện trong các sách Tin Mừng.

Đức Giê-su đã chúc phúc khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể (Mát-thêu 26:26; Mác-cô 14:22) và Đức Ma-ri-a được gọi là “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lu-ca 1:28, 42).

Mặc dù chữ “blessed – được chúc phúc” có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau đôi chút, ý nghĩa căn bản trong thánh kinh phải nên được bảo tồn.

Qua việc chúc phúc ngay trước khi làm phép bánh và rượu để thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Giê-su – cũng như tất cả các vị chủ tế trong lễ Vượt Qua của Do-thái – đang nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và sự cứu độ của Ít-ra-en.

Qua sự liên kết việc chúc phúc của Thiên Chúa với bánh rượu thánh thể, mình và máu Đức Giê-su giờ đây được trình bày là nguồn mạch sự sống và sự cứu độ cho một dân mới của Thiên Chúa – dân được kết hợp với Đức Giê-su trong một giao ước mới.

Khi sử dụng những cụm từ Hồng Ân Thánh Thể và Bí Tích Hồng Ân, chúng ta đang nhìn nhận cái ân phúc đặc biệt của Thiên Chúa được gắn liền với dấu chỉ này cho sự cứu độ dành cho chúng ta.

Chính nhờ vào Bí Tích Thánh Thể mà sự sống của Thiên Chúa được thông truyền cho chúng ta trong một cách trọn vẹn và mật thiết nhất khả dĩ.

Đức Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, được mô tả là người có phúc nhất trong tất cả mọi người nữ bởi vì bà là người được lãnh nhận ân phúc của Thiên Chúa nhiều hơn bất cứ ai khác.

Trong trường hợp Đức Ma-ri-a, đặc sủng của bà hay việc bà “được chúc phúc” bởi Thiên Chúa là do việc Thiên Chúa chọn bà làm mẹ của Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai.

Câu hỏi #28:

Tại sao, vào lúc nào, và vì lý do gì mà Đức Giê-su Ki-tô đã nói Người muốn có một cơ chế Giáo Hội như cơ chế hiện tại?

Đức Giê-su có bảo ông Phê-rô phải mặc phẩm phục như các vị thượng tế ngày xưa hay không?

Đức Giê-su có bảo các Tông Đồ là nếu họ làm việc cho chăm chỉ và học cho nhiều vô thì họ sẽ được trở thành hồng y và được gọi là Hoàng Tử của Hội Thánh, và được hưởng thật nhiều bổng lộc, hay không?

Hay Người chỉ nói đơn giản là: “Hãy theo Thầy”, và “Hãy đi giảng dạy cho muôn dân”?

Khi Đức Ki-tô chết, Người có để lại di chúc hay không? Không! Tất cả những gì Người có chỉ là mớ áo đang mặc trong người mà họ đã bắt thăm để chia chác.

Con ngẫm nghĩ là không biết đã có tới bao nhiêu tờ di chúc đã được giới quyền quý trong Giáo Hội để lại trong suốt 2000 năm qua?

Câu đáp:

Có nhiều câu hỏi gởi cho tôi phản ánh điều mà tôi xin gọi là một quan điểm cực đoan, loại quan điểm được bày tỏ qua việc đặt câu hỏi: “Thánh Kinh đã nói như vậy ở chỗ nào …?”

Câu hỏi đó hàm ý là trừ phi người ta có thể tìm thấy bằng chứng văn tự cụ thể trong Thánh Kinh cho điều này điều kia về phong tục, cơ chế, hay truyền thống trong Giáo Hội, thì không có lý do gì cho sự hiện hữu của những phong tục, cơ chế, truyền thống đó trong Giáo Hội thời nay.

Chỉ có những ai tìm hiểu Sách Thánh theo cách thật cực đoan thì mới đi tìm những câu trả lời xác quyết trong đó cho những vấn nạn đương đại, cứ như thể là sau thế kỷ thứ nhất thì Giáo Hội không có những tiến triển chính đáng và hợp luật nào cả.

Thật ra, ngay cả chữ “priest – thượng tế” (từ chữ hiereus trong tiếng Hy-lạp) cũng không được áp dụng cho bất cứ Ki-tô hữu nào trong Tân Ước.

Trong thời Tân Ước cái danh “thượng tế” vẫn tiếp tục được gắn liền với những hàng tư tế trong Đền Thờ Do-thái.

Có bằng chứng cho thấy là những Ki-tô hữu đầu tiên – là những người có nguồn gốc Do-thái – đã thừa nhận hàng tư tế Do-thái là hợp luật và vì thế đã không ngờ là sẽ có ngày họ có hàng tư tế riêng.

Một loạt các yếu tố lịch sử dẫn đến việc xuất hiện một hàng tư tế đặc biệt của Ki-tô Giáo, đặc biệt theo nghĩa là khác biệt với hàng tư tế “chung” của tất cả Ki-tô hữu như được đề cập trong 1 Phê-rô 2:9.

Sự sụp đổ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau Công Nguyên và theo đó, sự biến mất của hàng tư tế Do-thái, là yếu tố chính góp phần vào tiến triển trên.

Khoảng cùng thời gian đó, Bí Tích Thánh Thể dần dần được hiểu là một hy lễ không đổ máu thay thế cho những hy lễ đẫm máu đã không còn được cử hành trong đền thờ.

Loại thần học mới này bắt đầu xuất hiện rõ rệt trong văn chương Ki-tô Giáo vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai.

Quyển sách phụng vụ Do-thái–Ki-tô Giáo được biết với tên Didache (Giáo Huấn của 12 Tông Đồ) có huấn thị như sau:

“Hãy tụ họp vào Ngày Của Chúa; hãy bẻ bánh và cử hành Bí Tích Thánh Thể; nhưng trước hết hãy thú nhận tội lỗi để hy lễ của ngươi được thanh khiết … Bởi vì Đức Chúa đã nói: ‘Mọi nơi mọi lúc hãy dâng cho Ta của lễ tinh tuyền’” (đối chiếu Ma-la-khi 1:10-11).

Vào cùng khoảng giai đoạn đó, ông Clê-men-tê, người lãnh đạo giáo hội ở Rô-ma, đã viết thư kêu gọi rằng phụng vụ Ki-tô Giáo phải nên được cấu trúc dựa theo mô hình Cựu Ước gồm có một thượng tế – high priest, các tư tế – priests, và các lê-vi – levites.

Trước khi có tiến triển này thì các nhà lãnh đạo của các cộng đoàn địa phương trong thời Tân Ước được gọi là presbyters, nghĩa là elders – thầy cả (từ tiếng Hy-lạp presbyteroi), hay overseers, nghĩa là bishops – giám mục (từ tiếng Hy-lạp episkopoi).

Những người này có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho các giáo hội địa phương, và chúng ta hiểu biết đôi chút về hoạt động của họ qua các lá thư mục vụ (Thư thứ nhất và thứ hai gởi ông Ti-mô-thê, Thư gởi ông Ti-tô), sách Công Vụ Tông Đồ, và Thư thứ nhất của thánh Phê-rô.

Trong vai trò của những vị thầy cả – giám mục này chúng ta thấy những bước khởi đầu của hệ thống đẳng trật mà về sau trở thành một phần của hàng tư tế.

Điều này trở nên rõ ràng hơn nhiều khi chúng ta tiến xa hơn thời Tân Ước đến thời thánh Ignatius thành Antioch (đầu thế kỷ thứ hai). Đến giai đoạn này thì vị giám mục (episkopos) đã trở thành người đứng đầu một nhóm các thầy cả.

Điều mà thánh Ignatius nói về quyền hạn của các vị giám mục thì rất ngạc nhiên, vì thời đó không cách bao lâu sau thời Tân Ước.

Thánh nhân nhấn mạnh đến lòng tôn kính dành cho vị giám mục như là một vũ khí mạnh mẽ chống lại tà giáo và sự chia rẽ. Sự hiện diện của vị giám mục, ngài nói, là một dấu chỉ chắc chắn của sự đoàn kết cho Giáo Hội địa phương tương tự như sự hiện diện của Đức Ki-tô cho toàn thể Giáo Hội.

Thánh Ignatius viết những lời đó cho các giáo hội nhỏ ở địa phương, và vì thế các giám mục và thầy cả vào thời đó là ngang hàng với linh mục chính xứ và các linh mục phó xứ thời nay.

Sau đó khi Giáo Hội phát triển và các giám mục dần dần cai quản những lãnh thổ rộng lớn hơn, có một nguy cơ là sự nhấn mạnh mà thánh Ignatius đặt trên quyền hạn của giám mục có thể dễ dàng dẫn đến chủ nghĩa đẳng trật tuyệt đối.

Tuy nhiên, những điều trong Sách Thánh về vai trò của thầy cả – giám mục cho thấy quả thật là có một hệ thống đẳng trật về thẩm quyền trong hàng tư tế.

Việc bạn đề cập đến phẩm phục của các tư tế dường như là nói về “sự phân chia” mà hệ thống đẳng trật thẩm quyền đã tạo ra giữa các tư tế và các tín hữu.

Mặc dù chỉ có một số ít người muốn trở lại thời nhấn-mạnh-quá-đáng về tính thánh thiêng của sự phân chia đẳng trật – vốn dĩ là một yếu tố của hàng tư tế thời Cựu Ước và cũng thường thấy trong hàng linh mục Công Giáo thời xưa, nhưng sự thật thì việc linh mục hoàn toàn hòa đồng với thế giới trần tục lại là một việc phản-quy-tắc trầm trọng hơn.

Giới linh mục phải nên phân biệt với người thường trong chừng mực nào đó.

Tôi sẽ không đề cập đến những lời bình luận của bạn về “di chúc” và “bổng lộc”.

Có thể nhiều người sẽ chia sẻ quan điểm tiêu cực của bạn là những tước vị cao trọng trong Giáo Hội thì đối nghịch với giáo huấn trong Tin Mừng về vai trò lãnh đạo và phục vụ.

Tuy nhiên, tôi đề nghị bạn nên cố gắng nhìn mọi sự một cách bình tĩnh hơn một chút, bởi vì không một ai nên lấy làm ngạc nhiên là Giáo Hội và người trong Giáo Hội đều có khuyết điểm.

Trong kinh Tin Kính chúng ta mô tả Giáo Hội là một Giáo Hội Thánh Thiện, nhưng cũng là một Giáo Hội tội lỗi, bởi vì giáo hội đó được hợp thành từ những kẻ tội lỗi như chính chúng ta.

No comments: