Câu hỏi #13:
Thánh Phao-lô làm con cảm thấy không được yên. Tại sao thánh Phao-lô lại nổi bật như vậy trong Giáo Hội tiên khởi trong khi các Tông Đồ vẫn còn sống? Tại sao lại cần phải có một người tông đồ riêng cho Dân Ngoại? Không phải chính Đức Ki-tô đã chọn Mười Hai Tông Đồ và sai họ đi giả ng dạy cho tất cả muôn dân hay sao. Cứ như là thánh Phao-lô chỉ là một sự thay đổi ý định. Nhưng tại sao mới được chứ? Thiên Chúa có thể đổi ý hay không?
Câu đáp:
Trong một chừng mực nào đó, câu hỏi của bạn “Tại sao lại có thánh Phao-lô?” không thể có câu giải đáp nào cả, bởi vì đó là một phần trong mầu nhiệm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa lại chọn ông Sao-lô thành Tác-xô, kẻ bách hại Giáo Hội, để sai ông đi làm Tông Đồ cho Dân Ngoại, là một câu hỏi mà phần giải đáp được chôn giấu nơi tâm trí của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không thay đổi ý định. Sự hoán cải và sứ mạng của thánh Phao-lô là một phần quan trọng trong tổng thể chương trình cứu độ vĩnh hằng, thánh thiện.
Đức Giê-su đã chọn mười hai người, những người này về sau trở thành nhóm chủ chốt hay là cốt lõi của cộng đồng Giáo Hội tiên khởi – đó sẽ là dấu hiệu luôn tiếp diễn về sự hiện diện của Đức Giê-su nơi trần thế.
Theo sách Công Vụ Tông Đồ, mười hai người này đã tiếp tục thực hiện sứ mạng của Thiên Chúa Phục Sinh là rao giảng, dạy dỗ, và làm phép rửa tội. Đoạn Công Vụ Tông Đồ 2:4 cho chúng ta biết rằng như một kết quả của bài giảng đầu tiên của thánh Phê-rô trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ba ngàn người đã tiến ra, tuyên xưng lòng tin của họ và xin được lãnh nhận phép rửa.
Sáu chương đầu tiên của sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại sự phát triển của Giáo Hội Giê-ru-sa-lem.
Tuy nhiên, điều không rõ là các tông đồ tiên khởi của Đức Giê-su đã nhận thức rõ đến mức nào rằng sứ vụ của họ cũng bao gồm việc truyền giáo cho dân ngoại và những dân không phải Do-thái.
Đúng là có những đoạn trong các bộ Tin Mừng (chẳng hạn như đoạn Mát-thêu 28:18-20) thuật lại việc Đức Giê-su rõ ràng là sai các tông đồ tiên khởi hãy “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng các bộ Tin Mừng được viết ra vào khoảng từ ba mươi đến sáu mươi năm sau cái chết của Đức Giê-su, khi cuộc truyền giáo thành công cho dân ngoại đã là một sự kiện lịch sử xác thật.
Có vẻ có khả năng là dưới ánh sáng của sự hiểu biết hơn về chính mình của Giáo Hội, những mệnh lệnh của Đức Giê-su về việc thánh hóa dân ngoại đã được hình thành một cách rõ ràng hơn khi các bộ Tin Mừng được viết thành văn bản. Kết luận này là không thể tránh khỏi nếu đọc kỹ sách Công Vụ Tông Đồ.
Trong những năm khởi đầu, Giáo Hội Giê-ru-sa-lem không có vẻ gì là nhận biết bất cứ mệnh lệnh nào về việc truyền bá Tin Mừng ra khỏi phạm vi dân Do-thái. Các Ki-tô hữu thời đó tiếp tục giữ luật Do-thái và làm việc phụng tự trong các đền thờ.
Chỉ đến khi xảy ra việc tản mác của một số Ki-tô hữu ra khỏi Giê-ru-sa-lem do hậu quả của việc bắt đạo – khởi đầu từ việc giết hại ông Tê-pha-nô – thì mới dẫn đến việc lan rộng đức tin ra khỏi phạm vi Giê-ru-sa-lem và Giu-đê-a.
Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật những hoạt động truyền giáo của ông Phi-líp-phê (không phải ông Phi-líp-phê một trong số mười hai tông đồ tiên khởi) và việc ông Phê-rô rửa tội cho một quân nhân La-mã tên Co-nê-li-ô cùng gia quyến của ông ta.
Nhưng chính ông Phao-lô, do ý Thiên Chúa, mới là người có công nhiều nhất trong việc giúp Giáo Hội nhận ra rằng Giáo Hội phải là một gia đình có tính công giáo, phổ quát, chứ không phải chỉ là một đạo Do-thái cải tổ.
Xét về tiểu sử của ông Phao-lô, dĩ nhiên, ông đã được Thiên Chúa quan phòng chuẩn bị cho sứ mạng của ông. Ông lớn lên trong môi trường Hy-lạp và thông thạo tiếng Hy-lạp. Không một người nào trong số mười hai tông đồ tiên khởi có những đặc tính này. Tôi cũng xin nói thêm, vì cách mà bạn đặt câu hỏi của bạn, là thuật ngữ “tông đồ” trong Tân Ước đã được áp dụng rộng hơn là chỉ nói về mười hai tông đồ tiên khởi của Đức Giê-su mà thôi.
Câu hỏi #14:
Con có quyển Thánh Kinh Công Giáo Bản Mới (New Catholic Edition Bible), xuất bản năm 1962 do nhà xuất bản Catholic Book Publishing Company, New York. Xin Cha cho biết con có nên tiếp tục sử dụng quyển Thánh Kinh này hay không, hoặc nếu không thì có quyển Thánh Kinh nào mới hơn hay không, và con có thể mua quyển đó ở đâu.
Câu đáp:
Tôi không rõ quyển Thánh Kinh mà bạn có là bản dịch nào. Tôi đoán quyển New Catholic Bible xuất bản năm 1962 là bản dịch Thánh Kinh của Huynh Đoàn Hoa Kỳ. Bạn xem trong trang tựa của quyển sách sẽ có ghi chi tiết này.
Dĩ nhiên là có nhiều bản dịch Thánh Kinh Công Giáo mới hơn. Vào năm 1966, quyển Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem (Jerusalem Bible) đã được chuyển dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. (Gần đây hơn một bản hiệu đính mới của quyển Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem đã được xuất bản). Vào năm 1970 quyển Thánh Kinh Hoa Kỳ Mới (New American Bible) được xuất bản – đó là bản dịch Công Giáo trọn vẹn đầu tiên sang Anh Ngữ từ bản nguyên thủy tiếng Hy-lạp và tiếng Do-thái.
Cả hai quyển Thánh Kinh này đều đặc biệt có giá trị nhờ có nhiều phần phụ chú giải thích những lời hay những đoạn khó hiểu.
Thêm vào đó, chúng ta cũng có những phiên bản Công Giáo của các quyển Revised Standard Version và Today’s English Version (The Good News Bible) – hai quyển này đầu tiên được xuất bản do sự bảo trợ của phái Tin Lành. Quyển The Good News Bible là bản “tân thời” nhất trong số các bản dịch Thánh Kinh Anh Ngữ, xét về phương diện ngôn ngữ.
Không có bản nào trên đây bắt buộc bạn phải ngưng sử dụng quyển Thánh Kinh mà bạn đang có. Mặc dù những bản mà tôi nhắc đến có chất lượng cao hơn, nhưng bản của Huynh Đoàn Hoa Kỳ và thậm chí bản Douay cũ đều hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Có thể nếu được thì việc mua một trong những bản dịch mới kể trên cũng là điều nên làm, ngay cả chỉ nhằm mục đích so sánh bản mới với bản cũ của bạn. Việc so sánh như vậy giữa các bản dịch khác nhau là một công việc lý thú, và thường có thể giúp làm sáng tỏ ý nghĩa thật sự của một đoạn thánh kinh.
Các quyển Thánh Kinh trên đây có bán tại bất cứ một hiệu sách Công Giáo nào. Tôi đề nghị bạn hỏi cha xứ của bạn để biết nhà sách gần nhất nơi bạn cư ngụ
No comments:
Post a Comment