Chúa Nhật 21 Thường Niên Năm A
“Cho tôi hát cùng em, bài hát cũ”
Bài ngợi ca Thiên Chúa ở trên trời
Để tôi về cầu nguyện với Ngôi Hai
Cho ta sống một ngày như mấy kiếp.
(dẫn thơ Du Tử Lê)
Mt 16: 13-20
Sống một ngày hay mấy kiếp, nhà thi sĩ vẫn cứ ca lên, bài hát cũ. Bài hát, đầy ắp những ngợi khen Thiên Chúa. Ở trên cao. Ngợi khen, nào khác lời trình thuật của thánh Mát-thêu, ghi ở bản Kinh.
Trình thuật hôm nay, gợi nhớ nơi ta, lời thánh Mát-thêu ghi rõ về mối tương quan hài hoà Chúa vẫn có. Với môn đệ. Tương quan ấy, chứng tỏ đã có bước tiến đáng kể, trong hiểu biết quyền năng của Đức Chúa. Mãi tới hôm nay, môn đệ Chúa mới nhận rõ Đức Giê-su đích thực là Đấng nào.
Trình thuật đây, diễn tả niềm tin của Hội thánh thời tiên khởi. Không riêng gì tông đồ Chúa, vào buổi ấy. Với Tin Mừng Mác-cô, thánh nhân nhấn mạnh tầm hiểu biết hạn hẹp của tông đồ Chúa, về Thiên tính. Và về giáo huấn của Ngài. Với thánh sử, nhân vật đầu tiên được mô tả, là đã nhận biết Đức Kitô cách trọn vẹn, không ai khác ngoài anh quân nhân đang đứng gác, dưới chân thập tự (Mc 15: 39). Vào buổi ấy, tông đồ Chúa biến đi đâu, không thấy nói.
Trình thuật, nay khởi đầu bằng câu hỏi từ Đức Chúa: “Mọi người bảo Con Người là ai?” Ở đây, Đức Giê-su mặc khải Ngài chính là “Con-Người”. Ngài qui về Đấng Thiên Sai, có nói trong sách Đa-ni-en, thuở trước: “Với mây trời, như thể một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến…Ngài được ban tặng quyền bính, vinh quang, vương triều…Quyền bính của Người sẽ không bị huỷ.” (Đn 7: 13). Đáp lại, các tông đồ đã có lời nhận biết rõ:
*Ngài là Gio-an Tẩy Giả, bị Hêrôđê đem đi chém đầu,nay đà hồi hướng trở về..(Lc 9: 7)
*Ngài là Ê-li-a được trông ngóng, sẽ về lại mặt đất, có dấu ấn của Đấng Thiên Sai.
*Ngài là Giê-rê-mi-a, ngôn sứ bị bách hại và khổ đau, Đấng Thiên Sai chịu bài bác. Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ mỗi thánh Mát-thêu là nhắc đến lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Rõ ràng là, dân thường thời ấy coi Đức Giê-su như Vị Ngôn sứ, phát-ngôn-nhân của Thiên Chúa. Và, Ngài đích thực là thế.
Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, câu trả lời của thánh Phê-rô, ở đây, nói lên điểm cao trong quan hệ với Chúa Cha. Trả lời thế, tức là: các tông đồ nhận ra Thầy mình là Đấng Thiên Sai, mọi người trông. Thầy là Vua của người Do Thái, Đấng Được Xức Dầu. Tiếng Hy Lạp, Christos là cụm từ nói về Vị Thiên Sai, Đấng “Được Xức Dầu”. Xem như vậy, các tông đồ nay hiểu rõ vai trò Thiên Sứ của Thầy mình. Qua trình thuật, ta đều thấy các thánh cũng phải mất một thời gian, mới nhận biết Thiên tính của Thầy.
Này Si-môn, anh có phúc vì không phải thịt/máu đã mặc khải cho anh, mà Cha Thầy.. chính niềm tin nơi đây đã giúp thánh Phê-rô nhận biết Chúa. Bởi, muốn nhận biết Vua-Cứu Thế, cần có niềm tin vững mạnh, mới xác tín được rằng Vị Ngôn Sứ đang đứng trước mặt mình, khác hẳn ảnh hình mà người Do Thái, đang ngóng chờ. Nhờ có ánh sáng của Thiên Chúa soi rọi, Phê-rô thánh-nhân mới nhận biết Ngài.
Dù như thế, Phê-rô và các thánh, đã phải mất nhiều tháng ngày, mới nhận biết Chúa. Về điểm này, có thể nói: Hội thánh hôm nay cũng cùng vị thế, giống như vậy. Từ lâu, có lẽ ta đều biết rõ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Là, Chúa của ta. Nhưng phải mất khá lâu, ta mới hiểu thấu đáo Thiên Tính của Ngài. Và, phải mất rất nhiều năm tháng, ta mới dấn bước theo chân Chúa, cách trọn vẹn.
Nay, Chúa khẳng định: Anh là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy. Tiếng Hy Lạp “Petros” là Phê-rô và “Petra” là Đá. Trong khi đó, ngôn ngữ Aram là tiếng mà Đức Giê-su và các tông đồ sử dụng, hai từ này được diễn tả bằng cụm từ “kepa”. Chính vì thế, ta thấy ở một số thư của các thánh các ngài sử dụng cụm từ kê-pha để đặt tên cho Phê-rô thánh nhân (Ga 2: 11)
Kê-pha hay Phê-rô, cũng vẫn là Đá. Tức, đá tảng làm nền cho cộng đoàn Hội thánh có Danh xưng và quyền uy của Đức Chúa. Với thế giới. Nơi Ngài, có môn đệ và các kẻ tin đồng hành. Đồng hành, và chuyển tải đời sống cũng như thông điệp của Chúa, qua tư cách thành viên cộng đoàn Hội thánh, “ekklesia”. Ở Tin Mừng Nhất Lãm, cụm từ “cộng đoàn Hội thánh” (tức ekklesia) chỉ thấy có ở đây và duy nhất trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu đoạn 18 - câu 17, mà thôi.
Thầy sẽ xây dựng Hội thánh của Thầy là bằng chứng Chúa thiết lập cộng đoàn Hội Thánh ekklesia trên Đá Tảng làm nền, là Kê-pha. Thầy còn hứa, phú ban cho cộng đoàn Hội thánh, sức sống mãnh liệt nhằm chống trả ảnh hưởng của mọi xấu xa/sự dữ. Lời hứa này, Chúa vẫn giữ hơn 20 thế kỷ, mãi đến nay. Và, bằng chứng đầy uy lực dũng mãnh, vẫn thấy có từ Sự Thật và Tình Thương, Ngài trao ban. Được Ngài hứa, ta còn sợ gì.
Thầy trao cho anh chìa khoá Nước Trời, ở đây có nghĩa: trách nhiệm và cương vị của người cai quản cộng đoàn Hội thánh, nay quyết trao cho Phê-rô thánh-nhân. Giáo hội Chúa, không đơn giản là Nước Trời, mà thôi. Nhưng Hội thánh, còn sở hữu chìa khoá, theo nghĩa có đủ quyền lực, đủ tư cách để tiếp cận, ngõ hầu dựng xây Vương Quốc của Đức Chúa, ở trần gian.
Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, thì cũng sẽ cầm buộc như thế, ở trên trời. Với thánh Mát-thêu, “Trời” đây chính là Đức Chúa. Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng là viết cho cộng đoàn người Do Thái, vốn là những người không muốn thánh-nhân sử dụng cụm từ “Thiên Chúa”, để nói về Chúa. Và, quyền cai quản Nước Trời, là quyền Chúa trao ban cho Hội thánh, qua Đức Giê-su. Ngài trao ban, trước khi rời cộng đoàn dân con của Ngài, để về cùng Cha.
Từ nay, những gì Hội thánh quyết đoán dưới sự chỉ đạo của thánh Phê-rô và các Tông đồ, đều được Chúa chấp thuận. Được như thế, là vì Hội thánh Chúa được Cha gửi Thần Khí Ngài đến, như Vị Thầy. Và Ngài gửi Đấng Bảo Vệ đến, là để ở với cộng đoàn. Qua Thần Khí, Đức Giê-su sẽ ở lại với Hội thánh, mọi ngày cho đến giây phút cùng tận, ở dưới đất. Xem như thế, Hội thánh là Thân Mình Đức Kitô. Bởi thế nên, mỗi khi Hội thánh phán quyết điều gì, vẫn là phán quyết ấy qua tư cách của Tổng Thể Thân Mình Ngài, tức: Đức Kitô.
Cương vị lãnh đạo của Phê-rô thánh-nhân và các vị kế nhiệm, không là áp đặt mang tính cách cưỡng ép. Cũng chẳng là quyền bính chính trị. Nhưng rõ ràng, là mẫu gương phục vụ. Bao lâu, niềm tin - yêu và hy vọng vẫn vững mạnh trong cộng đoàn Hội thánh, thì cương vị này còn tồn tại. Và triển nở. Ở đây, không còn vấn đề đòi ta phải hoàn toàn tuân phục hoặc không được cật vấn, như nghị định ban hành từ cơ chế nào đó, có ở trần gian. Quyền bính và uy lực, nay được ban từ cơ quan tư lệnh đầu não, rất phàm trần. Là, quyền uy đích thực, không nghi vấn.
Ngày nay, Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm đầy quyền bính, của thánh Phê-rô. Đức Thánh cha san sẻ cùng một quyền bính như quà tặng lãnh đạo, do Chúa ban. Lãnh đạo bằng phục vụ. Lãnh đạo trong khiêm tốn. Từ lâu, các Đức Giáo hoàng vẫn tự gọi là Người tôi mọi của mọi tôi tớ của Đức Chúa. Tức, Đức Giáo hoàng không là nhà độc tài toàn trị, như đôi lúc đã từng xảy ra, trong quá khứ. Ngài bị hạn chế, do bởi niềm tin của toàn thể Giáo Hội. Ngài không sáng tạo niềm tin. Ngài không xác quyết ta phải tin như thế nào. Đúng ra, ngài là vị đứng đầu, thông truyền niềm tin cho cộng đoàn Hội thánh. Giáo hoàng, là tụ điểm của một kết-đoàn đầy niềm-tin. Là, hiệp thông trong Thánh Thần. Đức Giáo hoàng, là tôi mọi của cộng đoàn nay liên kết với nhau, trong niềm tin.
Giáo hội hôm nay, đang có dấu hiệu xung đột về thần học và tu đức. Chưa bao giờ, Giáo hội cần đến kết hợp. Tập trung, Giáo hội không đòi phải đồng dạng cùng một kiểu. Nhưng, cần có sự hiệp nhất các tín hữu. Như Phao-lô thánh-nhân đã từng nói: “Chỉ có một thân mình, một Thần Khí... Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người. Qua mọi người. Và, trong mọi người.” (Ep 4: 4-6). Đây là điều, mà các người anh người chị bên Anh giáo và giáo phái Lu-ther vẫn bận tâm. Đây còn là, sự quan tâm rất mực, mà các người anh người chị của ta ở Trung quốc, đã từng trải với cách ly. Phân tán.
Đức Giáo Hoàng là điểm đồng qui, của mọi thành phần. Khi tìm sự cảm thông với những gì đem đến cho ta ý nghĩa của người đồ đệ dõi bước theo chân Đức Kitô, ở thế giới không ngừng đổi thay, ta cũng nên tìm đến với Đức Giáo hoàng như nhân vật cần đến với ngài, để hội ý. Ngài là mục tử gìn giữ tình thân giữa các tín hữu, ở khắp nơi. Bởi thế nên, đừng làm tắt ngúm mọi ơn lành của Thánh Thần Chúa đang giúp ta sống Tin Mừng. Sống niềm tin, trong bối cảnh to lớn, đầy khác biệt. Khác lập trường. Nhưng, giống niềm tin.
Bởi, chúng ta đều cùng một Hội thánh, có giáo hội địa phương. Bởi, nơi Hội thánh của địa phương ta sống, điều cần quan tâm hơn cả chính là sống và lưu lại trong hiệp nhất với người anh em đồ đệ, ở khắp nơi, vượt qua khỏi mọi ranh giới. Cách chia. Đồng thời, cùng sống đời tín hữu theo cách thế có hiệu năng. Có sinh khí. Cách thế hữu hiệu, đầy sinh khí sẽ đem tinh thần Vương Quốc Nước Trời đến với mọi người. Đến, vào buổi nhiễu nhương. Thử thách.
Trong quan tâm bức xúc, ta cứ hân hoan hy vọng. Cứ hát lên lời ca đầy phấn khởi, rằng:
“Rồi mai, có một lần tôi đưa em,về trên đỉnh yên bình, hiền hoà
một mùa xuân lên cao, hôn lên làn tóc xoã, theo mây trôi bềnh bồng.”
(Từ Công Phụng – Mùa xuân trên đỉnh bình yên)
Đỉnh yên bình hiền hoà ấy, luôn có mặt Hội thánh Chúa. Hội thánh đa dạng, nhưng hiệp nhất. Vẫn cùng anh cùng chị và cùng em“ ta sẽ hát bài ngợi khen Chúa ở trên cao”. Vẫn “nguyện cầu với Ngôi Hai”. Cầu và nguyện cho sự hiệp nhất. Ở khắp nơi. Trong Chúa.
No comments:
Post a Comment